Cuộc chiến Israel - Palestine: Gà cùng một mẹ sao vẫn hoài đá nhau?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vùng đất Israel - Palestine đang tranh chấp hiện nay còn được gọi là Vùng Đất Hứa, với Ngôi Đền Thiêng Jerusalem, là Thánh địa của cả 3 tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Tranh chấp lãnh thổ giữa người Do Thái và người A-rập hiện nay không chỉ đơn thuần từ khi thành lập nhà nước Israel sau Thế chiến thứ II, mà nó có cội nguồn lịch sử hàng ngàn năm.

Nhà nước Israel thành lập năm 1948, suốt từ thời điểm đó cho đến ngày nay, chiến tranh giữa người Do Thái và người A-rập vẫn xảy ra liên miên, hòa bình chỉ là những giờ phút mong manh ngắn ngủi. Hiện tại Israel đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Palestine và Jordan, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo cực đoan như Hamas, Hezbollah… Vùng đất này suốt gần 100 năm nay không ngừng khói lửa chiến tranh. Đặc biệt thành phố Jerusalem là Thánh địa của cả 3 tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, và cũng là vùng đất tranh chấp mãnh liệt giữa người Do Thái và người Hồi giáo. Để hiểu rõ mâu thuẫn, và nguồn gốc xung đột, và có thể dự đoán tương lai vùng đất này thì cần phải xem lịch sử của vùng đất này cũng như lịch sử mâu thuẫn người Do Thái và người A-rập.

Gà cùng một mẹ

Theo Kinh Thánh, cả người Do Thái và người A-rập đều có ông tổ chung là Abraham. Khoảng 4000 năm trước, tộc người Do Thái dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Abraham sinh sống ở vùng đất Ur (Lưỡng Hà) đứng trước nguy cơ bị vua Nimrod tiêu diệt. Abraham vâng lời Đức Chúa Trời rời bỏ quê hương ở vùng đất Ur (Lưỡng Hà), khởi hành đến Harran, và được Đức Chúa Trời báo mộng chỉ dẫn đi đến vùng đất Canaan (từ bờ sông Jordan đến bờ biển Địa Trung Hải, ngày nay bao gồm Liban, Israel, Palestine, phần phía Tây Jordan và Tây Nam Syria). Đức Chúa Trời cũng lập giao ước với Abraham (lúc đó có tên là Apram) rằng:Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao Ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao Ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.

Thế nên xứ Canaan về sau được gọi là Vùng Đất Hứa, Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Đức Chúa Trời – Đức Jehovah – là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ. Đức Jehovah cũng cam kết nếu Abraham và hậu duệ giữ vững Giao Ước thì Đức Jehovah sẽ là Thiên Chúa (Đức Chúa Trời) của họ, và ban cho họ Vùng Đất Hứa.

Cuộc hành trình của Abraham từ thành Ur tới xứ Canaan (Phạm vi sử dụng cộng đồng)

Sau khi Abraham chết, quyền lãnh đạo được trao cho người con trai trưởng Isaac, là chủ nhân của Vùng Đất Hứa. Người Do Thái là dòng dõi của Isaac, là người kế thừa quyền lãnh đạo và cai quản Vùng Đất Hứa Canaan (tức vùng đất Israel hiện nay) của tổ tiên, và tôn thờ Đức Chúa Trời Jehovah duy nhất. Isaac sinh ra Jacob, Jacob (sau đổi tên là Israel) sinh ra 12 chi phái người Do Thái, đều là con của Israel (Jabob), nên từ đó còn được gọi là người Israel.

Tục tôn thờ Đức Chúa Trời của người Do Thái được kế thừa và phát triển, đến khoảng 3500 trước, sau khi Moses dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập, được Đức Jehovah ban cho 10 điều răn ở núi Sinai và khắc trên 2 phiến đá. Sau đó dần hình thành tôn giáo, gọi là Do Thái giáo, nền tảng là Kinh Torah (một phần của Kinh Thánh Hebrew), thờ Đức Chúa Trời Jehovah, và tôn thờ Abraham là ông tổ sáng lập Do Thái giáo, tôn thờ Moses là Thầy, là Nhà Tiên tri.

