Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phải chăng một Trung Quốc hung hăng đã đánh thức những “ngọn núi lửa” trong tinh thần Nhật Bản? Thực tế thì, không phải đến bây giờ Trung Quốc mới là một chủ đề quan trọng của nước Nhật. 

Xem lại Kỳ 1 Kỳ 2

Kỳ 3: Trung - Nhật, ân nhân một thuở, oán khí mấy đời

Nhật Bản - ngọn núi lửa chưa bao giờ tắt

Nếu đến thăm đảo Honshu nước Nhật vào một buổi sáng cuối tháng 3 đầu tháng 4, chúng ta sẽ được ngắm những rặng anh đào miên man bạt ngàn, sắc hoa hồng nhạt che rợp mặt đất; phía xa xa nổi bật lên hình dáng núi Phú Sĩ hùng vĩ cân xứng, quanh năm tuyết phủ trắng ngọn; trên cao là trời xanh vạn dặm, mây trắng lững lờ; dưới thấp là Ngũ hồ phẳng lặng, lung linh bóng núi; bên cạnh là người bản xứ lịch thiệp từ tốn “như mây bình thản, như nước thong dong” (1)… Thật là cảnh đẹp như tranh, thanh bình khôn tả.

Khung cảnh êm đềm ấy khiến ta dễ quên đi rằng, núi Phú Sĩ là một ngọn núi lửa, chỉ là đang ngủ yên; Hoa anh đào thanh cao diễm lệ, nhưng khi bừng nở đẹp nhất lại là lúc cánh hoa rời cành nhẹ bay theo gió, tượng trưng cho tinh thần xả thân vô ưu vô ngại của võ sĩ đạo; Và những người Nhật hiền hòa lịch sự kia thuộc về một dân tộc kiêu hùng, đã từng chinh phục khắp Á Châu.

Núi Phú Sĩ và chùa Chuurei-tou vào mùa xuân. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 2.0)

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản năm 2021 đã thay đổi ảnh bìa từ hình ảnh hoa anh đào diễm lệ sang chiến binh samurai oai hùng. Các chính khách Nhật Bản thì nhận định “yếu tố cứng rắn với Trung Quốc” là rất quan trọng trong chiến thắng của tân thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Bản thân ông này từng phát biểu công khai rằng: “Nếu được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, nhiệm vụ đầu tiên là đối phó với Trung Quốc! Vấn đề eo biển Đài Loan sẽ là vấn đề lớn mà Nhật Bản sẽ phải đối mặt”.

Phải chăng một Trung Quốc hung hăng đã đánh thức những “ngọn núi lửa” trong tinh thần Nhật Bản?

Thực tế thì, không phải đến bây giờ Trung Quốc mới là một chủ đề quan trọng của nước Nhật.

Nhật Bản: Hạt giống Tần quốc, văn hóa Đại Đường, tinh thần Dương Minh

Người ta vẫn cho rằng nước Nhật cường thịnh bấy nay là nhờ có cuộc cải cách Duy Tân của Thiên Hoàng Minh Trị năm 1868. Đấy là yếu tố vật chất dễ thấy trong việc tiếp thu kỹ thuật và tổ chức của phương Tây, nhưng chính phần ẩn sâu của nền văn hóa Nhật mới chi phối tất cả, là nền tảng tinh thần của sức mạnh Phù Tang.

Nguồn gốc của sức mạnh tinh thần ấy phải tìm về vùng đất Hoa Hạ.

Từ thế kỷ 3 trước công nguyên, Từ Phúc theo lệnh của Tần Thủy Hoàng, mang 3000 người đi ra biển kiếm thuốc trường sinh. Thay vì tìm được thuốc, ông đã tìm thấy một quần đảo nằm phía đông Trung Hoa, chính là nước Nhật sau này. Từ Phúc là người đầu tiên mang văn hóa Hoa Hạ tới Nhật Bản.

Vào thế kỷ thứ 4, người Nhật Bản lấy tên nước là Yamato (hay Đại Hòa), còn người Trung Hoa thì gọi họ là Oa quốc, hay Nụy quốc, tức là nước của người lùn.

