Diễn giải kiệt tác ‘Primavera’ của Botticelli - chiêm ngưỡng cái đẹp giúp dẫn lối đến thiên thượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Botticelli vẽ ‘Primavera’ vào đầu những năm 1480 để làm quà tặng cho gia tộc Medici, vốn là những người quan tâm đến các ý tưởng và hình ảnh trong các văn bản Hy Lạp cổ, vì vậy bức tranh này hàm chứa những biểu tượng và hình tượng của nhiều tác giả thời cổ đại với ảnh hưởng lớn nhất là từ Ovid.

Liệu có mối quan hệ giữa một khán giả hiện đại với một bức tranh được vẽ từ hơn 500 năm trước? Đôi khi thật khó để nhận ra ý nghĩa của một nền nghệ thuật dường như đã lỗi thời trong phong cách và chủ đề. Lấy bức ‘Primavera’ (Mùa xuân) của Sandro Botticelli làm tỉ dụ, những câu hỏi đặt ra cho thấy bức tranh vẫn có liên hệ và ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Chẳng hạn như việc tự hỏi “cảm nhận của bản thân về những ý tưởng được thể hiện trong tranh như tình yêu, vẻ đẹp, sự trong trắng, hôn nhân, nhân văn và đạo đức” có thể giúp chúng ta tự chiêm nghiệm bản thân mình.

Botticelli vẽ ‘Primavera’ vào đầu những năm 1480 để làm quà tặng cho gia tộc Medici, vốn là những người quan tâm đến các ý tưởng và hình ảnh trong các văn bản Hy Lạp cổ, vì vậy bức tranh này hàm chứa những biểu tượng và hình tượng của nhiều tác giả thời cổ đại với ảnh hưởng lớn nhất là từ Ovid.

Hãy cùng xem từ phải sang trái để hiểu rõ hơn về các nhân vật trong tranh. Đầu tiên là Zephyrus - Thần Gió Tây và nữ thần Chloris, sự kết hợp của họ khiến Chloris kéo hoa từ miệng của cô và biến thành Flora, là nữ thần của mùa xuân và các loài hoa. Flora rải hoa trước mặt Venus, nữ thần tình yêu và sắc đẹp, cũng là người duy hộ cho hôn nhân gia đình. Cupid, con trai của Venus và Mercury, đang bay lơ lửng bên trên mẹ mình. Cupid bị bịt mắt, tay cầm mũi tên chỉ về phía Tam Mỹ Thần (Three Graces)

Tam Mỹ Thần thường đi cùng với Venus. Họ đại diện cho sự thuần khiết của đức hạnh, vẻ đẹp và tình yêu thường thấy trong hôn nhân. Mercury, người đưa tin của các vị thần, quay lưng lại đối với tất cả những điều đang diễn ra phía bên phải của bức tranh, như thể anh đang rời khỏi các sự kiện để báo cáo những gì anh đã thấy với các vị thần cao hơn.

Một bức họa cũ có thể mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta? “La Primavera’’, được vẽ bởi Sandro Botticelli năm 1481–1482. Màu keo trên bản gỗ, Phòng trưng bày Uffizi. (Phạm vi công cộng)
Một bức họa cũ có thể mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta? “La Primavera’’, được vẽ bởi Sandro Botticelli năm 1481–1482. Màu keo trên bản gỗ, Phòng trưng bày Uffizi. (Phạm vi công cộng)

Bức tranh đã được diễn giải theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất chính là sự khích lệ của tình yêu và duy trì nòi giống trong hôn nhân. Tất cả các nhân vật và sự tương tác của họ gợi cho chúng ta không khí của một buổi lễ chúc mừng cho hôn nhân và sự sinh sản, ngoại trừ Zephyrus và Chloris, vốn thường được xem là một sự kết hợp bắt buộc. Diễn giải này có phần thích hợp vì hôn nhân mà bức tranh này mô tả là một cuộc hôn nhân chính trị. Đó không phải là sự kết hợp từ tình yêu, cảm xúc hay đam mê, mà là một cuộc hôn nhân trong đó những người trong cuộc buộc phải kết đôi để gia tăng quyền lực cho gia đình của họ.

Tuy nhiên, sau cùng thì Zephyrus và Chloris đã gây dựng được tình yêu với nhau, điều đó giúp mang lại vẻ đẹp cho mùa xuân. Điều này nhắn nhủ với các cô dâu rằng, trong hành trình mới, mặc dù chứa đầy những điều chưa biết nhưng nó sẽ dần dần hướng tới niềm vui của tình yêu và sự hòa hợp. Điều này được thể hiện ở phần trung tâm và bên trái của bức tranh.

