Đông Chu Liệt Quốc: Câu chuyện 300 dã nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đông Chu Liệt Quốc là tiểu thuyết lịch sử của tài tử đời Minh - Phùng Mộng Long, đã khắc họa hàng trăm hàng nghìn nhân vật lịch sử. Tuy nhiên cũng có những bậc anh hùng trọng tín nghĩa, lập đại công mà không làm quan, không nhận thưởng, cũng không để lại tên tuổi, mãi mãi vẫn là những dũng sĩ vô danh.

Thời Xuân Thu, Tần Mục Công giúp đỡ Tấn Huệ Công trở về nước Tấn lên ngôi, Tấn Huệ Công hứa trao 5 thành trì cho Tần để trả ơn, nhưng sau khi lên ngôi thì hối hận, đã không trao thành. Sau đó nước Tấn bị đại hạn, lương thực thất thu, Tấn Huệ Công cầu xin nước Tần cứu giúp lương thực, các quan nước Thần bàn tán, ý kiến không thống nhất. Tần Mục Công nói: "Kẻ phụ bạc ta chính là vua Tấn, hiện nay người chịu đói là người dân nước Tấn. Ta không nhẫn tâm vì duyên cớ vua Tấn mà khiến người dân nước Tấn chịu tai họa".

Thế là vua Tần chuyển lương thực tặng nước Tấn, hóa giải tai họa thiên tai của nước Tấn. Nhưng năm sau nước Tần bị thiên tai, cầu xin nước Tấn cứu trợ thì Tấn Huệ Công cự tuyệt, quần thần nước Tấn còn nhục mạ sứ giả nước Tần. Tần Mục Công vì vậy đã xuất quân tấn công nước Tấn.

Khi đó binh lực nước Tấn so với nước Tần chỉ có hơn chứ không hề kém cạnh, nước Tấn có danh xưng là Thiên thặng chi quốc (nước có ngàn cỗ xe chiến xa). Nước Tấn đã điều 600 cỗ xe chiến xa bọc giáp nghênh chiến nước Tần. Tần Mục Công dàn trận đối đầu dưới chân núi Long Môn. Trong lúc hỗn chiến, hai viên tướng nước Tấn đã trảm được viên tướng trung quân nước Tần rồi nhằm thẳng đến Tần Mục Công mà xông đến. Tần Mục Công đang than thở mình sắp trở thành tù binh của nước Tấn vô Đạo, thế thì Đạo Trời ở đâu? Bỗng nhiên từ phía chính Tây có một đội dũng sĩ dũng mãnh xông đến.

Nước Tấn đã điều 600 cỗ xe chiến xa bọc giáp nghênh chiến nước Tần. Tần Mục Công dàn trận đối đầu dưới chân núi Long Môn.
Nước Tấn đã điều 600 cỗ xe chiến xa bọc giáp nghênh chiến nước Tần. Tần Mục Công dàn trận đối đầu dưới chân núi Long Môn. (Ảnh minh hoạ qua longtengnanyang.com)

Đội quân dũng mãnh này khoảng 300 người, đi giày cỏ, đầu tóc bù xù, mặt mũi nhếch nhác, mặc áo hở vai, tay cầm đại đao, lưng đeo cung tên, chạy cực nhanh, và vô cùng hung hãn. Họ xông đến đâu thì quân Tấn ở đó bị chém gục tan tác. Trong chốc lát, tình thế chiến trường đã hoàn toàn đảo ngược, quân Tấn đại loạn. Quân Tấn đang lúc hoảng loạn thì một viên tướng nước Tấn đến báo tin: "Chúa công (Tấn Huệ Công) bị rơi xuống đầm lầy dưới chân núi Long Môn, hãy mau cứu giá".

Hai viên tướng nước Tấn đang xông đến tấn công Tần Mục Công vội vàng quay lại đi cứu Tấn Huệ Công, quân Tấn rối loạn.

