ĐCSTQ 100 năm: Trăm năm mưu sâu kế hiểm - Phải chăng nhân loại quá ngây thơ? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thảm họa do ĐCSTQ gây ra vẫn chưa dừng lại, nếu các quốc gia trên thế giới, nhân loại vẫn chưa tỉnh lại để nhìn rõ bản chất tàn độc của ĐCSTQ, thì e rằng những tai họa lớn hơn, ví dụ như các loại virus độc hại khác, vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân… sẽ được ĐCSTQ sử dụng để thống trị nhân loại.

Phần 2: (tiếp theo audio trên)

Nhiều ngày trước ngày kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, khắp các cửa ngõ vào Bắc Kinh cũng như nhà ga, bến xe, bến tàu đầy ắp cảnh sát và an ninh chìm. Các cuộc bố ráp, bắt bớ những người khiếu nại, khiếu kiện ở các địa phương đến Bắc Kinh diễn ra quyết liệt. Thậm chí các thiết bị bay đồ chơi, chim bồ câu cũng bị cấm thả. Các thiết bị vô tuyến bị cấm sử dụng ở các khu vực kỷ niệm. Và điều khá ngạc nhiên là ngày lễ lớn thế này mà ĐCSTQ từ bỏ duyệt binh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở một số khu vực ở Trung Quốc, và các nước trên thế giới dần hình thành liên minh chống lại ĐCSTQ, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do những hành động trên của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng để có thể hiểu rõ về bản chất của ĐCSTQ, từ đó phán đoán được hành động và kết cục của họ, thì cần xem xét toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và bại hoại của họ.

Phôi thai từ Phong trào Ngũ Tứ 1919

Phong trào Ngũ Tứ là phong trào của học sinh, sinh viên, trí thức và thị dân chống lại điều khoản Hiệp ước Versailles, nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919. Phong trào này lan ra khắp các thành phố lớn trong toàn quốc, và sau đó chuyển thành phong trào chống Chính phủ Bắc Kinh do Từ Thế Xương làm Đại tổng thống. Trong tác phẩm “Luận về chủ nghĩa Dân chủ mới”, Mao Trạch Đông viết: “Phong trào Ngũ Tứ đã chuẩn bị về mặt tư tưởng và cán bộ cho sự ra đời của ĐCSTQ vào năm 1921”.

Phong trào Văn hóa mới, tiếp thu văn hóa phương Tây từ sau Cách mạng Tân Hợi 1911, phát triển đến sau Phong trào Ngũ Tứ thì phân ra 2 phái: Phái chuyển hướng Cộng sản đứng đầu là Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, và phái chuyển sang Quốc dân đảng, đứng đầu là Ngô Trĩ Huy.

Thành lập ĐCSTQ: Chi nhánh của ĐCS Liên Xô

Năm 1920, Liên Xô thành lập Ban Viễn Đông tại Xi-bê-ri với nhiệm vụ quản lý và thành lập Đảng Cộng sản tại Trung Quốc cũng như các nước khác quanh vùng. Sau đó, Phó Ban Viễn Đông Gờ-ri-go-ri Voi-tin-xki đã đến Trung Quốc gặp Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú, chuẩn bị những công tác để thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 23 tháng 7 năm 1921, với sự trợ giúp của Ni-côn-xky và Ma-rinh từ Ban Viễn Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thành lập, trở thành một Chi bộ của Quốc tế Cộng sản thứ 3. Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Trần Độc Tú chỉ mang chức danh Thư ký Trung ương cục. Tại Đại hội Đại biểu ĐCSTQ lần thứ ba năm 1922, Trần Độc Tú nói rằng kinh phí của ĐCSTQ hầu hết là do Quốc tế Cộng sản chu cấp.

Quốc Cộng hợp tác: Lợi dụng thời cơ phát triển lực lượng

Quốc Cộng hợp tác lần thứ nhất 1924-1927, ĐCSTQ lợi dụng ăn bám bộ máy Chính phủ Quốc Dân, luồn sâu phát triển lực lượng, từ từ dưới 1000 người năm 1925 lên đến 30.000 người năm 1928.

