Có nên nói rằng: 'Giờ là lúc nào rồi mà còn liêm sỉ?'

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Giờ là lúc nào rồi mà còn liêm sỉ?”; hay như: “Liêm sỉ gì giờ này nữa?” là những câu nói chúng ta dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày, nó dường như đã trở thành xu hướng thời thượng - 'hot trend', của không ít người hiện đại, đặc biệt là trong giới trẻ...

Để hiểu về liêm sỉ, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu đôi nét về quan niệm của người xưa về phẩm chất này.

Đối với nhân phẩm làm người, người xưa chia thành 8 loại phẩm đức: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Ở đây có thể thấy Liêm Sỉ là hai trong số 8 loại phẩm đức trên.

“Liêm” (liêm khiết, trong sạch) là một trong những phẩm đức rất quan trọng để làm người. “Liêm” vừa bao hàm ý nghĩa sống liêm khiết, trong sạch vừa bao hàm ý nghĩa tiết kiệm, thanh đạm.

Cổ nhân nói rằng: “Liêm là cái gốc của phú quý”. Không tham lam cũng được xem là “liêm”. Yếu tố “liêm” thường được kết hợp với yếu tố “thanh” (trong sạch) để tạo thành từ: “thanh liêm” - không tham mà trở nên trong sạch. Xét sâu xa thêm một chút thì “liêm” cũng được bắt nguồn từ “sỉ”, bởi người mà có “sỉ” (biết hổ thẹn) thì sẽ có “liêm” (không tham).

“Sỉ” chính là có tâm cảm thấy hổ thẹn. Khổng Tử từng giảng: “Hành kỷ hữu sỉ”, nghĩa là khi làm việc thì phải biết giữ mình, bởi làm xằng làm bậy là xấu hổ. Khổng Tử giảng: “Tri sỉ cận hồ dũng”, người biết xấu hổ thì cũng được xem là người gan dạ, dũng cảm. Người biết hổ thẹn mới có thể dũng cảm đối mặt với sai trái của mình, chiến thắng được bản thân mình, đây chính là thể hiện của “dũng”. Bởi vì biết xấu hổ nên họ luôn biết tự soi xét lại đức hạnh của mình.

người biết xấu hổ thì cũng được xem là người gan dạ, dũng cảm.
Người biết xấu hổ thì cũng được xem là người gan dạ, dũng cảm. (Ảnh: Secretchina.com)

Một người biết hổ thẹn thì gặp tài vật mới không tham, lâm vào khó khăn mà không bị khuất phục. Người có “liêm” có “sỉ” mới biết khiêm tốn mà thoái nhường, lựa chọn lấy hay bỏ có mức độ phù hợp. Vô luận là tu dưỡng cá nhân hay là khí tiết của dân tộc thì “sỉ” cũng đều là “người dẫn đường” của lương tri.

Là người Việt, ắt hẳn chúng ta đều từng nghe qua câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng.

Theo sử sách chép lại, Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), là người xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Do cha Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thánh Tông lập được nhiều công trạng lớn, nên được nhà vua ân sủng phong là quốc thích (cho mang theo họ vua). Bởi vậy, Trần Bình Trọng mới có họ Trần, thay vì mang họ Lê.

Bấy giờ, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con, rồi lui về làm Thái thượng hoàng. Nhà Nguyên lấy cớ Trần Nhân Tông tự lên ngôi báu mà chưa được sự “cho phép” của hoàng đế Nguyên Mông, nên sai sứ là Sài Thung tới đòi Trần Nhân Tông phải đích thân sang Trung Nguyên thần phục. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông quyết giữ quốc thể không sang, cử chú là Trần Di Ái sang thay. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt bèn phong Di Ái làm An Nam quốc vương, cử 1000 quân đưa Di Ái về làm vua An Nam. Tuy nhiên, âm mưu này bị Trần Nhân Tông dẹp tan. Hốt Tất Liệt tức giận bèn dụng mưu đánh chiếm Đại Việt. Đây cũng là điểm khởi nguồn cho cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ 2 của nước Việt.

Khi ấy nhà Nguyên phái Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đích thân dẫn 50 vạn quân ầm ầm kéo sang Đại Việt ta. Thế giặc mạnh như chẻ tre, quân đội nhà Trần liên tục bị đẩy lui. Tới khi giặc đánh tới gần thành Thăng Long, liệu thế không giữ được thành, nhà Trần dùng kế vườn không nhà trống, rút lui khỏi kinh thành Thăng Long. Quân Nguyên Mông tràn được vào thành Thăng Long, nhưng chúng không thu được chiến lợi phẩm gì, đành kéo quân ráo riết truy đuổi Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Lúc ấy Trần Bình Trọng được triều đình tín cẩn giao trọng trách chặn đường truy đuổi của giặc tại vùng Đà Mạc – Thiên Mạc (nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để đoàn quân nhà Trần rút lui an toàn về nơi bí mật.

Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, đạo quân của Trần Bình Trọng nhanh chóng bị đánh bại, Trần Bình Trọng bị bắt sống. Tuy nhiên, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ cầm chân địch, khi khiến chúng hoàn toàn mất dấu vết truy đuổi tướng lĩnh nhà Trần sau trận đánh này.

