Chúng ta là cỏ xanh, hay trai ngọc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trai ngọc và cỏ dại, một bên cả đời đau đớn chỉ để đợi đến ngày tỏa sáng, một bên mãi mãi vô danh nhưng không ngừng nuôi dưỡng chí kiên cường. Đó là hai cách sống, hai lựa chọn, cũng là hai bước đường nhân sinh.

Cỏ dại không sợ nắng, chẳng sợ mưa, không e dè lúc giông ba bão táp, chẳng oán trách khi hạn hán khô cằn. Mưa lớn có thể làm cây cao tàn tạ, bão táp có thể làm cây cối ngả nghiêng, chỉ riêng cỏ dại là sinh cơ bừng bừng, khoe màu xanh mỡ màng trong nắng sớm.

Nếu mưa xối xả như trút nước thì cỏ kiên nhẫn cúi rạp mình chờ đợi. Nếu nắng gắt khiến đồng khô nứt nẻ thì cỏ đâm rễ sâu xuống đất, âm thầm chờ ngày tái sinh. Tăng Củng viết: “Một lượt đào lê đã nở hết, chỉ có cỏ xanh vẫn một màu” [1], Bạch Cư Dị cũng đề thơ: “Lửa hoang thiêu không diệt, gió xuân cỏ lại sinh” [2].

Cỏ kiêu hãnh nơi non cao, ngả mình vi vu theo gió. Cỏ khiêm nhường nơi đồng nội, nhún mình khi người giẫm qua. Cỏ không ao ước làm cây cao cổ thụ giữa bạt ngàn, không tham vọng làm đóa hoa diễm lệ nơi xóm vắng, cũng chẳng cần có hương thơm ngào ngạt níu chân người. Ấy vậy mà, cây dẫu cao vẫn không qua nổi phong ba, hoa dẫu đẹp dẫu thơm vẫn không tránh khỏi lúc lụi tàn, duy chỉ có cỏ xanh là mãi mãi.

Cỏ cuối cùng vẫn chỉ là cỏ, vô dục, vô cầu, vô danh, vô lợi. Cả một đời âm thầm cống hiến, âm thầm hy sinh, dẫu rằng đổi lại chỉ là “cỏ dại ven đường”...

cây dẫu cao vẫn không qua nổi phong ba, hoa dẫu đẹp dẫu thơm vẫn không tránh khỏi lúc lụi tàn, duy chỉ có cỏ xanh là mãi mãi.
Cây dẫu cao vẫn không qua nổi phong ba, hoa dẫu đẹp dẫu thơm vẫn không tránh khỏi lúc lụi tàn, duy chỉ có cỏ xanh là mãi mãi. (Ảnh: Pixabay)

***

Trai ngọc nhút nhát nằm nép mình dưới biển, khi thì chôn thân trong lớp trầm tích, lúc lại giấu mình phía sau rạn san hô. Phải chịu bao đớn đau khôn cùng, nhức nhối như cắt thịt cứa xương, cuối cùng mới dưỡng thành hạt ngọc trai óng ánh.

Trai chỉ vì một viên ngọc mà nếm trải đớn đau, cũng chỉ vì một viên ngọc mà ngậm ngùi cay đắng. Trai ẩn mình nơi đáy biển, phó xuất một đời này, thương tích một đời này, khổ đau một đời này, nước mắt của hết thảy một đời này… chỉ để có được một hạt ngọc cho đời.

Biết bao đau đớn của đằng đẵng tháng năm mới chắt chiu được một chút tinh hoa, chút tinh hoa ấy lại kết tụ trong hạt ngọc. Trai ngọc dành cả đời âm thầm chỉ để dâng tặng cho đời một món quà, nhưng món quà ấy là mãi mãi cùng ngàn thu.

Trai chỉ vì một viên ngọc mà nếm trải đớn đau, cũng chỉ vì một viên ngọc mà ngậm ngùi cay đắng.
Trai chỉ vì một viên ngọc mà nếm trải đớn đau, cũng chỉ vì một viên ngọc mà ngậm ngùi cay đắng. (Ảnh: Pixabay)

***

Chúng ta nâng niu hạt ngọc, khát khao được một lần tỏa sáng, nhưng mấy ai dám dấn thân như trai ngọc, nếm trải hết thảy những cay đắng ngọt bùi?

Chúng ta vô tư giẫm chân lên cỏ xanh đồng nội, trong đôi mắt ta cỏ kia mãi chỉ là cỏ dại, nhưng mấy ai nhận ra rằng: Có những thứ hy sinh trong âm thầm lặng lẽ, có những cống hiến trong câm lặng không nói thành lời, chỉ có điều người đời sớm đã lãng quên.

Trai ngọc và cỏ dại, một bên cả đời đau đớn chỉ để đợi đến ngày tỏa sáng, một bên mãi mãi vô danh nhưng không ngừng nuôi dưỡng chí kiên cường. Đó là hai cách sống, hai lựa chọn, cũng là hai bước đường nhân sinh.

Chúng ta cũng như vậy, lựa chọn làm trai ngọc mang tinh hoa đến cho đời, hay lựa chọn làm cỏ xanh bền bỉ kiên cường cùng tháng năm. Trai câm nín cho ngọc kia tỏa sáng, cỏ vô tư cho sức sống trường tồn.

Cho dù bạn không phải là viên ngọc trai quý giá, thì hãy làm cây cỏ xanh trong gian khó chẳng khuất phục bao giờ.

Thảo Trai

Chú thích:

[1] Nguyên văn: “Nhất phiên đào lê hoa khai tận, duy hữu thanh thanh thảo sắc tề'”(Một lượt hoa đào hoa hoa lê đã nở hết, duy chỉ có cỏ xanh vẫn biếc một màu).

[2] Nguyên văn: “Dã hỏa thiêu bất tận, xuân phong xúy hựu sinh” (Lửa hoang thiêu không tận diệt, gió xuân thổi cỏ lại mọc lên).



BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta là cỏ xanh, hay trai ngọc?