Cụ ông 92 tuổi sám hối: Khắc tội lỗi lên bia mộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cụ Từ 92 tuổi người Trung Quốc đã tự kiểm điểm lại bản thân và muốn khắc ghi những điều tồi tệ mà mình đã làm cả đời lên bia mộ, sám hối tội lỗi của mình và thức tỉnh thế nhân.

Cụ Từ, sinh năm 1920, ngoài 90 tuổi, vừa rồi nằm trên giường bệnh, cụ nhờ tôi viết một bài văn bia ghi lại sáu tội trọng của cuộc đời cụ. Cụ tính tình thẳng thắn, chất phác, những năm cuối đời, cụ tín Phật và siêng năng tu thiện căn. Cụ kiểm điểm lại cả cuộc đời mình, sáu đại tội của cụ luôn canh cánh trong lòng, khiến tâm hồn của cụ không yên. Hết lần này đến lần khác, cụ sám hối với Phật, cầu Phật khoan thứ, nhưng Phật chỉ cười mà không trả lời. Cụ quyết định khắc ghi 6 tội lỗi lớn này lên bia mộ, để mong được Thần linh và các thế hệ mai sau tha thứ, đồng thời để cụ được yên nghỉ dưới chín suối. Dựa trên lời tự thuật của cụ, tôi đã biên soạn các bản ghi như sau, hy vọng nó sẽ khơi dậy suy nghĩ của độc giả về lịch sử cuộc đời.

Tội thứ nhất: lấy chiếc đồng hồ từ xác của hai phi công Mỹ

Tháng 3 năm 1942, một chiếc máy bay của đội Flying Tigers của Mỹ đã đâm vào khu rừng sau làng, hai phi công đã nhảy dù và hạ cánh xuống chân núi Nhị Lang. Tôi đang đốn củi ở núi Nhị Lang, chạy ra xem thì thấy chiếc ô treo trên cây, hai viên phi công nằm trên đống đá vụn dưới chân tảng đá, người bê bết máu. Tôi mạnh dạn tiến đến chỗ dùng tay thử mũi miệng thì cả hai đều không thở nữa. Đứng được một lúc, ma quỷ sai khiến, tôi đã lấy đi chiếc đồng hồ của hai phi công. Trời ơi, người ta đến để giúp chúng tôi chống lại Nhật Bản, và đã mất mạng. Đó là ân nhân lớn của chúng tôi. Tôi vẫn đang lại lấy đồng hồ của người ta! Tôi không phải là một con người!

Ngày hôm sau, chính quyền thị trấn của Trung Hoa Dân Quốc đưa thi thể của hai viên phi công đến Trùng Khánh, khi mang xác qua làng, tôi trốn trong nhà và không dám ra ngoài xem xét. Tôi xấu hổ với người ta! Sau đó, lương tâm tôi tiếp tục đau khổ. Cho đến năm 1948 thì tôi thực sự không thể chịu đựng nổi nữa, vì vậy tôi đã mượn một số tiền và đến Trùng Khánh, tôi ném hai chiếc đồng hồ xuống sông Gia Lăng, coi là đã trả lại cho hai viên phi công. Cảm giác tội lỗi biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Hãy nghĩ xem tôi là người Trung Quốc, năm 1940, tôi hưởng ứng lời kêu gọi chống Nhật cứu nước của Chính phủ Dân Quốc, nhưng khi bộ đội mới đến Phù Linh thì tôi trở thành người đào ngũ. Trong các cuộc vận động chính trị khác nhau sau năm 1949, tôi cũng đã lên tiếng tố cáo Quốc Dân Đảng đã bắt giữ những tránh đinh, làm xấu hổ tổ tiên! Hàng triệu đồng bào đã hy sinh trên tiền tuyến trong quân đội chống Nhật của Trung Hoa Dân Quốc, ai còn nhắc đến họ sau năm 1949? Nhớ họ? Đất nước chúng ta nên dựng bia cho họ, và cho những thành viên đội Flying Tigers của Mỹ. Họ là những anh hùng thực sự! Còn bia mộ của tôi chỉ có thể là bia tội lỗi.

Tội thứ hai: Tham gia cải cách ruộng đất và giết địa chủ

Năm 1951, đội cải cách ruộng đất của huyện về làng tiến hành cải cách ruộng đất, diệt địa chủ. Trên thực tế, mấy nhà địa chủ trong làng đều là những người tốt bụng, vui làm việc thiện và rất hòa thuận với dân làng. Đội công tác hàng ngày họp dân làng để vận động nông dân nghèo và trung nông đấu tranh với địa chủ, nhưng đã nửa tháng trôi qua vẫn chưa phát động được.

