Đi tìm câu trả lời thế kỷ cho hiện tượng 'nước Mỹ đỏ' (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những “kẻ ngốc hữu dụng” ấy là sản phẩm của “Cuộc trường chinh bên trong thể chế” đang hiện diện ở mọi vị trí của xã hội Hoa Kỳ hiện đại, từ những chính trị gia cánh tả, đến giới truyền thông cánh tả, đến giới giáo sư đại học cánh tả, đến các ngôi sao ca nhạc và các minh tinh Hollywood, các tỷ phú truyền thông và công nghệ…

Kỳ 2: Cuộc trường chinh bên trong thể chế

Xem lại Kỳ 1.

Nước Mỹ trong cuộc vận động phản văn hóa thập kỷ 60 trời long đất lở

Những linh hồn lạc lối

“America - nước Mỹ” là một ca khúc nổi tiếng của nhóm nhạc lừng danh Simon & Garfulken. Ca nhạc sĩ Paul Simon đã sáng tác ca khúc này nhờ cảm hứng từ chuyến đi xuyên nước Mỹ trong 5 ngày của anh với cô bạn gái Kathy vào năm 1964, chuyến đi để giúp anh tìm nước Mỹ - “I’ve gone to look for America”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bắt đầu ca khúc là những cái nhìn lạc quan vui vẻ của người kể chuyện khi hai người chơi trò đoán lai lịch hành khách trên xe bus, rồi sau đó cảm giác này mờ dần đi. Cuối cùng khi người bạn đồng hành chìm vào giấc ngủ, người kể chuyện bắt đầu tỉnh táo và suy ngẫm về ý nghĩa của chuyến hành trình và nói lên cảm xúc thật của mình.

Anh viết: “Kathy, I’m lost”. I said though I knew she was sleeping. “I’m empty and aching and I don’t know why” - “Kathy, anh lạc lối rồi”. Tôi nói dù biết cô ấy đang ngủ. “Anh trống rỗng và đau đớn và anh không biết tại sao”. Người kể chuyện sau đó đã nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, đếm những chiếc xe, rất nhiều những con người, những tâm hồn trống rỗng đang lang thang vật vã trên những con đường cao tốc, đường mòn nước Mỹ. Đó cũng là những linh hồn đang lạc lối và đau khổ như anh giữa những năm 60 của nước Mỹ. Tất cả họ đều đang tìm kiếm một nước Mỹ xa vời - “All come to look for America” - người kể chuyện viết thế.

Nhạc phẩm này ghi lại cảm xúc tuyệt vọng đặc trưng của những người Mỹ mất phương hướng trong cuộc vận động phản văn hóa lớn nhất của nước Mỹ từ khi lập quốc. Tạp chí Rolling Stone đã viết rằng: “nó đã ghi lại cảm giác bối rối và bồn chồn của nước Mỹ trong những năm chứng kiến các vụ ám sát Martin Luther King, Jr. và Robert F. Kennedy cũng như sự leo thang chiến tranh ở Việt Nam”.

Vì sao mà tinh thần thanh niên Mỹ lại trở nên trống rỗng và lạc lối đến thế? Chính là vì họ chịu ảnh hưởng sâu của những trí thức cánh tả, sản phẩm của sự xâm nhập của phong trào cánh tả từ những thập niên đầu thế kỷ 20 mà chúng ta đã đề cập ở trên.

Những kẻ “đầu têu” trong công cuộc phản văn hóa

Ở nước Mỹ sau Thế chiến 2 xuất hiện cái gọi là “Thế hệ sụp đổ” (Beat Generation) - đa số chỉ một nhóm các tác giả tại nước Mỹ những năm 50 sau thế chiến 2, họ dẫn đầu làm ra một cuộc vận động văn học và nghệ thuật làm bại hoại thế nhân. Những người này miệt thị những hiện tượng bại hoại đạo đức trong xã hội, nhưng lại từ đó mà lại rút ra những kết luận phản lại với đạo đức truyền thống, tiêu cực chán đời.

Đa số các thành viên của “Thế hệ sụp đổ” đều thuộc dạng bất cần đời, họ cổ súy cho lý luận chủ nghĩa tự do, phóng đại quan niệm tự ngã, cự tuyệt giá trị quan truyền thống, mê đắm vào chủ nghĩa thần bí, thuốc phiện, phạm tội, sống cuộc sống phóng đãng không kiềm chế. Trên thực tế trong số họ có rất nhiều người chịu nhận ảnh hưởng rất sâu của tư tưởng phong trào cánh tả, như Jack Kerouac, trước khi thành danh đã từng viết một cuốn tiểu thuyết “Sự đản sinh của một người Chủ nghĩa Xã hội”, biểu đạt sự chống đối đối với xã hội chủ nghĩa tư bản.

Một nhân vật đại biểu khác của cuộc vận động này là Allen Ginsberg, sau này công khai trở thành một người đồng hành với CNCS. Tác phẩm của những người này không tuân thủ các quy tắc, kết cấu thông thường của sáng tác truyền thống, về mặt hình thức cũng thường tạp loạn vô chương, ngôn ngữ thô tháo thậm chí thô bỉ. Hơn nữa, chúng phản luân thường đạo lý, từ phương diện tư tưởng cho đến văn hóa, đã trải đường cho cuộc vận động phản văn hóa những năm 60 trên phạm vi toàn thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội.

