Danh tướng lạm sát tù binh đã đầu hàng, kết cục như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cao tăng Phật Ấn đã từng gọi ông là "Thượng tướng quân sát nhân không chớp mắt". Đến những năm cuối đời, Vương Thiều vì trước đây lạm sát nên trong tâm hối hận. Ông đã phải trả nợ nghiệp bằng phương thức như thế nào?

Vương Thiều (1030-1081), danh tướng đời Tống, túc trí đa mưu, chiến công lừng lẫy, mở rộng cương thổ cho quốc gia thêm hơn 2000 dặm. Do ông có "Mưu kế kỳ lạ, chiến thắng kỳ lạ và ban thưởng kỳ lạ" nên được mọi người gọi là "Tam kỳ Phó sứ".

Năm Hi Ninh thứ nhất đời Tống Thần Tông (1068), Vương Thiều dâng "Bình Nhung sách" (Kế sách bình định người Nhung), đề xuất phương sách "Thu phục Hà Hoàng, chiêu phủ người Khương, cô lập Tây Hạ". Tống Thần Tông áp dụng ý kiến của ông, bổ nhiệm ông làm chức quan tham quân của Tần Phượng lộ, dẫn quân Tống đánh bại quân Khương và quân Tây Hạ. Triều đình nhà Tống thiết lập Hi Châu, Vương Thiều chủ đạo chiến dịch Hi Hà (Cuộc chiến giữa nhà Bắc Tống và Thổ Phồn), thu phục được 6 châu là Hi, Hà, Thao, Mân, Đãng, Mên, đã mở rộng cương thổ cho nhà Tống thêm hơn 2000 dặm. Vương Thiều được thăng quan đến chức Khu mật Phó sứ.

Vương Thiều vốn là văn nhân, nhưng lại có tài cầm quân, và gánh vác trọng trách thu phục Hà Hoàng (vùng Tây Cam Túc và Đông và Đông Bắc Thanh Đảo). Cuộc đời ông dường như vinh quang vô hạn, nhưng đến những năm cuối đời, ông vô cùng hối hận về một việc, đó là sau khi chiếm được Hi Hà đã lạm sát, khiến rất nhiều người đã chết thảm.

Khi đó Vương Thiều lệnh thuộc hạ phóng lửa đốt 8000 lều trại của người Khương, còn dung túng cho thuộc hạ lạm sát những binh sĩ quân địch đã đầu hàng, bao gồm cả những tù binh già và thân thể yếu nhược.

Những năm cuối đời, Vương Thiều bị triều đình giáng chức đến Hồng Châu. Mỗi khi nhớ lại sự việc sát phạt này, ông đều vô cùng hối hận, lòng buồn rầu lo lắng. Để tẩy rửa tội ác trong tâm, ông bắt đầu học Phật, lễ bái cao tăng Phật Ấn và Trưởng lão Tổ Tâm (Hoàng Long Tâm Lão).

Vương Thiều du lãm chùa Kim Sơn, hỏi các tăng nhân về nhân quả báo ứng. Các tăng nhân nói với ông rằng, ông phụng mệnh vương pháp mà sát nhân, giống như khi thuyền đi đè chết cua ốc, tự nhiên là vô tâm. Nhưng Vương Thiều nghe rồi mà trong lòng vẫn nghi hoặc.

Khi đó có một đại thần tên là Điêu Ước, tự Cảnh Thuần, từng làm quan hai triều Nhân Tông và Anh Tông, và là tiền bối của Vương Thiều, cũng là người học Phật, phần lớn thời gian ông ấy ở chùa Kim Sơn.

Bỗng một hôm, khi các trưởng lão trong chùa tọa đàm, Điêu Cảnh Thuần ngẫu nhiên gặp Vương Thiều. Vương Thiều vẫn đưa ra nghi vấn trong tâm mình, lại hỏi cùng vấn đề đó với mọi người. Các tăng nhân vẫn trả lời như trước. Duy có Điêu Cảnh Thuần thì im lặng không nói.

Vương Thiều hỏi ông ấy: "Ngài cho là như thế nào?"

Điêu Cảnh Thuần nói: "Lương tâm anh có thể đánh được những người đó không?"

Vương Thiều hỏi lại: "Không biết ngài cho là có đánh được không?"

Điêu Cảnh Thuần nói: "Theo tôi thấy, lương tâm anh không đánh được họ".

Vương Thiều hỏi ông ấy sao biết? Cảnh Thuần trả lời rằng: "Nếu ông có thể đánh được thì tự nhiên đã không lại đến hỏi rồi".

Vương Thiều nghe xong, trong lòng vô cùng bất an.