Từ thời kỳ nhà Tùy, đã có nhiều du học sinh Đại Hòa tới học hỏi văn minh Hoa Hạ. Thế kỷ đầu tiên của Đại Đường, từ những năm “Trinh Quán chi trị” đến “Khai Nguyên thịnh thế”, văn hóa Trung Hoa xán lạn, quốc lực cường thịnh, dùng uy đức mà vỗ về bốn phương khiến lân bang khâm phục kính nể.

Năm Trinh Quán thứ 4 thời Đường Thái Tông, Đại Hòa mới chính thức gửi sứ thần đến Đại Đường. Họ ra về, mang theo những tinh hoa văn hóa Thần truyền thời Đường trong ngôn ngữ, tín ngưỡng, kinh điển, phép trị quốc, kiến trúc, trang phục, phong tục dân gian v.v. Đồng thời nhờ Hoàng đế Đường Thái Tông, Đại Hòa được đổi tên thành Nhật Bản - tức là đất nước mặt trời mọc. Văn hóa Đại Đường - thời đại đỉnh cao của văn minh Hoa Hạ - đã bén rễ tại Nhật Bản như thế.

Một cuốn sách dạy phép trị quốc của Đường Thái Tông, cuốn “Trinh Quán chính yếu” đến nay còn được coi là sách gối đầu giường của những lãnh đạo cao cấp, các CEO của Nhật Bản.

Trinh Quán Chính Yếu được xem là cuốn sách giáo khoa điển hình nhất dành cho bậc đế vương, cuốn sách ghi chép về những bàn luận chính trị trong triều đình, thảo luận về cách trị quốc của Đường Thái Tông. (Ảnh: Bo Ren đồ họa/Epoch Times)

Sang đến triều đại nhà Minh, có một nhân vật xuất chúng được đánh giá là một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho. Tên ông là Vương Dương Minh.

“Dương Minh phái” của ông không những có ảnh hưởng mạnh đến Nho học đời Minh, mà tác động sâu sắc đến Nhật Bản. Những tư tưởng như "Tri hành hợp nhất, Vạn vật nhất thể, trí lương tri..." của Vương Dương Minh ăn sâu bén rễ trong đời sống tinh thần của giới tinh hoa Nhật Bản. Ví như “tri hành hợp nhất” chính là sự thống nhất giữa tri thức và hành động. Tri thức sau khi được chọn lọc để tiếp thu thì phải hành động mạnh mẽ, ứng dụng triệt để (*). Đó là vũ khí tinh thần của người Nhật sau khi “bái sư” Vương Dương Minh.

Còn tinh thần võ sĩ đạo, thực chất là một tiếp thu chưa hoàn chỉnh về Nho giáo. “Sĩ” là người học về Nho, còn “đạo” là con đường, là sự giáo dưỡng. Trong “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” - tiêu chuẩn của Nho sĩ Trung Nguyên, võ sĩ đạo tiếp thu được một phần chữ “Lễ”, và có cả chữ “Trí”. Họ đặc biệt đề cao chữ “Dũng”, nhưng là cái dũng của võ lực sát phạt, không giống cái dũng của người quân tử văn nhã đất Hoa Hạ, thà chết không chịu làm điều bất nhân bất nghĩa.

Sau cuộc cải cách Duy Tân, những binh đoàn võ sĩ đạo bị thay thế bởi những đạo quân được tổ chức theo quy chế quân đội hiện đại; tàu thép súng lớn thay cho tàu gỗ; chiến xa cơ giới thay cho ngựa cưỡi; súng ống thay cho gươm đao… nhưng tinh thần võ sĩ đạo thì không hề thay đổi, là “linh hồn của Yamato”. Và đó là tinh thần đã giúp họ chinh phục nhiều đối thủ mạnh, trong đó có Trung Hoa đang đánh mất chính mình.