Đối với một số người, có một sự thật thú vị giúp mở rộng sự diễn giải cho bức tranh. Đó chính là cạnh giường ngủ của cô dâu, ‘Primavera’ thường được treo chung bên cạnh một bức tranh khác tên là ‘Minerva and the Centaur’. Học giả Frank Zöllner tin rằng bức tranh thứ hai, trái ngược với bức ‘Primavera’, thể hiện một người phụ nữ mạnh mẽ khuất phục và thuần hóa một nhân mã gợi cảm. Điều này nhắn nhủ cô dâu mới rằng vai trò của cô không nhất thiết chỉ là một người phục tùng. Cô không chỉ đơn thuần là đối tượng chính trị trong cuộc hôn nhân này, mà có vai trò góp phần trong sự phát triển mối quan hệ tương hỗ giữa cô và chồng.

Minerva and the Centaur, được vẽ bởi Sandro Botticelli khoảng năm 1482. Màu keo trên bản gỗ, Uffizi, Florence
Minerva and the Centaur, được vẽ bởi Sandro Botticelli khoảng năm 1482. Màu keo trên bản gỗ, Uffizi, Florence. (Phạm vi công cộng)

“Primavera” cũng có thể được diễn giải qua góc nhìn của một trong những nhà triết học nổi tiếng nhất thời Phục Hưng Ý, Marsilio Ficino. Theo nhà sử học E.H. Gombrich, Ficino có ảnh hưởng rất lớn với nhà Medicis và có thể là động lực cho sự ra đời của tác phẩm “Primavera’’.

Ficino cho rằng việc chiêm ngưỡng cái đẹp giúp dẫn lối đến thiên thượng. Theo Gombrich, Ficino đã kết hợp triết lý của Plato với những người khác, rằng các vị thần và nữ thần của Hy Lạp cổ đại đại diện cho các nguyên tắc đạo đức được tìm thấy trong chủ nghĩa Platon thay vì sự mê đắm nhục dục mà người ta thường liên tưởng đến.

Do đó trong bức tranh “Primavera’’, Venus không phải là nữ thần của tình yêu nhục dục, cũng không phải là đại diện của một mùa xuân ngoại đạo, mà thay vào đó đại diện cho một chủ nghĩa nhân văn đạo đức, nhằm giáo dục những người trẻ của dòng họ Medicis.

Đối với tôi, việc tạo ra Flora là biểu tượng của sự hòa hợp mà từ đó dẫn đến sự sáng tạo. Sự hòa hợp này là một đặc tính của tình yêu. Ở đây, vẻ đẹp ưa nhìn tự nhiên của Flora là kết quả của tình yêu và từ đó sinh ra vẻ đẹp của mùa xuân. Về mặt vật chất, điều này đại diện cho các trải nghiệm thực tế về những điều đẹp đẽ. Về nghĩa bóng, nó đại diện cho sự thay đổi, hoặc là một sự nhảy vọt - từ những điều thuộc về vật chất đến những điều thiêng liêng thần thánh, điều này được dẫn khởi từ sự chiêm ngưỡng những điều đẹp đẽ.

Việc nữ thần Venus xuất hiện cùng với Tam Mỹ Thần có nhiều hàm ý hơn, không chỉ là hình ảnh đại diện các vị thần và nữ thần La Mã. Họ đại diện cho tình yêu thương nhân loại, sự tu dưỡng vẻ đẹp nội tâm và sự kiềm chế những ham muốn nhục dục. Hình ảnh Mercury quay lưng lại với những quan niệm trần tục và chỉ ngón tay hướng tới những đám mây gợi ra sự kết nối với thiên thượng.

Đối với tôi, bức tranh này mô tả quá trình con người tiến gần đến các vị thần. Mỗi một giai đoạn là một khởi đầu mới, một mùa xuân hướng đến đức hạnh cao đẹp, nó xứng đáng được trân trọng như là điều thiêng liêng.

Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist). Ông hiện đang học tiến sĩ tại Viện Nghiên Cứu Tiến Sĩ Về Nghệ Thuật Thị Giác (IDSVA).

Hàn Mặc

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Diễn giải kiệt tác ‘Primavera’ của Botticelli - chiêm ngưỡng cái đẹp giúp dẫn lối đến thiên thượng