Chuyện về bánh Trung Thu, người Hong Kong, và ván cờ quốc tế chống Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vậy nên, Hong Kong cũng nổi tiếng về ẩm thực và tất nhiên bánh Trung Thu của xứ Cảnh Thơm chất lượng tuyệt hảo, là niềm tự hào của con người nơi đây. Nó đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động lễ hội Trung Thu của Hong Kong. Và nó theo người dân Hong Kong vào cả những phong trào đòi tự do dân chủ nổi tiếng của họ. 

Chiếc bánh Trung Thu của quần hào Minh Giáo

Hồ Điệp Cốc, đêm rằm Trung Thu, những năm thuộc triều đại vua Huệ Tông nhà Nguyên.

Đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Dưới một vạt rừng thưa là cơ man nào những thân hình chiến binh cường tráng và những đôi mắt rực lửa, ai nấy im phăng phắc quỳ xuống trước một tế đàn, trên ấy lửa cháy rần rật, khói hương mờ mịt. Rồi khu rừng vang dội tiếng hô của quần hào trích máu nhỏ rượu để ăn thề, quyết tâm đuổi giặc Mông Cổ ra khỏi bờ cõi Trung Nguyên.

Lúc này trước Hồ Điệp Cốc, một đống lửa khác được đốt lên, ngọn lửa đang bốc lên cao, bỗng có tiếng ca cất lên hừng hực:

Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh cháy bừng bừng,
Sống chẳng có gì vui,
Thì chết có gì khổ?

Tức thì quần hào đồng thanh phụ họa:

Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh cháy bừng bừng,
Sống chẳng có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Nguyện hành thiện trừ ác,
Làm sao cho quang minh,
Bao hỷ lạc bi sầu,
Đều hóa thành cát bụi.
Thương thay cho con người,
Sao lo buồn lắm vậy!

(Trích thơ trong "Ỷ thiên đồ long ký" của văn hào Kim Dung, bản dịch Lê Khánh Trường, Lê Việt Anh)

Sau đó, mọi người chia bánh cùng nhau ăn, người ta thấy bánh tròn tròn như hình mặt trăng nên gọi là bánh Trung Thu. Hậu thế truyền tụng rằng, người Trung Hoa ăn bánh Trung Thu để hẹn nhau “sát Thát” chính là từ đại hội này của Minh giáo mà ra.

Tết Trung Thu ngắm trăng (Nguồn: The Epoch Times, được Cung cấp bởi Bảo tàng Cung điện Đài Bắc)

Đó là một cảnh trích đoạn trong tiểu thuyết “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của văn hào Kim Dung, mô tả đại hội của Minh giáo Trung Thổ với mục đích đuổi người Mông Cổ, khôi phục giang sơn cho người Hán. Minh giáo chính là tổ chức mà Chu Nguyên Chương dựa vào để lật đổ nhà Nguyên và lập nên triều Minh. Đây là giải thích mối liên hệ giữa bánh Trung Thu với triều đại nhà Minh bằng hình thức sáng tác văn học. Vậy trong dã sử thì sao?

Từ nhà Minh và chiếc bánh Trung Thu...

Chuyện kể rằng vào đầu thế kỷ 14, triều Nguyên của người Mông Cổ cai trị đất Trung Nguyên thật hà khắc.

Chu Nguyên Chương dựng cờ khởi nghĩa và liên tiếp thắng lợi. Nhưng đà thắng lợi bị chặn lại khi quân đội của ông tiến đánh thành Tô Châu. Chiến sự bế tắc, Chu Nguyên Chương buồn phiền, nhưng quân sư Lưu Bá Ôn đã có kỳ mưu diệu kế.

Lưu Bá Ôn sai người cải trang thành Đạo sĩ lẻn vào nội thành Tô Châu, loan tin rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế sắp cho 5 vị Thần giáng xuống để gieo tai ương trong thành vào mùa đông năm ấy. Không khí trong thành bỗng xôn xao hoảng hốt.

