Tân Sửu 2021 và những danh nhân tuổi Tân Sửu lừng lẫy của Đại Việt. Kỳ 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiền Lê Thái Tổ-Lê Hoàn (Tân Sửu 941-1005): "Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?"

Tiền Lê Thái Tổ Lê Hoàn, nhân vật lịch sử đặc biệt mà người đời hay nhầm lẫn gọi thành Lê Đại Hành. Đại Hành hoàng đế là danh từ chung để chỉ vua vừa mất chưa chôn, sau khi chôn xong mới đặt thụy hiệu. Thời nhà Tiền Lê, các bầy tôi của Lê Hoàn chưa có người tinh thông Hán Học lễ nghi nên con lên ngôi vẫn không đặt thụy hiệu cho cha, vì thế mà đời sau nhầm lẫn gọi là Lê Đại Hành. Nay người viết noi theo lối cổ, tạm đổi gọi tên ngài là Tiền Lê Thái Tổ cho phù hợp vậy.

Thập Đạo tướng quân lên ngôi Hoàng Đế

Sau cái chết đột ngột đang tuổi tráng niên của Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn, vua kế vị là Đinh Phế Đế lên ngôi khi mới 6 tuổi. Lúc này Thập Đạo tướng quân là Lê Hoàn nắm quyền nhiếp chính, xưng là Phó Vương. Nước Đại Cồ Việt non trẻ vừa thành lập 12 năm trải qua một nguy cơ vô cùng nghiêm trọng khi phải đối mặt cả vấn đề mâu thuẫn nội bộ và ngoại xâm. Bất chấp tất cả điều đó, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã dẹp tan nội loạn, thuận lợi lên ngôi hoàng đế để tiến hành cuộc chiến khó khăn nhất thời đại bấy giờ, chống Tống xâm lược:

“Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [ 980 ], giáng phong vua làm Vệ Vương.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Phá Tống bình Chiêm, binh uy lừng lẫy

Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa đánh Nam dẹp Bắc anh hùng cái thế, vốn tưởng rằng binh uy Đại Tống phát ra, ắt chỉ thu dọn đám mẹ góa con côi nhà Đinh chỉ trong một trận đánh. Nhưng một khi lòng trời đã không thuận thì dẫu có binh lực trăm vạn như Phù Kiên thì cũng chôn vùi mà thôi, chứ nói chi đến đoàn quân Nam chinh của họ Triệu kia.

Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa
Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa. (Wikipedia)

Mùa xuân, tháng 2 năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng tiến đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Lê Đại Hành chỉ huy cho quân khẩn trương xây dựng phòng tuyến, cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó với thủy quân Tống.

“Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Với khí thế hùng hổ của quân xâm lược, quân Tống có được 1 vài chiến thắng nhỏ càng làm họ khinh địch hơn:

Mùa hạ năm 981, quân Tống giao chiến với quân Việt, quân Tống chém được hơn 1000 người, bắt được hơn 200 thuyền chiến”. (Tục tư trị thông giám trường biên - Lý Đào)

Nhưng quân Tống không biết là họ đang đối đầu với binh pháp đại gia Lê Hoàn, một nhà cầm binh lão luyện đang dàn trận để tiêu diệt họ triệt để:

“Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trừng ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ”... (Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Lê).

Quân Tống không biết là họ đang đối đầu với binh pháp đại gia Lê Hoàn, một nhà cầm binh lão luyện đang dàn trận để tiêu diệt họ triệt để. (Wikimedia Commons)
Quân Tống không biết là họ đang đối đầu với binh pháp đại gia Lê Hoàn, một nhà cầm binh lão luyện đang dàn trận để tiêu diệt họ triệt để. (Wikimedia Commons)

Năm 982, vì đoàn sứ giả vua Lê gửi sang Chiêm Thành bị bắt, Lê Hoàn tức giận phát binh tiến đánh và chém chết vua Chiêm tại trận.

“Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế (Paramesvaravarman) tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.” (Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ nhà Lê).

Lời bàn:

Ngài tuổi Tân Sửu, như đã nói bên trên là tuổi mang theo khí thế của hành Kim mạnh mẽ, nhận mệnh Trời thay cũ đổi mới. Vì vậy mà hoa sen báo mộng ngài sinh ra, một lần cất quân mà đập tan nội loạn, đánh bại quân Tống hùng mạnh, chinh phạt Chiêm Thành. 24 năm trị vì mà mở ra cơ đồ nghìn năm cho dân tộc. Quả thật vĩ đại thay, xứng đáng thay đức vua tuổi Tân Sửu này.

“Lê Đại Hành Giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không

bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn.” (Lê Văn Hưu)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tân Sửu 2021 và những danh nhân tuổi Tân Sửu lừng lẫy của Đại Việt. Kỳ 2