Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 5 [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vương triều nhà Nguyễn đến thời Minh Mạng đã đạt đến cực thịnh. Đặc biệt sau chiến thắng Xiêm La năm 1833-1834 thì uy danh của Đại Nam đã vang khắp khu vực. Nước nhỏ nể phục, nước lớn tôn trọng. Năm 1836, vua Minh Mạng quyết định sáp nhập Chân Lạp vào lãnh thổ Đại Nam gọi là Trấn Tây Thành...

Phần 5: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

Tướng sĩ triệt thoái khỏi Trấn Tây
Quân Xiêm mưu đồ sang xâm lấn

Xem lại Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Uy chấn hải nội, lập Trấn Tây Thành

Mọi chuyện lẽ ra vẫn tốt đẹp, nếu nhà Nguyễn ra chính sách đúng và các quan lại cai trị Chân Lạp là những người đạo đức nhân nghĩa biết cảm phục lòng dân. Tuy nhiên một loạt quyết định sai lầm về ngoại giao và cai trị tại Chân Lạp đã khiến cho quân Xiêm La một lần nữa can thiệp vào khu vực này kết hợp với nhiều cuộc nổi dậy của dân bản địa làm tình hình thêm rối ren.

Quyết sách sai lầm, Xiêm La lợi dụng

Loạt quyết định trị quốc đối nội sai lầm, không lấy dân làm gốc của nhà Nguyễn đã bị người Xiêm lợi dụng. Sử chép:

“Vua Minh Mạng mất, để lại gánh nặng ở phía biên giới Việt Miên. Loạn lạc đã phát khởi ngay từ khi cuộc chinh phạt của tướng Trương Minh Giảng đang diễn ra tại phía Biển Hồ, tuy rằng về hình thức là dẹp xong nhưng mầm mống còn đó. Người Miên cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên phong trào lên cao. Quân Xiêm lại khéo phao tin tuyên truyền. Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Lại còn chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của sóc Miên khiến họ mất quyền tự trị.

Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa.
Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. (Ảnh: Wikipedia)

Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, một người tên Gi - làm chức An phủ cho ta - cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng nhưng rồi một số quay trở lại. Vua truyền lịnh tha tội những người biết hối cải. Năm 1840, tình hình thêm bi đát: người Miên ở Tịnh Biên (An Giang) nổi loạn khiến quan tri phủ bỏ trốn, loạn quân kéo về phía biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham (Đá Dựng), quan binh nhiều kẻ bị hại. Tháng 10 năm ấy, giặc từ Thất Sơn gồm hơn 2000 người kéo qua tận Kiên Giang, phá chợ Rạch Giá, đắp đồn ở hai bên bờ rạch này; vùng Xà Tón (Tri Tôn) cũng bị khuấy động. Năm Thiệu Trị nguyên niên, tất cả các vùng người Miên sống đông đúc đều nổi loạn, quan quân vô cùng vất vả”
(Lịch sử khẩn hoang miền Nam-Sơn Nam).

Chính sách đối ngoại thiếu hiểu biết gây mất lòng dân:

Năm Minh Mạng 19 (1839) Nặc Ong Yêm (Ang Em, em của Ang Chan II và Ang Duong) đem 9.000 dân Khmer cùng 70 chiếc thuyền từ Battambang (vùng Thái Lan chiếm đóng) về Trấn Tây (vùng Việt Nam cai quản), định xin triều đình nhà Nguyễn cho được làm vua kế vị Ang Chan II, đã mất mà không có con trai nối ngôi. Trương Minh Giảng muốn giết đi, nhưng Minh Mạng chỉ cho phép bắt Ang Em về Gia Định xét hỏi rồi đưa ra Huế giam.
Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1841), Trà Long (Chakrey Long), Nhân Vu (Yumreach Hu) và La Kiên đến Huế mừng thọ, thì Minh Mạng lại kể tội và đày ra Hà Nội. Rồi tham tán Trấn Tây là Dưỡng Văn Phong khép cho Ngọc Biện, em gái Ngọc Vân, tội mưu phản muốn trốn sang Xiêm, phải xử tử. Trương Minh Giảng đưa Ngọc Vân, Ngọc Thu và Ngọc Nguyên, các con gái Ang Chan II về Gia Định an trí. Nên người Cao Miên thất vọng oán ghét quân Nam.”
(Đại Việt địa dư toàn biên - Nguyễn Văn Siêu).

Chân dung hoàng đế Minh Mạng.
Chân dung hoàng đế Minh Mạng. (Ảnh: Wikipedia)

Hoàng đế băng hà, Xiêm La thừa cơ

Năm 1840, mấy vạn quân Xiêm kéo vào đóng ở U Đông (Oudong), vua Minh Mạng sai tướng Phạm Văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm mang quân sang đối phó nhưng không kết quả.

Năm 1841, Minh Mạng qua đời, Thiệu Trị lên nối ngôi. Ông không có nhiều tham vọng về lãnh thổ như tiên đế. Lúc bấy giờ, tình hình Trấn Tây thành đang rối ren vì quân Đại Nam chiếm đóng gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người Chân Lạp. Tướng Trương Minh Giảng tỏ ra yếu kém về mặt bình định lãnh thổ và năng lực trị dân. Lại thêm các hoàng thân Chân Lạp dưới sự ủng hộ của quân Xiêm liên tục nổi dậy. Cuối cùng vua Thiệu Trị đã quyết định rút quân, bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng phải theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.

Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch chéo là phần đất lập trấn Tây Thành.
Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch chéo là phần đất lập trấn Tây Thành. (Ảnh: Wikipedia)

Vua cho rằng từ khi Trấn Tây có việc binh đao đến giờ, sáu tỉnh Nam Kỳ, binh và dân đều nhọc mệt, triều đình cũng khó nhọc tổn phí không biết đâu mà kể, ý đã chán việc binh đao, vả lại sang năm sau có việc tuần du ra Bắc, hãy tạm xếp việc Trấn Tây lại không nghĩ đến, cũng chẳng hại gì, mới dụ rằng: “Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lý và Hiệp lý không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau”
(Đại Nam thực lục).

Lời bàn:

Xưa có câu “vật cực tất phản”, “thịnh cực ắt suy”. Nhà Nguyễn đạt đến đỉnh cao của mình vào thời Minh Mạng rồi sẽ phải suy, đó là tất yếu. Khá khen cho Xiêm La trải trăm năm binh bại nhiều lần mà vẫn kiên trì xâm lấn nước ta, quả là một kẻ địch đáng nể. Cũng may lòng Trời vẫn còn thương dân ta, quân tướng nhà Nguyễn anh dũng nên tuy gian khó buổi đầu nhưng rốt cục cũng đánh lui ngoại xâm nội phản một cách vinh quang. Muốn biết chiến quả thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 5 [Radio]