Người Hán tin vào giải pháp của các đạo sĩ để tránh ôn dịch, đó là phải mua bánh thưởng nguyệt trong Tết Trung Thu. Nhân cơ hội này, Lưu Bá Ôn lệnh cho thủ hạ nhét mảnh giấy có dòng chữ: “Đêm Trung Thu, sát Thát tử, nghênh nghĩa quân” vào trong nhân bánh. Lưu Bá Ôn lại hiệu triệu các đoàn quân của người Hán đồng khởi trên cả nước vào ngày 15/8 (âm lịch). Kết quả thắng lợi mỹ mãn.

Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, lập ra triều Minh, việc ăn bánh Nguyệt Bính, tức bánh Trung Thu, trở thành một truyền thống của triều đại này. Mỗi năm vào dịp Trung Thu, vua tôi và thứ dân cùng ăn bánh thưởng trăng.

Hoàng đế cúng Thu phân thời Bắc Tống (nguồn: Phạm vi công cộng)

… Đến chiếc bánh Trung Thu của người Hong Kong

Hương Cảng hay Hong Kong, là nơi có nhiều người dân gốc Quảng Đông Trung Quốc sinh sống. Ẩm thực xứ Quảng vốn nức tiếng Trung Hoa.

Vậy nên, Hong Kong cũng nổi tiếng về ẩm thực và tất nhiên bánh Trung Thu của xứ Cảng Thơm chất lượng tuyệt hảo, là niềm tự hào của con người nơi đây. Nó đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động lễ hội Trung Thu của Hong Kong. Và nó theo người dân Hong Kong vào cả những phong trào đòi tự do dân chủ nổi tiếng của họ.

Trong cuộc cách mạng Ô Dù ở Hồng Kông năm 2014, những người chống đối đã tạo hình những thông điệp chính trị ở vỏ ngoài của chiếc bánh Trung Thu.

Mùa Trung Thu 2020, trên mặt bánh Trung Thu nhiều nơi ở Hong Kong được ghi những chữ như là “Hong Kong cố lên”; “lặng lẽ đợi thời cơ, cố lên”; “cổ vũ Hong Kong”... Còn trong nhân bánh có nhét một một tờ giấy bạc có ghi dòng chữ “Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại”.

Dường như câu chuyện xưa của Lưu Bá Ôn và Chu Nguyên Chương với chiếc bánh Nguyệt Bính lại trở về đất Cảng Thơm này.

Tất nhiên, thời nay câu chuyện chỉ còn mang tính gợi nhớ lại văn hóa truyền thống của con dân đất Thần Châu, và nhất là qua tấm gương của người xưa, khơi dậy một tinh thần bất khuất của người Hong Kong trước sự đàn áp tàn bạo của Trung Nam Hải qua chính quyền tay sai Carrie Lâm của Hong Kong.

Khẩu hiệu “Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2016. Người phát minh ra nó là phát ngôn viên Lương Thiên Kỳ của “Bản thổ Dân chủ Tiền tuyến”, anh chọn nó làm chủ đề chiến dịch và khẩu hiệu cho cuộc bầu cử Đông Tân Giới vào cùng năm đó. Sau đó, khẩu hiệu này trở thành giống như một lời hiệu triệu người dân Hong Kong đòi tự do dân chủ trong các phong trào xã hội ở đây. Nó kêu gọi “một Hong Kong cho người Hong Kong” với khí thế mạnh mẽ dù không kịch liệt như “Sát thát tử, nghênh nghĩa quân” của quân đội Chu Nguyên Chương năm nào.

Bánh Trung Thu "Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại" (nguồn: internet)

Nhưng “Luật An ninh Quốc gia” của chính quyền Hong Kong, có hiệu lực từ tháng 7/2020 đã như một gọng kìm xiết chặt tiếng nói chính nghĩa của người dân mà họ đại diện.

Người Hong Kong nghẹt thở trong bầu không khí khủng bố...

