Chuyện truyền kỳ về thanh thiên bạch nhật (p3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến cậu phi người lao xuống dòng nước xiết. Trong lúc mơ hồ, cậu nắm lấy một khúc gỗ, ôm chặt, lắc lư theo sóng. Cậu chỉ nghe thấy tiếng mưa dông ào ào ào xối xả, ánh điện sáng rực như con rắn vàng đang nhảy múa điên cuồng

Nam Cung Nhận Am qua sông để tìm chú và gặp phải một cơn bão. Trên trời hiện lên bốn chữ vàng “Thanh thiên bạch nhật”, mọi người đều cho rằng đây là lời cảnh báo của Thần linh, muốn kẻ xấu hãy tự xét xử, không được làm liên lụy tới những người ở trên thuyền.

Lúc này, Nhận Am dũng cảm bước ra và nói với mọi người: "Đây là bí mật riêng tư của tại hạ. Thật sự rất xấu hổ khi nhắc tới, không thể nói cho người khác biết. Nhưng tôi không dám chỉ vì mình mà làm liên lụy tới mọi người. Nếu có duyên hẹn gặp mọi người ở kiếp sau".

Nói đến cậu phi người lao xuống dòng nước xiết. Trong lúc mơ hồ, cậu nắm lấy một khúc gỗ, ôm chặt, lắc lư theo sóng. Cậu chỉ nghe thấy tiếng mưa dông ào ào ào xối xả, ánh điện sáng rực như con rắn vàng đang nhảy múa điên cuồng. Trong phút chốc tất cả dừng lại. Cậu thấy mình đang ôm khúc gỗ nổi trên mặt nước rộng mênh mông, giống như lá bèo, trôi nổi trên những con sóng ngàn dặm. Đúng lúc không biết phải làm gì, từ xa cậu chợt thấy con tàu của quan phủ đánh tiếng cồng tiến tới, trên tàu có người hét lên: "Mau cứu người ôm gỗ đi! Phần thưởng là 10 quan tiền!"

Ngay sau đó, một chiếc thuyền màu đỏ đến và giải cứu Nhận Am và đưa cậu lên thuyền. Khi nhìn lên, đó không phải là ai khác, mà là chú cậu! Cả chú và cháu đều ngạc nhiên. Nhận Am hỏi: "Chú, chú từ đâu đến?"

Thì ra chú cậu đã chuyển đến Thông Châu, lần này đến chơi ở núi Tử Lang, không ngờ lại gặp Nhận Am bị rơi xuống nước.

Người chú còn nói: "Lăng mộ của cha mẹ cháu được chăm nom rất tốt. Ta biết hết tâm tư của cháu. Quyên Nương đã theo về nhà chồng tiểu thư họ Tần. Duyên phận của cháu chưa tới, nên đừng lo lắng".

Nhận Am cũng không biết làm thế nào mà chú biết về những điều đó. Sau khi hồi phục lại, cậu và chú tới chỗ ở Thông Châu, ngôi nhà này thậm chí còn tốt hơn chỗ ở ban đầu tại Tô Châu, và người hầu, người giúp việc còn nhiều hơn lúc trước . Nhận Am không dám hỏi thêm. Hai ngày sau, cậu lấy trong tay áo ra một cuốn sổ đưa cho chú và nói: "Đây là sổ cái tổng hợp lợi nhuận kinh doanh của cháu trai hai năm qua. Mời chú xem qua".

Người chú xua tay nói: "Phiền phức, ta không muốn nhìn cái này, cháu mang hết đi".

Ngày hôm sau, cậu từ biệt chú để quay lại Giang Bắc. Chú lại cho cậu vài trăm lượng vàng.

Trở lại Tô Châu, Nhận Am hỏi về tin tức của Quyên Nương, quả nhiên là như lời chú nói: “Duyên phận chưa tới, chỉ còn cách đợi thôi”. Một hôm đang đi trên phố, cậu bất ngờ gặp người chủ thuyền mà từng ngồi đò khi qua sông, người đàn ông nhìn thấy cậu và vô cùng kinh ngạc hỏi: "Cậu vẫn còn sống? Cậu biết không, sau khi cậu nhảy xuống sông ngày hôm đó, thuyền bị lật và tất cả mọi người trên thuyền đều chết. Tôi may mà giữ chặt sợi dây buộc thuyền nên mới sống sót. Tôi đang neo ở đây để sửa thuyền”. Nhận Am cho anh ta rất nhiều tiền để giúp sửa chữa lại thuyền và tạm thời ở lại nhà thuyền này.

