Đại thần dâng thê thiếp đang mang thai cho nhà vua, lưu truyền đến nay 1 câu thành ngữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử từng có một vị quân vương không sinh được con, đại thần của ông vì vậy đã đem thê thiếp đang mang thai của mình tặng cho nhà vua. Chuyện này lưu truyền về sau đồng thời còn sinh ra một câu thành ngữ.

Luân lý cương thường trong văn hóa truyền thống cổ xưa giảng rằng: “Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương”. Ý tứ rằng vua, cha, chồng phải là cương của bề tôi, của con, của vợ. Cương, tức là giềng mối, là phần quan trọng nhất, là cương lĩnh, phép tắc. Mặt khác yêu cầu bề tôi, con, vợ phải tuyệt đối phục tùng vua, cha, chồng. Ngoài ra còn có câu nói "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (tội bất hiếu có ba điều, mà không con nối dõi là lớn nhất), vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Từ đó có thể thấy rằng dòng dõi sinh sôi đối với một gia đình là chuyện cực kỳ trọng yếu.

Thời cổ đại, mỗi gia đình đều hi vọng hương hỏa nhà mình cường thịnh, thậm chí còn lấy số lượng con cái để đại diện cho sự phồn thịnh của gia tộc. Người bình thường đã là như thế, yêu cầu huyết thống đối với hoàng gia càng khắt khe hơn. Vậy nên, hoàng đế ngoài việc đảm đương việc đại sự bên ngoài là chưởng quản tốt thiên hạ, còn phải có trách nhiệm để cho hoàng gia có thể "mở thêm nhánh tán", để cho giang sơn về sau có người kế vị hoàng đế.

Thời cổ đại, mỗi gia đình đều hi vọng nhà mình có hương hỏa cường thịnh. (Ảnh: Internet)
Thời cổ đại, mỗi gia đình đều hi vọng nhà mình có hương hỏa cường thịnh. (Ảnh: Internet)

Trong lịch sử từng có một vị quân vương không sinh được con, đại thần của ông vì vậy đã đem thê thiếp đang mang thai của mình tặng cho quân vương. Chuyện này lưu truyền về sau đồng thời còn sinh ra một câu thành ngữ.

Vị đại thần này tên là Xuân Thân Quân Hoàng Yết, người nước Sở. Hoàng Yết lúc tuổi còn trẻ vân du bốn phương bái sư học tập, không những hiểu biết rộng mà còn có tài năng xuất chúng, kết giao với không ít bằng hữu cùng chung chí hướng, trong đó Sở Khoảnh Tương Vương là người rất tán thưởng ông. Sau đó, Sở Khoảnh Tương Vương bị nước Tần tấn công dữ dội, trong thời khắc mấu chốt đã tìm được Hoàng Yết, muốn để ông đi sứ nước Tần để giảng hòa. Hoàng Yết không phụ sự mong đợi của mọi người, thuyết phục thành công Tần Chiêu Vương, giúp nước Tần và nước Sở từ mối quan hệ đối lập trở thành liên minh.

Để tỏ lòng thành ý, Hoàng Yết và người thừa kế nước Sở là Thái tử Hùng Hoàn không thể không làm con tin lưu lại Tần quốc, và thời gian lưu trú này kéo dài đến mười năm. Cho đến khi Sở Khoảnh Tương Vương bệnh nặng, Thái tử Hùng Hoàn cần trở về chủ trì đại cục, nhưng Tần Chiêu Vương không yên lòng, không đồng ý Hùng Hoàn trở về, cuối cùng vẫn cần đến Hoàng Yết nghĩ trăm phương ngàn kế trợ giúp Hùng Hoàn rời khỏi Tần quốc. Mà Tần Chiêu Vương vì giữ gìn mối quan hệ với nước Sở, bất đắc dĩ cũng đành phải thả luôn Hoàng Yết.

Hoàng Yết và Hùng Hoàn sau khi trở về nước Sở, không lâu thì Sở Khoảnh Tương Vương qua đời, Hùng Hoàn đăng cơ, sử xưng là Sở Khảo Liệt Vương. Hoàng Yết cũng được ủy nhiệm làm lệnh doãn nước Sở, tương đương với Tể tướng, dưới một người trên vạn người. Qua đây có thể thấy được đại vương đối với Hoàng Yết là cực kì tín nhiệm và coi trọng.

Hoàng Yết cũng không để đại vương thất vọng, ông nhiều lần tại triều chính, về mặt ngoại giao và chiến lược chiến thế đã lập nên không ít công lao. Hoàng Yết tận chức tận trách, một lòng vì đại vương bày mưu tính kế. Khi ấy Sở Khảo Liệt Vương đăng cơ sau hơn mười năm mà vẫn không thấy từ hậu cung truyền ra tin vui, nguy cơ không có người con nào về sau có thể kế vị. Thế là Hoàng Yết tìm ở khắp nơi các cô nương phù hợp để đưa vào trong cung, hy vọng có thể sinh hạ con trai cho hoàng gia, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Trong nhà của Hoàng Yết có người hầu tên là Lý Viên, là một người có tâm kế. Em gái của Lý Viên là Lý Hoàn có dung mạo xinh đẹp. Lý Viên vẫn luôn muốn đưa em gái vào cung, nhưng lại lo lắng em gái không thể sinh hạ con trai mà bị thất sủng. Thế là Lý Viên đem em gái của mình đến gặp Hoàng Yết. Hoàng Yết nhìn thấy Lý Hoàn thì sinh lòng yêu thích, liền thu nạp làm thiếp. Không lâu sau có tin Lý Hoàn mang thai.