Sau năm 1960, càng có nhiều trào lưu tư tưởng biến dị hơn xuất hiện, như hippie, punk, goth v.v. Những trào lưu phản truyền thống này có ảnh hưởng rất lớn ở các thành phố lớn của phương Tây, dẫn dụ từng thế hệ thanh niên tôn sùng bạo lực, hút thuốc phiện, giải phóng tình dục, ăn mặc kiểu quái dị, văn hóa đồi phế, hắc ám và tử vong v.v.

Cuộc tấn công vào văn hóa truyền thống thập niên 60 ở phương Tây

Năm 1968, do Martin Luther King và Robert Kennedy bị ám sát, cùng với việc chiến tranh Việt Nam không ngừng leo thang, khiến cuộc vận động này đạt đến cao trào. Mùa xuân năm 1968, ước chừng hơn 2000 người hippie ăn mặc quái dị, tụ tập mấy ngày đêm liền ở công viên Cánh cổng vàng-San Francisco, dùng các loại hành vi quái đản như nhạc rock, diễn xướng, thi ca, thậm chí là lõa thể để biểu đạt sự phản kháng đối với xã hội. Mùa hè năm 1969, khoảng hơn 400 nghìn người cùng tụ tập tại vùng ngoại ô Woodstock. Khẩu hiệu mà họ hô lớn là “tình yêu, tự do, hòa bình”. Mấy trăm nghìn người trôi theo nhạc rock mà phóng đãng, cuồng hoan, không lý trí, không câu thúc, kéo người ta vào trào lưu dung tục thấp kém, suy đồi, đạo đức trượt dốc. Bởi vì ảnh hưởng quá lớn, nên được cho là lần tụ hội âm nhạc quan trọng nhất trong lịch sử nhạc Pop. Công viên trung tâm New York, công viên Cánh cổng vàng San Francisco, và vùng Woodstock cũng vì thế mà trở thành tượng trưng cho cuộc vận động phản văn hóa của nước Mỹ.

Thanh niên Mỹ thì phản chiến, phản văn hóa truyền thống, nhưng kinh phí thì lại được rót sang từ Liên Xô. Theo lời khai của Stanislav Louv, cựu quan chức thuộc cấp cao nhất của GRU (viết tắt của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô cũ), người đào thoát khỏi Nga sang Mỹ vào năm 1992, hỗ trợ tài chính của Liên Xô cho tuyên truyền phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam tại các quốc gia phương Tây nhiều gấp đôi tài trợ quân sự và kinh tế cho Bắc Việt. Ông nói: “GRU và KGB đã tài trợ cho hầu hết các cuộc vận động và các nhóm phản chiến ở Mỹ và các nước khác.”

Lúc này ở châu Âu cũng đang diễn ra những cuộc vận động phản văn hóa kinh thiên động địa, như cuộc nổi loạn “Cơn bão tháng 5” của sinh viên Pháp mà trong đó hàng chục triệu người bị cuốn vào trên phạm vi toàn quốc, với cùng nguyên do là sự thù hận và phản kháng chống đối của các sinh viên trẻ đối với văn hóa và đạo đức truyền thống. Họ đòi tự do tình dục và phản đối khuôn phép. Cuộc vận động này cũng được gọi là “Cách mạng văn hóa của phương Tây”, một hô một ứng với Đại Cách mạng Văn hóa đang diễn ra ở Trung Quốc. Sự phản kháng chống đối của sinh viên đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng Chủ nghĩa Xã hội (Socialist Party) và Đảng Chủ nghĩa Xã hội Cấp tiến (Radical-Socialist Party) của nước Pháp. Những đoàn diễu hành dài ngút tầm mắt ở Paris, tay giơ cao chân dung Mao Trạch Đông, miệng phát ngôn những tư tưởng của 3M (Mark, Mao, Marcuse) trở thành hình ảnh đặc trưng của cuộc vận động này.

Trở lại nước Mỹ, năm 1973, sau khi tổng thống Nixon tuyên bố kết thúc chiến tranh Việt Nam, phong trào phản chiến đã mất đi mục tiêu trực tiếp, phong trào sinh viên bắt đầu đi vào thoái trào. Tuy nhiên, những sinh viên cấp tiến được bồi dưỡng trong những phong trào sinh viên quy mô lớn vẫn không hề vứt bỏ “lý tưởng” của họ. Sau khi vào đại học, ưu tiên nghiên cứu của họ là các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn như báo chí, văn học, triết học, xã hội học, giáo dục, nghiên cứu văn hóa v.v. Tốt nghiệp xong, họ vào làm việc ở những cơ quan có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa, xã hội như các tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính phủ, cơ quan báo chí truyền thông và các trường đại học, trở thành các chủ nhiệm khoa, viện trưởng, nắm giữ quyền phát ngôn và quyền hành chính khá lớn ở các học viện, giữ chức vị giáo dục suốt đời tại các trường đại học, gieo rắc “lý tưởng chính trị” vào đầu những thế hệ sinh viên tiếp theo, tạo ra những phần tử cấp tiến giống họ.