Một ngày nọ, Nhận Am rảnh rỗi ngồi nhìn xa xăm, chợt nhìn thấy một mỹ nhân ngồi trên chiếc kiệu nhỏ, theo sau là một hầu gái già; và một cô hầu gái ngồi trong một chiếc xe nhỏ, trông rất giống Quyên Nương. Vì vậy, cậu lặng lẽ đi theo đoàn người để xem họ sẽ đi đâu. Cậu đi theo họ cho khoảng ba hoặc bốn dặm thấy họ đi vào một miếu nhỏ. Người đẹp bước vào đại điện, khấu bái Phật Như Lai, thắp hương bái Phật. Những nữ bộc thì đi lang thang xung quanh. Tiểu a hoàn chợt nhìn thấy Nhận Am, vẻ mặt vui mừng thốt lên: "Thanh thiên bạch nhật".

Nhận Am lạc giọng nói: "Ôi! Có thật là Quyên Nương không?"

Quyên Nương hỏi: "Tại sao anh lại ăn mặc sang trọng như vậy?"

Nhận Am kể lại chi tiết từ đầu tới cuối mọi chuyện. Quyên nương hỏi anh: "Không biết người hữu tình năm xưa còn nhớ chuyện xưa không?"

Nhận Am chỉ vào trái tim mình và nói: "Trong tim tôi không giờ phút nào quên nương tử!"

Quyên nương gật đầu và nói: "Họ rất quý mến nhau, nhưng họ thậm chí không biết tên của nhau. Thật là buồn cười".

Vì vậy, Nhận Am nói với cô chi tiết một lần nữa. Đang nói chuyện thì bên trong có người gọi nên Quyên Nương vội vàng rời đi. Nhận Am trân trối nhìn những người nô bộc cùng với mỹ nhân và Quyên Nương rời đi.

Nhận Am lại chỉ còn lại một mình, nhìn Quyên Nương rời đi, cậu cảm thấy buồn chán và lang thang nơi nghĩa địa bên ngoài miếu viện. Nhìn thấy một ngôi mộ đặc biệt lớn, bia mộ ghi: "Ngôi mộ của ông quan Nam Cung, húy danh Bích Ngọc, Đông Chiết".

Nhận Am vô cùng sợ hãi, tại sao?! Có người trùng họ và tên, cùng chữ như thế này? Cậu vội vàng đọc và thấy bia mộ viết chi tiết vợ chồng ông Nam Cung Bích đều qua đời ở Tô Châu cách đây 5 năm và được chôn cất tại đây, đợi cháu trai Nam Cung Nhận Am sau này tìm đến. Phía dưới ký tên người viết bia khắc là tú tài người địa phương tên là Úc Phóng.

Lúc này, Nhận Am thực sự không hiểu chuyện gì xảy ra, nghĩ mình vừa mới gặp vợ chồng cô chú xong, nhưng người trong ngôi mộ này không chỉ có tên giống với chú của cậu, mà ngay cả tên người cháu trai của ông ấy cũng giống tên mình! Trên đời làm sao có chuyện trùng hợp như vậy! Về nguyên tắc, điều đó là không thể. Vì vậy, cậu dò hỏi thông tin về Úc Phóng, tìm đến nhà của người này, và gửi danh thiếp của mình để xin tới gặp.

Úc Phóng đón Nhận Am vào đại đường và hỏi: "Trên cổ của anh có vết bớt hình trăng khuyết không?"

Nhận Am trả lời: "Có."

Thế là Úc Phóng liền nói: "Khi chú anh còn sống, ông là bạn thân với thân phụ của tôi, tâm đầu ý hợp. Thân phụ tôi mất trước, sau đó chú và cô anh lần lượt qua đời. Trước khi qua đời, họ đã khẩn thiết dặn dò tìm vùng đất phong thủy quý, lo liệu hậu sự, nhất định phải làm bia văn. Ông cũng dặn dò khi anh quay về Tô Châu, anh sẽ kế thừa cơ nghiệp. Không biết anh làm thế nào biết được tôi và tìm thấy tôi?"

Nhận Am kể với Úc Phóng việc đọc được bia văn ở nghĩa trang. Úc Phóng nói: "May nhờ thế mà tôi có thể tìm thấy anh, và không cô phụ dặn dò, ủy thác của chú anh".

Nhận Am vẫn còn nhiều nghi ngờ và thắc mắc không hiểu, cau mày, kể về hai lần gặp gỡ của mình với chú, và hỏi rằng cậu thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra. Không lẽ người chết có thể sống lại sao?

Úc Phóng trả lời: "Khi còn sống, chú anh tu Đạo dưỡng sinh, tu tập thuật thổ nạp. Nghe anh kể lại, chẳng lẽ chú anh đã tu luyện đắc Đạo và bất tử rồi sao?"

