Câu chuyện về những đồng bạc lẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Cháu ơi, khôn ngoan chẳng lọ thật thà, các cụ xưa đã dạy rồi. Của cải là từ lòng người, mà muốn được lòng người, ít nhất cháu phải sống trung thực, không phải của mình thì một hào cháu cũng không được lấy."

Lợi miễn cưỡng trả lại 1000 đồng tiền thừa cho người chủ xe vừa đi qua cửa soát vé của anh ta.

Thậm chí, chẳng chờ đến khi người ấy đi xa, Lợi đã bĩu môi lầm bầm:

“Một nghìn đồng mà cũng đòi trả lại. Rắn thế.”

Giá vé gửi xe là 3000 đồng cho một lần gửi. Nhưng với những khách trả hai tờ 2000 đồng hoặc một tờ 5000 đồng, Lợi thường không trả lại tiền thừa. Nhiều khách gửi xe cũng không đòi trả lại, có thể vì họ đang vội đi, cũng có thể họ coi một, hai nghìn đồng chẳng đáng gì. Lại cũng có người tuy không đòi lại tiền nhưng âm thầm quan sát và đánh giá. Tất nhiên, có những người nhất định đòi Lợi phải thực hiện đúng quy định về giá trông giữ xe đã công khai trên bảng kia. Như chị chủ xe hôm nay chẳng hạn.

Những lúc ấy, Lợi khá bực mình. Đối với anh, nhặt nhạnh được đồng nào hay đồng ấy. Cái công việc trông giữ xe này của anh ta ngoài đồng lương cố định, còn có khoản lợi nào khác nữa đâu.

Thi thoảng khi gặp sự việc ấy, cô đồng nghiệp tên Tâm ở cửa soát vé bên cạnh lại cười hiền lành nói với Lợi:

“Thì tiền của người ta mà anh. Mình thu đúng thì thôi chứ”.

Lợi “xì” một tiếng, cặp môi dày thâm bĩu ra:

“Một hai nghìn thì quan trọng gì mà đòi”.

nhân viên thu tiền vé xe
Ảnh minh họa (Nguồn: vtc.vn).

Tuy vậy, trong thâm tâm, Lợi cho rằng một hai nghìn đó thực sự quan trọng với anh ta. Làm cái nghề này nhặt được đồng nào tốt đồng ấy chứ.

Nhưng khách đòi tiền thừa khiến Lợi khó chịu một, thì Tâm khiến Lợi khó chịu hai, ba. Chẳng phải vì Tâm xúc phạm gì đến anh ta, tính Tâm vốn hiền lành, thật thà, chẳng muốn va chạm với ai. Nhưng chính sự thật thà của Tâm khiến Lợi khó chịu.

Lợi bỗng nhớ, bà nội anh ta lúc còn sống hay nói rằng: “Cháu ơi, khôn ngoan chẳng lọ thật thà, các cụ xưa đã dạy rồi. Của cải là từ lòng người, mà muốn được lòng người, ít nhất cháu phải sống trung thực, không phải của mình thì một hào cháu cũng không được lấy”. Những lúc đó Lợi lại lườm nguýt, cho rằng bà lão “cổ hủ”, lúc nào cũng lôi các cụ ra để răn dạy, sốt cả ruột. Thật thà có vặn ra mà ăn được không?

Thế là trong khi Lợi điềm nhiên cầm tiền thừa mà không trả lại, thì Tâm không bao giờ trả thiếu cho khách hàng một đồng nào. Trong ngăn kéo của Tâm thường chuẩn bị sẵn rất nhiều tiền lẻ mệnh giá 1000 đồng, 2000 đồng. Còn trong trường hợp vạn bất đắc dĩ không có tiền lẻ, cô sẽ đi đổi tiền để trả lại cho khách. Thực ra, vì tính cô luôn chu đáo và thật thà nên cũng ít khi gặp phải tình huống như vậy. Ngoài ra, mỗi khách gửi xe khi đến và đi đều được Tâm tặng cho một nụ cười ấm áp.

Làm việc bên cạnh Tâm, Lợi luôn cảm thấy mình sai trái và tủn mủn. Một mặt, Lợi thầm chê Tâm ngu, không biết mánh làm tiền, thời buổi nào rồi còn có người như thế? Nhưng một mặt khác, anh ta lại có cảm giác bất an và đố kỵ. Tâm cứ như tấm gương đặt ngay bên cạnh khiến Lợi soi thấy lỗi lầm của mình. Chung quy cũng chỉ vì một, hai nghìn đồng mà anh ta vẫn nói rằng không quan trọng.

Khách đòi lại tiền vé xe
Ảnh minh họa (Nguồn: kenh14.vn)

Cho đến một buổi chiều.

Như thường lệ, Lợi lại giữ lại 1000 đồng tiền thừa của khách. Đây cũng là một khách quen của anh ta, một người đàn ông trung niên cao lớn, mặt mũi hiền lành thông minh, đi chiếc xe Dream Thái đã cũ. Nhưng khác với mọi khi, hôm nay ông ta đòi Lợi trả lại tiền thừa.

Lợi cau có lấy ra tờ bạc 1000 đồng để trả lại và ném vào sau lưng ông một lời: “đồ keo kiệt”.

Người đàn ông quay lại, móc điện thoại gọi người quản lý trực tiếp của Lợi xuống. Anh ta nhanh chóng có mặt.

“Dạ, sếp gọi em ạ”.

Người đàn ông đi xe Dream Thái chỉ Lợi nói:

“Tôi yêu cầu cậu chấm dứt hợp đồng với cậu trông xe này ngay lập tức. Tôi đã nhiều lần quan sát thấy cậu ta không trả lại tiền thừa cho khách. Đó là cách làm việc gian dối. Dù số tiền đó với một số người khách là không lớn, nhưng đó là danh dự và uy tín của công ty chúng ta. Do vậy, nó không hề nhỏ. Đồng thời, cậu này có thái độ phục vụ rất kém. Cần phải cho nghỉ”.

Té ra, đó là chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn bao gồm công ty mà Lợi đang làm việc.

Ông ta chỉ Tâm và nói với người quản lý:

“Anh tăng lương gấp đôi cho cô bạn bên kia để cô ta tạm thời làm thay việc của anh này trong khi chúng ta tìm được nhân viên mới, tốt nhất là được thật thà như cô ấy”.

Lợi choáng váng, tai ù đi. Anh ta đã là một kẻ thất nghiệp. Ai dám thuê người như anh nữa? Ôi! công việc, uy tín, giá trị con người sao lại đổi lấy một hai nghìn đồng lẻ? Có thật là nó nhỏ và không quan trọng như anh ta đã từng nghĩ hay không? Lợi nhìn xuống bàn tay mình, tờ bạc 1000 đồng nhầy nhụa mồ hôi lạnh đã rời tay anh ta rơi xuống tự lúc nào.

Thanh Phong



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về những đồng bạc lẻ