Và thế là mặc cho ở bên ngoài thế giới tự do người ta tung hô mừng rỡ khi CNCS ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và những học giả như Francis Fukuyama lạc quan tuyên bố: “Lịch sử đã cáo chung”. Giờ đây, “cuộc trường chinh bên trong thể chế” đã thực sự bắt đầu - từ trong tâm hồn người Mỹ.

‘Cuộc trường chinh bên trong thể chế’ ở lĩnh vực văn hóa giáo dục Mỹ và hậu quả của nó

Cuộc biến hóa của phong trào cánh tả trong lòng xã hội Mỹ trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa thật muôn hình vạn trạng đến hoa cả mắt, nhưng lại dễ dàng nhận biết được nếu ta quy về bản chất “Giả - Ác - Đấu” của nó.

Tư tưởng “Đấu” mà phong trào cánh tả gieo rắc ở nước Mỹ là gì? Đó là sự phóng đại những mâu thuẫn, khác biệt tự nhiên tồn tại ở nước Mỹ cũng như ở bất kỳ một xã hội nào khác, từ đó tiến hành chia phe nhóm, phân giai cấp để xã hội tan rã khi phân cực thành những nhóm, những cộng đồng mang tư tưởng cực đoan đấu tranh lẫn nhau gay gắt. Đó chính là những “hình thái ý thức” của phong trào cánh tả đã đặt nền móng cho xã hội Mỹ từ lâu.

Rõ ràng, muốn truyền bá tư tưởng này trên diện rộng, từ tận gốc rễ, cải biến toàn xã hội thì phải xâm nhập vào giáo dục, văn hóa, truyền thông… và từ đó lan tỏa đến các lĩnh vực khác.

Chữ “Đấu” được thể hiện ra sao?

Khai thác khác biệt giữa nam giới và nữ giới: chúng ta có chủ nghĩa nữ quyền hiện đại.

Khai thác mâu thuẫn giữa người da trắng và người da màu, người Mỹ da đỏ; người Mỹ gốc và người Mỹ mới nhập cư: chúng ta có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Khai thác mâu thuẫn giữa tầng lớp tinh hoa và người dân lao động: chúng ta có lý luận về giai cấp bị áp bức.

Khai thác khác biệt giữa Cơ Đốc giáo - có thể coi như quốc giáo của nước Mỹ - với các nhóm tín ngưỡng khác: chúng ta có lý luận về kỳ thị tôn giáo

v.v.

Nó là gì nếu không phải "đặc sản" đấu tranh giai cấp của CNCS?

Hãy lấy sự giảng dạy hai bộ môn khoa học xã hội quan trọng nhất trong nhà trường là Văn học và Lịch sử làm ví dụ.

Ngôn ngữ cách mạng chiếm diễn đàn nhân văn

Bruce Bawer đã viết trong cuốn sách “Những nạn nhân của cách mạng: Sự hưng thịnh của nghiên cứu về thân phận và sự phong bế của tư tưởng tự do”, khi ông hỏi Alan Charles Kors, giáo sư khoa lịch sử trường đại học Pennsylvania rằng, ba người có ảnh hưởng nhất đối với môn nhân văn học của các trường đại học Mỹ trong mấy chục năm qua là ai, giáo sư Kors trả lời gần như không cần suy nghĩ: có 3 cuốn sách có tầm ảnh hưởng nhất là “Những ghi chép trong tù” của Gramsci, “Giáo dục của người bị áp bức” (Pedagogy of the Oppressed) của Paulo Freire và “Những người khốn khổ trên toàn thế giới” (The Wretched of the Earth) của Frantz Fanon.

Paulo Freire, nhà lý luận giáo dục người Brazil là người sùng bái Lenin, Mao Trạch Đông, Fidel và Guevara. Ta hãy lấy tư tưởng của ông ta trong cuốn “Giáo dục của người bị áp bức” làm đại diện.

Quan điểm mà Paulo Freire liên tục nhắc đi nhắc lại chính là trên thế giới chỉ tồn tại hai loại người: người áp bức và người bị áp bức. Người bị áp bức không nên tiếp nhận sự giáo dục như trong quá khứ, mà nên cho họ biết rằng họ đang bị áp bức và kích động họ phản kháng.

Chữ “Đấu”, chữ “Giả” đã quá rõ ràng.

Dùng lý luận thay thế cho tác phẩm

Từ việc nghiên cứu, học tập tác phẩm văn học làm chủ đạo trước những năm 1960, nền giáo dục Mỹ hiện đại chuyển sang phương thức lấy lý luận văn học làm chủ đạo, tác phẩm văn học làm thứ yếu. Mà “lý luận” ở đây là một mớ hổ lốn những quan niệm riêng của độc giả với tham vọng lý giải tổng thể văn hóa và xã hội, nhưng thực chất lý luận đã đảo lộn giá trị truyền thống, thay thế bằng giá trị quan méo mó sau quá trình nhào nặn của tư tưởng cánh tả và các phong trào phản văn hóa, phản truyền thống.