Nhận Am cử người đến Thông Châu để thăm lại nơi ở của chú mình, nhưng người đã rời đi để lại ngôi nhà trống không. Vì vậy, Nhận Am đã lấy xương cốt của cha mẹ lên, đem đi và chôn cùng với chú của mình. Xung quanh lăng mộ, cậu tự tay viết bia văn và thuê người khắc lên bia đá.

Úc Phóng đến xem, trong lòng không khỏi vui mừng và khen ngợi: "Anh còn có khả năng văn chương, viết văn rất hay, ý rất chính, không theo thói tục. Tôi khuyên cậu nên tiếp tục học hành, thi đỗ công danh và đừng nên không có chí tiến thủ".

Vì vậy, Úc Phóng giữ Nhận Am tại nhà, mỗi ngày dạy cậu đọc sách.

Vào mùa thu, Nhận Am trở lại Chiết Giang để tham gia kỳ thi hương, và cậu trở thành cống sinh có tên trên bảng vàng. Sau khi trở về, Úc Phóng mở tiệc lớn chiêu đãi anh. Rất đông bằng hữu đến, trên bàn rượu Úc Phóng nâng ly chúc mừng Nhận Âm và nói: "Nam Cung quân giờ đây thân là quý nhân, cũng đã 21 tuổi. Vào ngày được ghi danh bảng vàng, cũng nên tới lúc "động phòng hoa trúc", chẳng lẽ lại muốn đơn thân mãi?"

Nhận Am nói: "Huynh nhân nghĩa có chỗ chưa biết, đệ có người thương, trong lòng đã có gửi gắm, một lòng say mê đợi ngọc nhân nhập nguyệt thôi"

Úc Phóng nói: "Ngu huynh hôm nay đã tìm được một giai nhân cho đệ, để làm vợ của đệ. Theo ta, chọn ngày không bằng lấy luôn ngày, hôm nay là một ngày tốt".

Không đợi giải thích nhiều, một bản nhạc được chuẩn bị sẵn vang lên, và có một số tì nữ xuất hiện xung quanh là một mỹ nhân trong trang phục đội vương miện phượng hoàng, và đám đông bước ra kéo hai người bái Thiên địa và cử hành hôn lễ. Nhận Am rơi vào cảnh ngoài ý muốn, bị mọi người đưa vào động phòng. Hóa ra Úc Phóng đã chuẩn bị mọi thứ, động phòng hoa trúc tất cả đã sẵn sàng.

Cuối cùng khi Úc Phóng đóng cửa buồng tân hôn, và nói vọng vào trong buồng: "Thôi, tối nay ta có thể báo đáp đại ân, báo đáp ân nhân của ta!"

Mọi người rời đi, đêm yên tĩnh, Nhận Am vén chiếc khăn voan trùm đầu màu đỏ của cô dâu, và nhìn lên: thấy một cô gái xinh đẹp trang điểm phấn hồng, dường như đã biết nhau từ trước! Khá giống Quyên Nương! Vậy là anh thì thầm: "Thanh thiên bạch nhật"

Tân nương nghe vậy ngẩng đầu cười nhẹ: "Bí ẩn cuối cùng đã được phá bỏ!"

Không phải Quyên Nương là ai! Nhận Am không khỏi vui mừng khôn xiết, sau khi nghe Quyên Nương kể lại, mỹ nhân mà cậu thấy ở miếu hôm đó chính là vợ của Úc Phóng. Năm đó Quyên Nương đã chuyển phong thư của tiểu thư đi.

Úc Phóng là người nhận thư, sau này quả nhiên anh thi khoa cử đỗ đạt, trở về nhà cưới tiểu thư, hai người kết hôn được hai năm, tình cảm vợ chồng rất thắm thiết. Sau khi gặp nhau ở miếu ngày hôm đó, Quyên Nương đã kể cho tiểu thư nghe tất cả mọi chuyện. Nghe xong, hai người không khỏi cảm thán.

Ngày hôm sau hai vợ chồng cùng nhau đến bái tạ vợ chồng Úc Phóng. Úc Phóng cũng cảm tạ Nhận Am: "Anh nhặt được vàng không tham, chính là vợ chồng ta mới có được ngày hôm nay. Ân ân tương báo, nên duyên nên như vậy!" Sau này, họ lại càng thân thiết như anh em một nhà.

Hậu nhân bình luận rằng: không nhặt của rơi, giúp người thành đạt, làm kẻ ăn xin, đúng là không dễ. Thậm chí mỹ sắc trước mặt, biết ghìm cương kịp thời, quả là công phu, càng không phải dễ. Nam Cung thật vĩ đại! Làm việc tốt tích đức dày mà được báo đáp. Tôi mong tất cả đàn ông trên thế giới này, dù phú quý bần tiện đều viết 4 chữ "Thanh thiên bạch nhật" và khắc ghi mãi.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện truyền kỳ về thanh thiên bạch nhật (p3)