Câu chuyện lấy đức trị quốc của vua Lý Thánh Tông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý Thánh Tông (1054 - 1072) là vị minh quân thứ ba của nhà Lý, tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai…

Ông là người văn võ kiêm toàn, anh minh đức độ, dưới thời đại của Lý Thánh Tông đất nước hùng mạnh, mở mang lãnh thổ, xây dựng Văn Miếu, xiển dương Phật Pháp. Ông còn là một vị vua nổi danh nhân hậu và đức độ, tấm lòng thương dân của Lý Thánh Tông đến nay vẫn còn được sử sách lưu truyền.

Văn Miếu Quốc Tử Giám xây dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông.
Văn Miếu Quốc Tử Giám xây dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông. (Ảnh: shankar s. - Flickr/CC BY 2.0)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Ất Mùi, Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 [1055], mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Sách Đại Việt sử lược (khuyết danh) còn ghi một câu mà Toàn thư có lẽ chép thiếu trong câu chuyện trên:

“Năm nay - năm Ất Mùi, trong cõi được miễn tiền thuế một nửa”. Giáp Thìn, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 6 [1064] Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: "Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm".

Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070] Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc, và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo”.

(Theo: Đại Việt sử ký toàn thư)

Lý Thánh Tông là một vị vua nổi danh nhân hậu và đức độ.
Lý Thánh Tông là một vị vua nổi danh nhân hậu và đức độ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Lời bàn:

Lý Thánh Tông thấm nhuần lòng từ bi của nhà Phật nên lấy đức nhân làm gốc để gây dựng triều đại của mình, lại dùng “vương đạo trị quốc” nên quân đội Đại Việt tung hoành vô địch, khắp cõi văn vật thịnh trị là điều tất nhiên. Thêm vào đó, các hoàng đế triều Lý trị vì cũng thi hành nhân nghĩa giáo hóa mà rất ít giết chóc nên 800 năm sau khi vong quốc con cháu vẫn còn khói hương thịnh vượng cho đến mãi ngày nay. Cổ nhân có câu “nhân giả vô địch” (người nhân thì không có kẻ địch) thật chí lý lắm thay.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét rất xác đáng về vua Lý Thánh Tông như sau:

Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn, ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền”.

*Nguồn ảnh đại diện: http://truetech.com.vn.

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện lấy đức trị quốc của vua Lý Thánh Tông