Chàng trai không phụ hôn ước lấy cô gái mù, đắc phúc báo, trong một năm sinh 8 con trai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau hơn một năm, người vợ và ba người thiếp lần lượt có thai. Đến khi sinh không chỉ tất cả đều là con trai mà còn sinh đôi, nên một năm chàng công tử có được tám người con trai. Từ xưa tới nay, đây chắc chắn là một sự việc hiếm có

Cổ nhân rất coi trọng việc giữ chữ tín. Đối với tín nghĩa, người xưa đã để lại nhiều câu nói chí lý, chẳng hạn như “kết giao bằng hữu, nói lời giữ tín”, “Người không có chữ tín, không biết làm sao họ có thể làm người”, “dùng tín đối đãi người thì cả thiên hạ tin theo; không lấy tín đối đãi người thì vợ con cũng nghi ngờ”, “đã hứa thì dẫu nhỏ cũng phải thực hiện; đã hẹn ước thì thời khắc cũng không thay đổi”... Trong sách cổ, có vô số câu chuyện về việc giữ vững chữ tín, bao gồm cả nhân vật chính trong bài viết này.

Vào thời nhà Thanh ở vùng đất Thục (nay là miền trung Tứ Xuyên), có một công tử đã dạm hỏi vợ lúc 16 tuổi. Trước khi kết hôn, người vợ sắp cưới đột ngột bị mù do bạo bệnh. Gia đình nhà gái viết thư cho gia đình chàng trai, nói rằng: "Tiểu nữ phúc bạc, mắc bệnh bị tật không thể phụng dưỡng quý công tử. Xin hãy hủy bỏ hôn ước, để công tử lấy người khác". Thời đó, nếu nhà trai hủy bỏ hôn ước, sẽ ảnh hưởng rất xấu tới danh tiếng của người con gái, và cô gái này sẽ không thể kết hôn được nữa.

Cha mẹ công tử này hỏi ý kiến ​​của anh và anh đã nói: “Cô nương không phải bị mù bẩm sinh mà bị mù sau khi đính hôn, đây là ý Trời, hơn nữa đã xin cô ấy làm tân nương của con rồi, con không nỡ bỏ rơi cô ấy”. Cha mẹ chàng công tử rất tán đồng với suy nghĩ của con trai.

Sau đó, gia đình nhà trai nói với cha mẹ của cô gái về suy nghĩ của con trai và gia đình nhà gái rất cảm động nên họ đã chọn ba người con gái tuyệt sắc khác làm thiếp gả cùng cho chàng công tử. Của hồi môn của ba người cũng rất hào phóng.

Vào một ngày tốt lành, chàng công tử kết hôn cùng lúc với bốn người, mọi người đều rất ngưỡng mộ. Vì tỏ lòng biết ơn trước ân đức của gia đình chàng công tử, những tân nương rất kính trọng và phụng dưỡng chồng. Chàng công tử cũng dịu dàng và ân cần với vợ.

Sau hơn một năm, người vợ và ba người thiếp lần lượt có thai. Đến khi sinh không chỉ tất cả đều là con trai mà còn sinh đôi, nên một năm chàng công tử có được tám người con trai. Từ xưa tới nay, đây chắc chắn là một sự việc hiếm có. Thế nhân đều cảm kích nói rằng, chính vì chàng công tử không nỡ bỏ rơi người vợ mù nên mới tích rất nhiều đức và được thiện báo như thế.

Người ta nói rằng tổ tiên của chàng công tử cũng từng làm nhiều việc tốt, đúng là “nhà tích thiện tất có dư phúc”.

Cảnh đám cưới trong tranh "Cô tô phồn hoa" của Từ Dương thời nhà Thanh (phạm vi công cộng)
Cảnh đám cưới trong tranh "Cô tô phồn hoa" của Từ Dương thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Ở thời đại nhà Tống cũng có những câu chuyện tương tự. Lưu Đình Thức, người cùng thời với đại văn hào Tô Thức đời Tống, là người tài năng nổi tiếng ở Chương Khâu, vốn nổi danh với phẩm hạnh thanh cao. Khi Tô Thức được bổ nhiệm làm Tri châu Mật Châu (hiện là Chư Thành, tỉnh Sơn Đông), Lưu Đình Thức làm Thông phán Mật Châu.

