Câu đối chỉ 10 chữ trong từ đường khái quát cả cuộc đời Hàn Tín

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau này khi hậu thế xây dựng mộ địa cho Hàn Tín, trong từ đường trước lăng mộ của ông có một bộ câu đối, chỉ vẻn vẹn 10 chữ... Bức câu đối tuy ngắn ngủi nhưng đã tóm gọn cả cuộc đời Hàn Tín, có thể xưng là "Thần tác".

Đọc qua "Nhị thập tứ sử", mọi người đều không khỏi cảm khái: "Sau khi Hoàng đế khai quốc và binh chinh thiên hạ thành công, đều sẽ không tránh được việc giết chóc công thần!". Trong lịch sử, người nổi danh nhất về việc giết công thần thuộc về Chu Nguyên Chương triều Minh. Để củng cố giang sơn nhà Chu, và để thái tử có thể trấn phục đại thần mãn triều, ông đã dùng máu tươi của vô số công thần để cúng tế vương triều xã tắc Đại Minh.

Kỳ thực, nói đến "sở thích" thảm sát công thần, một vị thiên tử áo vải khác là Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng không kém phần ghê gớm. Không may, Hàn Tín, đại thần khai quốc - người đã tạo dựng nên công lao muôn đời thành lập vương triều Đại Hán, lại chính là đối tượng bị giết hại.

Hàn Tín. (Miền công cộng)
Hàn Tín. (Miền công cộng)

Hàn Tín không chỉ có tài thao lược quân sự, mà còn là người "biết co biết duỗi". Trong lịch sử chinh chiến của mình, ông đã để lại một màn trình diễn rực rỡ. Tuy nhiên, một vị công thần khai quốc như vậy, sau khi phò tá Lưu Bang đăng cơ lại bị giết hại. Mặc dù vụ việc không phải chính tay Lưu Bang làm, nhưng cũng có liên quan.

Mọi người đều biết, điển cố "Hàn Tín chịu nhục chui háng" đã nói rõ rằng, trước khi có được những thành tựu này thì ông xuất thân không cao, chỉ nhờ nỗ lực vượt trội. Tuy vậy, dưới trướng Hạng Vũ, nhiều ý kiến của Hàn Tín đều không được tiếp thu. Sau đó, Hàn Tín gặp được "Bá Nhạc" quan trọng nhất trong cuộc đời mình, đó chính là Tiêu Hà.

Sau khi biết Hàn Tín là người có tài thao lược chiến sự, Tiêu Hà đã tiến cử ông với Lưu Bang. Mặc dù lúc đầu dưới trướng Lưu Bang, Hàn Tín không được đánh giá cao, nhưng thời gian không phụ người hữu tâm. Sau một cơ hội tình cờ khiến Lưu Bang biết rõ tài năng của Hàn Tín, từ đó Hàn Tín bắt đầu kiếp sống chinh chiến của mình. Có thể nói rằng, Lưu Bang có thể có được thiên hạ, một nửa công là thuộc về Hàn Tín. Tuy vậy, Lưu Bang trên mặt thì có nhiều tán thưởng Hàn Tín, nhưng trong lòng lại là vô cùng ghen ghét đối với tài năng của ông.

Bởi vậy, sau khi Hạng Vũ qua đời, Lưu Bang vì kiêng kị tài năng quân sự của Hàn Tín, đã thừa cơ cướp đoạt binh quyền của Hàn Tín, đem Hàn Tín từ Tề vương đổi phong làm Sở vương để dễ dàng khống chế. Không những thế, sau đó lại mượn cớ tuần hành Vân Mộng Trạch, giáng chức Hàn Tín thành Hoài Âm hầu, giam lỏng ở kinh thành. Sau đó, Lã Hậu cùng Tiêu Hà mưu đồ bí mật, đi đầu dụng kế dẫn Hàn Tín tới Trường Lạc cung, Lã Hậu lấy đồng mưu tạo phản để khép ông vào tội chết.

Sau này khi hậu thế xây dựng mộ địa cho Hàn Tín, trong từ đường trước lăng mộ của ông có một bộ câu đối, chỉ vẻn vẹn 10 chữ: "Sinh tử nhất tri kỷ; Tồn vong lưỡng phụ nhân" (Sống chết một tri kỷ; Tồn vong hai phụ nữ). Bức câu đối tuy ngắn ngủi này, nhưng đã tóm gọn cả cuộc đời Hàn Tín, có thể xưng là "Thần tác".

"Tri kỷ" được nhắc đến ở đây chính là nói Tiêu Hà. Mặc dù trước đó gặp được Tiêu Hà, nhờ Tiêu Hà mà một đường rong ruổi đến nước này, nhưng mà sau đó cũng vì Tiêu Hà mà bỏ mạng.

Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín dưới ánh trăng. (Ảnh trực tuyến)
Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín dưới ánh trăng. (Ảnh trực tuyến)

Tiêu Hà chính là Bá Nhạc của Hàn Tín, nhưng cũng lại là người hại ông. Kết cục như vậy, là điều mà Hàn Tín tuyệt không thể nghĩ đến. Dù sao Tiêu Hà cũng là người mà Hàn Tín tín nhiệm nhất, cho nên nắm giữ vận mệnh của Hàn Tín không phải là chính ông, mà lại là Tiêu Hà - người từng có ơn tri ngộ với ông. Vậy nên mới có câu nói rằng: "Thành cũng Tiêu Hà, bại cũng Tiêu Hà”.

Còn "Tồn vong lưỡng phụ nhân", "lưỡng phụ nhân" được nhắc đến ở đây là hai người phụ nữ nào?

Người phụ nữ sau này khiến Hàn Tín "vong" không nghi ngờ gì chính là Lã Hậu, chinh chiến cả đời cuối cùng chết trong tay một người phụ nữ.

Còn người phụ nữ trước đây từng giúp Hàn Tín có thể "tồn", chính là một bà lão giặt vải ven sông mà Hàn Tín gặp khi còn chưa tòng quân. Ngày ấy, Hàn Tín, đại danh tướng của nhà Hán trước khi thành danh, từng lang thang ở đầu đường xó chợ, cũng từng muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhàm chán vô vị của mình. Một bà lão giặt vải (gọi là Phiếu Mẫu) ở bờ sông, vì thương xót nên mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm mang đến cho Hàn Tín ăn, cứ liên tục như vậy mấy chục ngày liền.

Hàn Tín ăn no xong, dõng dạc hùng hồn trở lại, nói với bà lão rằng, sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà. Bà lão vừa nghe xong, đột nhiên giận dữ nói: “Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn, đường đường là đấng nam tử không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác ư!”. Những lời này đại ý là, nam tử hán đến tự lập còn không thể, mà lại còn vọng tưởng đến báo đáp người khác, đúng là quá nực cười!

Lời nói này của bà lão, có thể nói là rất cứng rắn tuyệt tình! Một bà lão nghèo khổ ốm yếu, lại có thể nói ra những lời giáo huấn như vậy, đối với một nam tử hán như Hàn Tín, quả thực là xấu hổ vô cùng. Tuy nhiên, cũng nhờ cây gậy cảnh tỉnh này, đã lôi Hàn Tín ra khỏi sự hoang mang tuyệt vọng, khiến ông bắt đầu có ý nguyện mạnh mẽ, muốn thay đổi cuộc đời. Đây cũng chính là câu chuyện "Bát cơm Phiếu Mẫu" nổi tiếng trong lịch sử.

Qua đây có thể thấy rằng, câu đối 10 chữ viết trong từ đường này, chính là chú thích chính xác nhất cho cuộc đời Hàn Tín.

Bát cơm Phiếu Mẫu (Ảnh: Internet)
Bát cơm Phiếu Mẫu (Ảnh: Internet)

Lịch sử đánh giá Hàn Tín là: "Vong Sở quy Hán, định sách Hán Trung, cầm Ngụy thủ Đại, phá Triệu hiệp Yên, Đông kích Tề nhi Nam diệt Sở ư Cai Hạ, binh vô nhị ư thiên hạ nhi lược bất thế xuất, đái chấn chủ chi uy, huề bất thưởng chi công".

Tạm dịch: "Tiêu diệt Sở, mang thiên hạ về cho nhà Hán, định kế sách Hán Trung bình định Tam Tần, bắt sống Ngụy vương bình định nước Ngụy, dễ dàng chiếm được nước Đại, công phá nước Triệu bắt sống Triệu vương, uy hiếp khiến nước Yên đầu hàng, tiến quân sang phía Đông bình định nước Tề, tiến quân sang phía Nam tiêu diệt nước Sở trong trận Cai Hạ nổi tiếng, binh pháp của ông thì thiên hạ có một không hai, tài thao lược hiếm có trên đời, có uy danh khiến chúa công chấn động, công lao lớn mà không được thưởng.

Có thể nói, những lời này đã phân tích một cách khách quan về công tội và bi kịch cuộc đời ông. Là một trong “Hán sơ tam kiệt”, Hàn Tín là nhà quân sự, nhà chiến lược trong lịch sử Trung Quốc, được hậu thế xưng là "nhân tài kiệt xuất".

Trung Nguyên
Theo Quách Hiểu - Sound of Hope

 



BÀI CHỌN LỌC

Câu đối chỉ 10 chữ trong từ đường khái quát cả cuộc đời Hàn Tín