Abraham còn có người con thứ là Ishmael. Ishmael sinh được mười hai con trai, sau này đều trở thành những ông hoàng của sa mạc. Người A-rập chính là hậu duệ của Ishmael. Người A-rập thờ ông tổ của họ là Abraham (tiếng A-rập đọc là Abrahim) và Ishmael.

Khoảng 1400 năm trước, Muhammad nhận được mặc khải của Thiên Chúa qua Thiên Thần Gabriel, ông được coi là Sứ giả của Đức Chúa Trời, và là Nhà Tiên tri cuối cùng, là là người sáng lập ra Hồi giáo. Kinh Quran là cuốn sách được cho là lời chỉ dạy của Đức Chúa Trời cho con người thông qua Nhà Tiên tri Muhammad. Người Hồi giáo cho rằng Muhammad là Nhà Tiên tri cuối cùng, do đó Kinh Quran là những lời chỉ dạy cuối cùng của Đức Chúa Trời cho con người.

Kiếp nạn thứ nhất: Phải từ bỏ Vùng Đất Hứa thành những kẻ nô lệ

Sau khi được Đức Chúa Trời chỉ dẫn, Abraham đưa bộ tộc đến được Vùng Đất Hứa (vùng Israel ngày nay) và truyền lại quyền làm chủ vùng đất này cho con trai là Isaac, sau đó Isaac lại truyền lại cho con trai ông là Jacob. Trong Sách Sáng Thế có ghi một đoạn về lời hứa của Thiên Chúa đối với Jacob: "Khi mặt trời đã khuất, Jacob nằm chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên lên xuống xuống trên thang đó. Và Yehovah hiện ra trước mặt ông và nói: "Ta là Yehovah, Chúa của Abraham tổ phụ ngươi và cũng là Chúa của Isaac. Ta ở cùng ngươi và gìn giữ ngươi. Nhờ ngươi mọi dân tộc trên thế gian sẽ được chúc phúc. Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, trái lại, Ta sẽ hoàn tất những gì Ta đã hứa với ngươi". (Sáng thế ký 28,11-15)

Sau này, những gì Jacob thấy trong mộng đều thành sự thật. Sau này, một lần vị tổ phụ thứ 3 của người Do Thái Jacob nằm mơ thấy mình chiến đấu với Đức Chúa Trời, sau đó đổi tên là Israel, nghĩa là “Người chiến đấu với Đức Chúa Trời”. Kể từ đó, người Do Thái được gọi là Bnei Yisrael , nghĩa là “Những người con của Israel”.

Jacob và Rachel, tranh của William Dyce (Phạm vi sử dụng cộng đồng)

Một người mà nằm mơ thấy mình chiến đấu với Thiên Chúa của mình thì ắt hẳn sẽ phải sợ phát khiếp. Nếu một người trong lòng luôn thành kính với vị Thần bảo hộ của mình, luôn chú ý làm theo những lời dạy của Thần thì chắc chắn không thể có giấc mơ “phản nghịch” như vậy. Điều này cho thấy, lòng thành kính đối với Đức Chúa Trời được truyền từ đời ông Abraham, qua đời cha Isaac, đến đời con Jacob đã bị mai một rất nhiều rồi. Nó cũng thể hiện các con dân của Thiên Chúa đã sinh lòng ngạo mạn, bất kính đối với Ngài. Giấc mộng đó chính là để cảnh tỉnh Jacob và các con dân của Ngài phải nhìn vào cái tâm của mình, xem các hành vi và việc làm của mình có trái với những lời răn của Ngài hay không, có trái với Giao Ước không, từ đó quy chính cái tâm, sửa chữa lỗi lầm, thì Thiên Chúa từ bi vẫn sẽ bảo hộ và ban phúc cho họ.