Cùng với việc thi hành "Luật An ninh Quốc gia", Hong Kong đã bước vào thời đại định tội theo ngôn từ. Chính phủ Hong Kong đã ban hành một tuyên bố vào tối ngày 2/7/2020 để ‘định nghĩa’ khẩu hiệu "Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại" là “ly khai đòi độc lập cho Hong Kong và lật đổ chính quyền nhà nước” - một lối hành văn lạ tai với người Hong Kong tự do, nhưng lại rất quen thuộc với người sống dưới chế độ độc tài của Đại lục. Các nhà lập pháp tố cáo đây chính là "văn tự ngục" của chủ nghĩa cực quyền.

Và không chỉ có khẩu hiệu này, trong ngôn từ của người Hong Kong, bất kể là “âm lượng hùng” hay “ý tứ mạnh” đều có thể bị chính quyền Hong Kong sử dụng “Luật An ninh Quốc gia” giải thích tùy tiện để khép tội. Thậm chí một người đàn ông mặc áo đội bóng Liverpool chỉ vì hô to: "Long live Liverpool!" (Liverpool muôn năm), khiến những người xung quanh reo hò hưởng ứng… mà bị cảnh sát chống bạo động quát tháo và bắt giữ.

Tự do ngôn luận, nhân quyền… một thời là quyền bất khả xâm phạm của người Hong Kong phóng khoáng, giờ đây trở thành thứ xa xỉ dưới một thể chế độc tài - tay sai của Bắc Kinh. Tất nhiên, tự do báo chí cũng không còn.

Tờ Apple Daily, một tờ báo trung thực và kiên cường nổi tiếng của xứ Cảng Thơm đã bị chính quyền Hong Kong bố ráp, bắt đi các đầu não, phong tỏa tài sản và cấm xuất bản.

Một tờ báo khác, nổi tiếng vì tin tức chính xác, trung thực - tờ Epoch Times Hong Kong - cũng bị khủng bố. Đây là chi nhánh tại Hong Kong của tờ The Epoch Times - một tờ báo do các học viên Pháp Luân Công điều hành. Với tôn chỉ đưa tin trung thực và khách quan về tình hình Trung Quốc trong bối cảnh báo chí ở đại lục, thậm chí là kể cả nhiều tập đoàn truyền thông lớn của thế giới đều bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt, The Epoch Times luôn là mục tiêu phá hoại của ĐCSTQ. Chi nhánh Hong Kong của tờ báo nằm lọt trong tầm khủng bố của chính quyền Đại lục. Tòa soạn đã vài lần bị đốt, đập phá, ký giả bị đánh đập. Gần đây nhất là vụ hành hung ký giả Lương Trân của Epoch Times Hong Kong vào tháng 5/2021.

Nhà chức trách đã áp dụng "Luật An ninh Quốc gia" để khám xét các cơ quan tin tức và bắt giữ những người làm truyền thông, điều này đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Ông Dương Kiện Hưng (Chris YEUNG) - Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hong Kong, nói thẳng rằng môi trường tin tức ở Hong Kong đã vô cùng tồi tệ, “tình hình đáng sợ khó có thể diễn tả bằng lời”.

Thậm chí “Luật An ninh Quốc gia” còn được chính quyền Hong Kong sử dụng để tiếp tay với Trung Nam Hải bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công. Theo tờ South China Morning Post ngày 7/7/2021, Cục trưởng Cục Bảo an Hồng Kông tuyên bố sẽ điều tra nhóm tu tập Pháp Luân Công tại đặc khu sau khi họ bị giới nghị sĩ cáo buộc vu vơ rằng vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”.

