Chăn trâu thổi sáo: Âm thanh trong trẻo, bóng chiều hoàng hôn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bức tranh Đông Hồ "Chăn trâu thổi sáo" rất quen thuộc với người Việt, qua đó cũng cho thấy cây sáo trúc đã đi sâu vào đời sống người dân từ rất lâu đời. Sáo trúc không chỉ là nguồn cảm hứng, là nét họa ý thơ của các văn nhân, họa sỹ xưa nay mà nó còn hàm chứa nhiều điều thú vị...

sáo trúc bắt nguồn từ đâu
Tranh Đông Hồ: Mục đồng thổi sáo. (Ảnh: Wikipedia)

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
("Thiên Trường viễn vọng" của Trần Nhân Tông đời Trần - bản dịch của Ngô Tất Tố);

Ao chuôm cỏ nước đầy phè
Mặt trời gác núi lê thê sóng chiều
Mục đồng vắt vẻo lưng trâu
Miệng xinh thổi khúc nhạc nào vu vơ
("Thôn vãn" của Lôi Chấn đời Tống - bản dịch của Ngô Văn Phú);

Đồng nội bát ngát cỏ xanh
Gió chiều văng vẳng âm thanh sáo đồng
Hoàng hôn bữa tối vừa xong
Áo tơi còn mặc dưới trăng giấc nồng.
("Mục đồng" của Lã Nham đời Đường - bản dịch của Hoàng Mai)

Cảnh tượng làng quê êm đềm được khắc họa trong thơ ca xưa qua 3 bài cổ thi trên rất tiêu biểu cho cuộc sống thanh bình ở nông thôn thuở trước. Trong khung cảnh bình yên thơ mộng đó, nổi bật nhất là tiếng sáo trúc. Cây sáo trúc rất thân quen với cuộc sống người dân các nước Á Đông xưa, nó là niềm vui sau những ngày làm việc nhà nông vất vả, là bầu bạn của con em nông gia. Người dân quê cũng mượn tiếng sáo để thổ lộ tâm tình, nói lên bao cảm xúc của cõi lòng mình.

Sáo trúc bắt nguồn từ đâu?

Theo phần Xuân Quan sách Chu Lễ ghi chép, nhạc cụ chia làm 8 loại là kim (kim loại), thạch (đá), ti (tơ), trúc (tre), bào (bầu), thổ (đất), cách (da), mộc (gỗ), gọi là Bát Âm. Trong đó nhạc cụ từ trúc bao gồm tiêu (khèn), địch (sáo), quản (kèn), trì (sáo 8 lỗ), thược (sáo ngắn), tất lật (hichiriki ), suona, bawu, mangtong, lilie.

Sáo trúc là nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại, cũng là nhạc cụ có niên đại nhất trong "Nhạc khí sử chí", là ông tổ của các loại nhạc cụ trên toàn thế giới. Quá trình ra đời và phát triển của sáo trúc có liên quan đến vạn sự vạn vật trên các phương diện.

Sáo trúc bắt nguồn từ đâu
Sáo trúc được xem là ông tổ của các loại nhạc cụ trên toàn thế giới. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sáo trúc dùng ống trúc làm thân sáo, trên có các lỗ thổi, lỗ màng, 2 hoặc 4 lỗ thoát khí và 6 lỗ bấm âm. Trên lỗ màng được bịt bằng màng sậy hoặc màng tre. Đầu bên trái lỗ thổi dùng tre bịt, thổi ngang. Sáo trúc có thể thổi đa âm, âm sắc trong trẻo. Trải qua nhiều lần cải tiến, lần lượt chế thành sáo 12 điệu, hoán cải thành sáo phím. Giữ nguyên 6 lỗ âm vốn có, dùng phím kiểm soát các bán âm mới tăng thêm, thuận lợi cho diễn tấu thăng giáng bán âm và chuyển điệu.

Các loại sáo ở các khu vực khác nhau, có cấu tạo và đặc điểm âm sắc khác nhau, nhưng chúng đều là bộ nhạc khí thổi thuộc về "trúc âm". Trong các văn vật khai quật ở ngôi mộ số 3 Mã Vương Đôi, Trường Sa, Trung Quốc có 2 cây sáo, thổi dọc, không có lỗ màng. Điều đó cho thấy ngay từ thời Tây Hán (trước năm 168 TCN) sáo đã là loại nhạc cụ được lưu hành phổ biến rồi.

Theo Sử Ký có ghi chép: "Hoàng Đế sai Linh Luân chặt trúc ở suối Côn Khê, chế tạo thành sáo để thổi, nghe như tiếng phượng hót".

Từ năm 1984 đến 2001, tại di chỉ Giả Hồ ở Vũ Dương, Hà Nam lần lượt khai quật được hơn 30 cây sáo xương được chế tạo từ xương tiên hạc. Theo khảo sát, những cây sáo xương này có độ tuổi cách đây 7.800 – 9.000 năm, bị chôn vùi trong đất. Qua thử nghiệm cho thấy, những cây sáo xương này có hai âm vực quãng tám, hơn nữa các nốt bán âm trong âm vực đều đầy đủ, không những có thể diễn tấu nhạc phủ ngũ âm hoặc 7 thanh điệu truyền thống, mà còn có thể diễn tấu được các nhạc khúc các dân tộc thiểu số nhiều biến âm hoặc nhạc ngoại quốc, các âm giai của nó được cấu thành hết sức khoa học, hoàn chỉnh và đầy đủ.