Nhưng Jacob và cả bộ lạc của ông không những không để ý đến lời cảnh cáo đó của Thiên Chúa, mà còn cảm thấy tự hào, vui mừng. Jacob còn đổi tên thành Israel, nghĩa là “Người chiến đấu với Đức Chúa Trời”. Thế là từ đó, vùng đất hứa Canaan phì nhiêu màu mỡ liên tiếp gặp thiên tai hạn hán, đất đai khô cằn, cây cối tiêu điều, người dân đói khổ. Thiên tai và dị tượng chính là lời cảnh cáo của Thiên Chúa đối với con dân của Ngài, để giúp họ cảnh tỉnh hối lỗi, quay về chính Đạo, phụng thờ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, khi con người kiêu ngạo thì không thể nhận ra lỗi lầm của mình, kết quả là vùng toàn thể gia tộc của Jacob phải rời bỏ vùng đất hứa Canaan mà Thiên Chúa đã ban cho. Họ lại phải lang thang tìm miền đất mới, cuối cùng đến vùng châu thổ sông Nile trù phú của Ai Cập. Ban đầu họ chỉ nghĩ rằng đi tị nạn chỉ một đôi vụ mùa, qua cơn hạn hán đói khổ rồi quay về quê cha đất tổ. Thế nhưng họ đã phải ở lại Ai Cập kéo dài tới 400 năm, và gia tộc Jacob phát triển thành hàng trăm ngàn người.

Người Ai Cập lo sợ phát triển của người Do Thái có thể gây tổn hại đến Đế chế Ai Cập. Thế là các Pharaoh bắt đầu ngược đãi người Do Thái, bóc lột họ như nô lệ, ép họ phải đi lao dịch nặng nhọc, và độc ác nhất là ra lệnh dìm chết tất cả những bé trai Do Thái mới lọt lòng nhằm dần dần tiêu diệt dân Do Thái.

Thiên Chúa cứu vớt con dân Do Thái

Người Do Thái lâm vào cảnh nô lệ khổ cực, và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ bộ lạc thì Đức Chúa Trời từ bi ra tay cứu với con dân của Ngài.

Một đứa trẻ thoát chết khỏi lệnh dìm chết các bé trai Do Thái nhờ một cơ duyên, được công chúa cứu và nhận làm con nuôi, đặt tên là Moses. Sau này Moses lớn lên, do phạm tội phải trốn đến Sinai. Tại đó Moses nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy nhưng không lụi tàn, vì tò mò ông đến gần để quan sát kỹ hơn; tại đây Thiên Chúa phán bảo với Moses từ trong bụi gai cháy và mặc khải cho ông Danh của Ngài là Đấng Tự hữu Hằng hữu. Thiên Chúa phán bảo Moses trở về Ai Cập để giải cứu đồng bào của ông khỏi ách nô lệ, và ban quyền năng cho Moses.

Moses dẫn dắt dân chúng đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình dài trở về Vùng Đất Hứa Canaan. Đoàn người đến bờ biển Đỏ thì binh lính Ai Cập đuổi theo để săn đuổi những kẻ nô lệ vừa được phóng thích. Khi đoàn người đang khiếp đảm thì Thiên Chúa khiến nước phân rẽ, làm cho đáy biển lộ ra để dân Do Thái đi qua như trên đất cạn. Khi đạo quân Ai Cập đuổi theo, Thiên Chúa khiến nước lấp phủ đáy biển trở lại, đạo quân với chiến xa, kỵ binh và bộ binh bị chôn vùi trong biển. Khi đến Sinai, Moses lên trên núi Sinai để nhận lãnh giáo huấn và luật pháp của Thiên Chúa.

Moses, tranh của José de Ribera (1638) (Phạm vi sử dụng cộng đồng)

Nhưng Vùng Đất Hứa Canaan giờ đây đã thuộc về sắc tộc khác, họ xây thành lũy kiên cố, vùng đất trù phú, giàu mạnh. Những người Do Thái thấy vậy thì sợ hãi khóc lóc nằng nặc đòi quay trở lại Ai Cập làm nô lệ. Moses thấy người Do Thái phản bội lại lời dạy của Thiên Chúa, sợ Ngài nổi giận nên đã cầu xin Ngài tha lỗi cho những đứa con tội lỗi, xin đừng tiêu diệt họ. Thiên Chúa chấp nhận lời thỉnh cầu của Moses, chỉ trừng phạt họ để họ phải lang thang trong sa mạc 40 năm cho đến khi những kẻ phản loạn này chết ở đó, con cháu của họ sẽ là những người mang trách nhiệm chiếm lấy xứ Canaan.