Đội trưởng Hồ của đội công tác rất sốt ruột, anh ta đến thăm tôi và một số thanh niên trong làng, nói rằng huyện đã giao nhiệm vụ, ba địa chủ trong làng chúng tôi thì nhất định phải giết một tên. Nhưng hiện nay thậm chí bắt đầu một cuộc họp đấu tố cũng không tổ chức được, thế thì tôi báo cáo với cấp trên như thế nào? Đội trưởng Hồ hy vọng rằng chúng tôi sẽ phối hợp hô các khẩu hiệu, bắt đầu cuộc họp đấu tố, và cố gắng trì hoãn việc giết người lâu nhất có thể. Lúc đó tôi u mê, dường như đầu tôi bị người khác điều khiển, tại buổi đấu tố đêm đó, tôi đi đầu hô hào:

“Đả đảo bọn cường hào ác bá!”;

“Ủng hộ cải cách ruộng đất!”;

“Tiêu diệt giai cấp địa chủ!”

Một số thanh niên khác cũng đi đầu hô khẩu hiệu.

Cuộc đấu tố đã có chút khí thế, đội trưởng Hồ lớn tiếng kết tội một địa chủ tên là Triệu Nhân Hậu, liệt kê ra các loại "tội ác bóc lột nông dân" của ông ta, sau đó cao giọng hỏi quần chúng: "Triệu Nhân Hậu có bóc lột không?"

Chúng tôi lớn tiếng đáp: “Có!”

Đội trưởng Hồ lớn tiếng hỏi: “Triệu Nhân Hậu có đáng bị trừng trị không?”

Chúng tôi hét lớn: "Đáng bị trừng trị!"

Đội trưởng Hồ lớn tiếng ra lệnh: "Mấy người các cậu đưa Triệu Nhân Hậu ra khỏi hội trường đi!"

Vì vậy, chúng tôi đã đẩy Triệu Nhân Hậu từ nơi họp phòng chính ra ngoài sân.

Ngay khi chúng tôi đẩy Triệu Nhân Hậu ra đến sân, đội trưởng Hồ yêu cầu chúng tôi tránh sang một bên, chỉ nghe thấy một phát súng nổi, tiếp theo là một phát súng nữa, và Triệu Nhân Hậu ngã xuống đất. Tất cả dân làng đều bị sốc. Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng "trừng trị" có nghĩa là nổ súng, và chúng tôi nghĩ rằng "đẩy ra khỏi hội trường" có nghĩa là Triệu Nhân Hậu không được phép tham dự cuộc họp. Bằng cách này, chúng tôi đã hồ đồ khiến Triệu Nhân Hậu mất mạng một cách bàng hoàng. Tội lỗi, tội lỗi!

Tội lỗi thứ ba: Người cánh hữu tự sát, thấy chết không cứu

Năm 1957, một người cánh hữu họ Hồ đến làng, nghe nói tội ác của hắn là công kích chủ nghĩa xã hội. Hồ rất gầy, gió thổi cũng ngã. Ban ngày anh ta tham gia lao động ở hợp tác xã cao cấp, ho liên tục, ban đêm anh ta ngủ trong miếu đổ nát đầu thôn. Trưởng thôn nghiêm khắc với anh ta, dân làng tránh anh ta vì sợ gây rắc rối, và không ai nói chuyện với anh ta.

Sáng ngày 10 kể từ khi Hồ đến làng, tôi đi đến cái ao bên núi để tháo nước thì bất ngờ thấy anh ta đang vật lộn dưới ao. Tôi hiểu rằng anh ấy tự tử trong tuyệt vọng. Lúc đó trong tâm tôi cứ đắn đo: "Cứu anh ấy thì lo rằng sẽ tự chuốc lấy phiền phức cho mình. Không cứu thì dù sao cũng là mạng người". Khi tôi do dự một lúc và nhảy xuống nước để cứu anh ấy thì mọi chuyện đã quá muộn. Chính là như thế, sinh mạng của một con người đang sống đã biến mất trước mắt tôi. Một số dân quân đã chôn Hồ bên ao và được lọt một ít rơm rạ.

Trong nhiều thập kỷ, tôi tự trách mình mỗi khi tôi đi qua nơi đó. Hồ tuy đã tự sát trong tuyệt vọng, nếu cứu anh ta thì anh ta có thể sẽ phải chịu tội càng nhiều hơn, nhưng dù sao đó cũng là một mạng người!

