Con gái Khương Tử Nha làm Vương hậu - Hiền đức truyền ngàn năm [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiển nhiên, nhờ Vương Hậu Ấp Khương nhân hậu hiền đức, chỉnh lý hậu cung êm ấm gọn gàng, phi tần đối đãi với nhau hòa ái, giáo dục con cái thành người, làm cho Vũ Vương an tâm nơi triều chính, không vướng bận việc hậu cung.

Điển cố "Khương Thái công điếu ngư, nguyện giả thượng câu" (Tạm dịch: Khương Tử Nha câu cá, có người nguyện mắc câu) là nói đến cuộc gặp gỡ Thiên định của bậc hùng tài đại lược Chu Văn Vương và người có năng lực trị quốc an bang Khương Tử Nha. Ông ẩn cư ở Hải Tân tới năm 72 tuổi mới đến bến nước Bàn Khê sông Vị Thủy câu cá (nay là Thiểm Tây, Bảo Kê), để gặp gỡ Cơ Xương, tức Chu Văn Vương sau này, đồng thời phò tá nhà Chu tiêu diệt chính quyền Thương Trụ vương vô đạo.

Còn Cơ Xương trước khi đi săn có nói: "Ta đi săn lần này, mong mang về không phải là long, ly, hổ, gấu mà là người hiền trợ giúp ta thành tựu bá nghiệp.”

Cơ Xương đi săn, quả thật đã gặp Khương Tử Nha bên bờ sông Vị Thủy, cùng nhau đàm đạo tâm đầu ý hợp. Cơ Xương vui mừng mời Khương Tử Nha cùng ngồi xe về, tôn ông làm Thái sư.

Khương Tử Nha phò tá Cơ Xương, khuyên ông tích thiện tu đức, thi hành đức nhân, khiến 2/3 chư hầu trong thiên hạ quy phục triều Chu. Cơ Xương mất, Cơ Phát, tức Chu Vũ Vương sau này, kế vị. Cơ Phát tôn xưng ông làm "Sư Thượng Phụ”, "Sư" là vị trí được tôn kính nhất trong quan dân, gọi tắt là Thái sư, "Thượng" là tên của Khương Tử Nha, "Phụ" chỉ bậc đức cao vọng trọng. Dưới sự phò tá của ông, Cơ Phát đã thành tựu đế nghiệp, dựng lên triều Chu. Khương Tử Nha do công lao trác việt nên được phong đất Doanh Khâu (Nay là Truy Bác thị, Lâm Bác khu) kiến lập lên Tề quốc.

Thế nhưng, Khương Tử Nha không chỉ là đại thần phò tá mà còn là nhạc phụ của Chu Vũ Vương, vương hậu chính là con gái Khương Tử Nha tên Ấp Khương. Điều này được sử thư chứng thực. Trong "Kinh Xuân Thu" thời Tây Tấn có viết: "Ấp Khương, Tấn chi tỷ dã." Đỗ Dự chú giải: "Ấp Khương, Tề Thái Công nữ, Tấn Đường Thúc chi mẫu." Sớm hơn Đỗ Dự, Hoàng Phủ Mịch trong "Đế vương thế kỷ"viết: "Vũ vương phi, Thái công chi nữ, viết Ấp Khương. Tu giáo ư nội, sinh Thái tử tụng.” (Tạm dịch: Vương phi của Vũ Vương, con gái Thái công, tên Ấp Khương. Là người có tu dưỡng, sinh được Thái tử Tụng).

Ngoài ra, trong "Đại Đới lễ ký" minh xác ghi lại: "Hậu phi, Vũ vương, Ấp Khương dã.”, tuy sử sách lưu lại không nhiều về Ấp Khương, nhưng có thể thấy được phần nào phẩm hạnh của bà.

Khi Ấp Khương được gả cho Chu Vũ Vương, đúng vào thời ông Nam chinh Bắc chiến, là thời điểm quan trọng chinh phạt Thương Trụ vương. Là Vương Hậu, bà đã tận chức tận trách. Đối với tài năng của bà, Vũ Vương tại hội nghị chư hầu "Thái thệ” (Thệ ước thái bình) nói: "Dữ hữu loạn thần thập nhân, đồng tâm đồng đức." nghĩa là: Ta có mười vị đại thần trị loạn, mười vị này đồng tâm đồng đức trợ giúp mới có được thiên hạ. Các vị này là: Chu Công Đán, Triệu Công Thích, Khương Thái Công, Tất Công, Vinh Công, Thái Điên, Hoằng Yêu, Tán Nghi Sinh, Nam Cung Thích và Ấp Khương. Trong mười vị này chỉ có một nữ nhân chính là Vương Hậu Ấp Khương.

Khương Tử Nha 72 tuổi mới đến bến nước Bàn Khê sông Vị Thủy câu cá để gặp Cơ Xương. Hình mình họa: bức tranh "Vị tân điếu ngư đồ" của Đới Tiến đời Minh (Phạm vi công cộng)

Nói đến công lao của Vương Hậu Ấp Khương, lý học đại gia Chu Hy thời Tống nhận định: Cửu nhân chủ ngoại, nhất nhân chủ nội (chín người quản lý bên ngoài, một người quản lý bên trong). Trong "Lễ ký - Hôn nghĩa" viết: "Hậu chính vị cung vi, đồng thể Thiên Vương”- Địa vị của Vương Hậu như là ngang hàng quốc vương, chức trách là quản lý hậu cung, đảm bảo không phát sinh biến loạn.