Nghe tin này Lý Viên vui mừng đến phát rồ, ông ta thông qua em gái đem ý nghĩ của mình nói với Hoàng Yết. Ngày nọ, nàng ta thỏ thẻ nói với Hoàng Yết rằng:

"Sở vương đối với chàng rất thân thiết và quý trọng. Nhưng Sở vương không có con, sau này sau khi ông ta mất đi, lỡ anh em ông ta kế vị, chàng nhất định sẽ rớt đài, quan vị tướng quốc và đất đai được ban cho khó mà giữ. Nếu như chàng đem thiếp dâng cho Sở vương, thiếp sinh được con trai thì đó là con chàng, tương lai lên kế vị, nước Sở chẳng phải là thuộc về chàng sao?"

Cứ như vậy Hoàng Yết từng bước một tiến vào cái bẫy của anh em Lý Viên.

Hoàng Yết và Sở Khảo Liệt Vương thảo luận về việc đem Lý Hoàn vào cung. (Ảnh: Internet)
Hoàng Yết và Sở Khảo Liệt Vương thảo luận về việc đem Lý Hoàn vào cung. (Ảnh: Internet)

Lý Hoàn cuối cùng tiến cung thành công và được Sở vương sủng ái, hơn nữa còn sinh được con trai, được Sở vương lập làm người thừa kế. Lý Hoàn tự nhiên cũng được phong làm vương hậu, Lý Viên cũng từ đó mà thăng quan như diều gặp gió. Còn Hoàng Yết chứng kiến con trai của mình trở thành người nối dõi, thầm mơ đến một ngày kia trở thành cha của nhà vua. Nhưng không ngờ rằng, anh em Lý Viên lại âm thầm nuôi dưỡng một nhóm thích khách, tìm cơ hội giết Hoàng Yết để diệt khẩu.

Lúc bấy giờ đại vương bệnh nặng, có một người tên Chu Anh nhìn thấy rõ quỷ kế của anh em Lý Viên, ngầm báo với Hoàng Yết:

"Thiên hạ có cái phúc không ngờ, có tai hoạ không đâu, có hạng người không lường được. Ngài làm tướng quốc hơn 20 năm, nắm giữ thực quyền nước Sở, bất luận là sau khi Sở vương mất ngài phò tá vị vua mới, hay là tự mình lên làm quốc vương, đó đều là cái phúc không ngờ tới; Sở vương hiện lâm trọng bệnh xem ra sắp mất. Một khi Sở vương mất, Lý Viên nhất định sẽ giết ngài, sau đó thao túng đại quyền nước Sở, đó chính là tai hoạ không đâu; nếu như ngài trước tiên phái tôi làm Lang trung tướng, sau khi Sở vương mất, tôi trước tiên sẽ xử lý Lý Viên, tôi là hạng người không lường được đấy".

Tuy nhiên Hoàng Yết không tin một người mềm yếu như Lý Viên sẽ tranh quyền đoạt lợi với mình, nên lắc đầu bảo rằng:

"Ông chớ nói vậy, Lý Viên là người nhu nhược, xưa nay tôi đãi ông ta cũng không bạc thì làm sao có thể như thế!"

Chu Anh thấy Hoàng Yết không nghe liền bỏ trốn, sợ sẽ bị liên lụy.

Sau khi Chu Anh đi được 17 ngày, Sở Khảo Liệt Vương mất. Lý Viên vội tiến vào cung, lệnh cho dũng sĩ mai phục nơi cửa. Khi Hoàng Yết vừa bước vào đã bị đâm chết. Tiếp đó, Lý Viên lập thái tử lên ngôi là Sở U Vương, Lý Hoàn làm thái hậu, còn bản thân mình làm tướng quốc.

Hoàng Yết bị Lý Viên sai thích khách chém giết. (Ảnh: Internet)
Hoàng Yết bị Lý Viên sai thích khách chém giết. (Ảnh: Internet)

Câu chuyện này về sau đã trở thành câu thành ngữ "Vô vọng chi tai", tức "tai họa không đâu", cũng chính là "Tai bay vạ gió", và được lưu truyền cho đến ngày nay, ý tứ là vô duyên vô cớ gặp tai họa.

Hoàng Yết dựa vào cơ trí của chính mình, dũng khí can đảm cứu vớt quốc gia, đã lưu lại một trang huy hoàng trong lịch sử. Tuy nhiên, ông quá coi trọng tước lộc của mình, không giống như Phạm Lãi biết lui thân sau khi đại sự thành công. Hơn nữa ông tin tưởng nhầm người, từng bước rơi vào mỹ nhân kế của kẻ tiểu nhân Lý Viên, cuối cùng tự chuốc lấy họa sát thân.

Bài học lịch sử mà Hoàng yết đã lưu lại cho chúng ta thực sự rất sâu sắc: Người luồn cúi ham muốn công danh lợi lộc, thường sẽ khiến gà bay trứng vỡ, tự chuốc họa vào thân.

Lý Tuệ
Theo Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Đại thần dâng thê thiếp đang mang thai cho nhà vua, lưu truyền đến nay 1 câu thành ngữ