Điều đáng sợ hơn cả mù chữ, chính là mù cái xấu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những năm gần đây thường nghe mọi người nói một câu rằng: "Mù chữ không đáng sợ, mù thẩm mỹ mới đáng sợ".

Từ khiếu thẩm mỹ có thể nhìn ra sự giáo dục và tu dưỡng của một cá nhân. Tuy nhiên còn có điều đáng lo ngại hơn, đó là không biết phân biệt, không có cảm nhận về cái xấu.

Người không có cảm nhận về mức độ, chừng mực thì xấu mà cũng không tự biết.

Một thời gian trước, một người bạn mới xây nhà, mời mọi người đến chung vui. Vừa vào cửa liền thầy đèn pha lê trên trần và 2 cột nhà trang trí kiểu châu Âu. Bộ bàn ghế phòng khách là bộ bàn ghế và sập gỗ giáng hương đắt tiền, hoa văn trạm trổ khá tinh tế. Trên tường treo bức tranh phong cảnh thủy mặc. Trong các căn phòng khác dán các loại giấy hoa văn nhiều loại. Bức tường phòng ăn là bức tranh Khải Hoàn Môn - Paris lớn vẽ trên tường.

Anh bạn giải thích, tổng thể ngôi nhà là phong cách kiểu Âu Châu cách tân đang thịnh hành nhất hiện nay, nhưng bản thân lại thích đồ gia dụng kiểu truyền thống cổ điển, thế nên mới có cảm giác Đông - Tây kết hợp.

gout thẩm mỹ Đông Tây kết hợp
Tại sao xã hội hiện đại lại lắm người có gout thẩm mỹ Đông Tây kết hợp mà rốt cuộc lại không ra làm sao như vậy. (Ảnh: Pixabay)

Câu chuyện của anh bạn này cũng không phải cá biệt, thậm chí còn phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Tại sao xã hội hiện đại lại lắm người có gout thẩm mỹ Đông Tây kết hợp mà rốt cuộc lại không ra làm sao như vậy.

Khiếu thẩm mỹ truyền thống coi trọng sự hài hòa, mỗi chi tiết, mỗi vật dụng đều hòa hợp trong cảnh quan chung, hòa hợp với trời đất. Tuy nhiên mấy chục năm lại đây, người hiện đại không còn hiểu biết mấy về văn hóa và thẩm mỹ truyền thống, công thêm thời gian dài sống trong cảnh chiến tranh, nghèo đói, thiếu thốn, bần cùng, nên cũng đã không còn biết thế nào là thẩm mỹ nữa. Thế nên sau khi hòa nhập với thế giới bên ngoài thì các dòng văn hóa, thẩm mỹ kiểu châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn tràn vào, với tâm lý "sính ngoại" và cộng thêm sự mai một của văn hóa và thẩm mỹ truyền thống, nên mới xảy ra phong cách Đông - Tây kết hợp như anh bạn nói trên, đó là khiếu thẩm mỹ kệch cỡm, xấu xí mà không tự biết, lại vẫn nhầm tưởng là tốt đẹp lắm.

Trên thực tế khiếu thẩm mỹ của người hiện đại ngày nay thường khiến chúng ta cảm thấy bối rối. Trên đường phố, các biển hiệu cửa hàng cửa hiệu vừa to lớn vừa nhiều màu sắc mạnh, đèn LED trang trí đủ kiểu, từ xa đã thấy xanh xanh đỏ đỏ rực rỡ, còn ban đêm thì bảy sắc cầu vồng nhấp nháy.

Thanh thiếu niên trên đường phố ăn mặc không thể nhận ra là nam hay là nữ: gái như trai, trai như gái.

Khi mất đi cảm giác chừng mực thì thẩm mỹ mất đi tiêu chuẩn tối thiểu, thế nên xấu xí mà không hay, còn đáng sợ hơn mù thẩm mỹ.

mù cái xấu
Thanh thiếu niên trên đường phố ăn mặc không thể nhận ra là nam hay là nữ. (Ảnh: Pixabay)

Khi mất đi cảm giác xấu hổ thì sẽ không biết là xấu

Gần đây xảy ra một chuyện rằng, có một phụ nữ mang thai cùng chồng ăn nhà hàng thì có đứa bé 4 tuổi chạy đến lấy đũa, do vội vàng nên ngã vào người phụ nữ.

Khi đứa bé cầm đũa chạy ra thì người phụ nữ tóm lấy 1 chân của nó khiến nó ngã nhào. Sau đó người mẹ đứa bé đến nói chuyện thì người phụ nữ này nói cô đau bụng rồi gọi xe bỏ đi. Cũng may đứa trẻ cũng không làm sao, nhưng cách xử sự của người phụ nữ khiến người ta trông thấy cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Người ta thường nói: "Đẹp nhất cũng không bằng lòng người, mà xấu nhất cũng không bằng lòng người".