Sau đó hai bên tấn công lẫn nhau, ĐCSTQ liên tiếp thất bại, khiến Hồng quân phải rút lui từ phía Đông sang phía Tây, lập căn cứ ở Diên An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Đó là thực chất cuộc “Vạn Lý Trường Chinh” của ĐCSTQ. Khi thoát đến Thiểm Bắc thì Hồng Quân chủ lực giảm từ 800 ngàn xuống còn khoảng 6 ngàn.

Dưới sức ép của Liên Xô mà Mỹ, để chống Nhật, ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng hợp tác lần thứ hai 1937- 1945. Khi đó Quốc Dân Đảng có 1.7 triệu quân vũ trang. ĐCSTQ chỉ có 70 ngàn quân, bao gồm cả đội quân mới thành lập. Thực tế chỉ có quân Quốc Dân Đảng đánh Nhật, chết 200 tướng, còn ĐCSTQ lợi dụng cài gián điệp, phát triển và bảo toàn lực lượng, không chết viên tướng nào trong chiến tranh. Thế nên hiện nay ĐCSTQ không nêu ra được viên tướng nào có công đánh Nhật.

Chính vì vậy, sau kháng chiến chống Nhật, Quốc Dân Đảng bị tổn thất nặng nề, còn ĐCSTQ lớn mạnh nhanh chóng, nên đã khá dễ dàng đánh thắng Tưởng Giới Thạch chiếm toàn bộ Trung Quốc năm 1949.

Cải cách ruộng đất (Thổ cải): Một mũi tên độc trúng 4 đích

Ngay từ năm 1946, khi còn mải chiến tranh với Quốc Dân Đảng thì ĐCSTQ đã nhanh chóng dốc sức Cải cách ruộng đất ở những vùng họ chiếm đóng, với khẩu hiệu “đánh cường hào, chia ruộng đất”. Mục tiêu là: thứ nhất, cướp tiền của gia sản địa chủ, trung nông, nho sĩ, lấy tiền nuôi chiến tranh. Thứ hai, chia ruộng cho nông dân để họ ủng hộ và lấy người tham gia cuộc chiến. Thứ ba, giết người để tạo sự sợ hãi trong nhân dân, dập tắt những tiếng nói chống lại, xây dựng văn hóa đấu tố, khiến toàn dân khuất phục cúi đầu. Thứ tư, cũng là mục tiêu chính và cuối cùng, thu hồi tất cả tài sản ruộng đất của toàn dân. Nó được che giấu kỹ và thực hiện sau này bằng cái tên “Hợp tác xã”.

Cách giết người phổ biến nhất được biết đến trong thời kỳ cải cách ruộng đất là “đấu tố”. ĐCSTQ làm giả tội danh và đổ tội cho những người địa chủ hoặc những người nông dân giàu có.
Cách giết người phổ biến nhất được biết đến trong thời kỳ cải cách ruộng đất là “đấu tố”. ĐCSTQ làm giả tội danh và đổ tội cho những người địa chủ hoặc những người nông dân giàu có. (The Epoch Times)

Sau khi chiếm được toàn bộ Trung Quốc, ĐCSTQ càng đẩy mạnh Cải cách ruộng đất, các vụ đấu tố, hành quyết càng diễn ra quyết liệt hơn. Theo ĐCSTQ, trong cuộc Cải cách ruộng đất từ năm 1946 đến 1953, có 830.000 người bị giết là ước tính của Chu Ân Lai, còn của Mao Trạch Đông thì là từ 2 đến 3 triệu. Có số liệu của một số nhà nghiên cứu ước tính số người bị giết chết lên đến 5 triệu người.

“Đại nhảy vọt” gây ra nạn đói, thảm họa lớn nhất thế giới

Sau khi hoàn toàn thu được tài sản, nhà máy, ruộng đất từ tay những chủ tư bản, địa chủ, ĐCSTQ tiến hành Kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1958-1963 với phương hướng phát triển “Đại nhảy vọt”, phát triển đồng thời công nghiệp và nông nghiệp, với chính sách hoang đường như “đạt sản lượng thóc lúa 75 tấn trên một héc ta”, “tăng gấp đôi sản lượng thép”, và “vượt Anh trong 10 năm và vượt Mỹ trong 15 năm”.

