Điều gì sẽ cứu rỗi con người sau biến cố lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liệu tà có thể thắng Chính? Ác có thể thắng Thiện? Làm thế nào để người ta không rơi vào tuyệt vọng sau những biến cố trọng đại của con người?

Những câu chuyện về đức tin trong Kinh Thánh

“Phúc cho ai không thấy mà tin” là một câu mà Chúa Jesus đã nói với Thánh Tông đồ Thomas - một người vẫn thường được gọi là “Cha của những kẻ cứng lòng tin”. Dù Thomas đã được chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Jesus trong 3,5 năm đi theo Ngài, nhưng ông vẫn hết sức nghi ngờ khi nghe về câu chuyện Chúa Jesus đã phục sinh và dùng bữa với các giáo đồ khác. Ông muốn tận mắt nhìn thấy việc đó vì chính ông đã chứng kiến Chúa Jesus bị hành hình đến chết trên cây thập tự. Cuối cùng, ông đã gặp được đức Jesus bằng xương bằng thịt, nhận được lời giáo huấn của Ngài và nhờ đó lưu lại một bài học sâu sắc cho muôn đời sau.

Đức Jesus không trách mắng Thomas đã thiếu đức tin và đó cũng không phải việc của chúng ta. Mặt khác, trong những phút yếu lòng hay khi tuyệt vọng, chúng ta cũng có thể là những Thomas. Bởi vậy, đức tin của chúng ta sẽ có lúc phải chịu thử thách.

Có lẽ chưa có ai phải chịu thử thách lớn về đức tin như Abraham - ông tổ của cả người Do Thái lẫn người Ả Rập.

Ở tuổi gần một trăm, Abraham được Thiên Chúa hứa ban cho một đứa con trai với Sarah, người vợ đã chín mươi tuổi của ông. Sarah nghe trộm được lời hứa ấy và bà cười thầm bởi Thiên Chúa đã từng nói đến điều đó trước đây mà chưa thành hiện thực. Nhưng giờ đây, cả hai ông bà đã như cành khô lá úa, lấy đâu ra sinh lực để sinh nở. Đó quả là một điều phi thực tế theo logic thông thường.

Thiên Chúa hiểu nỗi nghi ngờ ấy, nên Ngài không quở phạt Sarah, nhưng đứa trẻ ra đời lúc nào mới phù hợp, đó là quyết định của Thiên Chúa, không phải là điều hợp lý theo quan niệm của hai vợ chồng bà. Và sau đó một năm, y như lời Ngài, một đứa trẻ đẹp đẽ khỏe mạnh đã được sinh ra từ cặp đôi già nua đó. Họ đặt tên nó là Isaac.

Như một đứa con cầu tự, Isaac được cha mẹ già của mình yêu thương hết mực dù Isaac không phải là người con duy nhất của Abraham. Ông còn có một người con lớn hơn là Ishmael - kẻ sau này là ông tổ của người Ả Rập. Nhưng Thiên Chúa đã hứa với ông rằng, qua Isaac, Ngài sẽ khiến tên của Abraham - có nghĩa là “người cha của hằng hà sa số” (được Thiên Chúa đổi từ Apram) được lưu truyền mãi mãi. Và dòng giống của Isaac (là những người Do Thái sau này) sẽ được Ngài chúc phúc trở nên một dân tộc vĩ đại.

Nhưng Abraham vẫn phải được thử thách đức tin thêm lần nữa trước khi được ban cho món quà vô giá đó.

Thiên Chúa yêu thương và an bài những điều tốt đẹp nhất cho con dân của Ngài kể từ khi Ngài sáng tạo ra Adam và Eva. Nhưng Ngài cũng đòi hỏi họ phải sẵn sàng dâng hiến mọi sự, thậm chí cả mạng sống của họ cho Ngài dù Ngài không khi nào cần đến nó. Tuy vậy, đó là bằng chứng của đức tin và sự xứng đáng với tình yêu và phúc lành mà Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng ngược lại, Ngài cũng dạy rằng người ta không được làm đổ máu người khác. Khi dâng hiến lễ vật thiêu cho Ngài, chỉ dùng con vật là đủ, dùng một mạng người là sai trái.

Vậy mà hôm đó, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Abraham hãy mang con trai Isaac mà ông yêu thương nhất lên núi, dùng cậu làm vật hiến tế cho Thiên Chúa.