Đó cũng chính là lặp lại con đường phá hoại Pháp lý của các tôn giáo lớn, lấy giải thích cá nhân thay cho kinh văn nguyên gốc, dần dần vùi lấp những giá trị nguyên thủy, không còn biết phải tìm ở đâu nữa.

Chính trị hóa nghiên cứu văn học

Một nhà lý luận văn học chủ nghĩa Marx nổi tiếng người Mỹ đã tuyên bố thẳng rằng: “quan điểm chính trị” là “giới hạn tuyệt đối cho việc đọc và giải thích các tác phẩm”. Nghĩa là khi phân tích tất cả các tác phẩm văn học cần coi chúng là những câu chuyện ngụ ngôn chính trị, chỉ khi tìm ra “hàm nghĩa thâm sâu” của tính giai cấp, chủng tộc, giới tính và khuynh hướng áp bức ở trong tác phẩm đó thì mới được xem là lý giải “sâu sắc” và “toàn diện” về tác phẩm đó.

Từ Shakespeare, Dante, Balzac, Dicken… và các đại văn hào, đại thi hào cổ điển không trừ một ai, những danh tác của họ đều bị đánh giá theo cách đó, chỉ để chứng minh rằng: chúng mang cái nhìn phiến diện về giai cấp bị áp bức, nữ giới, dân tộc thiểu số, kỳ thị người đồng tính… vì thế tác phẩm đó thuộc về “kiến trúc thượng tầng của giai cấp thống trị”, mục đích của tác phẩm là làm tê liệt quần chúng nhân dân, khiến cho con người không thể sinh ra “ý thức giai cấp cách mạng”.

Nói một cách hình ảnh, có vẻ như một nghịch lý: Cô bé Lọ lem Cinderella của phương Tây và cô Tấm ở phương Đông đã bị gọt đôi chân “giá trị nội tại” cho vừa đôi giày “quan điểm chính trị” của những người chị em con dì ghẻ. Mà lẽ ra ngược lại mới đúng. Nào có khác gì lý luận ngược ngạo về phê bình tính đấu tranh giai cấp, tính Đảng, tính cách mạng… trong lý luận phê bình văn học ở Trung Quốc.

Thật là một cuộc đảo chính vĩ đại trong lĩnh vực văn học, mà văn học là nhân học - học cách làm người.

Điều này dẫn đến một hệ quả quan trọng, đó là áp đặt “hình thái ý thức” theo kiểu chủ nghĩa Marx. Miễn là những tác phẩm văn học kia thuộc về tư tưởng của giai cấp thống trị - tầng lớp tinh hoa thời xưa, thì có nghĩa nó không phải là hiện thực, mà là cố ý nhào nặn ra để áp đặt “hình thái ý thức” của tầng lớp tinh hoa và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Và vì nó là sản phẩm áp bức của tầng lớp thống trị nên nó là xấu, miễn bàn về giá trị nội tại của nó - thật là một tiểu xảo “bỏ bóng chèn người” ngoạn mục.

Tạo ra môn học mới với mục đích nhồi nhét hình thái ý thức

Vì xuất phát từ tư tưởng cánh tả, chống kỳ thị chủng tộc, chống áp bức người thiểu số hay chèn ép nữ giới hay phân biệt đối xử với người đồng tính luyến ái, do vậy muốn tái lập công bằng thì cần phải đưa yếu tố này vào giảng dạy. Ví như các trường đại học phải thành lập các trung tâm nghiên cứu người da đen, và phải do người da đen giảng dạy, nếu không các trường sẽ có cảm giác tội lỗi rất ghê gớm hay sẽ gặp những áp lực. Hoặc họ thành lập nhiều phòng nghiên cứu chuyên môn như nghiên cứu nữ giới, nghiên cứu Mỹ La-tinh, nghiên cứu đồng tính luyến ái… Đến ngày nay, nước Mỹ đã có hàng nghìn chương trình nghiên cứu như vậy.

Một giáo sư theo chủ nghĩa nữ quyền của trường Santa Cruz thuộc đại học California có xuất thân từ một gia đình đảng viên cộng sản nổi tiếng. Cô ta kiêu ngạo tuyên bố mình là một nhà chủ nghĩa cộng sản và là “một nhà hoạt động đồng tính nữ”. Từ năm 1980, cô bắt đầu giảng dạy về chủ nghĩa nữ quyền. Cô mở rộng “chủ nghĩa duy vật lịch sử” của Marx thành “khuynh hướng tình dục”, coi “khuynh hướng tình dục” là một loại hành vi gợi nên ý thức chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh khuynh hướng này, cô cũng công khai nói rằng mình sẽ “biến việc dạy học thành một hình thức vận động chính trị”. Với mục tiêu ấy, cô chủ trương thành lập một “khoa nghiên cứu chủ nghĩa nữ quyền” hoàn chỉnh tại trường đại học này.

Nói chung, ở các khoa nghiên cứu này, chưa nghiên cứu đã biết kết quả vì chúng được lập ra không phải vì để mở rộng học thuật, mà là đáp ứng nhu cầu “đúng đắn chính trị” và “trang bị” các loại lý luận cánh tả. Đáng buồn là, thời gian để nghiên cứu những chuyên ngành thực sự có giá trị và tính học thuật đã bị chiếm mất.