Các địa phương do áp lực thành tích nên đã báo cáo sai sản lượng lương thực để “đạt mục tiêu”, “vượt kế hoạch”. Người dân nhà nhà luyện thép, thiếu người làm ruộng, cộng thêm chiến dịch “Đuổi chim sẻ”, khiến mất mùa. Mặc dù 3 năm 1959-1962 thời tiết bình thường, nhưng sau này để che giấu tội lỗi, ĐCSTQ đã nói là “3 năm thiên tai”, gây nạn đói chết 14 triệu người. Tuy nhiên theo một số học giả thì người chết đói từ 20 đến 43 triệu người. Kết quả Mao Trạch Đông từ chức Chủ tịch nước, chỉ còn giữ chức Chủ tịch Đảng.

Trấn áp Tây Tạng và chiến tranh Trung Ấn

Cuộc nổi loạn bị trấn áp thật khủng khiếp, chỉ trong 3 năm (1956 – 1959) hơn 20.000 người tham dự bị giết chết, dã nam nhất là hơn 200.000 người bị bắt đem đi thủ tiêu.

Ngày 20 tháng 10 năm 1962, quân Trung Quốc tràn qua các vị trí của quân Ấn Độ tại cả hai mặt trận, đánh chiếm được Rezang la tại Chushul ở mặt trận phía tây, cũng như Tawang ở mặt trận phía đông. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngừng bắn vào ngày 20 tháng 11 năm 1962, và rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được. Tuy nhiên căng thẳng vẫn tiếp diễn, và các cuộc xung đột nhỏ vẫn thường diễn ra.

Cách mạng Văn hóa: Kiếp nạn nhân họa 10 năm (1966-1976)

Sau thất bại của “Đại nhảy vọt”, Mao mất uy tín và mất một số quyền lực. Thế là ông ta đã dùng mưu sâu kế độc, phát động “Cách mạng Văn hóa” với mục tiêu là "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội". Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mục tiêu thực sự là để Mao giành lại quyền lực tuyệt đối.

Trên khắp Trung Quốc, học sinh sinh viên tổ chức các nhóm Hồng vệ binh. Bất kỳ ai bị quy vào “5 giai cấp đen” gồm “địa chủ”, “phú nông”, “phần tử phản cách mạng”, “phần tử xấu” và “phái hữu” đều bị những Hồng vệ binh đấu tố, tùy tiện đánh đập, thậm chí giết chết. Các thảm kịch như con tố cáo khiến cha mẹ bị giết, trò đấu tố thầy xảy ra khắp nơi.

Đồng thời, Cách mạng Văn hóa còn tiến hành phong trào “Tiêu hủy 4 cái cũ”, phá bỏ mọi “tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ”. Tất cả những gì liên quan đến các loại tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống khác đều bị Hồng vệ binh đập phá. Nhiều công trình tôn giáo, tâm linh như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo, lăng mộ bị cướp phá. Các tượng Phật, Đạo, Thần, Thánh bị đập phá. Nhiều cổ vật, sách cổ, tranh ảnh, thư pháp... bị phá hủy, đốt bỏ. Điều khủng khiếp nhất của phong trào này là việc sử dụng bừa bãi hình thức tra tấn, giết chóc dẫn đến các vụ tự tử do nạn nhân không chịu được tra tấn và nhục nhã.

Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy "Cuốn sách đỏ nhỏ" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc (1966-1976), dưới sự chỉ huy của Mao, Hồng vệ binh hoành hành khắp đất nước, làm nhục, tra tấn và giết chết những ai bị coi là kẻ thù giai cấp, và phá hoại các biểu tượng văn hóa mà không đại diện cho cách mạng cộng sản. (Jean Vincent / AFP / Getty Images)
Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy "Cuốn sách đỏ nhỏ" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc (1966-1976), dưới sự chỉ huy của Mao, Hồng vệ binh hoành hành khắp đất nước, làm nhục, tra tấn và giết chết những ai bị coi là kẻ thù giai cấp, và phá hoại các biểu tượng văn hóa mà không đại diện cho cách mạng cộng sản. (Jean Vincent / AFP / Getty Images)

Theo thống kê, những cái chết bất thường ở Trung Quốc trong Cách mạng Văn hóa ít nhất là 7,73 triệu người. Mao Trạch Đông nói: “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ giết 46 chục nho sĩ, còn chúng ta đã giết cả 46 ngàn thằng trí thức hủ nho ấy chứ. Trong cuộc trấn áp phản cách mạng, chẳng phải chúng ta đã giết cả những thằng trí thức phản cách mạng hay sao? Tôi đã tranh luận với những người theo phái dân chủ buộc tội chúng ta là hành động như Tần Thủy Hoàng. Tôi nói rằng họ đã nhầm. Chúng ta còn vượt xa ông ta đến cả trăm lần ấy chứ”.