Để moi móc thông tin, tướng giặc đã dùng mọi cách với Trần Bình Trọng, từ dọa dẫm tới mềm mỏng. Nhưng ông nhất quyết không khai nửa lời. Cuối cùng, tướng giặc dụ dỗ nếu ông quy hàng sẽ xin hoàng đế nhà Nguyên phong vương cho ông nhưng ông đã khẳng khái đáp rằng: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Lời mắng của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng giết ông ngay tức khắc. Sử sách còn ghi lại thời điểm ấy là tháng Chạp năm Ất Dậu (1285). Năm ấy ông mới vừa 26 tuổi.

Trần bình trọng “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”
“Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. (Ảnh qua kienthucnet.vn)

Có thể thấy nhân phẩm của người Việt xưa kia rất được đề cao, đặc biệt là các bậc nhân sĩ, họ thà chết vinh chứ không chịu sống nhục, không chịu bán rẻ lương tâm và danh dự để đổi lấy cuộc sống an nhàn.

Tuy nhiên ngày nay cuộc sống thay đổi, quan niệm đạo đức cũng đổi thay, nhiều người trong xã hội ngày nay coi liêm sỉ chỉ như thứ không đáng đồng tiền; người xưa lại xem nó trân quý hơn cả là sinh mệnh của mình. Người ta có thể chết vì danh dự chứ không chịu sống trong ô nhục.

Tình cờ hôm trước tôi đọc được câu chuyện về tình trạng thi công chức Việt Nam trên trang báo "Giáo Dục". Phóng viên kể về câu chuyện một công chức 50 tuổi tên T, từ Yên Bái xuống Hà Nội để thi lấy chứng chỉ Tin học và Anh ngữ, địa điểm thi là một Trường Trung cấp tài chính tại Hà Nội. Buổi thi hôm đó ngoài anh T và một số công chức, giáo viên lớn tuổi khác ra thì phần lớn đều là những người trẻ đáng tuổi con cháu anh T.

Đề thi là 120 phút, nhưng ngay sau khi nhận được đề thi, không gian trong phòng đã bắt đầu nhộn nhịp, kẻ đứng người ngồi, kẻ hỏi người chép... Anh T sau một thời gian không làm được bài cũng bắt đầu mang tài liệu ra để chép giống như những thí sinh khác. Thí sinh tên G ban đầu giữ tự trọng của một người làm nghề giáo, quyết không xem tài liệu, cũng không hỏi bài người khác nhưng đến đến phút thứ 30, lại là người đầu tiên mang điện thoại ra xem. Và đến những phút cuối, chút tự trọng cuối cùng của một nhà giáo cũng bị gạt qua một bên, chị G thều thào: “Cho mình xem với".

Chứng kiến phòng thi đang nhốn nháo như một cái chợ, có giám thị coi thi lên tiếng mỉa mai mấy câu khiến cho cả phòng yên ắng trở lại. Tuy nhiên không gian yên ắng cũng chỉ được một lúc thì có một vài người trong phòng bắt đầu thì thào to nhỏ:Đến tầm này còn liêm sỉ gì nữa”, “Đúng vậy, liêm sỉ gì tầm này", một vài người khác nhanh chóng hùa theo. Phút chốc phòng thi lại bắt đầu nhốn nháo như cái chợ.

“Đến tầm này còn liêm sỉ gì nữa”, “Đúng vậy, liêm sỉ gì tầm này"
“Đến tầm này còn liêm sỉ gì nữa”, “Đúng vậy, liêm sỉ gì tầm này". (Ảnh: Shutterstock)

Nếu như không có những sự việc đại loại như thế này thì thật không thể tin được đây đều là những cán bộ, công an, giáo viên, công chức, những con người được mệnh danh là thành phần mẫu mực trong xã hội, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn, làm việc cho dân, vì dân.

Người xưa có câu: “Nhà dột từ nóc" ngay cả những con người được xếp vào hàng tinh anh, là tầng lớp nòng cốt của xã hội cũng đã trở lên mất nhân cách như vậy thì thử hỏi lớp người đi sau rồi sẽ ra sao? Quả là vấn đề đáng báo động...

Sinh thời Mạnh Tử cũng từng nói: “Vô tu ác chi tâm, phi nhân dã", đại ý rằng nếu như một người sống mà không biết liêm sỉ thì đó không thể tính là con người.

Mạnh Tử nhìn nhận con người sinh ra ai cũng có lòng trắc ẩn, biết liêm sỉ, khiêm cung, có lòng phân biệt thị phi phải trái. Đây chính là cội nguồn của thiện tính: Nhân, Tín, Lễ, Trí, chỉ có loài cầm thú mới rời xa đặc tính thiện lương thiên bẩm này của nhân loại. Chỉ khi nào con người giữ được liêm sỉ mới có thể đối diện và hành xử được một cách cao thượng trước những cám dỗ bon chen của cuộc đời, giống như một thi nhân xưa từng viết:

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Nghĩa là:

“Người đời tự cổ ai không chết,

Lưu giữ lòng son sáng sử xanh”.

Xưa nay người biết liêm sỉ chính là người có lòng biết nhục, từ đó mà tránh tối tìm sáng, tu dưỡng nhân tâm, trở thành một người có giáo dưỡng, có đức hạnh, sống có ích cho đời. Bằng như ngược lại, kẻ không biết liêm sỉ dẫu có được cái gọi là địa vị giàu sang nhất thời ắt cũng sẽ chịu cái ô danh cho muôn đời, cháu con không thể ngẩng đầu mà tự hào về tiên tổ, quả báo ắt cũng chẳng thể buông tha.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Có nên nói rằng: 'Giờ là lúc nào rồi mà còn liêm sỉ?'