Phủ nhận truyền thống vĩ đại của nước Mỹ

Năm 2014, một nhóm sinh viên của đại học công nghệ kỹ thuật Texas đã tiến hành một cuộc điều tra trong trường học, họ đặt ba câu hỏi cho người được phỏng vấn: “Ai là người dành chiến thắng trong cuộc nội chiến Nam – Bắc?”, “Phó tổng thống là ai?”, “Chúng ta giành được độc lập từ tay thực dân nào?” Kết quả cho thấy rất nhiều sinh viên hoàn toàn không biết những kiến thức thông thường về lịch sử và chính trị của nước Mỹ, nhưng lại thuộc như lòng bàn tay khi nói về chuyện tình cảm hôn nhân của những ngôi sao.

Năm 2008, Viện nghiên cứu liên trường đã thực hiện phỏng vấn ngẫu nhiên 2500 người Mỹ, phát hiện ra chỉ một nửa trong số những người được hỏi có thể nói rõ cơ cấu tam quyền phân lập của nước Mỹ là gì. Năm 2014, tổ chức “Đánh giá phát triển giáo dục toàn quốc” phát hiện chỉ có 18% sinh viên khá thông thuộc lịch sử nước Mỹ, hơn nữa với 33 câu hỏi trong đề thi kiến thức chung của công dân, thì có đến 71% người Mỹ được dưới 49 điểm (60 điểm mới đỗ).

Đa phần người Mỹ hiện nay đã hầu như không còn nhớ về những trang sử vĩ đại của cha ông họ, không hiểu được nước Mỹ được xây dựng trên nền tảng giá trị quan nào và cái giá phải trả để bảo vệ những giá trị truyền thống này, cũng không có cảm giác tự hào hay ý thức bảo vệ truyền thống lịch sử của đất nước. Tự hào làm sao được khi mà những người thầy của họ luôn tạo cho họ ấn tượng rằng tất cả những tấm gương anh hùng và những câu chuyện làm lay động lòng người trong lịch sử nước Mỹ đều chỉ là những lời dối trá vô liêm sỉ, lịch sử đen tối của nước Mỹ đầy rẫy những áp bức, bóc lột và diệt chủng… Như trong cuốn sách giáo khoa lịch sử phổ biến nhất, cuốn “Lịch sử dân tộc Mỹ” của tác giả Howard Zinn - một người theo chủ nghĩa Marx.

Thậm chí, một giáo sư kinh tế học của đại học Boston cho rằng những phần tử khủng bố – kẻ thù của nước Mỹ là những “chiến sĩ tự do chân chính”, còn nước Mỹ mới là ma quỷ.

Thực trạng của việc dạy và học lịch sử đã như thế, không khó hiểu khi mà những thanh niên Mỹ gia nhập tổ chức Antifa, BLM sẵn sàng lấy việc đánh đập người da trắng bất kể phụ nữ, người già em nhỏ, cướp bóc và gây đảo loạn xã hội, đập phá những bức tượng của các bậc quốc phụ kể cả của George Washington và các di tích lịch sử đầy tự hào của những thế hệ người Mỹ trước đây... làm phương cách để phản kháng kỳ thị chủng tộc, đòi “công bằng xã hội” cho người bị áp bức. Những điều này khiến chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến thế lực “Hồng vệ binh” trong thập niên 60, 70 thế kỷ trước của Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

Bôi nhọ các tác phẩm kinh điển của văn minh phương Tây

Năm 1988, các giáo sư và sinh viên theo chủ nghĩa cấp tiến của đại học Stanford đã hô hào “Phải vứt bỏ nền văn minh phương Tây đi”, vậy là một môn học mới mang tên “Văn hóa, tư tưởng và giá trị quan” đã thay thế cho môn lịch sử nền văn minh phương Tây. Môn học này quy định quy định mỗi học kỳ phải học một số tác phẩm viết về những nhóm người bị áp bức trong lịch sử như phụ nữ, người dân tộc thiểu số v.v. lại vẫn là vấn đề đòi hỏi sự “công bằng” cho các nhóm người “bị áp bức”.

Các trường đại học của Mỹ đã lấy danh nghĩa “đúng đắn chính trị” để loại bỏ tác phẩm kinh điển, thay thế chúng bằng những tác phẩm “văn học cách mạng” hoặc “văn học của người bị áp bức” mà được sáng tác cẩu thả, nông cạn nhưng có tính kích động. Như vậy là “vôi” cũng chẳng hơn gì “phấn”, chính là “cá mè một lứa”. Thậm chí, những tác phẩm kinh điển mà mô tả lại những sự thật lịch sử có động chạm đến chủ đề “nhạy cảm” theo nguyên tắc “đúng đắn chính trị”, tức là vấn đề “phân biệt chủng tộc”, vấn đề “kỳ thị giới tính”, vấn đề “tự do tôn giáo”... thì sẽ bị “mổ xẻ” với cái nhìn căm ghét, thù hận hoặc nhẹ thì bị coi rẻ. Người ta hoàn toàn phủ nhận các giá trị đạo đức, bác ái, chính nghĩa, trung thành, dũng cảm, cao thượng hay phẩm chất trí tuệ của các tác phẩm kinh điển - vốn quý truyền thống được hình thành từ hàng bao thế kỷ, nay nó đã bị miệt thị và lãng quên.