Suốt 40 năm trời thử thách đức tin của con dân, sau khi trải qua vô số kiếp nạn, cuối cùng người Do Thái cũng đã trở về được Vùng Đất Hứa thuận lợi, nhưng người thủ lĩnh tài năng của họ là Moses đã chết trên bờ sông Jordan ngay trước khi đoàn người tiến vào Canaan.

Trước khi chết, Moses đã trao quyền lãnh đạo bộ tộc cho Joshua. Người Do Thái vào Canaan sinh sôi phát triển thành 12 chi tộc, và dần dần phát triển thành vương quốc hùng cường, với những vị vua vĩ đại như Saul, David, Solomon. Đặc biệt thời vua Solomon, biên giới của đế quốc Solomon rộng lớn trải dài từ sông Nile đến sông Euphrates (Lưỡng Hà). Cũng trong thời gian này, tức cách ngày nay gần 3000 năm, Ngôi Đền Jerusalem đã được khởi công xây dựng, hoàn thành, và trở thành một kỳ quan thế giới, là niềm tự hào của người Do Thái.

Kiếp nạn thứ 2: Mất nước và bị lưu đày

Sau thời thịnh trị của vua Solomon, người Do Thái bắt đầu hưởng thụ và tham lam, chia bè kéo phái chiếm lợi riêng cho các chi phái của mình. Sau rất nhiều năm đấu tranh lục đục, các vùng đất rộng lớn của đế quốc Solomon bị thu hẹp về Vùng Đất Hứa Canaan, sau đó lại bị chia rẽ thành 2 vương quốc: Israel ở phương Bắc, và Judah ở phương Nam.

Người Do Thái càng ngày càng không tuân thủ Giao Ước với Thiên Chúa, họ càng ngày càng tự tư, tham lam và chia rẽ. Cuối cùng, khoảng 2700 năm trước, vương quốc Israel ở phương Bắc bị đế quốc Tân Assyria vùng Lưỡng Hà thôn tính. Người Do Thái bị trục xuất khỏi vùng đất của mình và người Assyria tràn đến định cư thay thế. Còn vương quốc Judah ở phương Nam bị đế quốc Tân Babylon vùng Lưỡng Hà thôn tính. Cũng chung số phận với người anh em Israel, người Do Thái ở Judah cũng bị người Babylon trục xuất và lưu đày, Ngôi Đền Jerusalem bị tàn phá.

Mô hình Đền thờ cũ của vua Solomon (nguồi wikipedia)

Kết quả của sự bất trung với Giao Ước của người Do Thái, việc thờ phụng Đức Chúa Trời của họ không còn xuất phát từ cái tâm thuần tịnh thành kính nữa, mà chỉ còn là hình thức, hoặc là để cầu xin thăng quan phát tài, cầu xin vợ đẹp con khôn, cầu xin tai qua nạn khỏi… dẫn đến tấn bi kịch mất nước nhà tan, cả dân tộc là những con dân của Thiên Chúa đã bị trở thành kẻ lưu đày sống trong đau khổ.

Thiên Chúa lại ra tay cứu vớt

Cũng may, vẫn còn những nhà tiên tri, những giáo sĩ Do Thái vẫn còn tỉnh táo nhắc nhở dân Do Thái hãy bình tâm tín thác vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là đá tảng của sự tin cậy. Một vị tiên tri Do Thái giáo vào thế kỷ 6 đã ghi lại rằng thượng đế của người Babylon Marduk đã không thể đánh bại được Đức Jehovah; và lịch sử vẫn thuộc về vương quốc của Ngài.

Khổ nạn khảo nghiệm và thử thách đức tin của người Do Thái vào Thiên Chúa của họ. Khi họ trong khổ nạn buông bỏ lòng tham, biết sám hối, và thành tâm cầu nguyện Thiên Chúa thì kỳ tích sẽ xuất hiện.