Có người đăng trên mạng kể rằng anh từ nhỏ gia cảnh bần hàn nhưng người anh trai lại học hành rất xuất sắc, thi đại học năm đó đỗ đầu. Người họ hàng của thầy giáo nói, điền hồ sơ để họ giúp gửi cho trường đại học danh tiếng. Kết quả đến khi báo danh thì không có tên anh trai. Khi mọi người hỏi thì người họ hàng của thầy giáo kia chỉ lạnh tanh nói, bận quá quên mất không gửi đi.

Thực ra người họ hàng của thầy giáo này không phải bận rộn gì cho cam, cũng không phải quên mà cố tình không gửi. Thấy con người khác học hành giỏi giang, còn con mình thì ham chơi, dốt nát, thế nên trong lòng ấm ức, khó chịu, lòng đố kỵ ghen ghét nổi lên, nên đã cố tình gây ra chuyện này.

Cái xấu của lòng người thì bình thường rất khó nhìn ra, vì thường được khoác áo mũ cân đai đường đường. Tuy nhiên sẽ có những lúc bất giác bộc lộ ra. Ví như người phụ nữ mang thai kia, vì trả thù đứa bé mà kéo chân cho nó ngã. Hay có thực khách comple cravat, nhưng chỉ vì cô phục vụ nhà hàng sơ ý đánh rớt cafe lên quần áo anh ta mà thẳng tay tát cô gái ngã dúi dụi. Có nhân viên phục vụ khi bị khách hàng khiếu nại thì hắt nước nóng vào người khách. Còn có người vòi tiền ăn vạ chồng cũ mà nghĩ đủ mưu kế, khiến người ta khuynh gia bại sản...

Nếu có nhiều thêm một chút lòng biết xấu hổ, thì sẽ thấy rất rõ, những sự việc như trên là rất xấu xí. Lòng người xấu xí không chỉ là không đủ tốt đẹp, mà đáng sợ hơn là không biết thế nào là xấu xí, không biết thế nào là xấu hổ.

Nếu có nhiều thêm một chút lòng biết xấu hổ, thì sẽ thấy rất rõ, những sự việc như trên là rất xấu xí.
Nếu có nhiều thêm một chút lòng biết xấu hổ, thì sẽ thấy rất rõ, những sự việc như trên là rất xấu xí. (Ảnh: Pixabay)

Khi không tự biết là xấu xí thì sẽ bất lực trước cái đẹp

Vấn đề bản chất của cái đẹp không phải là cô lập, nó không chỉ là trong lĩnh vực mỹ học, mà còn bao gồm cả tầng diện tư tưởng, tinh thần.

Con người sống ở thế gian không gì khác là tìm cầu cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Nhưng nếu chúng ta ngay cả xấu xí cũng không tự biết thì làm sao nói đến cái đẹp được?

Về cái đẹp cảm nhận thị giác thì có lẽ có người nói rằng: tôi nhìn thấy đẹp thấy vui là được rồi. Nhưng điều đáng sợ ngày nay là chúng ta đã mất đi tiêu chuẩn thế nào là cái đẹp. Rất nhiều người trẻ tuổi hiện nay thích những đồ vật, hình ảnh, đồ họa hình thù quái dị, ma quái, thậm chí in hình đầu lâu xương chéo lên quần áo, và cho đó là đẹp. Bởi vì đã mất đi tiêu chuẩn thế nào là đẹp thế nào là xấu, chỉ dựa cảm giác, thấy thích là được rồi, mà cảm giác con người dễ bị nhiều yếu tố tác động thay đổi, muôn hình vạn trạng. Thế nên thẩm mỹ cần có tiêu chuẩn lý trí.

Cái đẹp trong nội tâm liên quan đến sự tu dưỡng của lòng người. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Cả đời nỗ lực cũng chẳng qua là để sao cho sống giống như con người thực sự. Mà con người khác với muôn loài là có văn hóa. Mà văn hóa là tu dưỡng cắm rễ sâu trong nội tâm con người, là sự tự giác không cần ai nhắc nhở, là sự tự do với tiền đề tự ước thúc bản thân, là sự thiện lương nghĩ cho người khác.

Chỉ khi biết tự nhìn nhận, xem xét thẩm định đánh giá bản thân thì chúng ta mới không đánh mất cái tâm biết xấu hổ, mới có thể làm một người hướng thiện, hướng tới cái đẹp.

Mù cái xấu đáng sợ hơn mù thẩm mỹ, bởi vì khi đó đã đánh mất khả năng nhìn nhận phân biệt đẹp xấu, đánh mất khả năng phân biệt giám định thiện ác, làm điều xấu, kệch cỡm, hành ác mà không tự biết.

Thế nên nếu có cái tâm thiện nghĩ cho người khác, làm người biết thế nào là xấu, biết xấu hổ, thì mới có thể kiếm tìm được cái đẹp, mới có cuộc sống tươi đẹp, mỹ mãn.

Hoàng Mai
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Điều đáng sợ hơn cả mù chữ, chính là mù cái xấu