"Vì khi mệnh lệnh ban ra cùng với tiếng gọi của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời vang lên thì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống, bấy giờ những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết".
"Thiên Chúa ra lệnh cho Abraham hãy mang con trai Isaac lên núi để hiến tế". (Pixabay)

Abraham lập tức vâng lời mà không hề thắc mắc, nếu có chăng chỉ là ông tự hỏi làm sao Thiên Chúa có thể thực hiện lời hứa của Ngài rằng dòng giống của ông qua Isaac sẽ trở nên vĩ đại và được chúc lành. Và vì Abraham tin yêu vâng lời Chúa nên cậu bé khôi ngô Isaac cũng yêu thương và tuyệt đối tin tưởng cha mình. Cậu đi theo cha, trên tay mang bó củi lát nữa sẽ thiêu mình. Cậu có chút thắc mắc rằng sao không thấy vật tế thì cha cậu bảo Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn rồi. Vậy là đủ cho lòng tin của cậu. Thậm chí, khi cha tiến đến trói tay chân mình và đặt cậu lên tế đàn, cậu vẫn nằm im không phản kháng vì cậu tuyệt đối tin rằng cha đang làm điều tốt.

Abraham đang chuẩn bị kết thúc tính mạng đứa trẻ thì Thiên Chúa ra lệnh cho ông dừng tay và hóa phép ra một con cừu đực để thay thế cho Isaac. Như vậy là đức tin của Abraham đã được chứng giám, cha con ông xứng đáng với diễm phúc mà Thiên Chúa sẽ an bài cho họ. Hai người trở về nhà, lòng thơ thới hân hoan sau khi đã vượt qua một thử thách khủng khiếp như thế.

Suy ngẫm về niềm tin của con người sau những biến cố

Giống như Thomas hay Sarah, con người chúng ta dù đã được chứng kiến những kỳ tích nhưng vẫn luôn yêu cầu bằng chứng để có cơ sở của lòng tin.

Những kỳ tích này cũng phải lặp đi lặp lại thường xuyên vì trí nhớ của con người nói chung là ngắn hạn và những ấn tượng cảm xúc dù có nhất thời choáng ngợp cũng sẽ bị thời gian làm cho phai mờ.

Và nó cũng cần phải được thực hiện không chậm trễ, cũng như tuân theo logic suy luận của loài người thì mới thuyết phục được lòng tin ngắn hạn của chúng ta.

Bởi vậy, một biến cố lịch sử, một sự kiện trọng đại lẽ ra đã phải xảy ra mà cuối cùng không tới như chúng ta kỳ vọng, sẽ tác động ghê gớm đến lòng tin và cách chúng ta nhìn nhận sự việc về sau này.

Có người mất lòng tin vào những người trong cuộc. Nhưng chúng ta rốt lại vẫn là những người ngoài cuộc, không đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ những việc đã xảy ra. Dân gian có câu nói: “cờ ngoài bài trong” là có ý ấy. Thi hào Nguyễn Du lại từng viết trong Truyện Kiều rằng: “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Muốn hiểu cho thấu đáo một “đại sự” nhưng không có sự trực tiếp trải nghiệm như của người trong cuộc thì cũng không hề đơn giản.

Nhưng mất lòng tin vào con người vẫn còn thông cảm được. Mất lòng tin vào Thần đã tai hại hơn, phản Thần lại càng nghiêm trọng.

Có người khi niềm tin bị đổ vỡ, sinh ra oán Trời trách Đất, thậm chí cho rằng: “Trời cao không có mắt, sao nỡ vùi dập cái Thiện, để cái ác lên ngôi?”

Có người còn cực đoan hơn, phủ nhận cả Thần Phật, khẳng định quy luật mạnh nhất là “mạnh được yếu thua”, chứ không phải “Nhân - Quả” hay “Thiện ác hữu báo”. Họ cho rằng trên đời này không phân biệt Thiện - ác, Chính - tà, vì căn bản là công lý không hề tồn tại. Rồi từ đó họ thay đổi hẳn thế giới quan, thậm chí ngả theo tà ác để không còn phải chịu thiệt thòi khi làm một người chính trực. Nhưng "Nhân - Quả" hay "Thiện ác hữu báo" luôn tự vận hành như một quy luật bất di bất dịch của vũ trụ đối với cả người tin và người không tin vào nó. "Ngày tàn của bạo chúa" là có thật.

Ấy là sự khủng hoảng lòng tin và hậu quả của nó. Mà lẽ ra, đó là một cơ hội để rèn giũa đức tin. Để làm gì vậy?

Đức tin mới cứu rỗi con người

Theo suy luận thông thường, một người thường đã bị hành hình đến chết trên cây thập giá sẽ không thể cải tử hoàn sinh; cũng như một lão bà hom hem chẳng thể còn khả năng sinh nở. Vậy nên Thomas không tin đức Jesus sẽ phục sinh hay Sarah chẳng ngờ Thiên Chúa sẽ ban cho vợ chồng bà một đứa con đẻ.

Nhưng Thần chẳng phải người thường mà là sinh mệnh vượt trội. Thần cũng không suy luận như con người và các Ngài làm mọi việc dựa trên những lý lẽ hoàn thiện và thấu đáo nhiều bề mà con người không thể nào đạt được.