Cách ngày nay khoảng 2500, đế quốc Ba Tư chinh phục Babylon, vua Ba Tư là Cyrus đã quyết định trả lại tự do cho người Do Thái đang sống ở Babylon, cho phép họ quay trở lại quê cha đất tổ Judah. Sau khi trở về, người Do Thái bắt tay xây dựng lại Ngôi Đền Jerusalem, và được gọi là Ngôi Đền Thứ Hai.

Bản đồ vương quốc Israel thời vua Saul và David (Nguồn Wikipedia)

Sau đó, vào khoảng 2300 năm trước, đế chế Macedonia do Alexander Đại Đế chinh phục đế quốc Ba Tư, mở rộng lãnh thổ ra khắp châu Âu, châu Á và châu Phi. Tuy nhiên người Do Thái vẫn được hưởng các quyền tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng, nên cuộc sống của họ vẫn khá yên lành.

Sau khi Alexander Đại Đế chết, đế chế Macedonia bị phân chia. Khoảng 2200 năm trước, đế chế Seleucid người Syria chiếm vùng Judah, lúc này được gọi là Judae theo cách gọi của người Hy Lạp và La Mã. Người Syria áp đặt nhiều biện pháp nhằm đàn áp tôn giáo và việc thực hành tôn giáo của người Do Thái, khiến người Do Thái vùng lên khởi nghĩa và chiếm được Judae, lúc đó đang là một tỉnh của đế chế Seleucid, và lập nên triều đại Hasmoneans, khẳng định tín ngưỡng Do Thái và loại bỏ ảnh hưởng của các tín ngưỡng Hy Lạp.

Kiếp nạn thứ 3: Lại mất nước và lưu lạc suốt gần 2000 năm

Cũng thời gian đó đế chế La Mã dần trở nên hùng mạnh và lần lượt đánh bại các đế chế Macedonia và Seleucid, rồi nhòm ngó Judae. Phe thân La Mã Herod lên ngôi quốc vương, thế là nhà nước Judea trở thành chư hầu của La Mã. Lúc này các giáo sĩ Do Thái đã trở thành một tầng lớp có thế lực, họ dần say mê với quyền lực và xa rời lời dạy của Thiên Chúa, giáo lý đã bị lẫn nhiều tín ngưỡng Hy Lạp, La Mã. Người Do Thái cũng không còn cái tâm kính Thần thuần tịnh nữa, Ngôi Đền Jerusalem không được coi sóc cẩn thận, đã trở lên rất hỗn loạn.

Lúc này Thiên Chúa đã phái một người con của mình hạ giới cứu rỗi con dân của Ngài, thế là Chúa Jesus giáng sinh ở tại Belem (gần Jerusalem). Chúa Jesus đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilea để giảng dạy và chữa bệnh, bất kỳ nơi nào Ngài đến giảng Đạo thì dân chúng đều kéo đến nghe giảng rất đông. Chúa Jesus làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi tà ma và khiến một người đàn ông tên là Lazarô sống lại sau khi đã chết. Ngài cũng thường vạch ra sự chuộng hình thức cũng như tinh thần đạo đức giả của giới lãnh đạo Do Thái giáo. Rất nhiều người tin rằng Chúa Jesus được Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại, còn giới cầm quyền thì xem Ngài như một thế lực mới đang đe dọa những định chế tôn giáo và chính trị đương thời.

Chúa Jesus giảng Đạo trên núi (Nguồn Wikipedia)

Chúa Jesus cùng các môn đồ lên thành Jerusalem vào dịp Lễ Vượt Qua. Ngài vào Ngôi Đền Jerusalem, đánh đuổi những người buôn bán và những kẻ đổi tiền, lật đổ bàn của họ và quở trách họ rằng: "Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của bọn trộm cướp".