Cũng trong thời gian này, năm 1969, ĐCSTQ và ĐCSLX nổ ra cuộc xung đột biên giới, khiến hàng trăm người chết.

Nuôi dưỡng chế độ Khmer Đỏ và đánh Việt Nam

ĐCSTQ nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Khơ-me Đỏ do Pôn-Pốt cầm đầu, cướp chính quyền từ Hoàng gia Campuchia. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới. Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được ĐCSTQ trang bị vũ khí khí tài cho đội quân 200.000 người và gửi 10.000 cố vấn quân sự, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Cuộc tấn công tổng lực của Khmer Đỏ đã bị quân Việt Nam đánh bại, tiêu diệt khoảng 38.000 tên.

Chính quyền Khmer Đỏ chỉ tồn tại trong vòng có 4 năm nhưng từ năm 1975 cho đến năm 1978, hơn hai triệu người Campuchia, bao gồm cả hơn 200.000 người Hoa, đã bị giết. Khi đó tổng số dân Campuchia chỉ vẻn vẹn có 8 triệu người.

Để gây sức ép Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, giải cứu đàn em Polpot, ở biên giới Việt-Trung, ĐCSTQ cũng tiến hành leo thang các hoạt động khiêu khích, phá hoại. Số vụ xâm phạm vũ trang của quân đội ĐCSTQ vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, ĐCSTQ đã châm lửa khởi đầu cuộc chiến xâm phạm biên giới Việt Nam. Trong khi quân đội chủ lực của Việt Nam vẫn tập trung ở biên giới Tây Nam, lực lượng của Việt Nam chống lại 9 quân đoàn quân chủ lực quân đội ĐCSTQ (mỗi quân đoàn có khoảng 20.000 - 45.000 quân) chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Quân đội Trung Quốc sau gần một tháng tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam, đã chiếm được trên 20 thành phố, thị xã, và chiếm được các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn...

Đến ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc, thì trưa cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân.

Hoàn Cầu Thời báo bản điện tử ngày 2/3/2015 dẫn nguồn Trung Quốc viết về cuộc chiến với Việt Nam rằng: “Tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2.173 lính đầu hàng”.

ĐCSTQ cho xe tăng nghiến nát sinh viên tay không tấc sắt trên quảng trường Thiên An Môn

Sau cái chết của cố Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang ngày 15 tháng 4 năm 1989, sinh viên ở Bắc Kinh và những nơi khác đã tiến hành tưởng niệm và đưa ra đề xuất về các vấn đề như tự do báo chí, chống hủ bại, v.v. Đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn, nhanh chóng hình thành tiếng nói dân chủ và tự do trên toàn Trung Quốc.

Vào 16:30 ngày 3 tháng 6, Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp và đã chính thức thông qua quyết định dập tắt cuộc biểu tình:

  • Các hoạt động để dập tắt cuộc bạo loạn phản cách mạng sẽ bắt đầu lúc 9 giờ tối giờ địa phương.
  • Các đơn vị quân đội phải tập hợp trên Quảng trường trước 1 giờ sáng ngày 4 tháng 6 và Quảng trường phải được dọn dẹp trước 6 giờ sáng.
  • Không có sự chậm trễ nào được dung thứ.
  • Không ai được phép cản trở bước tiến của quân đội khi thi hành thiết quân luật. Quân đội được phép hành động tự vệ và sử dụng bất kỳ phương tiện nào để xóa bỏ những trở ngại.
  • Phương tiện truyền thông nhà nước sẽ phát sóng cảnh báo cho công dân

Đêm ngày 3 và sáng sớm ngày 4 tháng 6 năm 1989, ĐCSTQ đã cho quân đội cùng xe tăng, thiết giáp, từ mọi hướng tiến vào quảng trường, thảm sát những người sinh viên tay không tấc sắt.

