Đức hạnh người phụ nữ: Vợ của Lạc Dương Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời Đông Hán có một người phụ nữ rất nổi tiếng nhưng không rõ danh tính. Bởi vì khi cô ấy trở nên nổi tiếng thì cô đã không còn tại thế, vậy nên người ta gọi cô là vợ Lạc Dương Tử.

Đã là vợ của Lạc Dương Tử thì người chồng của cô ấy không cần hỏi cũng biết rằng chính là Lạc Dương Tử, họ Lạc tên Dương và anh còn được gọi với cái tên là “Tử" để thể hiện sự tôn trọng cung kính, cũng như Lão Tử, Khổng Tử, Quản Tử, Trang Tử , Mặc Tử,... đều được người đời rất kính trọng, ý nghĩa như gọi là “ngài" vậy.

Một ngày nọ Dương Tử khi đi trên đường, anh bất giác nhìn thấy có một thỏi vàng bị đánh rơi dưới đất và anh đã nhặt nó lên... sau khi trở về nhà Dương Tử đã đưa lại cho vợ.

Không ngờ, vợ Dương Tử nhất quyết không nhận và nói với anh rằng: “Thiếp được biết rằng những người có khí tiết, có chí hướng thì họ sẽ không ‘uống nước đạo tuyền’, người liêm khiết, chính trực sẽ không nhận đồ bố thí, đừng nói đến việc nhặt được đồ của người khác đánh rơi rồi mang về nhà. Chỉ vì mưu cầu một chút lợi ích mà làm dơ bẩn nhân cách của bản thân!”

Người có chí hướng tại sao lại không uống nước đạo tuyền? Chuyện kể rằng có một lần Khổng Tử và học trò của ông đều rất khát nước, khi đi qua cái giếng có tên là “đạo tuyền", họ được biết rằng tên gọi của giếng này khiến cho người ta rất khó chịu nên họ thà khát khô họng cũng không uống lấy một ngụm nước giếng. Đây chính là tiết tháo của những bậc quân tử luôn tuân theo. Sau này nó được sử dụng để thể hiện phẩm chất cao quý của việc kiên trì giữ vững đạo đức.

Chân dung Khổng Tử
Chân dung Khổng Tử. (Ảnh: Wikipedia)

Tại sao người chính trực không nhận của bố thí? Thời Xuân Thu, năm nọ nước Tề gặp đại họa, có một người rất giàu có tên là Kiềm Ngao, anh ta đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn để bố thí cho những người dân gặp nạn ở bên đường. Kiềm Ngao nhìn thấy một người ăn mặc rách rưới, chân đi giày rơm, bước từng bước loạng choạng đi tới, Kiềm Ngao tay phải cầm thức ăn, tay trái cầm nước uống, anh ta gọi người kia với một thái độ ngạo mạn: “Này, đến ăn đi". Người kia liền đáp lại: “Chính vì tôi không bao giờ nhận những đồ bố thí nên mới đói như thế này”, nói xong người đó liền quay đầu rời đi mất.

Lạc Dương sau khi nghe xong câu chuyện thì vô cùng xấu hổ, anh ấy đã mang số vàng mình nhặt được bỏ lại chỗ cũ, sau đó gói ghém hành trang rồi đi học ở một nơi xa.

Sau một năm đi học quay trở về quê nhà. Vợ Lạc Dương quỳ xuống lễ phép rồi nghiêm túc hỏi người chồng đã bỏ lỡ dở việc học của mình rằng: “Chàng mới đi một năm đã quay về nhà, có chuyện gì xảy ra hay sao?”

Lạc Dương nói: “Ta đi xa một thời gian dài, trong lòng rất nhớ quê nhà, chỉ vậy chứ không có lý do nào khác”.