“Nhật lên - Hoa xuống” cũng vì văn hóa thịnh suy

Sau khi những ngoại tộc Mông Cổ, Mãn Châu tiến vào Trung Nguyên lập nên các triều đại Nguyên và Thanh, người Nhật Bản bắt đầu có ý khinh rẻ Hoa Hạ. Họ coi văn hóa Thần truyền Trung Hoa đã mất đi chính thống, “sau vách núi không có Trung Quốc, sau khi triều Minh vong không có Hoa Hạ” (2); đồng thời tự coi mình mới là được chân truyền của văn hóa Trung Hoa.

Sự tự tin của người Nhật ngày càng tăng lên sau hai chiến thắng Nguyên Mông vào năm 1274 và 1281. Trong hai cuộc chiến này, hạm đội ngoài khơi của nhà Nguyên đã bị bão đánh tan tành, những cơn bão mà người Nhật gọi là Thần Phong Kamikaze - tức là do Thần gửi đến. Kết quả là sau đó thủy quân của nhà Nguyên đã trở nên xơ xác, và những băng đảng hải tặc Nhật thì liên tục quấy rối bờ biển Trung Quốc và Cao Ly.

Cuôc chiến giữa Mông Cổ và Nhật Bản. (Ảnh từ spiderum.com)

Sự kiện được vịnh lại bằng thi phẩm hào hùng “Trúc Tiền thành hạ tác” của Hirose Tanso:

“Phá Giặc” trước lầu sóng vỗ trời
Đá, tre xưa chẳng khác đương thời
Giặc Nguyên vùi biển nay còn vết
Hoàng hậu khởi binh chuyện chửa vơi
Thành quách in trăng xuân bến cũ
Đàn ca chìm khói đảo chiều rơi
Thuyền buôn tấp nập neo ngàn liễu
Thanh bình là cảnh đó người ơi

Năm 1868, nước Nhật bắt đầu tiến hành cải cách Duy Tân thì đến năm 1874 họ thử nghiệm phô trương sức mạnh ở Đài Loan. Đến năm 1894, 1895, hải quân Nhật đánh bại hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh trong Hải chiến Giáp Ngọ, rồi chiếm luôn đảo Đài Loan, Bành Hồ. Sau đó, họ thôn tính Triều Tiên - chư hầu của Mãn Thanh, rồi chiếm đất tổ của Đại Thanh là Mãn Châu, lập ra Mãn Châu quốc để làm bàn đạp xâm chiếm đại lục, gây ra cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937 và chỉ chịu thua quân đội phe Đồng minh trong Thế chiến 2 vào năm 1945.

Trong khi đó, Trung Quốc ở cuối triều Mãn Thanh thì kinh tế khủng hoảng, thiên tai liên tiếp, nội loạn khắp nơi, lại bị ngoại quốc khống chế làm quốc lực suy yếu… nhưng lý do chủ yếu là vì họ đã đánh mất bản sắc văn hóa Thần truyền - cội rễ tinh thần của mình.

Văn hóa ấy đề cao chính danh, ai nấy đều sống cho đúng đạo: “Vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con” (Khổng Tử); lại yêu cầu kẻ cai trị phải: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Phạm Trọng Yêm).

Văn hóa ấy đề cao đạo đức, bên trong thì “cha hiền, con hiếu, anh thân thiện, em lễ phép”, bên ngoài thì “trung quân ái quốc”; giáo dục con người trước hết phải quản trị tốt bản thân mình, rồi mới có thể làm chủ gia đình, gia tộc, sau đó mới quản trị được đất nước và cuối cùng đem ánh sáng văn minh đi khắp thiên hạ. Chính là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Văn hóa ấy đề cao chính khí hào hùng, kẻ sĩ vì nước coi nhẹ sinh tử, như Văn Thiên Tường đời Tống: “Đời người từ xưa ai chẳng chết, giữ tấm lòng son chiếu sử xanh”.

Thế mà quan lại Mãn Thanh từ thời Càn Long đã “lấy việc ăn uống mỹ sắc làm tri kỷ, liêm sỉ cốt ở danh tiếng, cướp lợi lộc là hiền tài, nghiên cứu nghĩa lý là mê hoặc".