Sau sự kiện này, ĐCSTQ khẳng định không có vụ thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn và trên thực tế quân lính đã giải tán người biểu tình mà không nổ súng. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng đã nổ ra bạo lực, nhưng chủ yếu là bằng vũ khí thô sơ như gậy gộc, dùi cui giữa binh sĩ với những nhóm biểu tình.

Còn Trương Công, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc nói trong cuộc họp báo rằng: “từ 4:30 đến 5:30 sáng ngày 4/6, trong quá trình chấp hành nhiệm vụ thanh trừng, binh lính giới nghiêm tuyệt đối không giết chết một sinh viên hay người dân nào, cũng không gây thương tích cho bất kỳ ai…”

Cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 đã dập tắt hoàn toàn hy vọng của người dân đối với lãnh đạo và toàn bộ thể chế của chính quyền Trung Quốc.
Cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 đã dập tắt hoàn toàn hy vọng của người dân đối với lãnh đạo và toàn bộ thể chế của chính quyền Trung Quốc.

Các nhà báo nước ngoài, những người chứng kiến vụ việc thì lại tuyên bố có ít nhất 3.000 người chết. Một số bảng liệt kê con số thương vong còn cho rằng con số lên tới 5.000 người.

Một "nhân viên Chữ thập Đỏ Trung Quốc giấu tên" ước tính rằng tổng cộng 5.000 người chết và 30.000 người bị thương.

Tình báo khối NATO cho rằng, 7.000 người chết (6.000 thường dân 1.000 binh sĩ)

Theo ước tính của Khối Xô Viết, tổng cộng 10.000 người chết.

Theo BBC đưa tin, hồ sơ giải mật của Anh Quốc năm 2017 cho thấy, trong sự kiện Lục Tứ, quân đội Trung Quốc đã giết hại ít nhất 10.000 người.

Bức hại Pháp Luân Công: Những tội ác phi nhân tính

Pháp Luân Công được truyền dạy từ năm 1992 ở Trường Xuân Trung Quốc, và nhanh chóng lan ra cả nước. Ngay từ năm 1994, ĐCSQT đã cử những nhân viên công an mật của ĐCSTQ đã thâm nhập vào Pháp Luân Công, nhưng họ không thể tìm được một lỗi nào, và một số thậm chí đã bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công một cách nghiêm chỉnh.

Ngày 07/06/1999, trong một buổi họp của Bộ chính trị ĐCSTQ, Giang Trạch Dân coi vấn đề Pháp Luân Công như là một vấn đề “đấu tranh giai cấp”, và ra lệnh thiết lập “Phòng Xử lý Vấn đề Pháp Luân Công” thuộc Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, gọi là “Phòng 610”. Sau đó, các “phòng 610” đã được thiết lập trên toàn quốc ở tất cả các cấp chính quyền, từ cao nhất cho đến thấp nhất. Tất cả các ban ngành, cơ cấu ở các cấp đều phải tuân theo lệnh của Phòng 610.

Phòng 610 là một tổ chức toàn quyền rất giống với Gestapo của Đức Quốc xã, có mọi quyền lực vượt trên cả các hệ thống luật pháp và tòa án, sử dụng các nguồn lực của đất nước một cách tùy ý. Giang Trạch Dân đã nói, “Ai đánh chết những người luyện tập Pháp Luân Công cũng không bị trừng phạt”. Các thủ đoạn tra tấn tàn khốc còn hơn cả thời trung cổ, đặc biệt là tội ác phi nhân loại thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công, gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất ở Trung Quốc.

ĐCSTQ mổ cướp nội tạng
Thực trạng mổ cướp nội tạng sống của học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã rất rõ ràng nhưng các nước trên thế giới lại vẫn nhắm mắt làm ngơ. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Ethan Gutmann là tác giả của quyển sách xuất bản năm 2014 tựa đề: Đại Thảm Sát - “The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem” (tạm dịch Đại thảm sát: Giết người hàng loạt, Thu hoạch nội tạng, và Giải pháp bí mật của chính quyền Trung Quốc xử lý các bất đồng quan điểm) đã giải thích cách ông có thể ước tính chính xác nhất số lượng nội tạng bị thu hoạch từ 65.000 học viên Pháp Luân Công, 2.000 - 4.000 từ Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và Thiên chúa giáo, trong giai đoạn từ 2000-2008.

Xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây hấn ở Biển Đông, Hoa Đông

Từ năm 2014, ĐCSTQ bắt đầu bồi lấp các bãi đá ngầm ở Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các đảo nhân tạo lớn, và đặt các căn cứ quân sự, kiểm soát hàng hải và không lưu, cấm ngư dân các nước đánh cá. Liên tiếp đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam, thậm chí còn đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc cũng chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines quản lý. ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bằng tự đưa ra đường 9 đoạn, lấn sâu vào lãnh hải của các nước Đông Nam Á.

ĐCSTQ còn liên tiếp cho máy bay xâm phạm không phận của các nước như Việt Nam, Đài Loan, Indonesia, Philippines, và Malaysia, và cả vùng đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản.

Giam giữ cải tạo người Ngô Duy Nhĩ, phá hủy nhà thờ Hồi giáo Tân Cương

Vào năm 2017, ĐCSTQ đã đàn áp những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, xây dựng các trại để giam giữ những dân tộc thiểu số này vì họ "dám" chống lại chương trình cưỡng bức "Hán hóa" mà ĐCSTQ thúc đẩy. Chính quyền này kết tội những người Duy Ngô Nhĩ có “hành vi cực đoan”, chỉ vì họ thực hành đức tin Hồi giáo. Các nhóm nhân quyền ước tính rằng, ĐCSTQ đã giam giữ từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại tập trung ở Tân Cương trong vài năm qua.

Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc: “Khoảng 16.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương (tức 65% tổng số các nhà thờ Hồi giáo của khu vực này) đã bị phá hủy hoặc làm hư hại do các chính sách của ĐCSTQ, chủ yếu kể từ năm 2017”.

Một trong những tội ác của ĐCSTQ là “tội ác diệt chủng nhân khẩu học”, nhiều phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ và những phụ nữ thiểu số khác phải triệt sản cưỡng bức, cưỡng bức phá thai và đặt dụng cụ tử cung. Các phụ nữ trong các trại cải tạo bị cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục hàng đêm. Các trại cải tạo Tân Cương chính là sự mở rộng trại cải tạo, lớp chuyển hóa mà ĐCSTQ đã và đang áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công.

Đàn áp dân chủ, bóp chết tự do ngôn luận người Hong Kong

Tháng 2 năm 2019, Chính quyền Hong Kong dưới sự hậu thuẫn của ĐCSTQ đã đưa ra Dự luật Dẫn độ khiến bùng lên sự phản kháng của người Hong Kong. Các cuộc biểu tình của người Hong Kong kéo dài, có lúc lên đến hàng trăm nghìn đến hàng triệu người.

Các biện pháp hạ lưu của ĐCSTQ ở Đại Lục lại được trình diễn ở Hong Kong, liên tục xảy ra các vụ thiệt mạng, tấn công tình dục và té lầu, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo mới nhất được Chính phủ Hồng Kông công bố, từ tháng 6 đến tháng 9, Chính phủ Hồng Kông xác nhận có 2.537 trường hợp tìm thấy thi thể chết, bao gồm số người chết trước và sau khi tới bệnh viện. Và trong ba tháng có thêm 256 trường hợp tự tử.

Người dân Hong Kong tham gia cuộc diễu hành phản đối Dự luật dẫn độ vào ngày 9/6/2019. (Ảnh Epoch Times)
Người dân Hong Kong tham gia cuộc diễu hành phản đối Dự luật dẫn độ vào ngày 9/6/2019. (Ảnh Epoch Times)

Không chịu lùi bước, tháng 6 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia áp dụng cho Hong Kong lại dẫn đến làn sóng biểu tình lớn của dân chúng Hong Kong.

Luật an ninh Hong Kong đã vi phạm trắng trợn các điều khoản của Tuyên bố chung Trung-Anh: “cho phép Hồng Kông duy trì quyền tự trị và hình thức quản trị có trụ sở tại Anh”. Thư ký thứ nhất của Anh và Bộ trưởng Ngoại giao và Liên bang Dominic Raab tuyên bố rằng: “Trung Quốc đang vi phạm Tuyên bố chung trong nỗ lực theo đuổi luật pháp của họ”.