Vợ Lạc Dương sau khi nghe xong, cô liền đứng dậy đi lấy một con dao rồi tiến nhanh về phía khung cửi mà ngày ngày cô làm việc rồi nói với chồng rằng: “Sản phẩm tơ lụa được dệt từ các sợi tơ này đều được rút ra từ trong kén tằm, sau đó lại được dệt từng sợi một trên khung cửi thành lụa. Nó tích lũy từng chút một mới dần dần được một tấc rồi lại tích lũy từng tấc, từng tấc, cuối cùng có được cuộn lụa dài một trượng. Nếu bây giờ chúng ta cắt đứt sợi tơ trên khung dệt này thì sẽ không thể tạo thành cuộn vải được và sẽ rất lãng phí thời gian. Phu quân, đối với việc đi học chàng cũng nên làm tương tự như vậy, mỗi ngày hãy học thêm một vài điều mà bản thân chưa biết, dần dần nó sẽ trở thành một đức tính tốt, nếu như bỏ học giữa chừng thì chẳng khác nào việc cắt đứt sợi tơ này trên khung dệt”.

Nếu bây giờ chúng ta cắt đứt sợi tơ trên khung dệt này thì sẽ không thể tạo thành cuộn vải được và sẽ rất lãng phí thời gian. Phu quân, đối với việc đi học chàng cũng nên làm tương tự như vậy,
Nếu bây giờ chúng ta cắt đứt sợi tơ trên khung dệt này thì sẽ không thể tạo thành cuộn vải được và sẽ rất lãng phí thời gian. Phu quân, đối với việc đi học chàng cũng nên làm tương tự như vậy. (Ảnh: miền công cộng)

Lạc Dương lại vô cùng xấu hổ, anh lại một lần nữa rời quê nhà để tiếp tục sự nghiệp học hành của mình, lần đi này kéo dài bảy năm và anh đã không quay về giữa chừng.

Trong khoảng thời gian đó, vợ của Lạc Dương và mẹ chồng sống cùng nhau. Ngày nọ, trong bữa cơm nhà cô dọn ra rất nhiều món ngon, trên bàn là một con gà, thì ra do nhà hàng xóm đã không trông coi kỹ gà nhà mình nên nó đã đi vào trong sân của gia đình họ Lạc và bị mẹ chồng cô bắt lại. Bà trộm thịt con gà không mời mà đến đó, nấu thành những món ăn ngon để cùng thưởng thức với con dâu.

Đến bữa ăn, vợ Lạc Dương không ăn cơm, cô chỉ ngồi rơi lệ trước đĩa thịt gà mĩ vị đó, mẹ chồng liền hỏi cô ấy lý do tại sao, cô ấy trả lời: “Con chỉ cảm thấy đau lòng vì nhà mình quá nghèo khổ, đến nỗi chỉ có thể ăn thịt gà của nhà người khác". Mẹ chồng cô ấy nghe xong vô cùng xấu hổ, lập tức đem con gà đó bỏ đi và không ăn nữa.

Lạc Dương sau khi học xong trở về nhà, anh đã không còn được nhìn thấy vợ của mình nữa.

Khi Lạc Dương không ở nhà, ngày nọ có tên trộm đột nhập vào nhà và muốn làm hại vợ anh, hắn ta trước tiên uy hiếp mẹ chồng của cô, ép cô phải ngoan ngoãn nghe lời, nhưng vợ của Lạc Dương đã không nghe theo và cô ấy đã cắt cổ tự sát. Tên trộm nhìn thấy án mạng xảy ra liền thả bà mẹ chồng rồi tẩu thoát vào rừng. Cuối cùng vụ án cũng được làm rõ, tên trộm đã bị quy án. Quan phủ đã tổ chức tang lễ cho người vợ của Lạc Dương và ban tặng danh hiệu “trinh nghĩa" cho cô ấy.

Vợ của Lạc Dương là một dân nữ bình thường, tuy nhiên vì đức hạnh cao thượng mà cô đã trở thành một người vợ nổi tiếng, khiến người đời sau không ngớt lời cảm thán, người Trung Hoa xưa cho rằng đức hạnh của người phụ nữ tựa như trời đất, nó có thể nuôi dưỡng vạn vật.

Anh Kỳ

Theo: Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Đức hạnh người phụ nữ: Vợ của Lạc Dương Tử