Tội lỗi thứ tư: Đại nhảy vọt chết đói, ăn xác của anh họ

Trong Đại nhảy vọt năm 1958, toàn quốc giả số liệu, tự hào tuyên bố rằng năng suất ngũ cốc là hàng chục nghìn cân mỗi mẫu ruộng, các kho thóc mọi ngôi làng đều đầy ắp ngũ cốc. Thực tế, mùa màng ngoài đồng không thu hoạch được gì, tất cả những người lao động trẻ khỏe đi luyện thép. Cán bộ xã dẫn chúng tôi chất rơm rạ vào các kho trống ở các thôn, rải thóc trên tầng thượng để ứng phó khi cấp trên kiểm tra.

Sự gian dối này đã dẫn đến nạn đói lớn sau đó, mọi thôn làng đều có rất nhiều người chết vì đói. Cha mẹ, vợ tôi và nhiều người thân của tôi đều chết đói trong nạn đói đó. Tôi và hai con tôi sống sót, tôi luộc xác anh họ rồi ăn thịt... Thôi không nói nữa, ghi lại tội lỗi này đi!

Tội thứ năm: Phản nghịch Trời đất tổ tiên, đốt tượng Phật

Trong thời Cách mạng Văn hóa, cán bộ ở trên bắt dân phải làm “3 trung, 4 vô hạn”, bỏ hết bài vị của tổ tiên, tổ tiên của các vị Thần linh Trời đất, thay vào đó là “Chủ tịch Mao" và "Phó chủ tịch Lâm". Mỗi bữa ăn đều phải tuyên thệ, chúc nguyện và hát cho hai bức ảnh này.

Trọn vẹn mười năm trong Cách mạng Văn hóa, mọi người đều bỏ rơi tổ tiên Thần Thánh, không dám thắp hương đốt tiền vàng, cúng rượu và thức ăn. Đây là tội phản nghịch Trời đất, tổ tiên! Trong thời kỳ này, tôi đã cùng dân quân đốt tượng Phật A Di Đà. Tội lỗi, tội lỗi!

Tội thứ sáu: Để cháu trai làm quan, trở thành tai họa một vùng

Năm 1990, cháu trai tôi tốt nghiệp đại học, lúc đó có hai lựa chọn về công việc, một là làm giáo viên tại trường trung học cơ sở của huyện, hai là làm thư ký huyện ủy. Tôi luôn hồ đồ, nghĩ rằng làm giáo viên không có triển vọng, tôi quyết tâm xin cho cháu vào huyện ủy. Cháu trai tôi bây giờ đã có tiền đồ, đã làm quan đến cấp huyện, đã nhiễm đủ tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, ăn nhậu, gái gú, cờ bạc, và đã trở thành một thứ tai họa trong cả vùng. Tôi luôn hồ đồ, ngay cả đạo lý "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" mà cũng không hiểu rõ.

Tái bút: Tôi không biết nên viết bài văn bia mộ này như thế nào, có nên ghi chép lên bia sáu tội lỗi lớn của ông lão hay không. Dân tộc ta có tục kiêng kỵ đối với người lớn tuổi và kiêng kỵ đối với người đã khuất, bia mộ của biết bao bậc bô lão tội lỗi đầy mình, nhưng sau khi chết đều là những câu từ ca tụng công đức vô lượng. Xuyên suốt thời đại chỉ có việc lập bia ghi công cho người chết, không có việc lập bia ghi chép tội lỗi của người chết, làm sao có thể nỡ lòng hạ bút như dao thế này!

Nhưng khi đã căn dặn tôi, thái độ ông cụ rất kiên quyết, cụ nói rằng cụ có tội và chỉ có khắc dòng chữ này thì cụ mới có thể cứu chuộc linh hồn của mình, cụ mới có thể yên nghỉ ở nơi Chín suối. Thái độ của ông cụ khiến tôi nhớ đến một câu nói của người xưa: “Biết xấu hổ rồi sau đó dũng cảm”. Cụ ghi những điều xấu hổ lên bia đá để cảnh báo thế nhân, thật dũng cảm biết bao. Tôi nghẹn ngào trước những tội lỗi của ông cụ, và chấn động trước sự can đảm của cụ. Cuối cùng, tôi quyết định hạ bút như dao này viết sáu trọng tội lên văn bia mộ của ông lão, một cái để hoàn thành tâm nguyện của ông cụ, thứ nhất là để khơi dậy suy tư và suy ngẫm của mọi người, và thứ hai là để suy ngẫm về gốc rễ của tội lỗi.

Lạy Phật, xin Ngài hãy tha thứ cho ông cụ “biết xấu hổ rồi sau đó dũng cảm” này, cũng hãy tha thứ cho con và chúng sinh lục căn bất tịnh, và hãy tha thứ cho dân tộc tội lỗi chồng chất này!

Tường Hòa
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Cụ ông 92 tuổi sám hối: Khắc tội lỗi lên bia mộ