Gây ra dịch bệnh Covid-19 toàn thế giới

Hiện nay, ngày càng có nhiều người, chính khách, nhà khoa học và quốc gia tin rằng virus Covid-19 có nguồn gốc từ Phòng thí nghiệm của quân đội ĐCSTQ, và kêu gọi điều tra.

Newsmax đưa tin ngày 16/5. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News "Sunday Morning Futures", Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết "mọi bằng chứng mà chúng tôi thấy trong suốt thời gian qua đều cho thấy điều này. Virus viêm phổi Vũ Hán bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, tại Viện Virus học Vũ Hán".

Nguồn gốc virus Vũ Hán (SARS-CoV-2)
Nguồn gốc virus Vũ Hán (SARS-CoV-2) cần được xác định sớm để có thể ngăn chặn đại dịch. (Ảnh: Geralt/Pixabay)

Việc xác định nguồn gốc virus có phải từ phòng thí nghiệm Vũ Hán không còn phải cần điều tra, xác minh, tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, tất cả các bệnh nhân đầu tiên của 20 nước đầu tiên trên thế giới mắc bệnh Covid-19 đều đến từ Vũ Hán. Rõ ràng việc che giấu dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, và cho phép người dân từ Vũ Hán đi đến khắp nơi trên thế giới, trong khi đó ĐCSTQ lại cấm người dân Vũ Hán đến Bắc Kinh, Thượng Hải vào thời gian đó là bằng chứng rõ ràng rằng Bắc Kinh cố tình để dịch bệnh lây lan khắp thế giới.

Lời kết

Nhìn lại lịch sử ĐCSTQ, trong 100 năm qua, ĐCSTQ luôn luôn hành động nhất quán là giả dối và tàn ác, nhằm duy trì sự thống trị của mình. Họ sẵn sàng giết chết người dân Trung Quốc, giết chết người dân thế giới, thậm chí giết chết những cán bộ đảng viên của họ, thậm chí cả người lãnh đạo cao nhất, như các Tổng bí thư ĐCSTQ thời kỳ đầu. Thời kỳ sau đó là tiêu diệt Cao Cương, Nhiêu Thấu Thạch, Hồ Phong, Bành Đức Hoài, và thời kỳ những năm 60-70 thế kỷ 20 là tiêu diệt Lưu Thiếu Kỳ, cựu chủ tịch nước, và Lâm Bưu, nguyên soái, phó chủ tịch ĐCSTQ.

Thảm họa do ĐCSTQ gây ra vẫn chưa dừng lại, nếu các quốc gia trên thế giới, nhân loại vẫn chưa tỉnh lại để nhìn rõ bản chất tàn độc của ĐCSTQ, thì e rằng những tai họa lớn hơn, ví dụ như các loại virus độc hại khác, vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân… sẽ được ĐCSTQ sử dụng để thống trị nhân loại.

Cũng có người cho rằng, ĐCSTQ dùng lợi ích tiền bạc, cơ hội kinh doanh, khoản vay, đầu tư, và thị trường rộng lớn 1.4 tỷ dân để mê hoặc giới tài chính, kinh tế, đầu tư, chính trị, khoa học, truyền thông của các nước trên thế giới, cũng như các tổ chức quốc tế, thế nên họ không dám đập vỡ bát cơm của mình, chỉ lên tiếng lấy lệ hoặc im lặng, thậm chí còn cam tâm nối giáo cho giặc, tuyên truyền ca tụng giúp cho kẻ đại ác. Cũng có thể như vậy, nhưng trong các giới đó vẫn có nhiều người có lương tri, có chính nghĩa. Nhất là nếu đại đa số dân chúng đều nói lên tiếng nói của lương tri và công lý thì dưới áp dân chúng đông đảo, những người lãnh đạo ở trên dẫu muốn giúp ĐCSTQ cũng phải dè chừng, tự bảo vệ an nguy bản thân và gia đình mình. Rất may mắn là hiện nay, hầu hết người dân các nước đã thức tỉnh, và nhiều nhà khoa học, chính trị gia cũng đã đứng lên theo tiếng nói của lương tâm, vạch trần tội ác của ĐCSTQ.

Đại Minh



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ 100 năm: Trăm năm mưu sâu kế hiểm - Phải chăng nhân loại quá ngây thơ? [Radio]