Tô Thức đã từng nhắc đến Lưu Đình Thức trong một bức thư gửi cho em trai mình là Tô Triệt, nói rằng ông ấy là một người hiểu lễ nghĩa. Trước khi đỗ tiến sĩ, ông đã "đính ước với con gái của một người dân trong làng". Tuy nhiên, dù có hôn ước nhưng chưa mang sính lễ tới nhà gái. Theo truyền thống xưa, nếu nhà gái chưa nhận sính lễ, thì chưa được tính là đính hôn.

Sau đó, Lưu Đình Thức đã thi đỗ tiến sĩ, và người con gái ông đính ước bị mù do bệnh tật. Vì gia đình cô gái vốn là một nông dân nghèo nên khiến tình thế còn tồi tệ hơn, và gia đình cô không dám đề cập đến chuyện hôn ước với Lưu Đình Thức. Có người thuyết phục Lưu Đình Thức kết hôn với em gái của cô gái mù, nhưng ông chỉ cười và đáp: “Tâm tôi đã hứa. Dù mù, làm sao tôi có thể làm trái với tâm ban đầu của mình?” Cuối cùng, ông đã cưới cô gái mù.

Sau khi kết hôn, Lưu Đình Thức đưa người vợ mù theo cùng ông tới sở nhậm chức, họ rất yêu thương nhau. Vài năm sau, người vợ mù của ông qua đời ở Mật Châu, Lưu Đình Thức rất đau buồn, nỗi đau thương kéo dài theo năm tháng, ông một mực không đồng ý tái hôn.

Một ngày nọ, Tô Thức hỏi Lưu Đình Thức: "Nỗi buồn sinh ra từ tình yêu, và tình yêu sinh ra từ sắc. Còn ngài thì tình yêu sinh ra từ đâu, đau thương từ đâu?". Trong mắt nhiều người, việc bạn kết hôn với một người phụ nữ mù và ở bên cô ấy cả đời là một việc nghĩa. Vậy tình yêu của bạn dành cho cô ấy từ đâu sinh ra? Đau buồn của bạn đến từ đâu?

Lưu Đình Thức trả lời: "Tôi chỉ biết rằng tôi mất vợ. Nếu tôi do duyên sắc mà sinh ra ái, duyên ái mà sinh ra đau thương, sắc kém thì ái cũng không bền, đến đau thương cũng quên, thì hễ cứ thấy phụ nữ bề ngoài xinh đẹp là có thể lấy làm vợ sao?”.

Sau khi nghe những lời này của Lưu Đình Thức, Tô Thức đã vô cùng ngưỡng mộ và nói: “Ngài thực là người công danh phú quý”. Sau đó, Tô Thức còn nói với những người khác rằng phẩm hạnh của Lưu Đình Thức giống như Dương Hỗ thời Tây Tấn. Cho dù nếu ông không phải là đại phú đại quý thì cũng có thể đắc Đạo và thành chính quả. Lúc đó, mọi người cảm lời khen như vậy hơi quá, nhưng sự thật đã chứng minh rằng dự đoán của Tô Thức là đúng.

Tám năm sau lời nói đó của Tô Thức, có người đến từ Lư Sơn và nói với Tô Thức rằng Lưu Đình Thức đang ở Đạo quán Thái Bình ở Lư Sơn. Ông không ăn, và khuôn mặt hồng hào có ánh sáng tím. Ông lên xuống núi, đi bộ sáu mươi dặm như bay. Sau này khi sống thọ hết mệnh, ông cũng có thể trở thành Tiên và đắc Đạo. Đây không phải cũng là phúc báo sao?

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chàng trai không phụ hôn ước lấy cô gái mù, đắc phúc báo, trong một năm sinh 8 con trai