Theo "Phúc âm Mathew": người đứng đầu tôn giáo Do Thái ghen tị với Chúa Jesus và giao Ngài cho Pilate, thống đốc Do Thái của Roma, để xét xử và kết án. Pilate không muốn xử chết Chúa Jesus, nhưng các linh mục trưởng và trưởng lão Do Thái đã xúi giục dân chúng hô lớn: “Hãy đóng đinh ông ta!”. Người Do Thái cuồng nhiệt hét lên “Hãy đóng đinh Jesus”.

Pilate rửa tay trước công chúng và nói rằng ông sẽ không chịu trách nhiệm giết Chúa Jesus. Tuy nhiên, những người Do Thái đồng thanh lớn tiếng: “Nợ máu của Jesus sẽ do chúng tôi và con cái chúng tôi gánh chịu!”.

Trước khi Chúa Jesus bị đóng đinh, các linh mục trưởng, các thầy dạy kinh và các trưởng lão Do Thái giáo đều chế nhạo và sỉ nhục Ngài.

Năm 131, dân Do Thái nổi lên chống Đế quốc La Mã, bị thất bại. Hoàng đế Hadrian ra lệnh phá hủy thành và Ngôi Đền Jerusalem, sau đó xây thành khác cho quân sĩ cư ngụ và xây một đền thờ Thần Jupiter trên nền Ngôi Đền Jerusalem. Sau đó dân Do Thái bị đuổi khỏi Jerusalem, lãnh thổ Judea bị đổi thành Syria Palaestina. Kể từ thời điểm này, người Do Thái lưu lạc khắp nơi trên thế giới, và cũng là khởi đầu của sự tranh chấp lãnh thổ ngày nay giữa hai nhà nước Israel (Judae xưa) và Palestine (Syria Palaestina xưa).

Vì tham gia vào cuộc đàn áp Chúa Jesus, người Do Thái đã phải sống lưu tạc rải rác trên khắp thế giới trong một thời gian dài 1800 năm, bị nhiều nước trên thế giới kỳ thị, trục xuất, tàn sát và chịu nhiều khổ nạn. Và đỉnh điểm là vụ thảm sát Holocaust của Đức Quốc Xã khiến 6 triệu người Do Thái thiệt mạng (trong khi dân số hiện tại của Israel khoảng 10 triệu, trong đó 6.5 triệu người là người Do Thái)

Trong suốt gần 2000 năm lưu lạc này, đã có rất nhiều lần người Do Thái hồi hương về mảnh đất Jerusalem, lúc này đã có tên là Palestine, nhưng rồi lại bị sát hại trục xuất. Sự việc cứ lặp đi lặp lại như thế đến tận giữa thế kỷ 20.

Chiến tranh liên miên: Sự ra đời của nhà nước Do Thái Israel, tiên tri trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh, cho dù là Tân Ước hay Cựu Ước, đều tiên tri rằng Chúa Cứu Thế Messiah sẽ tới vào thời khắc cuối cùng của nhân loại. Theo truyền thuyết tôn giáo thì trước khi Chúa Cứu Thế Messiah tới nhân gian, một dấu hiệu là người Israel phục quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, người Do Thái sau gần 2000 năm lưu lạc trên thế giới cuối cùng đã phục quốc. Đế quốc Anh, người nắm quyền cai trị vùng đất quanh Jerusalem khi đó có tên là Palestine, đã quyết định rút khỏi vùng đất Palestine, và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua kế hoạch chia vùng đất Palestine thành 2 quốc gia: Israel của người Do Thái, và Palestine của người A-rập. Ngày 13 tháng 5 năm 1948, trong đại hội Do Thái, Jerusalem đã tuyên bố bản tuyên ngôn về “Israel phục quốc”. Tuy nhiên Liên đoàn Ả Rập và Ủy ban Cấp cao Ả Rập Palestine bác bỏ.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua kế hoạch chia vùng đất Palestine thành 2 quốc gia: Israel của người Do Thái (màu cam), và Palestine của người A-rập (màu vàng). (Nguồn Wikipedia)

Ngày 15 tháng 5 năm 1948, quân đội của bốn quốc gia Ả Rập gồm Ai Cập, Syria, Ngoại Jordan và Iraq tiến vào Lãnh thổ ủy trị Palestine cũ, phát động Chiến tranh A-rập - Israel 1948. Các đạo quân đến từ Yemen, Maroc, A-rập Xê Út và Sudan cũng tham chiến. Mục đích của những nước A-rập này là ngăn chặn thành lập nhà nước Do Thái vào lúc sơ khởi, và một số nhà lãnh đạo A-rập thảo luận về việc đẩy người Do Thái ra biển. Một nhà nước non trẻ với số dân chưa đến 1 triệu người đã đánh lui được cuộc tấn công của liên quân các nước dân tộc A-rập, quả là một kỳ tích. Hai phía đã đạt được thỏa thuận giới tuyến xanh.