Vậy nên, cũng không khó hiểu nếu kênh HBO Max đã gỡ tác phẩm điện ảnh kinh điển “Cuốn theo chiều gió” ra khỏi nền tảng phát trực tuyến vì cho rằng tác phẩm này thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc.

Lũng đoạn sách giáo khoa và độc chiếm diễn đàn học thuật

Những học giả, giáo sư theo tư tưởng cấp tiến sau khi nhận được chức vị giáo dục suốt đời và đạt được danh tiếng nhất định trong giới học thuật, họ tiếp tục khống chế các nhà xuất bản và các hội đồng trong trường đại học. Vì thế các loại quan niệm cấp tiến đã được đưa vào trong sách giáo khoa, được ngụy trang thành tri thức để cưỡng chế nhồi nhét cho sinh viên. Trong số các cuốn sách bắt buộc phải đọc và sách giáo khoa được giảng dạy ở một số môn học, số lượng các tác phẩm theo chủ nghĩa Marx đã vượt quá số tác phẩm theo các trường phái khác.

Các giáo sư cánh tả với vị thế của mình gây sức ép để khiến các sinh viên phải tiếp thu các quan điểm cấp tiến tả khuynh của mình, nếu không muốn nhận điểm số tồi tệ. Giới học thuật cánh tả sau khi đã hình thành một thế lực tương đối, họ có thể lợi dụng chế độ “thẩm định lẫn nhau” phổ biến trong giới học thuật Mỹ để áp chế những phát ngôn bất đồng quan điểm. Một bài luận văn khiêu chiến với hình thái ý thức của phái cánh tả chắc chắn sẽ bị “người cùng ngành” trong phe cánh tả từ chối công bố. Vậy là phe cánh tả ngày càng phình mãi ra trong môi trường giáo dục.

Trường đại học tiến hành tẩy não “giáo dục lại” và phá hoại đạo đức

Vẫn là từ quan điểm phân chia xã hội thành hai nhóm người: “áp bức và bị áp bức”, bởi vậy nên chính sách của các trường đại học ngày càng tập trung vào việc ngăn chặn những ngôn luận có “tính xúc phạm”, đặc biệt là những ngôn luận xúc phạm đến nữ giới hoặc người dân tộc thiểu số. Hệ quả của nó là dẫn đến việc thiết lập những tiêu chuẩn cư xử kỳ cục được gọi là “đúng đắn chính trị”, những ngôn từ bình thường trước đây cũng trở nên “nhạy cảm”, những hành vi thông thường cũng dễ bị quy kết thành xúc phạm. Đồng thời người ở vị thế tiềm năng bị “áp bức” trở thành người tốt, còn người ở vị thế có thể “áp bức” lại thành sai, thành xấu... quả thực đã vứt bỏ hoàn toàn tiêu chuẩn thiện ác, tốt xấu, đúng sai trong văn hóa truyền thống, thay thế bằng bộ “tiêu chuẩn” mới đầy bất công và gây tranh cãi.

Ví như một người là phụ nữ, cô ta có “tiềm năng” là người bị hại do bị áp bức giới tính.

Nếu người phụ nữ ấy là người da màu, cô ta hai lần bị hại, vì áp bức chủng tộc màu da.

Nếu người phụ nữ da màu ấy là người nhập cư nghèo, với tín ngưỡng không phải là Cơ Đốc, cô ta ba lần bị hại, vì áp bức về tín ngưỡng và giai cấp.

Dễ thấy, vì sao cái chết của George Floyd, một người da màu nghiện ngập nhiều tiền án lại khiến cả xã hội Mỹ “sốt sình sịch”. Còn những vụ người da đen giết hay bức hại người da trắng thì không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.

Những thủ đoạn phá hoại nền giáo dục và văn hóa Mỹ quốc được trình bày ở đây vẫn chưa đạt đến một nửa số lượng những gì mà trên thực tế tư tưởng cánh tả đã gây ra trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục ở nước Mỹ. Nhưng hãy xem xét hậu quả của nó.

Quả đắng cho nền giáo dục và xã hội Hoa Kỳ sau 100 năm xâm lược của tư tưởng cực tả

Năm 1983, bộ giáo dục Mỹ ủy thác cho một tổ chuyên gia tiến hành nghiên cứu, điều tra trong 18 tháng, họ đã viết nên một báo cáo có tên “Đất nước đang trong nguy hiểm (A Nation at Risk)”. Báo cáo viết: “Nền tảng giáo dục xã hội của chúng ta bị ăn mòn bởi làn sóng tầm thường, nó đã uy hiếp đến tương lai của người dân và quốc gia”. Báo cáo cũng dẫn chứng lời của một học giả chỉ ra rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta đã xuất hiện tình huống như thế này: kỹ năng giáo dục của một thế hệ không thể vượt qua và không thể đạt được, thậm chí là không thể tiếp cận đến tiêu chuẩn của cha mẹ họ”.