Sang đến thời Gia Khánh, Đạo Quang, kẻ sĩ Chương Học Thành chỉ ra rằng quan lại địa phương có "nhà cửa, đồ dùng xa hoa hơn chư hầu thời xưa rất nhiều, kẻ trên người dưới tranh nhau lợi, kẻ giàu sang làm điều ác mà chẳng bị truy cứu, người nghèo khó có oan mà không nói được".

Trên triều đình, Thái Hậu Từ Hi chi tới 30 triệu lạng bạc cho tiệc sinh nhật lần thứ 60 của mình, số tiền đáng lẽ được dùng để cải tiến vũ khí cho Hạm đội Bắc Dương vốn đã tiêu điều xơ xác sau Hải chiến Giáp Ngọ.

Thanh triều thất bại, khiến dân khí suy sụp, dân trí trở thành cực đoan: Từ tự cao trở thành tự ti; từ tín ngưỡng Thần Phật chuyển sang thờ ngoại lai tà thuyết; trước tôn sùng văn hóa Thần truyền bao nhiêu thì sau phủ nhận bấy nhiêu; từ “trọng nội” chuyển sang “sính ngoại”, tôn sùng văn hóa phương Tây. Nhưng họ không thấy rằng phương Tây có những điều đáng học và có những thứ không thể học; cũng như Trung Hoa cần cải cách chứ không cần sự phủ nhận cực đoan. Cực đoan chắc chắn sẽ sai lầm, sai lầm ấy trải đường cho sự ra đời và lớn mạnh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau này - càng cực đoan bội phần và phá hoại kinh khiếp.

Người Nhật gọi Trung Hoa bấy giờ là “Đông Á bệnh phu” xem ra không phải là vô cớ.

Hồn người mất đi, cá nhân biến thành xuẩn ngốc điên đảo, tà bệnh bên ngoài xâm nhập. Hồn nước mất đi, quốc gia suy tàn, ngoại bang xâm lấn, dẫn đến bại vong.

Về sau, Chủ tịch Chính phủ Quốc dân là Tưởng Giới Thạch có nói: “Quốc gia hủy rồi còn có thể phục hưng, văn hóa hủy rồi thì coi như tất cả mất hết!”.

Chính quyền Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc, vốn là chính quyền Trung Quốc chính thống, sau khi triều Thanh diệt vong, Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền chính thống của Trung Quốc.
Tưởng Giới Thạch có nói: “Quốc gia hủy rồi còn có thể phục hưng, văn hóa hủy rồi thì coi như tất cả mất hết!”. (Tổng hợp)

Tổng thống Tôn Trung Sơn thì nói rằng: “Nước đầu tiên có thể đánh bại Trung Quốc là Nhật Bản”, “Nếu Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ với Nhật Bản thì trong 10 ngày thôi, Trung Quốc sẽ vong” (3).

Một vị cứu tinh đã xuất hiện, cứu được Trung Hoa khỏi người Nhật, nhưng không cứu được nó khỏi ĐCSTQ và cuối cùng đã bị đánh đuổi ra đảo Đài Loan. Với vô vàn kịch tính, quan hệ Trung - Nhật nhiều duyên nợ đã đi vào trong tiểu thuyết một cách đầy hàm ý.

Quan hệ Trung - Nhật trong tiểu thuyết của Kim Dung

“Xạ Điêu Tam Bộ Khúc” của văn hào Kim Dung có kể câu chuyện về năm vị đại cao thủ đứng đầu võ lâm, gọi là “Võ lâm Ngũ Bá”, mỗi nhân vật này có thể đại diện cho một thế lực chính trị theo ẩn ý của tác giả.

Sống ở vùng đất trung tâm là Vương Trùng Dương chân nhân, lãnh đạo phe Đạo giáo Toàn Chân, là người có võ công cao nhất. Vương Trùng Dương là người nhân đức, khoan hòa, yêu nước, hay mặc đồ màu vàng, nhờ ăn được nấm lạ sinh ra từ bã nhân sâm mà võ công vô địch thiên hạ.