Người không tin vào Thần sẽ không tin có sự an bài từ sinh mệnh cao cấp hơn mình, không tin rằng những sự an bài đó là căn cứ theo “lý Nhân - Quả” hay quy luật “Thiện ác hữu báo” của vũ trụ. Họ đặt lòng tin vào pháp luật, nhưng pháp luật cũng đến lúc suy đồi. Họ đặt lòng tin vào cá nhân, nhưng cá nhân cũng có khi bất lực hay phản trắc. Họ đặt lòng tin vào sức mạnh của tiền bạc, nhưng chẳng phải có kẻ từng nói “những gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền" hay sao? Vậy bao nhiêu tiền mới đủ cho lòng tự tin?

Nếu đứng trên cơ sở ấy, người ta sẽ dễ dàng đánh mất lòng tin của mình, thậm chí có thể sa ngã trước hiện thực tàn khốc. Và cũng khó có thể lý giải được đức tin của người có tín ngưỡng - như Abraham chẳng hạn.

Một người như Abraham có lẽ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình nếu Chúa yêu cầu. Nhưng đây lại là tính mạng của con trai ông, người con ông yêu hơn cả bản thân mình. Độ khó đã tăng lên. Việc này lại phải do chính tay ông thực hiện. Khó lại càng khó. Vả lại, dường như theo logic thông thường, chính Thiên Chúa đang tự mâu thuẫn với mình khi một mặt Ngài yêu cầu con người không được làm đổ máu người khác, mặt khác Ngài lại ra lệnh cho Abraham hiến tế một con người. Một mặt Ngài hứa sẽ ban phúc lành cho Abraham và khiến dòng giống của ông trở nên một dân tộc vĩ đại qua Isaac, mặt khác Ngài lại lấy tính mạng của Isaac. Abraham được đưa vào tình thế cực kỳ khó khăn và mâu thuẫn. Độ khó càng tăng, đức tin của Abraham càng lớn.

Nhưng là một người có đức tin mạnh mẽ, Abraham hiểu rằng Thiên Chúa hay Thần mới là những vị an bài tất cả, đồng thời các vị hành động vượt qua cái lý lẽ thông thường của con người. Việc của người có đức tin không phải là mang những logic ở cõi người để phán xét các vị Thần mà là thừa nhận các vị ấy như những sinh mệnh cao thượng vượt trội biết làm thế nào thì tốt nhất. Thành thử, bổn phận của con người là phải sống theo đạo đức, sống chính trực một cách vô điều kiện, còn việc an bài sao cho tốt nhất là trách nhiệm của các Chính Thần, không phải là việc mà sức người cưỡng cầu mà được.

Tuy thế, người có đức tin vẫn nỗ lực trong mọi việc, không buông xuôi, không phó mặc, nhưng có thể lý giải nguyên nhân gốc rễ của thành công và thất bại, từ đó có thể sống ung dung trong mọi hoàn cảnh.

Người có đức tin cũng không dễ dàng bỏ cuộc dù bị áp bức tàn khốc; như các Cơ Đốc nhân trong ba trăm năm bức hại của chính quyền La Mã; hay người Do Thái trong trại tập trung của phát xít Đức; hay những người tu luyện Pháp Luân Công trong cuộc bức hại dai dẳng hơn 20 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc - vốn dự định sẽ hoàn thành trong 3 tháng như tham vọng đồi bại của Giang Trạch Dân.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể trước tòa Capitol ở Washington, vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Edward Dye / The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể trước tòa Capitol ở Washington, vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Edward Dye / The Epoch Times)

Người có đức tin cũng không dễ dàng sa ngã, thậm chí lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều người khác, họ có thể làm được những điều mà chỉ bằng trí tuệ hay tài năng đơn thuần, người ta khó có thể thực hiện được.

Nhưng đức tin cũng là một thứ “đức”, một loại mỹ đức không bẩm sinh mà cần phải rèn luyện và thử thách, vượt qua thử thách về đức tin, con người xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất.

Và đức tin cũng không phải là lời đầu môi chót lưỡi mà là hành động cụ thể. Tin vào Chúa, vào Phật, vào Thần có nghĩa là tuyệt đối tin tưởng và tuân lời các vị.

Abraham tin rằng Thiên Chúa thương yêu ông cũng như thương yêu con người. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn thiện mọi bề và việc của ông là tuyệt đối tuân lời Thiên Chúa. Và vì vậy, Abraham đã không mất mát gì hết, ngược lại ông nhận được phần thưởng của Thiên Chúa cho đức tin ấy. Và dân tộc Do Thái của ông đã nhận được phần thưởng nhờ đức tin từ tổ phụ của mình, cũng như nhờ đức tin của mỗi người Do Thái tín Chúa, trải qua bao thăng trầm của dân tộc này, như chúng ta thấy ngày nay.

Có lẽ sẽ chẳng còn mấy ai gặp phải thử thách về đức tin như Abraham, nhưng nếu không có đức tin giúp neo đậu lại, con người sẽ trôi dạt trong vô vàn biến cố của lịch sử.

Chính đức tin mới cứu rỗi cho con người.

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì sẽ cứu rỗi con người sau biến cố lịch sử