Tần Mục Công thoát khỏi kiếp nạn này, quân Tần thừa thế truy kích, đánh bại quân Tấn. Tấn Huệ Công và rất nhiều tướng lĩnh bị bắt làm tù binh, 600 cỗ chiến xa bọc giáp chỉ còn lại 2, 3 phần, quân Tần đại thắng. Tần Mục Công trở về doanh trại, 300 dũng sĩ kia đến trước trướng khấu đầu. Tần Mục Công hỏi: "Các ngươi là ai, tại sao liều mạng bảo hộ quả nhân như thế này?"

Viên dũng sĩ đứng đầu trả lời rằng: "Chúa công không nhớ chuyện ngài bị mất ngựa quý năm xưa đó sao? Chúng tôi chính là những người đã ăn thịt ngựa quý của chúa công".

Thì ra là chuyện năm xưa Tần Mục Công đến núi Lương Sơn săn bắn, vào một buổi tối, mấy con tuấn mã của vua bị mất. Thuộc hạ đi theo dấu vết đến chân núi Kỳ Sơn, thấy một đám người hoang dã đang chia nhau thịt ngựa, ăn uống rất ngon lành. Thuộc hạ không dám kinh động đám người hoang dã này, bèn trở về bẩm báo với Tần Mục Công, thỉnh cầu dẫn quân đánh đám dã nhân này.

Tần Mục Công than rằng: "Ngựa đã chết rồi, vì thế mà lại giết người thì bách tính sẽ nói quả nhân coi trọng con vật mà coi thường nhân mạng".

Thế là Tần Mục Công sai thuộc hạ khiêng mấy chục vò rượu đến ban cho đám dã nhân đó, nói với họ rằng: "Ăn thịt tuấn mã mà không uống rượu sẽ tổn thương đến thân thể, chỗ rượu ngon này là chúa công ban cho các ngươi".

Đám người hoang dã đó tạ ơn, uống rượu, và cảm thán rằng: "Chúng tôi đã trộm ngựa để ăn thịt, chúa công không những không trách tội chúng tôi, còn lo lắng chúng tôi bị tổn thương thân thể, ban cho chúng tôi rượu ngon. Ân tình này chúng tôi phải báo đáp thế nào đây".

Thế nên khi nghe tin Tần Mục Công xuất quân đánh nước Tấn, họ bèn dũng mãnh chạy đến tương trợ, vừa may đúng lúc Tần Mục Công đang bị nguy khốn, đã giải vây cho vua Tần, và cũng hoàn thành tâm nguyện báo ân của họ.

Thế nên khi nghe tin Tần Mục Công xuất quân đánh nước Tấn, họ bèn dũng mãnh chạy đến tương trợ
Thế nên khi nghe tin Tần Mục Công xuất quân đánh nước Tấn, họ bèn dũng mãnh chạy đến tương trợ. (Ảnh minh hoạ qua Secretchina.com)

Tần Mục Công cảm động vì nghĩa cử của họ, hỏi những người hoang dã này rằng: "Các ngươi có muốn làm quan không? Quả nhân sẽ phong tước và thưởng vàng cho các ngươi".

Đám dã nhân kia đồng thanh trả lời: "Chúng tôi vốn là người hoang dã sống trong núi, chỉ vì báo đáp ân huệ của ngài nên mới đến, chứ không muốn làm quan".

Tần Mục Công muốn thưởng vàng cho họ, họ đều từ chối không nhận, sau đó cáo từ rồi ra đi.

Những người hoang dã này, trong sử sách ngay cả họ tên cũng không lưu lại, nhưng lại khiến một kẻ làm vua cảm thấy vô cùng thấp kém. Tấn Hiến Công thân làm vua một nước mà lại không có phẩm cách của người quân tử, không bằng những người sống hoang dã trong núi về việc thành tín và trọng ân nghĩa. Còn Tần Mục Công là người có đạo nghĩa nên thường được trợ giúp bất ngờ, đó cũng là trồng nhân thiện nên được quả thiện. Có thể thấy Đạo Trời luôn trợ giúp người thiện lương có đạo đức.

Trung Hòa

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đông Chu Liệt Quốc: Câu chuyện 300 dã nhân