Thần điều khiển ý, tứ lượng bạt thiên cân (Ảnh: Tổng hợp)
Sống ở vùng đất trung tâm là Vương Trùng Dương chân nhân, lãnh đạo phe Đạo giáo Toàn Chân, là người có võ công cao nhất. (Ảnh: Tổng hợp)

Ở trung tâm của thiên hạ chính là ám chỉ vùng đất Trung Nguyên, đồng thời mặc áo vàng là màu của long bào Hoàng đế, cũng là chỉ hành Thổ; Họ Vương có đức tức là “Vương giả trị quốc”; Lãnh đạo Toàn Chân giáo tức là coi trọng Đạo giáo; Nấm sinh ra từ bã nhân sâm ám chỉ đến Văn hóa Thần truyền Trung Hoa… Tất cả điều này ám chỉ một nước Trung Hoa cổ điển, được coi như Thiên triều thượng quốc.

Ở phía Đông, trên một hòn đảo tuyệt đẹp có trồng nhiều cây hoa Đào là một cao nhân thường mặc áo xanh, tinh thông văn hóa Thần truyền Trung Hoa, từ cầm-kỳ-thư-họa, y-bốc-tinh-tướng, kỳ môn độn giáp… thứ gì cũng biết, thứ gì cũng giỏi, nhưng cũng có những sáng chế của riêng mình. Sở hữu cả bí kíp “Cửu Âm chân kinh” mà võ lâm thèm muốn, ông ta học được cái gì là áp dụng ngay cái đó. Cao nhân ấy có tên là Hoàng Dược Sư, ngoại hiệu là Đông Tà.

Một cao nhân thường mặc áo xanh, tinh thông văn hóa Thần truyền Trung Hoa, từ cầm-kỳ-thư-họa, y-bốc-tinh-tướng, kỳ môn độn giáp… thứ gì cũng biết, thứ gì cũng giỏi đó là Hoàng Dược Sư, ngoại hiệu là Đông Tà. (Ảnh: Miền công cộng)

Phía đông, mặc áo màu xanh, là hành Mộc, một hòn đảo trồng nhiều hoa đào ở phía đông Trung Nguyên chính là ám chỉ nước Nhật - xứ sở hoa anh đào. Tinh thông văn hóa Thần truyền là do học được từ Trung Hoa. Tính ứng dụng cao là nhờ tiếp thu thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh. “Cửu Âm chân kinh” với những thí nghiệm trên sinh vật giống như khoa học thực chứng mà nước Nhật học được từ phương Tây.

Vương Trùng Dương võ công đệ nhất nhưng cũng bị Đông Tà Hoàng Dược Sư gây chút khó khăn, đó là vì hành Mộc khắc Thổ. Nhưng Đông Tà cũng chỉ phục có Trùng Dương chân nhân, hay là nước Nhật chỉ phục Trung Hoa cổ điển mà thôi. Sau khi ông này mất đi không ai kế tục được sự nghiệp, nên Đông Tà xem thường cả đám học trò của họ Vương như “Toàn Chân thất tử”, chẳng cần phải kể đến khi Toàn Chân giáo suy tàn, càng nảy nòi đám hậu sinh đạo đức bại hoại như Doãn Chí Bình, Triệu Chí Kính...

Những hậu duệ của Vương Trùng Dương hoa cả mắt với những chiêu thức bay bướm lợi hại trong “Lạc Anh thần kiếm chưởng” của Đông Tà, như Trung Hoa bị kẹp cả hai đầu trên bộ và trên biển trước chiến lược “Bắc tiến Đại lục, Nam tiến đại dương” của Nhật Bản; Hoặc “Đạn chỉ thần thông” oanh tạc phá hủy, phong bế huyệt đạo của nhân sĩ Trùng Dương cung, như Trung Hoa chịu thua trước hỏa lực quá mạnh của Nhật Bản; Hay là chiêu thức “Tảo diệp thoái - Cuồng phong quét lá” của đảo chủ Đào Hoa giống như đạo quân Quan Đông kiêu hùng quét sạch lực lượng Thanh triều. Vì thua kém, các nhân sĩ Trung Hoa phải “Đông du” sang Nhật Bản để học tập, hay là lặn lội ra đảo Đào Hoa vì mê mẩn “Bích Hải triều sinh khúc”?