… giữa một mùa Trung Thu ảm đạm

Kể từ khi không khí khủng bố ngột ngạt của chính quyền thân Bắc Kinh bao trùm hòn đảo này, đã có hàng trăm nghìn người Hong Kong di cư khỏi mảnh đất mà, mỉa mai thay, đã có thời là nơi cập bến an toàn đáng mơ ước của nhiều người tị nạn. Trong một năm, đã diễn ra bao cuộc chia ly xé lòng của người ra đi với người ở lại và với mảnh đất yêu dấu từng một thời là hòn ngọc Viễn Đông.

Nhà bình luận chính trị, luật sư người Hong Kong tên là Tang Phổ sau khi di cư đến Đài Loan, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói rằng: Sau khi Luật An ninh Quốc gia được thông qua, Hong Kong vào năm 2020 tương đương với đại lục vào năm 1949. Tức là Hong Kong giống như Đại lục khi ĐCSTQ cướp được chính quyền.

Và có phần nào giống như quan hệ Hán nhân - Thát tử thời Nguyên qua câu chuyện bánh Trung Thu.

Trung Thu năm nay, Hong Kong vắng lặng tiêu điều. Ngày 19/9, Hong Kong tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với hệ thống bầu cử của thành phố này. Khoảng 5.000-6.000 cảnh sát được điều động đến, nhiều hơn cả số cử tri đi bầu là 4.900 người. Bởi lẽ, trước đó hàng trăm nghìn cử tri đã lựa chọn hình thức “bỏ phiếu bằng chân”, tức là cuốn gói khỏi quê cha đất tổ để thể hiện thái độ bất tín nhiệm với nhà cầm quyền tay sai của Trung Nam Hải.

Khi gương trăng vằng vặc giữa trời thu tháng tám, hàng trăm nghìn người Hong Kong đang lưu lạc hải ngoại giữa Tết đoàn viên Trung Thu cảm thấy điều gì? Có giống như tâm tình thời ly loạn của thi hào Đỗ Phủ trong tuyệt phẩm Đường thi “Nguyệt dạ ức xá đệ” (Đêm trăng nhớ người em họ):

“Trống trận dồn mau cản bước người
Vào thu biên ải nhạn than trời
Tha phương đêm phủ màn sương trắng
Cố quận trăng soi ánh tỏ ngời
Em đấy, thân thương mà cách biệt
Nhà đâu, sống chết biết nơi nào?
Gửi thư thăm hỏi hoài không đến
Binh lửa lan tràn rực khắp nơi.”
(Bản dịch của Hải Đà)

Nguyệt dạ ức xá đệ - Đỗ Phủ (nguồn: Epoch Times từ Shen Yun)

Tình cảnh này kêu gọi lòng trắc ẩn của quốc tế, trong đó có một quốc gia đã từng là “mẫu quốc” của đất Hương Cảng, và nay là bến đỗ của đa số người Hong Kong tị nạn - Anh quốc.

Và nước Anh lên tiếng

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/3/2021 đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với bốn gia đình là cư dân Hong Kong chuyển đến đất nước này bằng hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO).

Trong buổi trò chuyện, ông Johnson trao đổi với họ về lý do rời Hong Kong, bày tỏ sự thông cảm và hào phóng của chủ nhà với những người tị nạn.

Trong lúc đó, các quan chức của Mỹ và Trung Quốc đang có cuộc đối thoại cấp cao tại bang Alaska. Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh “đơn phương phá hoại” hệ thống bầu cử của Hong Kong.

Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken phát biểu: “Quyết định của Bắc Kinh tiếp tục làm suy yếu mức độ tự trị từng được hứa hẹn với người dân Hong Kong và phủ nhận tiếng nói của người Hong Kong trong chính quyền của họ, động thái mà Anh tuyên bố đã vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh".

Nước Anh từ tháng 7/2020 đã phản ứng mạnh với “Luật An ninh Quốc gia” tại Hong Kong.

Thử tướng Johnson tuyên bố Anh đã từng cảnh báo Bắc Kinh về kế hoạch mở một lộ trình mới cho ba triệu người Hong Kong có hộ chiếu BNO đến Anh. Điều này giờ không chỉ nằm trong tuyên bố mà đang biến thành hành động.

