Chuyện truyền kỳ về thanh thiên bạch nhật (p1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quyên Nương không ngớt lời cảm ơn và hỏi anh: "Anh sống bằng nghề ăn xin không dễ dàng gì; hôm nay anh nhặt được nhiều của cải như thế, anh có thể giàu lên trong chốc lát, anh thực sự muốn từ bỏ nó ư? Đại ân đại đức của quân tử, tiểu nữ phải làm sao để báo đáp đây?"

Có một người tên là Nam Cung Nhận Am, họ là Nam Cung, tên là Nhận Am, tổ tiên là người Chiết Giang. Cha cậu tên là Nam Cung Hổ, làm quan ở Quảng Đông. Cha cậu là một vị quan thanh liêm, không tham nhũng, và gia đình rất thanh bần. Nhận Am sống với bố mẹ ở Quảng Đông từ khi còn nhỏ, học chữ, học đọc với bố mẹ, cũng đọc một số tác phẩm kinh điển lịch sử. Sau này mẹ mất, và chẳng bao lâu sau bố cũng qua đời, chỉ còn lại một mình Nhận Am lẻ loi.

Khi cậu vừa chu tất tang lễ cho cha thì có tin phát hiện ngân khố bị thâm hụt. Cha đã mất, ‘cha nợ con trả’, quan phủ điều tra thâm hụt, bắt Nhận Am trả nợ và chịu phạt đi tù.

Nhận Am một mình, tuổi còn nhỏ, xung quanh không có người thân, không có ai để trao đổi, nhưng cậu không muốn ngồi tù, cũng không tin cha mình làm cho thâm hụt ngân khố, nhưng bản thân còn nhỏ và đơn độc nên cũng không có cách nào. Cậu nhớ ra mình còn có một người chú, người em trai duy nhất của cha, tên là Nam Cung Bích. Cậu nghe cha nói rằng người chú làm trợ lý cho quan ở Tô Châu. Vì vậy, cậu quyết định đến Tô Châu để tìm chú của mình. Lo sợ mọi người phát hiện, Nam Cung Nhận Am đã bí mật đào hài cốt của cha mẹ mình lên, đốt thành tro, cho vào giỏ tre, đeo sau lưng, lợi dụng đêm tối, nhẹ nhàng rời đi, thẳng đến Tô Châu.

Trên đường đi Tô Châu, ăn sương nằm gió, trèo đèo lội suối, đi bộ một năm mới tới được Tô Châu. Nhưng Tô Châu rất lớn, biển người mênh mông, chỉ biết tên chú, một đứa trẻ thân cô thế cô, không người thân thích, biết đi đâu để tìm chú? Nó giống như mò kim đáy bể. Tìm hồi lâu cũng không thấy tin tức gì. Lúc đó ở Tô Châu đang gặp thảm họa, mùa màng đói kém, Nhận Am nhìn số tiền ít ỏi trong tay cũng cần phải tiêu hết, vậy là cậu dốc hết tiền để mua nửa mẫu đất, mang tro cốt của cha mẹ đã khuất để chôn cất, tưởng niệm và dựng bia đá. Cậu dựng một túp lều cạnh ngôi mộ bằng cỏ tranh giống hệt cái chòi mà người nông dân canh giữ ruộng dưa, hàng đêm sống ở cạnh mộ cha mẹ. Không có đồ dùng sinh hoạt đánh răng rửa mặt, lâu ngày gương mặt cậu nhếch nhác, sống dựa vào nghề ăn xin, rồi lưu lạc trở thành những người ăn xin trên đường phố.

Mặc dù khổ như vậy, mỗi lần Nhận Am xin được đồ ăn thừa, chỉ cần tươm tất một chút, cậu sẽ nhớ cúng dường mồ cha mẹ trước, tỏ lòng thành kính, sau đó mới ăn. Trong tâm còn lẩm nhẩm: “Dâng lên người ăn, tâm tới Thần biết!”. Lúc đó Nhận Am mới 15 tuổi, nhưng bản tính hiếu thảo, thông minh, dù có trở thành kẻ ăn mày, gày gò nhưng tướng mặt không hề khô khan và khổ sở. Bình thường, cậu hay nghe những bài hát dân gian do trẻ em địa phương ở Tô Châu hát, rất vui tai nên đã tự học. Rồi dần cậu học cách dùng tiếng hát để xin ăn và đủ sống qua ngày.