Tuy nhiên những người theo chủ nghĩa dân tộc A-rập không chấp nhận, họ từ chối chấp nhận Israel và kêu gọi cùng nhau tiêu diệt nước này. Thế là xảy ra cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Trong Chiến tranh Sáu ngày, Israel đánh bại Jordan và chiếm Bờ Tây, đánh bại Ai Cập và chiếm Dải Gaza cùng Bán đảo Sinai, đánh bại Syria và chiếm Cao nguyên Golan. Ranh giới của Jerusalem được mở rộng, sáp nhập Đông Jerusalem, và Giới tuyến Xanh năm 1949 trở thành biên giới hành chính giữa Israel và các lãnh thổ do họ chiếm đóng.

Tổ chức người Palestine và A-rập quan trọng nhất trong số đó là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), được thành lập vào năm 1964 và ban đầu cho rằng "đấu tranh vũ trang là cách thức duy nhất để giải phóng quê hương". Đến cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, các tổ chức Palestine phát động một làn sóng tấn công chống lại các mục tiêu Israel và Do Thái trên toàn thế giới, trong đó có cuộc tàn sát các vận động viên Israel tham gia Thế vận hội Mùa hè 1972 tại München. Chính phủ Israel sau đó tiến hành chiến dịch ám sát những người tổ chức cuộc tàn sát, oanh tạc và tập kích đại bản doanh của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Liban.

Cuối những năm 70, Israel và Ai Cập ký kết Hiệp nghị Trại David (1978) và Hiệp định Hòa bình Israel–Ai Cập (1979). Đổi lại, Israel triệt thoái khỏi Bán đảo Sinai mà họ chiếm giữ từ năm 1967, và đồng ý tham gia đàm phán về quyền tự trị cho người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza.

Kết cuộc sau Cuộc chiến 6 ngày (Nguồn Wikipedia)

Cuộc chiến giữa Israel và Palestine càng căng thẳng hơn khi năm 1987, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas được thành lập với mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Hamas kêu gọi thánh chiến và khước từ đàm phán hòa bình, coi thánh chiến là con đường duy nhất, nên thường sử dụng đánh bom liều chết để tấn công người Israel. Hầu hết các nước trên thế giới đều đưa Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố, chỉ có một số nước như Nga, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo không coi Hamas là tổ chức khủng bố. Đăc biệt Hamas được sự ủng hộ rất lớn từ I-ran, được I-ran cung cấp chuyên gia và các vũ khí tiên tiến như tên lửa, và kỹ thuật chế tạo tên lửa để chống Israel. Còn đứng sau I-ran là chính quyền Bắc Kinh giúp I-ran phát triển kinh tế, vũ khí, quân sự, kỹ thuật tên lửa, kỹ thuật hạt nhân…

Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ, cơ hội nào cho Vùng Đất Hứa

Ngày 28 tháng 1 năm 2020 cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine, ông nói: Israel đã đồng ý giữ nguyên vùng đất như hiện tại trong bốn năm để bảo đảm cho giải pháp hai nhà nước. Jerusalem sẽ vẫn thuộc cả 2 nước, và vẫn là thủ đô của Israel, trong khi thủ đô của Nhà nước Palestine sẽ là Al-Quds và bao gồm các khu vực ở Đông Jerusalem”. Al-Quds là tên tiếng Ả Rập của Jerusalem.

“Bản đồ này sẽ mở rộng gấp đôi lãnh thổ Palestine và đem lại thủ đô của người Palestine ở phía đông Jerusalem, tại đây Mỹ sẽ tự hào mở một đại sứ quán”.

