Cảnh giới cao nhất của dũng cảm: Thần dũng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào cuối thời Chiến Quốc, ẩn sĩ Điền Quang của nước Yên, khi ông tiến cử Kinh Kha với Yên Thái Tử Đan, đã nói: "kẻ huyết dũng thì giận dữ mà mặt đỏ; người mạch dũng, thì bực tức mà mặt xanh; người cốt dũng, thì giận mà mặt trắng; còn Thần dũng (dũng mãnh phi thường) thì giận nhưng sắc mặt không thay đổi”. Điền Quang đã mô tả một cách vô cùng tinh tế về biểu hiện bên ngoài của lòng dũng cảm ở các mức độ khác nhau.

Trước hết, chúng ta hãy đọc 3 câu chuyện lịch sử, sau đó sẽ đánh giá nội hàm tinh tế hơn của “dũng cảm” từ ba câu chuyện này.

Câu chuyện đầu tiên được ghi lại trong "Lã Thị Xuân Thu": Hai dũng sĩ nước Tề

Ở nước Tề, có hai người tự xưng là dũng sĩ, một người sống ở Đông Thành và người kia sống ở Tây Thành. Một hôm hai người gặp nhau trên đường, hẹn nhau đi uống rượu. Sau khi uống vài ly, một người trong số họ nói rằng có rượu mà không có thịt thì không được, phải lấy ít thịt để nhắm với rượu. Người kia nói: "Trên người chúng ta chẳng phải có thịt sao? Tại sao phải đi mua? Tại sao chúng ta không cắt thịt của chính mình và nhậu với rượu?" Vậy là họ không ai phục ai, liền chuẩn bị nước tương làm gia vị, rút ​​dao ra, thi nhau xẻ thịt ăn cho tới khi cả hai đều ăn thịt mình cho đến chết.

Đây thực sự là hai kẻ tàn nhẫn, và người bình thường vốn không có cái dũng khí như thế này để ra tay với chính bản thân mình. Nhưng đây có được gọi là thực sự dũng cảm không? Chắc chắn là không, đây là ngu xuẩn, cùng lắm chỉ có thể gọi là ngu dũng, cái dũng của kẻ thất phu. Dũng không phải là hung hăng thích tranh đấu, dũng là một đức tính tốt, vì vậy nó phải có nội hàm đạo đức. Có một câu nói rằng "cái ác lên đỉnh điểm thì việc gì cũng dám làm", cái dũng mà không có nội hàm đạo đức thường sẽ trở thành kẻ sát nhân phóng hỏa, và kẻ không điều ác nào không làm.

Trong nhiều thập kỷ kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đoạt Trung Quốc, nó đã cố gắng làm suy yếu văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Quốc, và bây giờ người Trung Quốc cười nhạo kẻ nghèo chứ không cười phường kỹ nữ. Những đại ca xã hội đen, kẻ đầu sỏ lưu manh, kẻ sát nhân phóng hỏa thì ngược lại trở thành đối tượng được tôn sùng. Hiện tượng đen trắng điên đảo, hiện tượng ấu trĩ và vô tri này còn nực cười hơn cả hai kẻ ngu dũng trong câu chuyện trên.

Cùng xem câu chuyện thứ hai được ghi lại trong "Tân Tự": Trần Bất Chiếm

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có một người nước Tề, tên là Trần Bất Chiếm, rất nhát gan. Năm 548 TCN, đại thần quyền lực nhất của nước Tề là Thôi Trữ và thái giám Cổ Cử đã âm mưu với thầy thuốc Khánh Phong để chuẩn bị giết chết Tề Trang Công, và đưa con trai Tề Trang Công lên làm quân vương. Đầu tiên, Thôi Trữ đã dùng gian kế để tống giam Tề Trang Công. Nhưng chẳng bao lâu, việc Thôi Trữ tống giam quốc vương đã bị người dân nước Tề biết.

Khi Trần Bất Chiếm nghe tin này đúng lúc đang ăn, ông ta sợ hãi run rẩy đánh rơi bát cơm xuống đất, vỡ tan. Dù Trần Bất Chiếm rất nhát gan nhưng lại vô cùng trung thành nên đã lập tức ra lệnh cho người hầu của mình chuẩn bị xe ngựa để đi cứu quốc vương. Khi lên xe, Trần Bất Chiếm lại sợ đến mức đứng không vững, cũng không lên được xe ngựa, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của người đánh xe mới có thể vào được trong xe ngựa.

Người đánh xe là một người thật thà, thấy ông chủ của mình sợ đến như vậy mà vẫn kiên quyết vào thành cứu giá, liền thuyết phục Trần Bất Chiếm và nói: "Lão gia, Ngài sợ hãi đến thế, thì cứ cho là vào thành rồi thì cũng không giúp gì được cho quốc vương!"

Trần Bất Chiếm hoảng sợ nói: "Chỉ e rằng không giúp được gì nhiều"

Người đánh xe càng nghe càng không hiểu, và nói: "Vậy đã không giúp được thì đi làm gì?"

Trần Bất Chiếm trả lời: "Đây là đạo nghĩa! Ta nhát gan, đây là việc cá nhân của ta. Làm sao có thể vì việc của cá nhân mà làm ảnh hưởng với việc đạo nghĩa?"

Trần Bất Chiếm nói xong, ra lệnh cho người đánh xe tiếp tục tiến vào đô thành, khi đến kinh thành, nhìn thấy khắp nơi là thi thể và thương binh, nghe thấy tiếng binh khí va chạm và tiếng rên khóc của binh sĩ bị thương. Cảnh tượng sống động ngay tại chỗ khiến ông ta sợ chết khiếp.