Nhật Bản - Trung Quốc trên bàn cân quân sự

Nhật Bản - một quần đảo với đất đai ít tài nguyên, nhiều đồi núi khó canh tác, phần lớn trông vào biển cả, nên từ thời cổ đã là một quốc gia hải dương.

Từ thế kỷ 13, những đám hải tặc Oa khấu của Nhật đã gây biết bao khó khăn cho Trung Hoa thời Nguyên và thời Minh. Sau cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị, thì hải quân Nhật Bản thực sự hùng mạnh, đủ sức chiến thắng cả những cường quốc phương Tây.

Năm 1895, họ chiến thắng hạm đội Bắc Dương của Đại Thanh trong cuộc Hải chiến Giáp Ngọ. Chỉ 10 năm sau, Hải quân Nhật Bản đánh bại cả hạm đội của Đế chế Nga ở eo biển Đối Mã, tiêu diệt sức mạnh của Nga ở Đông Á, đồng thời khiến chế độ Nga Sa Hoàng suy sụp.

Năm 1895, Nhật Bản chiến thắng hạm đội Bắc Dương của Đại Thanh trong cuộc Hải chiến Giáp Ngọ. (Tranh miêu tả hải chiến giữa quân Thanh và quân Nhật/ Miền công cộng)

Vào năm 1920, Hải quân Nhật Bản đứng thứ ba thế giới, sau Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng Gia Anh. Lúc khởi đầu Thế Chiến II, Nhật Bản có lẽ đã có một lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới (4). Nhật Bản sở hữu những thiết giáp hạm, tàu sân bay, tàu ngầm, đặc công biển và cả không lực hải quân thuộc loại hiện đại, tinh nhuệ thiện chiến nhất. Chính lực lượng này đã làm nước Mỹ choáng váng sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941.

Đến nay, theo xếp hạng của trang web quân sự “Hỏa lực toàn cầu” (Global Firepower) thì sức mạnh quân sự của Nhật Bản đứng thứ 5 thế giới, Trung Quốc đứng thứ 3. Tuy vậy, rất khó có khả năng lục quân đông đảo của Trung Quốc tiếp cận được bờ biển Nhật Bản, vì muốn làm được vậy, hải quân Trung Quốc phải vượt qua được Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản vốn không hề thua kém. Khí tài của Trung Quốc có vượt hơn về số lượng một chút, nhưng lại có công nghệ và độ thuận tiện thua sút.

Điều này thể hiện ở nhiều hạng mục khí tài quân sự, nhưng đơn cử như ở hạng mục tàu ngầm. Nhật Bản không được phép phát triển vũ khí hạt nhân nên không có tàu ngầm hạt nhân như 8 chiếc của Trung Quốc, nhưng tàu ngầm của Nhật Bản chạy pin lithium - ion êm nhất thế giới nên khó phát hiện. Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc cũng không có lợi thế ở biển Hoa Đông là vùng biển nông. Còn đa số tàu ngầm sử dụng công nghệ dầu cặn diesel của Trung Quốc thì quá ồn và có lần thủy thủ Trung Quốc đã phải “trồi lên xưng danh”, khi xâm nhập ở vùng biển Nhật Bản và bị phát hiện, không khác gì kéo cờ trắng xin hàng để khỏi ăn đạn.

Vả lại, Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ là một cường quốc về hải dương, khó mà có được kinh nghiệm hải chiến như Nhật Bản trong một sớm một chiều.

Về năng lực phòng không, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản sở hữu ít hơn một chút về số lượng chiến đấu cơ so với không quân Trung Quốc, nhưng hiện đại và tinh nhuệ hơn.

Sau Thế chiến 2, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản SDF không tham chiến nhưng từ lâu đã tham gia huấn luyện với quân đội Hoa Kỳ. Còn quân đội Trung Quốc từ cuộc chiến Biên giới 1979 với Việt Nam đã không có thực chiến. Vả lại, tinh thần rệu rã, tham nhũng hoành hành.

