Đến quân vương cũng phải kính trọng bậc chân tu đạo hạnh - câu chuyện Hà Thượng Công và Hán Văn Đế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hà Thượng Công còn được gọi là Hà Thượng Trượng Nhân, Hà Thượng Chân Nhân, ông là người tu Tiên đắc Đạo ở núi Thiên Thai, Lang Da (Nhật Chiếu ngày nay), sau đó ông truyền Đạo và truyền thụ đồ đệ ở đó, và đã để lại rất nhiều di tích...

Hà Thượng Công là người chú giải "Đạo đức kinh" của Lão Tử, bản chú giải của ông có ảnh hưởng lớn nhất và được lưu truyền rộng nhất. Bản chú giải đó có tên là "Đạo đức kinh chú", cũng có tên là "Hà Thượng Công chương cú" và tên là "Đạo đức kinh chương cú".

Sử sách kể rằng: Hoàng đế đương thời là Hán Văn Đế đặc biệt yêu thích "Đạo đức kinh" của Lão Tử, ông còn lệnh cho tất cả các vương hầu, đại thần đều phải đọc. Nhưng trong "Đạo đức kinh" có nhiều chỗ không hiểu, các danh sĩ và đại thần đương thời không ai có thể giảng rõ ràng được. Sau này Văn Đế nghe mọi người nói rằng, Hà Thượng Công là người hiểu được hàm nghĩa thâm sâu của "Đạo đức kinh", bèn phái người đem những câu hỏi mà ông chưa hiểu đi tìm Hà Thượng Công xin thỉnh giáo. Hà Thượng Công nói với sứ giả của Văn Đế rằng: "Nghiên cứu kinh điển của Lão Tử là một việc vô cùng nghiêm túc, sao lại chọn khoảng cách xa xôi nghiên cứu gián tiếp như thế được?".

Hoàng đế đương thời là Hán Văn Đế đặc biệt yêu thích "Đạo đức kinh" của Lão Tử, ông còn lệnh cho tất cả các vương hầu, đại thần đều phải đọc.
Hoàng đế đương thời là Hán Văn Đế đặc biệt yêu thích "Đạo đức kinh" của Lão Tử, ông còn lệnh cho tất cả các vương hầu, đại thần đều phải đọc. (Ảnh: Wikipedia)

Thế là Văn Đế ngự giá đến nhà tranh của Hà Thượng Công, đích thân xin thỉnh giáo. Văn Đế nói: "Trong Kinh Thi có viết: 'Dưới khắp gầm trời, đâu cũng đất vua. Khắp trong bốn biển, đều bề tôi vua'. Lão Tử cũng nói: 'Đạo vĩ đại, Trời vĩ đại, đất vĩ đại, vua cũng vĩ đại'. Quân vương cũng là 1 trong 4 thứ vĩ đại. Khanh tuy hiểu Đạo, nhưng cũng là thần dân của trẫm, tại sao lại không thể tôn trọng trẫm mà lại cao ngạo như vậy?".

Hà Thượng Công liền phủi tay, ngồi xuống và từ từ bay lên không trung, cách mặt đất khoảng vài trượng, rồi cúi đầu xuống nhìn Hán Văn Đế đang ngửa mặt lên nhìn, Hà Thượng Công nói: "Tôi trên không chạm trời, dưới không chạm đất, ở giữa lại không liên quan đến chuyện thế gian, sao có thể coi tôi là thần dân của ông được?"

Hán Văn Đế thất kinh, lúc này mới biết là đã xúc phạm đến Thần nhân, vội vàng xuống xe, quỳ xuống bái lạy tạ tội: "Tôi thực sự là người vô đức vô tài, miễn cưỡng kế thừa đế nghiệp làm hoàng đế, năng lực quá nhỏ mà trách nhiệm quá lớn, thường lo lắng không tròn bổn phận. Tuy thân ở ngôi cao trăm công ngàn việc, nhưng trong lòng luôn kính ngưỡng Đạo thuật, do vô tri mông muội nên có rất nhiều chỗ không hiểu ý nghĩa tinh sâu của Đạo, chỉ mong Đạo nhân chỉ giáo".

Hà Thượng Công lấy 2 quyển "Đạo đức kinh chương cú" trao cho Hán Văn Đế và nói: "Sau khi trở về ông hãy nghiên cứu kỹ 2 quyển sách này, những vấn đề khó hiểu trong "Đạo đức kinh" sẽ được giải quyết. Hai quyển sách này là trước tác của tôi chú giải "Đạo đức kinh", đã viết từ trên 1700 năm trước, chỉ truyền cho 3 người, tính cả ông mới là 4 người, nhất định không được đưa nó cho người không liên quan xem".

Chân dung Hán Văn Đế.
Chân dung Hán Văn Đế. (Ảnh qua bienniensu.com)

Văn Đế quỳ xuống nhận kinh thư, khi ngẩng đầu lên thì chỉ thấy một đám mây bay lên trời, đất trời mù mịt, không thấy Hà Thượng Công đâu. Sau này Văn Đế đặc biệt gìn giữ 2 quyển sách đó, dốc tâm nghiên cứu "Đạo đức kinh", tay không rời sách. Hán Văn Đế mở ra thời thịnh trị "Văn Cảnh chi trị" là có mối quan hệ mật thiết với những lời dạy bảo của Hà Thượng Công.

Trong lịch sử, những trường hợp Thần nhân truyền thụ sách cho người có tài đức, và cho bậc chí sĩ có thành tựu thì khá nhiều. Những người này đã khởi tác dụng cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển. Hán Văn Đế thích nghiên cứu học thuyết của Lão Tử, nhưng không thể hiểu thấu, do đó được Thần nhân là Hà Thượng Công truyền thụ. Nhưng Hà Thượng Công lại sợ Văn Đế không có niềm tin vững chắc nên mới hiển Thánh tích cho Văn Đế thấy. Văn Đế tuy là quân vương nhưng cũng chỉ là địa vị của người phàm, trí tuệ của người phàm, bởi vậy trước mặt Thần linh thì chỉ có cung kính thành tâm mới đắc được chân kinh.

Tường Hòa

Theo Nhược Thủy

Tài liệu tham khảo

- Thần Tiên truyện

- Thái Bình quảng ký.



BÀI CHỌN LỌC

Đến quân vương cũng phải kính trọng bậc chân tu đạo hạnh - câu chuyện Hà Thượng Công và Hán Văn Đế