Một hôm, Vương Thiều thi lễ với Trưởng lão Tổ Tâm (Hoàng Long Tâm Lão), sau đó hỏi: "Ngày trước con chưa học Đạo, đã tạo rất nhiều tội nghiệp. Ngày nay con đã học Đạo rồi, tội nghiệp của con có thể thanh lý sạch được không?"

nhân quả báo ứng do lạm sát người
Vương Thiều thi lễ với Trưởng lão Tổ Tâm. (Ảnh minh hoạ qua Epoch Times)

Tổ Tâm lấy một ví dụ cho ông, hỏi rằng: "Ví như hôm nay có một người rất nghèo, vay nợ rất nhiều của những người khác. Đến khi người nghèo kia phát đạt phú quý rồi, anh ta gặp những chủ nợ xưa kia. Thế thì những món nợ mà xưa kia anh đã thiếu đó có nên phải hoàn trả không?"

Vương Thiều nói: "Bắt buộc phải trả".

Tổ Tâm nói: "Thế nên, tuy đã học Đạo rồi, nhưng làm sai chủ nợ dễ dàng bỏ qua đây".

Vương Thiều nghe xong trong lòng rất không thoải mái.

Vào một đêm, tri huyện cai quản Kinh Nguyên là Vương Trực Ôn bỗng nhiên có giấc mộng, thấy mình tiếp nhận được một tờ Thiên phù, lệnh cho ông ta thẩm lý vụ án Vương Thiều. Vương Trực Ôn nhìn kỹ tội nhân, thấy thân hình ông ta béo lùn, thế là lệnh cho quan lại tuyên án, dùng gậy đánh lên lưng Vương Thiều, sau đó đem đi đày ở Hồng Châu.

Sau khi tỉnh lại, Vương Thực Ôn hỏi mọi người về cái tên Vương Thiều. Có người nói với ông ta rằng, trong triều đình có vị Khu mật Phó sứ là Vương Thiều, thân thể béo lùn, có lẽ chính là ông ta. Vương Trực Ôn nghe vậy thì rất kinh ngạc. Không lâu sau, ông nghe nói triều đình cách chức Vương Thiều, và giáng xuống Hồng Châu.

Về việc này, trong Tống Sử có ghi chép, triều đình nhiều lần khởi binh, mệt sức dân, hao tổn của cải, triều thần chỉ trích Vương Thiều. Vương Thiều đùn đẩy vấn đề này cho triều đình quyết định, khiến cho Tống Thần Tông không vui, thế là xuống chiếu lệnh giáng chức đi đày.

Sau này trên lưng Vương Thiệu mọc cái nhọt độc, cả ngày đau đớn không chịu nổi. Càng kỳ lạ là, cả ngày ông ta nhắm nghiền hai mắt, không dám mở mắt nhìn người. Ông ta nói, hễ mở mắt thì lại thấy những người cụt đầu cụt chân, hoặc là những oan hồn đã bị ông sát hại.

Một lần, thầy thuốc khám bệnh cho ông và nói: "Tôi xem bệnh, cũng cần xem ánh mắt của ngài, Khu mật đại nhân, xin ngài mở mắt ra".

Vương Thiều nói: "Tôi làm sao dám mở mắt. Trước mặt tôi đều là những người cụt đầu cụt chân, có hàng trăm người".

Một tháng sau, Vương Thiều chết thê thảm trong nỗi thống khổ của ma bệnh giày vò.

Sau lưng Vương Thiều mọc nhọt độc khiến da thịt thối rữa, miệng vết thương lớn đến mức có thể trông thấy ngũ tạng trong thân thể. Đối với con người mà nói, việc này chắc chắn là một trải nghiệm đau khổ cực độ. Những năm cuối đời, Vương Thiều nói năng thất thường, giống như người điên. Năm Nguyên Phong thứ 4 (1081), nhọt độc phát tác nghiêm trọng, Vương Thiều qua đời.

Tống Sử có ghi chép: "Bị nhọt độc, miệng lớn có thể trông thấy ngũ tạng, đó là do chinh chiến đã sát hại quá nhiều". Sử gia ghi chép chuyện này cho rằng, Vương Thiều bị nhọt độc nghiêm trọng mà chết, là vì ông ta trước đây đã lạm sát quá nhiều.

Trung Hòa
Theo Epoch Times

Tài liệu tham khảo
- Tống Sử - Vương Thiều truyện
- Đông Hiên Bút Lục - Quyển 15
- Tống Bại Loại Sao - Quyển 7

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Danh tướng lạm sát tù binh đã đầu hàng, kết cục như thế nào?