Dạy con ngoan bắt đầu từ những phép tắc cơ bản [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cây cao lớn vì nó chắc từ bộ rễ, ngôi nhà lớn cũng vì móng vững chắc. Những phép tắc cơ bản cũng như bộ rễ của cây, nền móng của ngôi nhà. Dạy trẻ những phép tắc cơ bản chính là dựng lập cho trẻ một tương lai tốt đẹp.

1. Dạy con những phép tắc cơ bản

Con người có những chuẩn mực của con người, bởi vậy khi trẻ bắt đầu nhận biết thì điều đầu tiên các mẹ cần dạy con là những phép tắc cơ bản. Khi trẻ có một chuẩn mực để đo lường tốt xấu thì khi chúng làm sai điều gì, cha mẹ có mắng trẻ mới biết mình sai ở đâu.

Chẳng hạn như trẻ khi đi ra khỏi nhà và khi từ ngoài về thì phải chào ông bà, bố mẹ, đến trường chào các bạn, lúc về chào cô giáo. Đó là lễ tiết đầu tiên mà một đứa trẻ cần học thành thói quen, người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Một đứa trẻ ngoan cần phải bắt đầu từ lễ trước.

Hiện đại có rất nhiều sách dạy trẻ em, nhưng dễ nhớ và ngắn gọn nhất chỉ có hai bộ tập hợp trí tuệ của người xưa, đó là Đệ tử quyTam tự kinh. Trẻ em từ 3 tuổi có thể bắt đầu học thuộc lòng các câu trong Đệ tử quy, khi trẻ đã học thuộc, ứng với thực tế hoàn cảnh mà người mẹ có thể giải thích cho con rõ ràng hơn, chẳng hạn câu:

Đông phải ấm, hạ phải mát.
Sáng phải thăm, tối phải viếng.
Đi phải thưa, về phải trình.

Với cách xếp vần 3 chữ một, trẻ rất dễ học và dễ nhớ. Người mẹ cũng hướng dẫn con cách thực hành lời dạy. Nếu nhà có ông bà cùng ở, thì sáng đi học qua phòng chào ông bà, tối đi học về cũng chào ông bà mới lên phòng.

2. Chú ý những thứ trẻ thường xuyên tiếp xúc

Trẻ em thường hay làm theo người lớn, thấy bà quét nhà chúng cũng đi tìm chổi quét nhà, thấy mẹ giặt quần áo chúng cũng lấy quần áo ra giặt. Giai đoạn từ 2-3 tuổi này trẻ chưa hẳn cố định thích làm một việc gì, mà chúng chủ yếu muốn khám phá thế giới.

Đến 4 tuổi trở đi, trẻ bắt đầu có xu hướng thích làm những việc mà theo khả năng của chúng. Trẻ bắt đầu thích nghe truyện cổ tích, thích xem phim hoạt hình, thích chơi nhạc, hoặc các đồ chơi như điều khiển ô tô…

Giai đoạn này người mẹ cần chú ý với những thứ trẻ tiếp xúc, chẳng hạn như điện thoại thông minh, truyện tranh, phim hoạt hình, trên đó có nhiều tình huống và hình ảnh chứa ma tính mà trẻ rất dễ học theo một cách tự phát. Ví dụ như trẻ thấy làm siêu nhân là phải gồng người lên, mắt đỏ lòm, hò hét, tuốt kiếm ra chiến đấu mới là mạnh mẽ… nên khi muốn thể hiện, chúng đều làm bắt chước theo nhân vật trong truyện hoặc trong phim.