Báo cáo liệt kê một loạt số liệu khiến người ta phải giật mình: ngoại trừ trong các kỳ thi quốc tế thường xuyên đứng cuối, có đến 23 triệu người Mỹ thành niên mù chữ chức năng, tức là chỉ có khả năng đọc viết ở mức căn bản nhất, không thể đáp ứng được yêu cầu sống và làm việc ở mức độ hơi phức tạp một chút; Tỷ lệ mù chữ chức năng trong thanh thiếu niên 17 tuổi là 13%, tỷ lệ này ở nhóm người dân tộc thiểu số có thể đạt đến 40%; Từ năm 1963 đến năm 1980, thành tích trong cuộc thi khảo sát đầu vào đại học - SAT (Scholastic Aptitude Test) liên tục hạ xuống, điểm trung bình môn ngữ văn giảm hơn 50 điểm, điểm trung bình môn toán học giảm gần 40 điểm; thanh thiếu niên 17 tuổi không có năng lực tư duy cao, gần 40% không thể đọc tài liệu để suy luận, chỉ có 1/5 có thể viết được luận văn, chỉ có 1/3 có thể giải những đề toán đòi hỏi vài bước giải.

Năm 2008, Mark Bauerlein, giáo sư khoa tiếng Anh đại học Emory đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Thế hệ dốt nát nhất”. Chương đầu tiên của cuốn sách đã tổng hợp kết quả cuộc khảo sát và điều tra đối với Bộ Giáo dục và người dân về một số phương diện lịch sử, kiến thức chung của công dân, toán học và khoa học kỹ thuật, kết quả này đã khái quát sự thiếu hụt kiến thức của học sinh Mỹ. Trong kỳ thi lịch sử đánh giá tiến bộ giáo dục toàn quốc năm 2001, 57% học sinh “không đạt” (below basic), chỉ có 1% đạt “ưu tú” (advanced). Điều khiến người ta kinh ngạc là với câu hỏi vấn đáp: “Quốc gia nào là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2?”, có 52% số người chọn Đức, Nhật Bản, Italia mà không phải là Liên Xô. Kết quả ở một số phương diện khác cũng khiến mọi người thất vọng tương tự.

Rõ ràng là chất lượng giáo dục ở Mỹ đang trượt trên dốc lớn. Từ những năm 1990 đến nay, cụm từ “sa sút trí tuệ” xuất hiện phổ biến trong nhiều cuốn sách có liên quan đến vấn đề giáo dục ở Mỹ, trở thành một khái niệm luẩn quẩn được nhiều học giả giáo dục Mỹ mang ra thảo luận. John Taylor Gato, một giáo sư có thâm niên, nhà nghiên cứu giáo dục ở New York viết: “Cầm một cuốn sách giáo khoa toán học hoặc văn học của học sinh lớp 5 vào năm 1850, bạn sẽ phát hiện nội dung thời đó tương đương với tiêu chuẩn đại học ngày nay”. Để không làm cho bảng điểm của giáo dục Mỹ có vẻ quá xấu, Cơ quan khảo thí tiêu chuẩn hóa - ETS (Educational Testing Service) đành phải cân đối lại điểm của cuộc thi khảo sát đầu vào đại học - SAT năm 1994. Năm 1941, khi SAT bắt đầu sử dụng hình thức hiện đại, điểm trung bình của bài kiểm tra môn ngữ văn là 500 điểm (thang điểm cao nhất là 800 điểm), đến những năm 90 điểm trung bình đã hạ xuống 424 điểm, thế là ETS định nghĩa 424 thành 500 điểm, để tránh khiến cho công chúng cảm thấy xấu hổ.

Chất lượng giáo dục đi xuống không chỉ biểu hiện ở năng lực đọc viết của học sinh bị giảm sút, do thiếu nền tảng kiến thức nên năng lực tư duy của học sinh Mỹ cũng bị hạ xuống nhanh chóng. Học giả người Mỹ Thomas Sowell trong những năm 1990 đã chỉ ra rằng, do ảnh hưởng tiêu cực của giáo dục, học sinh không những không biết đọc, không biết tư duy, thậm chí không hiểu tư duy là gì, vì vậy họ “thường lẫn lộn tư duy với cảm giác”. Khác với các nhà lãnh đạo sinh viên nổi loạn nói năng đĩnh đạc trong những năm 1960, hiện nay quan sát những thanh niên tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố được phỏng vấn trong các chương trình tin tức trên TV, hiếm khi thấy họ có thể biểu đạt được yêu cầu của mình một cách nhất quán và rõ ràng, bởi vì họ thiếu năng lực tư duy và kiến thức cơ bản.

Hiện nay, trong nền giáo dục đại học ở Mỹ, sinh viên Mỹ đang tụt hậu so với sinh viên quốc tế về thành tích học tập.

Thomas Jefferson đã nói trong câu châm ngôn nổi tiếng của ông: “Ngoại trừ chính bản thân công dân, tôi không biết quyền lực xã hội tối cao còn có thể đặt ở nơi nào an toàn hơn; nếu chúng ta cho rằng họ không có kiến thức đầy đủ để sử dụng quyền lực, thì biện pháp sửa chữa sai lầm không phải là tước đoạt quyền lực từ trong tay họ, mà là cần giúp họ nâng cao nhận thức lên”. Đối với một cá nhân mà nói, nếu kiến thức nông cạn và năng lực tư duy kém thì không thể nào phân biệt được những lời dối trá và lừa gạt của kẻ xấu và ma quỷ.

