Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 6 [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Xiêm tuy thất bại nhiều lần cả trăm năm qua, nhưng chưa hề nguôi dã tâm muốn chiếm lấy miền Nam. Họ rất kiên trì và cũng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt mục đích. Lần này họ đã có một cơ hội hiếm có, khi vua Minh Mạng vừa mất và vua Thiệu Trị từ bỏ Trấn Tây Thành...

Phần 6: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

Chất Tri đem quân nhiễu Nam Kỳ
Chư tướng đồng tâm dẹp ngoại xâm

Xem lại Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5

Chất Tri đem quân nhiễu Nam Kỳ

Tháng 9 năm 1841, toàn bộ quân đội nhà Nguyễn đã rút về An Giang. Ngay lập tức người Xiêm liền chớp thời cơ. Danh tướng số 1 Xiêm La bấy giờ là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha), kẻ thù cũ trong lần xâm lược 1833 đích thân chỉ huy chiến dịch lần này.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, người Xiêm đã rất tích cực phá hoại từ những năm 1838 với đủ các thủ đoạn dân vận, lật đổ, cho đến cả chiêu bài chính trị cho lần xâm lược này. Có thể kể ra như sau:

Tượng Phi Nhã Chất Tri tại Wat Chakkrawat Ratchawat, Bangkok.
Tượng Phi Nhã Chất Tri tại Wat Chakkrawat Ratchawat, Bangkok. (Ảnh: Wikipedia-CC BY-SA 4.0)

1-Mua chuộc quan lại bản địa, kích động dân Miên nổi dậy trong khắp các phum sóc cả miền Nam:
“Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, tên Gi - làm chức An phủ cho ta - cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng nhưng rồi một số quay trở lại.”

2-Đóng đồn quân sát biên giới, hư trương thanh thế, tài trợ cho các nhóm phiến quân lớn nổi loạn ngay tại các địa phương quan trọng:
“Vùng Trà vinh (nay là Vĩnh Bình) bao gồm các khu vực rộng lớn từ Tiền Giang qua Hậu Giang (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), sử gọi là vùng Lạc Hóa. Cuộc khởi loạn dai dẳng và có quy mô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1841, người cầm đầu là Lâm Sâm (còn đọc Lâm Sum, người địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thủ đoạn xách động là dùng bùa ngải, do các tên thầy bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt: Ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, võ khí là đao mác, chà gạc, phãng kéo cổ thẳng (trở thành cây mã tấu). Thoạt tiên loạn quân chiếm Trà Vinh (đồn Nguyệt Lãng của ta). Giặc lại lôi cuốn được mấy sóc Miên ở rạch Cần Chong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu Giang, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế, chiếm giữ một vùng dài hơn 30 cây số, gồm toàn sóc Miên. Trận gay go nhất xảy ra ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), bố chánh Trần Tuyên và tri huyện Huỳnh Hữu Quang đều tử trận. Số loạn quân lên đến bảy tám ngàn, ngoài Lâm Sum còn tên tổng Cộng (chắc là cai tổng tên Cộng) và một tên tự xưng là phó mã Đội. Tham dự cuộc tảo thanh ở vùng Lạc Hóa, gồm có tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tánh thành Trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước hỗ trợ, ngoài ra còn có tướng Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương dời binh tiến đánh, tuy phá tan được luôn, nhưng chỗ này tan rã thì chỗ kia quy tụ, cứ đánh phía đông, giữ phía tây, không thể nào diệt hết được. Khi Trương Minh Giảng rút lui về An Giang, ta được thêm 3000 quân sĩ đến tiếp ứng ở mặt trận Lạc Hóa. Trong đám loạn quân đầu thú, có cả người Việt và người Tàu. Sở dĩ loạn quân dám kiêu ngạo vì bên kia biên giới, Phi Nhã Chất Tri “đem quân Xiêm đến dựng đồn lũy ở bờ sông Vĩnh Tế rồi qua lại gây sự với những đồn bảo của quân ta”.
(Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).

Nghi vệ tượng binh nhà Nguyễn
Nghi vệ tượng binh nhà Nguyễn. (Ảnh: Wikimedia)

Chư tướng đồng tâm dẹp ngoại xâm

Dù Xiêm La đã dày công chuẩn bị và được dẫn dắt bởi danh tướng Chất Tri giàu kinh nghiệm, nhưng lần này quân đội nhà Nguyễn vẫn đã làm rất tốt phận sự khi liên tiếp đập tan tất cả các cuộc nổi loạn và ngoại xâm trên toàn miền Nam mặc dù khá vất vả:

“Vùng Sóc Trăng, trung tâm cuộc khởi loạn là Ba Xuyên, Trà Tâm, từ tháng ba cũng năm Tân sửu. Thoạt tiên giặc bị phân tán rồi tập trung tại Sóc Đâm đóng đồn mà chống cự. Tháng 11, quân của Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương đánh hai mặt giáp lại. Giặc tan, vua Thiệu Trị cho Nguyễn Tấn Lâm ở lại Ba Xuyên dẹp đám tàn quân và lập an ninh.
Quan binh bèn chia đường đi tiễu trừ, giết và làm bị thương rất đông, chiếm lấy được bảy đồn, hai bên bờ sông Vĩnh Tế một loạt được dẹp yên. Bọn giặc ở trong các đồn ở núi Cấm, núi Tượng nghe tin bèn chạy trốn. Quân Xiêm gặp sự thất bại tan rã ấy muốn tăng thêm binh và chiến thuyền để trở lại một lần nữa giúp dân Miên gây sự, vừa lúc ấy nước họ có việc nên ngưng”.

(Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).

Trang phục vũ khí quân đội nhà Nguyễn
Trang phục vũ khí quân đội nhà Nguyễn. (Ảnh: Wikimedia)

Lời bàn:

Bước đầu trong chiến lược xâm lấn Nam Kỳ của quân Xiêm đã hoàn toàn thất bại bất chấp việc họ đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Cũng là nhờ quân đội nhà Nguyễn tinh nhuệ đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh cùng với các tướng lãnh tài năng mà được như thế. Muốn biết người Xiêm sẽ đi bước tiếp theo thế nào hãy đợi xem phần sau sẽ rõ.

Minh Bảo

 



BÀI CHỌN LỌC

Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 6 [Radio]