Con đường nhân sinh ẩn sau 6 chữ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, có lịch sử lâu dài, bác đại tinh thâm. Về phương diện văn tự cũng ẩn chứa rất nhiều nội hàm thâm sâu. Dưới đây xin giới thiệu 6 chữ Hán, ngoài việc triển hiện nét đẹp của văn tự, chúng ta còn có thể từ những chữ này nhìn ra một số đạo lý nhân sinh.

1. Chữ Liệt “劣”: Kém cỏi

Ưu khuyết điểm của mọi người, từ xưa tới nay không phải được quyết định từ khi sinh ra mà là được hình thành về sau này. Chữ Liệt “劣” – nghĩa là “Kém cỏi”, đã thể hiện rất rõ điều này. Phần trên của chữ “Liệt” là chữ Thiểu – 少 (ít, thiếu ) kết hợp với chữ Lực – 力 (năng lực, sức lực ). Có nghĩa là một người mà thiếu lực hơn so người khác thì là kém cỏi hơn.

Thế nhưng, người này kém người kia không phải là ngay khi sinh ra đã như vậy. Trong quá trình sinh sống sau này, vì lười biếng, buông thả, không chịu cố gắng mà thành ra kém cỏi thôi.

2. Chữ Lộ “路”: Con đường nhân sinh là ở dưới mỗi bước chân

Bên trái chữ Lộ – 路 là bộ Túc – 足 (bước chân), bên phải là chữ Các – 各 (mỗi, tất cả). Điều này chính là đang ám chỉ con đường nhân sinh của con người đều ở dưới chân bản thân mỗi chúng ta. Đó chính là đạo lý “Hành trình nghìn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân”.

Bởi vậy, mỗi người đều có con đường nhân sinh của riêng mình. Điều then chốt vẫn là bản thân ta cần cố gắng nỗ lực, không thể trông mong vào người khác.

3. Chữ Thư “舒”: Xả bỏ để cho đi thì thư thái

Bên trái Chữ Thư – 舒 là chữ Xả – 舍 (xả bỏ, bố thí), bên phải là chữ Dữ – 予 (cho đi). Chữ Thư này có nghĩa là biết cho đi thì tâm hồn sẽ thư thái, ung dung tự tại. Bởi vậy, cái gọi là Thư Tâm (舒心), chính là “xả bỏ để cho đi", thì nội tâm bản thân trở nên thực sự vui vẻ.

4. Chữ Phúc “福”: Có áo mặc có cơm ăn, biết đủ là Phúc

Bên trái chữ Phúc – 福 là bộ Kỳ 示 (Thần đất), bên phải là chữ Nhất 一 (một) nằm trên chữ khẩu 口 (miệng) và tất cả nằm trên chữ điền 田 (ruộng). Đối với người xưa mà nói, một người có thể có cơm no áo ấm là nhờ “Phúc” do Thần ban cho.

Cuộc sống vật chất của người hiện đại so với người cổ đại dường như phong phú hơn rất nhiều, hầu như đều ăn no mặc ấm; thậm chí nhiều người còn có mức sống rất cao; nhưng rất nhiều người lại không cảm thấy vui vẻ.

Nguyên nhân là bởi cái mà gọi là thỏa mãn của người hiện đại, sớm đã không còn ở trong cảnh giới biết đủ là vui, có ăn có mặc là đủ. Bởi vì có càng nhiều dục vọng thì lại càng không cách nào được thoả mãn, cho nên mới thống khổ phiền não, tâm không thể nào thư thái. Hạnh phúc không phải là sở hữu, mà là biết đủ.

5. Chữ Đạo “道”: Điều quan trọng nhất là luôn cất bước tiến về phía trước

Chữ Đạo – 道 (đạo lý, chân lý, đường) là do bộ Sước – 辵 (đi, chạy) và chữ Thủ – 首 (sự việc quan trọng nhất) tổ hợp thành. Đây có lẽ là lời nhắc nhở với mọi người: Muốn bước đi trên con đường nhân sinh, điều quan trọng nhất vẫn là cất bước tiến về phía trước.

Lý tưởng, niềm tin, nghị lực, kiên trì, cơ hội đều rất quan trọng. Tuy nhiên nếu chúng ta không dũng cảm bước chân tiến về phía trước; bản thân không đi hành động thì nghĩ nhiều hơn nữa cũng chỉ uổng công.

6. Chữ Hoạn “患”: đa tâm, không phải là chuyện tốt

Chữ Hoạn – 患 (hoạn nạn, tai họa) do chữ Xuyến – 串 (kết ghép) và chữ Tâm – 心 (tư tưởng, ý niệm) tạo thành. Bên dưới là chữ Tâm, bên trên là chữ Xuyến, biểu thị ý nghĩa tư tưởng nghĩ nhiều quá.

Một người không thể “nhất tâm" đối đãi với được mất, mà thứ này cũng muốn, thứ kia cũng muốn; cái này cũng sợ mất, cái kia cũng sợ mất, lúc nào cũng chần chừ thì làm sao mà tránh khỏi sầu lo?

Một người không thể nhất tâm đối đãi với người khác, luôn đa nghi khi nghĩ về người khác, thì không cách nào làm được một người quân tử thản đãng vô tư, mà là kẻ tiểu nhân lúc nào cũng lo âu, như thế làm sao có thể trở thành một người khỏe mạnh được cơ chứ? Chính là vì suy nghĩ quá nhiều, cho nên mới lo lắng vào được mất.

Chữ Hán phồn thể quả là một loại văn tự giàu nội hàm. Chúng tôi xin hoan nghênh những kiến giải mà quý độc giả chia sẻ cùng với chúng tôi.

Lam Sơn
Theo aboluwang.com



BÀI CHỌN LỌC

Con đường nhân sinh ẩn sau 6 chữ Hán