Tiếc thay, đó lại chính là tình trạng chung của xã hội Mỹ, đặc biệt là đa số giới trẻ Mỹ.

Chúng ta lại nhớ tới Ion Mihai Pacepa, cựu quan chức tình báo hàng đầu của cộng sản Romania, đã trốn sang Mỹ vào năm 1978, tiết lộ một cách toàn diện sách lược của chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ trong việc phát động chiến tranh tâm lý và cuộc chiến “tin đồn” quy mô lớn với phương Tây. Ion Mihai Pacepa nhấn mạnh rằng mục đích của cuộc chiến tin đồn là sau khi cải biến hệ thống tham chiếu mà dân chúng dùng để xem xét vấn đề, tâm lý bị sửa đổi rồi, thì cho dù một người đối diện với sự thật cũng không thể chấp nhận và hiểu được nó, và trở thành “kẻ ngốc hữu dụng”.

Những “kẻ ngốc hữu dụng” ấy là sản phẩm của “Cuộc trường chinh bên trong thể chế” đang hiện diện ở mọi vị trí của xã hội Hoa Kỳ hiện đại, từ những chính trị gia cánh tả, đến giới truyền thông cánh tả, đến giới giáo sư đại học cánh tả, đến các ngôi sao ca nhạc và các minh tinh Hollywood, các tỷ phú truyền thông và công nghệ… cho đến những sinh viên đại học dễ dàng bị khủng hoảng tâm lý vì chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump năm 2016, và những thanh niên Antifa, BLM hung hăng đập phá ngoài phố để đòi hỏi "công bằng xã hội" cho người da màu.

Lại nhắc lại ca khúc “America” của ban nhạc Simon & Garfulken. Ca khúc đã được giới thiệu trong "America", một quảng cáo truyền hình cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Bernie Sanders - một chính trị gia cực tả, cực lực ủng hộ mô hình CNXH - trong cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2016. Chiến dịch đã tìm kiếm sự cho phép sử dụng nó từ chính Paul Simon và Art Garfunkel, cả hai đều đồng ý. Garfunkel nói rằng mình là người ủng hộ Sanders và chiến dịch của ông ta, và việc sử dụng "America" không làm mất đi tiền đề ban đầu của bài hát.

Nước Mỹ đã trở nên đỏ rực, không phải màu đỏ của Đảng cộng hòa, mà màu đỏ của ĐCS, màu đỏ của cách mạng vô sản.

Liệu ma quỷ có thể công nhiên thống trị thế giới chúng ta?

Nhiều người vẫn cho rằng nước Mỹ bắt đầu trở nên “đỏ” từ khi có quan hệ với ĐCSTQ. Đúng là ĐCSTQ đã bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, gây ảnh hưởng đến xã hội nước Mỹ. Nhưng Trung cộng không thể biến nước Mỹ từ một nước Tự do chống cộng sản sang một xã hội mà cánh tả chiếm ưu thế. Nước Mỹ “đỏ” ngày hôm nay là kết quả của quá trình tấn công liên tục của phong trào cánh tả từ hơn 100 năm trước, đặc biệt là từ khi phát động “cuộc trường chinh bên trong thể chế” từ những năm 60 thế kỷ trước. Mối quan hệ làm ăn với Trung cộng từ thời Bill Clinton chỉ có thể làm nước Mỹ ngày càng “đỏ” hơn.

Nếu ĐCSTQ áp đặt tư tưởng cộng sản cho xã hội Trung Quốc sau khi dùng bạo lực giành được chính quyền - tức là từ trên xuống, thì ở nước Mỹ phong trào cánh tả đã đi con đường ngược lại. Do hoàn cảnh của nước Mỹ, không thể dùng bạo lực để cướp đoạt chính quyền, nhưng nó lại có thể lợi dụng sự cởi mở của một xã hội tự do để xâm thực, để “mưa dầm thấm lâu”, để “đỏ hóa” xã hội từ bên dưới và dần dần leo lên đến thượng tầng chính trị.

Và sau 100 năm xâm lược của phong trào cánh tả, Hoa Kỳ đã có diện mạo như ngày nay. Bởi vậy, những người thuộc phái bảo thủ, bảo vệ truyền thống nước Mỹ dẫn đầu là Tổng thống Donald Trump đang dùng hết khả năng để lật lại tình thế. Nếu những nỗ lực ấy thất bại, nhân dân Hoa Kỳ thất bại, nước Mỹ có khả năng sẽ trở thành một Trung cộng ở phương Tây, sẽ là một kết cục không thể tệ hại hơn cho nhân loại.

Mong rằng những nỗ lực ấy không quá muộn, vì nước Mỹ đang thức tỉnh, và nhân loại ham chuộng tự do và công lý cũng đang dần thức tỉnh để quay lại với Thần, với văn hóa truyền thống, để bảo vệ đạo đức và chính nghĩa.

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Đi tìm câu trả lời thế kỷ cho hiện tượng 'nước Mỹ đỏ' (Kỳ 2)