Ba năm trôi qua trong nháy mắt. Một hôm, cậu vô tình ngồi trước cửa một ngôi chùa cổ, phơi nắng bắt rận. Đối diện là khu vườn của một gia đình giàu có. Khi nhìn lên, có thể trên lầu có mỹ nhân thỉnh thoảng nhìn ra ngoài. Đột nhiên, cậu nghe thấy một tiếng "két", một tiểu nha hoàn bước ra từ cửa sau của khu vườn, trông cô chỉ mới 16, 17 tuổi tóc đen, khuôn mặt hồng hào, dáng người thướt tha. Sau khi đi ra, cô gái quay người khép hờ cửa lại, đi về hướng tây. Cô chỉ đi được vài bước, rồi đột nhiên cúi xuống, ẩn núp trong bụi cỏ. Một lúc sau, cô gái đứng dậy, chỉnh đốn lại quần áo rồi bỏ đi. Vừa đi được vài bước, Nhận Am nhìn thấy có thứ gì đó trên người cô gái rơi xuống mặt đất. Thứ đó rơi xuống nhẹ nhàng và không phát ra âm thanh. Cô gái hoàn toàn không phát hiện ra điều đó.

Nhận Am hô lớn để nói với cô rằng cô đã đánh rơi thứ gì đó, nhưng cô gái thậm chí không nghe thấy và đi thẳng. Nhận Am vội vàng đi tới xem xét, hóa ra là một cái túi gấm rơi trên mặt đất. Mở ra thấy có trâm vàng, xuyến ngọc, nhiều đồ trang sức nhỏ và một bức thư.

Nhận Am theo cha mẹ từ nhỏ, cũng khá biết chữ, nhìn bức thư có đoạn: "Thập lang ca ca, muội và ca ca từ nhỏ đã có đính ước. Không ngờ gia đình ca ca gặp biến cố, nghèo khó như Tư Mã Tương Như. Nghe tin cha mẹ có ý hủy hôn, muội không thay đổi tâm nguyện ban đầu, nên mang hết tiền dành dụm tặng cho ca ca. Khổ là không có người chuyển giúp. Tiểu tỳ Quyên Nương, tiếng là chủ tớ, nhưng tình thân như tỷ muội, trượng nghĩa chuyển giúp phong thư. Mong giúp ca ca tiếp tục sự nghiệp học tập. Đợi ngày khoa cử thành danh, rồi lại bày tỏ tấm lòng". Chữ ký bên dưới là: “Tần thị tiểu muội Trinh Phác khấu đầu”. Thì ra là cô nương viết cho hôn phu.

Bức thư gọi vị hôn phu này là "thập lang", đại ý là hai người từ nhỏ đã được cha mẹ đính ước nhưng gần đây gia đình nhà Thập lang xảy ra biến cố, lâm vào cảnh khó khăn, cha mẹ cô gái muốn hủy hôn. Cô gái không muốn, nên để giúp hôn phu, cô đã giao cho người hầu gái tên là Quyên Nương mang đồ trang sức riêng của mình, bao gồm vàng và ngọc bích, mong hôn phu dùng để sống qua ngày và chăm chỉ đọc sách, sau này trúng khoa thi cử, sau đó sẽ quay lại làm hôn lễ… Nếu gia đình ép hủy hôn thì cô sẽ không thay đổi ý định ban đầu và sẽ tuẫn tiết.

Sau khi đọc xong bức thư này, Nhận Am không khỏi bàng hoàng, thầm nghĩ: "Nguy hiểm quá! Trong bức thư đã nói rõ: con rể chưa cưới sa cơ nghèo khổ, nhà giàu hủy hôn; cô gái chung tình mạo hiểm, tặng vàng giúp chồng chưa cưới. Nếu người khác nhặt được thứ này, không chỉ cô hầu gái bị mất mạng mà cô gái chung tình cũng thân bại danh liệt. Đôi uyên ương cao số này cũng chỉ giống như Ngưu Lang Chức Nữ, xa cách trời cao! Ái chà, ta ngồi ở đây chờ đợi xem sao vậy”.

Một lúc sau, Nhận Am thấy tiểu a hoàn vội vàng quay lại, mặt mũi tái xanh, hoang mang bối rối chạy vào bụi cỏ, nhìn quanh tìm mãi chẳng thấy gì, ngửa mặt lên trời đành thở dài ngao ngán và tự nhủ: "Trời ơi! Quyên cô nương chết cũng không tiếc, chỉ cô phụ ủy thác của tiểu thư, làm liên lụy gia đình chủ nhân, biết làm thế nào bây giờ?!"