Nhật Bản nổi tiếng vì những phi công cảm tử Kamikaze, máy bay hết đạn thì đâm thẳng vào địch cùng chết với đối phương; Trung Quốc nổi tiếng vì những tướng lãnh cao cấp sa đọa hủ hóa và đội quân con một.

Rốt cuộc, khí tài quân sự dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế yếu tố con người. Con người muốn có sức mạnh tinh thần phải có nền tảng văn hóa truyền thống và đạo đức, nền tảng ấy đã bị ĐCSTQ phá hủy từ lâu. Vậy nên quân đội Trung Quốc đông quân nhưng bạc nhược, không đáng sợ vì trong “Binh thư yếu lược” của Đức Thánh Trần Hưng Đạo có viết: “Quân cốt giỏi chứ không cốt nhiều”.

Trong “Binh thư yếu lược” của Đức Thánh Trần Hưng Đạo có viết: “Quân cốt giỏi chứ không cốt nhiều”. (Ảnh: tổng hợp)

Thay cho lời kết

Chuyện thời sự nóng bỏng ở eo biển Đài Loan trong mối quan hệ tay ba nhiều duyên nợ giữa Trung Quốc - Đài Loan - Nhật Bản đã được phân tích từ góc độ lịch sử và văn hóa. Trung Quốc có tấn công và xâm chiếm Đài Loan hay không? Điều ấy khó khẳng định được. Nhưng có lẽ Trung Quốc lo ngại cho sự tồn vong của chính mình hơn. Càng lo ngại bên trong, nó càng tỏ vẻ “ngáo ộp” đối với bên ngoài.

Vả lại, vấn đề Đài Loan ngày nay không phải là câu chuyện riêng giữa Đài Loan - Trung Quốc, mà nó liên quan đến lợi ích của rất nhiều quốc gia. Đến mức, một quốc gia nổi tiếng thận trọng, lại coi trọng lợi ích kinh tế như Nhật Bản phải lên tiếng đanh thép để tự vệ, thì sự động chạm đã rất nghiêm trọng.

Chiến tranh là việc chẳng ai mong muốn, nhưng giả sử Nhật Bản bị lôi vào cuộc chiến để bảo vệ Đài Loan, thì căn cứ theo lịch sử, Trung Quốc đang là phía bại trận; Căn cứ theo ngũ hành tương khắc, thì Mộc luôn khắc Thổ.

Xã hội Trung Quốc ngày nay chỉ nói lợi hại, không nói đạo đức; chỉ nói quyền lợi cá nhân, phe nhóm, không nói lợi ích quốc gia; người trong một nước nhìn nhau nghi kỵ, coi nhau như kẻ thù; thấy tiền thì ham, thấy người gặp nạn thì bỏ; không có ước thúc, không có tu dưỡng, thật tệ hại gấp trăm gấp nghìn lần “Đông Á bệnh phu” thế kỷ trước... rõ ràng càng không phải là đối thủ của Nhật Bản. Nếu eo biển Đài Loan bùng nổ chiến tranh, thì chẳng qua là triều đại đỏ đẩy nhanh tốc độ tự hủy diệt - và thiên hạ thái bình.

Biết đâu nhờ đó trên mảnh đất Hoa Hạ sẽ có văn hóa Đại Đường hồi sinh, Trùng Dương chân nhân tái thế?

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(*): Thực tế, thuyết "Tri hành hợp nhất" của Vương Dương Minh không chỉ có vậy. Tuy thế, tác giả đơn giản hóa cách trình bày một khía cạnh của "tri hành hợp nhất" trong sự canh tân của nước Nhật.

(1): Tên cuốn sách của tác giả người Nhật Akira Uenishi

(2): Theo bài viết “Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch, Phần 8” của “Tổ nghiên cứu nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm”.

(3): Trích “Bài giảng thứ năm, “Chủ nghĩa dân tộc”, năm 1924 - Tôn Trung Sơn

(4): Christopher Howe, “The origins of Japanese Trade Supremacy, Development and technology in Asia from 1540 to the Pacific War”, The University of Chicago Press, 1996,



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 3)