Hiển nhiên, nhờ Vương Hậu Ấp Khương nhân hậu hiền đức, chỉnh lý hậu cung êm ấm gọn gàng, phi tần đối đãi với nhau hòa ái, giáo dục con cái thành người, làm cho Vũ Vương an tâm nơi triều chính, không vướng bận việc hậu cung.

Về giáo dục con cái, Vương Hậu Ấp Khương bắt đầu giáo dục từ lúc mang thai, sau khi kết hôn cùng Vũ Vương, năm sau thì sinh hạ Thái tử Cơ Tụng, sau này là Chu Thành Vương.

Sử sách ghi lại, khi Bà có mang, đã hết sức chú trọng thai giáo (Dạy con từ khi còn trong bụng), "Đứng không dựa, ngồi không lệch, khi ở một mình cũng không ngồi xổm, tuy giận nhưng không mắng nhiếc, dùng lời nhẹ nhàng khuyên bảo”. Có thể thấy, Ấp Khương là người chú trọng đức hạnh và có nghị lực phi phàm.

Khi Cơ Tụng làm Thái tử, để bảo tồn căn tính thuần chính của con, Vương hậu Ấp Khương cho mời ba vị Chu công đại thần đức cao vọng trọng tới dạy dỗ, mỗi vị đảm trách giáo dục một phương diện, thân thể, đức nghĩa, tri thức. Để cho Thái Tử trưởng thành hoàn thiện, Vương hậu loại bỏ những kẻ không đoan chính xung quanh, lựa chọn trong thiên hạ những người đủ phẩm đức, đoan chính, hiếu đễ có học vấn, cho sinh hoạt cùng Thái tử. Làm Thái tử hàng ngày nhìn chính sự, nghe chính ngôn, hành chính đạo, có thể thấy Vương hậu tận tâm tận lực chăm sóc dạy dỗ Thái tử trưởng thành như thế nào.

Cũng như Văn Vương, Vũ Vương, Vương Hậu đối với Thiên Thượng vô cùng kính ngưỡng. Khi có mang đứa con thứ hai, bà mộng thấy Thiên Thượng nói: "Ta ban cho ngươi đứa con trai, đặt tên là ‘Ngu’, cấp cho nó Đường quốc, để sau này ở đó mà sinh sôi con cháu.” Khi con trai ra đời, Vương Hậu thấy trong lòng bàn tay cậu bé có đường chỉ tay rõ nét, hình chữ ‘Ngu’ (có nghĩa là: yên vui), nên đặt tên cậu là Ngu, cũng gọi là Thúc Ngu.

Các nước đến chầu nhà Chu. Hình minh họa: bức tranh "Thánh đế minh vương thiện đoan lục" của Trần Sĩ Quan đời Thanh. (Phạm vi công cộng)

Sau khi Vũ Vương tạ thế, Thành Vương kế vị mới có 13 tuổi, đại thần Chu Công Đán phụ chính. Năm Chu Thành Vương thứ 8 (năm 1035 TCN), chư hầu Đường quốc phát sinh phản loạn, uy hiếp triều Chu ở Hà Đông. Chu Công Đán xuất chinh dẹp loạn Đường quốc xong, di dời vương thất nhà Chu đến Đường quốc.

Lúc Thúc Ngu còn nhỏ, Chu Thành Vương trêu đùa, lấy lá Ngô Đồng cắt thành hình triện ngọc, đưa cho Thúc Ngu, rồi nói: "Ta phong cho ngươi.” Thúc Ngu rất vui thích, đem chuyện này kể cho Chu Công Đán. Chu Công Đán hỏi Thành Vương, Thành Vương nói là mình chỉ trêu đùa Thúc Ngu. Chu Công Đán nghiêm túc nói: "Thần từng nghe, bậc Thiên tử không nói đùa. Thiên tử nói một câu, sử quan liền ghi chép lại, nhạc quan ngâm tụng, sĩ nhân tán dương.”

Chu Thành Vương nghe theo phong Thúc Ngu đất Đường, Thúc Ngu trở thành quốc quân đất Đường, tên gọi Đường Thúc Ngu. Quả nhiên ứng với mộng của Vương Hậu Ấp Khương. Con của Thúc Ngu kế vị, đổi quốc hiệu thành "Tấn”.

Thành Vương tại vị được 22 năm, bị bệnh mất, con trai tên Cơ Chiêu kế vị gọi là Chu Khang Vương. Vương Hậu Ấp Khương nhẫn chịu đau buồn, lấy thân phận Thái Hậu dạy dỗ Khang Vương, dạy cậu biết tôn trọng đại thần, bảo vệ bách tính. Trong thời gian tại vị, Khang Vương kế tục thi hành các chính sách của Chu Thành Vương, bình định Đông di phản loạn, Bắc chinh Lược địa, Tây phạt Quỷ phương, tăng cường thống trị. Từ thời Chu Thành Vương đến Chu Khang Vương, thiên hạ an định, suốt 40 năm không sử dụng hình phạt, sử gọi là "Thành Khang chi trị”, đằng sau đó chắc chắn là có công lao to lớn của Vương Hậu Ấp Khương.

Jin Temple entrance.JPG

Tấn Từ ở Thái Nguyên, Sơn Tây. (Nguồn wikipedia/ CC by 3.0)

Ngày nay, tại thành phố Thái Nguyên, Sơn Tây có một ngôi đền nhà Tấn, trong đó có một điện thờ "Thánh Mẫu Ấp Khương" kiến trúc thời nhà Tống, có lịch sử gần nghìn năm. Điều đó cho chúng ta thấy: Hiền danh của Vương Hậu Ấp Khương mãi lưu cho dù năm tháng dài lâu.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Con gái Khương Tử Nha làm Vương hậu - Hiền đức truyền ngàn năm [Radio]