Trước đó không lâu, cựu Tổng thống Trump đã chốt một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo thỏa thuận, hai quốc gia này sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và xây dựng các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, chăm sóc sức khỏe và năng lượng.

Ngày 1/2/2021, thành viên Nghị viện châu Âu là ông Jaak Madison đã đề cử Cựu Tổng thống Donald Trump cho Giải Nobel Hòa bình năm 2021.

Cựu Tổng thống Trump tổ chức Lễ ký kết Hiệp định Abraham trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng

Ông Madison nói: “Trong 30 năm qua, ông Donald Trump là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã không gây ra chiến tranh trong nhiệm kỳ của mình. Ngoài ra, ông ấy đã ký một số hiệp định hòa bình ở Trung Đông giúp mang lại sự ổn định và hòa bình trong khu vực”.

Ông Madison đang đề cập đến Hiệp định Abraham, một tuyên bố chung giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ, và sau đó, Tổng thống Trump còn đạt được các thỏa thuận hòa bình với Bahrain và các quốc gia Ả Rập khác.

Thật đáng tiếc chính quyền mới của Mỹ đã không tiếp tục thỏa thuận hòa bình này, và đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm ở Trung Đông. Liệu có phải vì thế mà Iran càng cứng rắn và quyết tâm khôi phục các chương trình hạt nhân, tăng cường cấp vũ khí cho các nhóm chiến binh Hồi giáo bị liệt vào các tổ chức khủng bố như Hamas, Hezbollah hay không thì còn cần theo dõi tìm hiểu tiếp. Nhưng đáng lo ngại hơn là kẻ đứng sau chống lưng Iran, thao túng các hoạt động chính trị quân sự ở vùng Trung Đông vì tham vọng bá chủ của họ. Gần đây Bắc Kinh và Tehran đã công bố mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 25 năm trị giá 400 tỷ USD. Nhà phân tích Trung Quốc Gordon Chang nói: “Điều này có nghĩa là Iran có thể tài trợ cho những kẻ khủng bố như Hezbollah và Hamas”. Với những thế lực lớn đứng sau thao túng cuộc chiến giữa Israel và Palestine này, tương lai vùng đất này thật khó dự đoán.

Tuy nhiên, nếu xem toàn bộ quá trình lịch sử thăng trầm đầy đau đớn và hào hùng của người Do Thái Israel, có thể thấy rõ một điểm, rằng chỉ khi nào người Do Thái thành kính tuân theo Thiên Chúa Jehovah của họ thì họ mới được bảo hộ, mới được ban phước lành, và Jerusalem mới là Vùng Đất Hứa của họ. Còn khi nào họ xa rời lời dạy của Thiên Chúa, tham lam phóng túng thì họ sẽ bị mất đi sự bảo hộ của Thiên Chúa, và khổ nạn sẽ giáng xuống dân tộc họ, phải chịu kiếp sống lưu lạc, và bị đàn áp, giết hại.

Lời tiên tri trong Kinh Thánh có ứng nghiệm không? Người Do Thái có phục quốc thành công không? Jerusalem có trở thành Thánh địa của họ không? Vùng đất Israel có trở thành Vùng Đất Hứa của người Do Thái không? Có lẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của người Do Thái với truyền thống tín ngưỡng và đối với Thiên Chúa của họ. Với lịch sử 3000 năm người Do Thái và A-rập sống đan xen nhau ở vùng đất Israel-Palestine hiện nay, tùy thời kỳ mà đa số là người Do Thái hay đa số là người A-rập, do đó cả hai dân tộc vốn có nguồn gốc chung từ ông tổ Abraham này hoàn thể cùng nhau chung sống hòa bình, chỉ cần cả hai biết "lùi một bước" thì sẽ có được "biển rộng trời cao".

Trung Hòa

Nguồn tham khảo: Nghiên cứu lịch sử, Wikipedia, ntdvn, dkn.



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến Israel - Palestine: Gà cùng một mẹ sao vẫn hoài đá nhau?