Năm 1995, chiếc sáo Divje Babe là một hiện vật lịch sử có niên đại từ 43-60.000 năm trước. Nó được phát hiện trong một hang động ở Slovenia.

sáo trúc bắt nguồn từ đâu
Chiếc sáo Divje Babe là một hiện vật lịch sử có niên đại từ 43-60.000 năm trước. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Năm 2008 đã phát hiện ra chiếc sáo xương cũng có niên đại 43.000 năm với 5 lỗ, thân sáo được làm từ xương cánh của một con chim tại hang động gần thành phố Ulm, bang Baden-Württemberg, nước Đức.

Có thể thấy con người cổ đại đã có trí tuệ khá cao, khiến nhiều nhà khoa học không thể giải thích nổi, và không dám chấp nhận sự thực. Thậm chí có những nhà khoa học còn cho rằng, những ống xương có lỗ này là do răng loài linh cẩu, răng người vượn cắn ngẫu nhiên mà thành. Họ đã hoàn toàn bỏ qua thực tế là những 'vết cắn ngẫu nhiên' đó tại sao lại đúng theo âm luật, và vì lẽ gì mà các ống xương 'bị linh cẩu cắn' đó vẫn có thể thổi ra các bản nhạc hoàn chỉnh?...

Những thi phẩm nổi tiếng có liên quan đến sáo

Các văn nhân mặc khách qua các thời đại cũng đã dùng sáo trúc làm chủ đề sáng tác ra những bài thơ tuyệt mỹ:

Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng,
Theo gió xuân vào khắp Lạc Dương.
Văng vẳng đêm nay bài “Chiết liễu”,
Ai người không chạnh nỗi tha hương?
("Xuân dạ Lạc Thành văn địch" của Lý Bạch đời Đường, bản dịch của Nam Trân)

Đêm đã khuya, ai còn đang thổi sáo đây? Tiếng sáo xa xa theo ngọn gió xuân du dương lan tỏa khắp thành Lạc Dương (kinh đô nhà Đường). Đêm nay ta ngồi nghe tiếng sáo, đúng là khúc nhạc "chiết liễu" thân quen. Lắng nghe giai điệu bi thương, thê thiết ấy, ai có thể không nao nao nỗi lòng thương nhớ quê hương?

Người Hồ thổi sáo buồn ơi
Âm thanh nửa đoạn chơi vơi điệu Tần
Tháng mười những sáng bâng khuâng
Hoa mai rụng núi Kính Đình đất Ngô
***
Khúc "Xuất ải" buồn làm sao
Lệ đầy mắt kẻ thân cô đi đày
Trường An khuất nẻo ai bày
Lòng ai còn mãi luyến say cựu tình
("Thính Hồ nhân xuy địch" của Lý Bạch đời Đường, bản dịch của Phan Lang)

Sông Dương dương liễu xanh tươi,
Hoa dương buồn chết lòng người sang sông.
Ly đình khúc sáo não nùng,
Tiêu Tương bạn đến tôi trông hướng Tần.
("Hoài thượng biệt hữu" của Trịnh Cốc đời Đường, bản dịch của Hoàng Mai)

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…

Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu,
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên người Tiên Nga.

Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.

Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…
("Tiếng sáo Thiên Thai" - Thế Lữ)

Sáo không chỉ được dùng trong văn thơ, nhạc họa mà còn được dùng để "đánh giặc". Đại tướng nhà Tây Hán là Lý Lăng dẫn 5000 quân kỵ binh vượt ngàn dặm vào sâu đất Hung Nô đánh địch. Không may bị vua Hung Nô là Thiền Vu dùng đội thiết kỵ đông gấp 20 lần (10 vạn quân) bao vây tầng tầng lớp lớp. Lý Lăng quân ít không địch nổi nhiều, lương thực đã cạn kiệt, lại ở sâu đất địch, không có viện binh. Ông dốc sức chỉ huy đột phá vòng vây nhiều lần nhưng đều thất bại. Cuối cùng, khi đã đứng trước tuyệt lộ, Lý Lăng nghĩ ra một kế, nửa đêm ông sai cao thủ thổi sáo là Quách Siêu thổi sáo. Tiếng sáo não nùng bi thương buồn thảm gợi nỗi nhớ quê nhà da diết. Quân Hung Nô ai nấy đều mềm lòng, chỉ còn muốn quay về ngay quê nhà, không ai còn nghĩ gì đến chiến tranh nữa. Ngay cả Thiền Vu cũng không nén nổi hai dòng lệ rơi, cuối cùng ra lệnh rút quân.

Hoàng Mai
(Tham khảo: Chánh Kiến, Tinh Hoa, Thi Viện)

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Chăn trâu thổi sáo: Âm thanh trong trẻo, bóng chiều hoàng hôn