Nhiều bậc cha mẹ cũng biết điểm này nên khi trẻ mở ra liền mắng chúng và cấm không mở ra nữa, trẻ không hiểu được tại sao cha mẹ lại cấm, đặc biệt là trước đây đã được xem và thấy vui, chúng dễ sinh ra tâm lý tự ti hoặc đối kháng lại với quyết định của cha mẹ. Nếu đứa trẻ đã có phép tắc cơ bản ở trên, thì việc giải thích cho bé hiểu ở đây trở nên dễ dàng, trong Đệ tử quy có câu:

Không sách Thánh, bỏ không xem
Che thông minh, hỏng tâm trí

Lấy những nhân vật trong truyện, trong phim làm ví dụ cho trẻ hiểu người xấu là người như thế nào, có hành vi gì, người tốt có biểu hiện ra sao, dần dần trẻ sẽ định hình được hành vi nào là tốt, hành vi nào là xấu.

Khen người thiện, tức là thiện
Người biết được, càng gắng sức
Nói người xấu, chính là ác
Ác cùng cực, tai họa đến
Cùng khuyên thiện, cùng lập đức
Lỗi không khuyên, thiệt cả hai.
(Đệ tử quy)
Khi trẻ đã phân biệt được những hành vi tốt và hành vi xấu, thì việc giáo dục trẻ đã trở nên dễ dàng. Tuy nhiên xã hội bây giờ là phức tạp, có thể trong tư tưởng trẻ thấy mình làm việc này là tốt, nhưng người lớn lại mắng chúng, hoặc nói là không tốt vậy là sẽ làm khái niệm tốt và xấu mới hình thành trong trẻ còn chưa ổn định đã bị tổn thương, nếu không chỉnh lý kịp thời sẽ làm trẻ nhầm lẫn giữa tốt và xấu.

“Đệ tử quy” dạy bảo hướng dẫn trẻ em đạo đức luân lý và lễ tiết cơ bản, quy phạm hành vi chính xác của trẻ em. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Có một đứa trẻ đang đi bị vấp vào cái ghế và ngã xuống, người bà chạy đến vuốt ve “ôi thương quá, con có bị sao không? Bà đánh cái ghế này, nó hư quá làm ngã con”. Chúng ta không nên làm thế, vì đấy là dạy trẻ đổ lỗi. Lớn lên chúng sẽ luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho sự vật khác chứ chúng không bao giờ thừa nhận rằng mình sai, mình cần sửa sai.

Ở trên lớp, cô giáo lấy ví dụ về câu để phân tích cho học sinh về chủ ngữ, vị ngữ, trạng từ trong câu thì thường là: - Vì trời mưa nên tôi đi học muộn, vì tôi ốm nên không làm bài tập, … nhẽ nào cứ trời mưa là được phép đi học muộn sao? Nhẽ nào cứ ốm, mệt là không cần làm bài tập nữa? Trẻ sẽ phát triển tư duy đổ lỗi, mà bản thân sẽ không nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của bản thân mình.

Trong Tam tự kinh dạy rằng:

Ấu bất học, lão hà vi?
Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri lý

Tạm dịch:

Trẻ không học, lớn làm gì?
Ngọc không mài, không thành quý,
Người không học, mù nghĩa lý.

Trẻ em cần được học những phép tắc cơ bản ngay từ khi còn bé, thuận theo thời gian chúng sẽ dần dần hiểu được nội hàm trong các phép tắc ứng xử đó. Trẻ em thường được ví như một tờ giấy trắng, một khi chữ viết lên đó rồi sẽ rất khó tẩy xóa đi. Nếu để những điều xấu viết lên đó trước thì người lớn rất khó dạy bảo, còn khi dạy những phép tắc cơ bản thì chính là đã tạo một nền móng vững chắc cho trẻ trưởng thành.

Cây cao lớn vì nó chắc từ bộ rễ, ngôi nhà lớn cũng vì móng vững chắc. Những phép tắc cơ bản cũng như bộ rễ của cây, nền móng của ngôi nhà. Dạy trẻ những phép tắc cơ bản chính là dựng lập cho trẻ một tương lai tốt đẹp. Vì thế người lớn cũng cần dành thời gian dạy bảo trẻ từ nhỏ.

Vân Hải



BÀI CHỌN LỌC

Dạy con ngoan bắt đầu từ những phép tắc cơ bản [Radio]