Nhận Am bước tới, hỏi: "Tiểu thư đã đánh mất thứ gì quý giá à? Tại sao lại nói đến cái chết?"

Tiểu nha đầu nhìn cậu và cảm thấy có điều gì đó trong lời nói này, nên buồn bã cầu xin anh: "Anh trai tốt bụng, làm ơn, có phải anh đã nhặt được nó?"

Nhận Am đáp lời: "Nếu cô có thể nói rõ cho tôi đó là thứ gì và chuyện gì đang xảy ra, nói không chừng có thể trả lại nguyên vẹn cho chủ".

Tiểu nha đầu nói rành mạch: "Chủ nhân của tôi họ Tần, tôi là người hầu của tiểu thư, tôi tên là Quyên nương. Ngày nào tôi cũng hầu hạ tiểu thư. Hôm nay, chủ nhân nhìn thấy gia đình người con rể đính ước cho tiểu thư bị sa sút, muốn hủy hôn sự. Tiểu thư ngày đêm khóc lóc, buồn bã, tôi thương và đồng cảm với tiểu thư, bảo cô gói đồ trang sức vàng bạc trị giá khoảng 500 lượng vàng và gửi kèm theo một lá thư mang đến nhà chàng trai đính ước, bảo anh ấy dùng số tiền trang trải những ngày tháng khó khăn. Đợi tới khi anh ấy trúng khoa cử, quay lại làm hôn lễ. Ai ngờ, trời xanh không bảo hộ, tiểu nữ làm mất bọc vải, tôi chết cũng không đáng tiếc, nhưng chuyện của tiểu thư lại bị lộ, chẳng phải hại chết tiểu thư sao? Làm sao không buồn cho được!”. Chưa kịp nói xong, tiểu nha đầu đã bật khóc.

Nhận Am hỏi lại: "Vậy cô định sẽ làm gì?"

Quyên Nương nức nở đáp: "Tôi không có mặt mũi trở về gặp tiểu thư. Chỉ có chết thôi!"

Nhận Am lấy bọc vải nhỏ từ trong ngực ra, đưa cho cô gái xem và hỏi: "Nhìn này, có phải nó không?"

Nhìn thấy bọc vải đó, chính là nó, Quyên Nương lập tức cúi rạp người trên mặt đất, quỳ lạy Nhận Am. Trấn An vội vàng đưa tay kéo cô lên, không ngừng an ủi.

Quyên Nương không ngớt lời cảm ơn và hỏi anh: "Anh sống bằng nghề ăn xin không dễ dàng gì; hôm nay anh nhặt được nhiều của cải như thế, anh có thể giàu lên trong chốc lát, anh thực sự muốn từ bỏ nó ư? Đại ân đại đức của quân tử, tiểu nữ phải làm sao để báo đáp đây?"

Nhận Am nói: "Nếu cô muốn trả ơn tôi, điều đó không khó. Chỉ e là nó dễ với tôi, nhưng hơi khó khăn cho cô. Với tôi thì là vui vẻ nhưng sẽ là khổ với cô".

Quyên Nương lắng nghe, nhưng không hiểu và nói: "Tôi không biết ý của anh là gì? Anh thử nói đi?"

Nhận Am nói: "Mặc dù gần 20 tuổi, tôi vẫn là chàng trai đơn thân. Tiểu nương thật vô cùng xinh đẹp, tại hạ không kiềm chế được, không biết cô có thể làm tôi ngây ngất một lần không?"

Quyên Nương nghe xong thì đỏ bừng mặt xấu hổ, cô cúi đầu xuống một lúc rồi từ tốn nói: "Quân tử vui lòng đợi một lát. Tôi đi có chút việc, quay lại sẽ nói sau". Nhận Am nhìn theo Quyên nương cầm bọc vải rời đi xa rồi mới quay đầu và rời đi.

Vài ngày sau, Nhậm Am lại vô tình đi ngang qua cửa sau của khu vườn này, từ xa nghe thấy giọng một cô gái: “Này, anh tới rồi à?” Ngẩng đầu, hóa ra là Quyên Nương! Cánh cửa vườn hé mở một nửa, hướng về phía cậu vẫy tay gọi.

Minh An

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện truyền kỳ về thanh thiên bạch nhật (p1)