Tháng 4/2021, hơn 100 nghị sĩ Hạ viện và cả thành viên Thượng viện Anh đã thúc giục Thủ tướng Boris Johnson áp đặt biện pháp trừng phạt với quan chức Trung Quốc, những người đã dẫn đầu cuộc đàn áp các nhà vận động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong và cả những kẻ đàn áp nhân quyền của người thiểu số Uighur (Duy Ngô Nhĩ).

Và có thể đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của liên minh AUKUS của 3 nước Anh - Úc - Mỹ trong những ngày thu 2021.

AUKUS - ‘bộ ba xe pháo mã’ trên bàn cờ chống Trung Quốc - niềm hy vọng mới

Rạng sáng 16/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp nước Anh Boris Johnson đã công bố quan hệ đối tác ba bên gọi là AUKUS.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đây là những nỗ lực "sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Mỹ sẽ giúp Úc xây dựng đội tàu ngầm nguyên tử có công nghệ hiện đại nhất, thay cho tàu ngầm công nghệ dầu cặn Diesel ồn ào dễ bị phát hiện, tầm hoạt động hạn chế... mà Úc đặt Pháp làm, thứ mà hiện nay Trung Quốc đang sở hữu nhiều nhất và từng bị Nhật phát hiện ở vùng biển Nhật Bản.

Một chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel và điện của Hải quân Hoàng gia Úc đặt tại Cảng Sydney vào ngày 12/10/2016. (Nguồn ảnh: Peter Parks / AFP / Getty Images)

Khí tài quân sự hiện đại là rất quan trọng, nhưng chưa bằng thái độ cam kết và nghiêm túc của Mỹ và đồng minh Anh, Úc đối với mối nguy Trung Quốc - quốc gia hung đồ đã bị nhiều nước chỉ mặt đặt tên. Nước Úc đã tỏ rõ lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc và sẽ sát cánh với Mỹ giống như trong các cuộc chiến từ thời Thế chiến 2 đến giờ. Nước Anh vốn vẫn là đồng minh của Mỹ, và có lẽ cũng dứt khoát về thái độ với Trung Quốc sau thời gian Hong Kong bị đàn áp, nhất là sau vụ khủng hoảng người tị nạn Hong Kong vì “Luật An ninh Quốc gia”.

Liên minh 3 nước này có thể ví như một bộ ba “Xe - pháo - mã” trên bàn cờ tướng.

Đó là chưa kể đến “Bộ tứ kim cương” Mỹ - Nhật - Ấn - Úc và các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc... thể hiện rõ rệt sự không nhượng bộ Trung Quốc, thậm chí cả Đức và Hà Lan cũng gửi tàu chiến đến Ấn Độ - Thái Bình Dương để tập trận chung hoặc duy trì tự do hàng hải. Trên ván cờ quốc tế, cứ dần dần xuất hiện những tay chơi có hạng, hình thành một vòng vây Trung Quốc.

Người Hong Kong chân chính có quyền hy vọng quang phục xứ Cảng Thơm, cũng như những quốc gia, cá nhân sáng suốt vẫn còn cơ hội tồn tại nếu tỉnh táo tách mình ra khỏi một Trung Quốc đầy tội ác dưới triều đại ĐCSTQ đã bị gắn chặt với định mệnh sụp đổ khó tránh.

Chúng ta đã bắt đầu câu chuyện với chiếc bánh Trung Thu và kết thúc với liên minh quốc tế chống bá quyền của Trung Quốc. Hai chuyện mới nghe dường như có ít liên hệ. Nhưng chẳng phải Trung Quốc đã từng bị ví như một chiếc bánh Trung Thu bị ăn bởi 8 thực khách phương Tây cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hay sao? Mà đó còn là một Trung Quốc ít nguy hại hơn bây giờ.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện về bánh Trung Thu, người Hong Kong, và ván cờ quốc tế chống Trung Quốc