Cuộc sống chất lượng đến từ nội tâm phong phú

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống luôn đầy rẫy những cám dỗ, khiến con người phải gánh nhiều áp lực, cảm thấy mệt mỏi. Nếu mù quáng theo đuổi tiền tài, danh vọng, bạn sẽ không chỉ khiến bản thân quá mệt mỏi mà còn cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt.

Một cuộc sống chất lượng cao không phụ thuộc vào vật chất dư thừa, mà phụ thuộc vào nội tâm phong phú và trước sau như một của bản thân mỗi người.

1. Không có dục vọng

Trong Tuân Tử đã từng nói: “Quân tử dịch vật, tiểu nhân dịch ư vật”. Bậc quân tử có thể khống chế việc theo đuổi vật chất, nhưng kẻ tiểu nhân chỉ có thể bị vật chất khống chế.

Dục vọng có thể khiến một người không ngừng hướng ra bên ngoài mà tìm cầu, không để ý tới cuộc sống, tới bản thân. Cuối cùng, không thỏa mãn được các dục vọng và hủy hoại cuộc sống của chính mình.

Chỉ bằng cách kiểm soát ham muốn của mình, bạn mới có thể kiểm soát cuộc sống của chính mình. Việc theo đuổi công danh lợi lộc giống như cầm một cái bình trong tay, khiến chúng ta sống rất vất vả. Chỉ bằng cách vứt bỏ những ham muốn của mình theo thời gian, mới có thể tìm thấy con đường hạnh phúc và giải thoát cho chính mình!

Chỉ bằng cách vứt bỏ những ham muốn của mình theo thời gian, mới có thể tìm thấy con đường hạnh phúc và giải thoát cho chính mình! (Ảnh: Pixabay)

2. Không lo âu

Trong cuộc sống có rất nhiều việc không theo ý muốn của chúng ta. Người mê muội vì thế mà lo lắng, còn những người thông minh lại chấp nhận nó một cách an nhiên.

Có một câu nói rất hay: “Luôn duy trì một tâm thái cân bằng, và cảm xúc ổn định. Đây cũng là cách để sống lâu”.

Nếu có thể sống cho hiện tại mà không ưu sầu về tương lai hay quá khứ, làm sao cuộc sống có thể không như ý?

3. Không để ý thái độ của người khác

Không ai có thể làm được mọi thứ chu toàn, hay tránh khỏi những lời bình luận. Chúng ta không thể thay đổi cách người khác nghĩ về mình, nhưng chúng ta có thể chọn cách đối mặt với nó.

Nhà thơ Hàn Sơn đời Đường nói: “Có người đến mắng ta, mặc dù biết rõ, tuy không đáp lại nhưng là có lợi”. Ý nghĩa là: Có kẻ đến mắng chửi tôi, tuy tôi nghe rất rõ, đã chọn cách không đáp lại, điều này đối với tôi là rất có nhiều chỗ tốt.

Quá để ý đến ý kiến ​​của người khác sẽ lãng phí thời gian và ảnh hưởng tới cảm xúc của chính mình.

Quá để ý đến ý kiến ​​của người khác sẽ lãng phí thời gian và ảnh hưởng tới cảm xúc của chính mình. (Ảnh: xframe)

Theo truyền thuyết, vào thời nhà Tống, Tô Đông Pha nhậm chức ở Qua Châu, Giang Bắc. Ông và trụ trì chùa Kim Sơn, Phật Ấn Thiền Sư, thường nói chuyện về Thiền và luận về Đạo. Một hôm, ông cảm thấy có được lĩnh ngộ mới, bèn viết một bài thơ và phái thư đồng mang bài thơ qua sông cho Phật Ấn Thiền sư để xác nhận. Bài thơ viết:

“Kê thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên”

“Bát phong” không lay động là một mức độ tư tưởng rất cao. “Bát phong” ở đây chính là lợi, suy (lụn bại), hủy hoại, danh dự, danh hiệu, chê cười, khổ đau, và hạnh phúc.

Sau khi nhận được bài thơ từ thư đồng, Thiền sư lấy bút phê hai chữ và kêu thư đồng mang trở về. Tô Đông Pha nghĩ rằng thiền sư nhất định sẽ khen ngợi cảnh giới tu hành và tham thiền của mình, liền vội vàng mở lá thư ra xem, chỉ nhìn thấy đúng hai chữ “Thối lắm”. Ông không khỏi tức giận, liền đi thuyền qua sông, tới tìm gặp Thiền sư để lý luận.

Khi con thuyền đến gần chùa Kim Sơn thiền sư Phật Ấn đã đứng bên sông và đợi Tô Đông Pha.

Tô Đông Pha vừa nhìn thấy vị thiền sư, liền tức giận nói: “Thiền sư! Chúng ta là bạn tốt nhất, là thơ của ta, tu hành của ta, ngài không tán thưởng thì thôi, cớ sao lại mắng người?”

Vị thiền sư điềm đạm nói: “Ta mắng gì?”

Tô Đông Pha chỉ cho thiền sư hai chữ “Thối lắm” đề trên bài thơ của mình.

Vị thiền sư cười lớn và nói: “Ồ! Không phải ông đã nói rằng ‘bát phong’ không lay chuyển được sao? Sao lại chỉ vì hai chữ đó mà phải vội sang sông?”

Nghe xong Tô Đông Pha cảm thấy rất xấu hổ. Ngay cả Tô Đông Pha, người vốn phóng khoáng, siêu thoát, lại cũng có đôi khi quan tâm đến ý kiến ​​của người khác.

Biển nếu có thể vì người mà động thì sẽ không rộng lớn như vậy, gương sáng nếu có thể vì người mà kích động thì sẽ không sạch như vậy. Chỉ khi biết cách làm bỏ qua ý kiến ​​của người khác và vứt bỏ sự hẹp hòi trong tâm, ta mới có thể đón hạnh phúc và làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Những cám dỗ và thử thách trên đường đời là không tránh khỏi, và ta càng cần biết cách loại bỏ chúng. Xóa bỏ dục vọng, sống vô tư; vứt bỏ âu lo, mới có thể lưu lại tâm tình nhẹ nhàng, tự tại; chỉ bằng cách không để tâm tới ý kiến ​​của người khác, bạn mới có thể sống hạnh phúc và không lo lắng.

Chỉ khi biết được cách làm ‘ba không’ này, bạn mới có thể không quên ý định ban đầu của mình, giữ vững quy tắc giới hạn, và vượt qua thử thách, gian khổ.

Minh An

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc sống chất lượng đến từ nội tâm phong phú