Sau khi câu chuyện của Trần Bất Chiếm lan truyền ra, người dân nước Tề không còn cười nhạo ông nữa mà ngược lại họ đều cho rằng ông là một người dũng cảm, một người nhân nghĩa vô song, cả nước trên dưới đều kính phục ông.

Trần Bất Chiếm là người cực kỳ nhút nhát, nhưng ông lại là một người dũng cảm chân chính. Để giữ vững đạo nghĩa mà khắc phục nỗi sợ hãi mạnh mẽ sâu thẳm trong tâm, cho dù khiếp sợ đến cực điểm cũng không chùn bước, tuy rằng cuối cùng ông bị sợ chết khiếp nhưng dùng cách khiêm tốn nhất để giải thích đạo nghĩa cảm động trời đất, vậy có cái gì hơn thế có thể xứng đáng được gọi là “dũng”?

Câu chuyện thứ ba là chuyện Kinh Kha hành thích vua Tần

Dựa vào sức mạnh và lòng dũng cảm của mình mình, Kinh Kha đã chống lại cả một đất nước. Khi tống biệt Dịch Thủy, ông hát "Dịch Thủy Ca" bi tráng tuyệt vời: “Gió vi vu này Dịch Thủy lạnh, tráng sĩ một đi này không trở lại”.

Sức của một người làm sao có thể chống lại một quốc gia? Hơn nữa, lại là nước Tần cường mạnh như hổ lang càn quét sáu nước và khiến thiên hạ khiếp sợ. Khi rời Dịch Thủy, mọi người đều biết kết quả chuyến đi này của Kinh Kha: thành, tất phải chết bi thảm; thất bại sẽ càng phải chết bi thảm.

Kinh Kha đã chu du khắp nơi và luôn không được trọng dụng, tức là không gặp được người tri kỷ hiểu mình và quý trọng mình. Ông đã du thuyết tới quốc vương Ngụy Nguyên Quân của nước Ngụy, nhưng Ngụy Nguyên Quân không trọng dụng ông. Cuối cùng, ông du hành đến Yên quốc và được Điền Quang tiến cử cho Thái tử Đan và được trọng dụng. Kể từ đó, ông được đối xử như một vị khách quý, vận mệnh của một đất nước được tín nhiệm trao cho ông. Để báo đáp ân tri ngộ, Kinh Kha chỉ dựa vào sức của chính mình để kích động nỗi khiếp sợ của một quốc gia, và dứt khoát cắt đứt mọi đường rút lui của mình. Đây là lòng dũng cảm của bậc sĩ “kẻ sĩ chết vì người tri kỷ”.

Theo lời của Điền Quang, Kinh Kha đã đạt tới mức ‘Thần dũng”. Đối mặt với thế lực bạo ngược của Tần quốc, với một bức tranh và một thanh đoản kiếm, ông đã tiến sâu vào cung điện của vua Tần, được các binh sĩ bảo vệ nghiêm ngặt tầng tầng lớp lớp, và dưới con mắt bao người ám sát vua Tần. Điều này đòi hỏi lòng can đảm cực lớn, nhưng nếu chỉ là những điều này thì chưa thể gọi là “Thần dũng”. Điều đặc biệt nhất về lòng dũng cảm của Kinh Kha là ông gánh trên vai nỗi sợ hãi của một quốc gia và bình tĩnh, điềm đạm từ đầu đến cuối, sắc mặt không đổi, trầm tĩnh tự nhiên. Đây là chỗ đặc biệt ở những người “Thần dũng”.

Tần Vũ Dương, người cũng đi ám sát Tần giống Kinh Kha, cũng được coi là một trong số ít người dũng mãnh trong thiên hạ. Bắt đầu giết người từ năm 13 tuổi, người đi ngoài đường không ai dám nhìn thẳng vào ông ta, một người sát khí mạnh như vậy mà trước mặt Tần vương bị uy hiếp cho toàn thân run rẩy, nói năng lung tung, không đứng dậy được, vào thời khắc mấu chốt tuột cả mắc xích. Đây là một tương phản rõ rệt với Kinh Kha. Nội hàm đằng sau “dũng” rất huyền diệu.

Theo "Sử ký" ghi chép, khi Kinh Kha ngao du khắp nơi, ông đi ngang qua Du Thứ và tranh luận về kiếm thuật với kiếm khách nổi tiếng Cái Niếp. Tranh luận tới chỗ kích động, Cái Niếp trừng mắt nhìn Kinh Kha, Kinh Kha sợ hãi vội vàng bỏ đi. Sau khi Kinh Kha đi, có người đã thuyết phục Cái Niếp gọi Kinh Kha trở lại. Cái Niếp nói: "Vừa rồi tôi và anh ta đang đàm về kiếm thuật. Anh ta nói có chỗ không thích hợp. Tôi trừng mắt nhìn anh ta. Anh ta đi luôn, không dám ở lại đây nữa". Cái Niếp phái người đến chỗ ở của Kinh Kha dò hỏi chủ nhà, Kinh Kha quả nhiên đã rời Du Thứ. Người được cử đi quay lại để trình báo, và Cái Niếp nói: "Tôi chỉ nhìn chằm chằm vào anh ta, và anh ta đã sợ hãi rồi".

Sau đó, Kinh Kha lại đến Hàm Đan để chơi đánh bạc với Lỗ Câu Tiễn, trong quá trình chơi thì xảy ra tranh chấp, Lỗ Câu Tiễn đã mất bình tĩnh và nhảy lên mắng Kinh Kha. Kinh Kha lại lặng lẽ bỏ đi và không gặp lại Lỗ Câu Tiễn.

Theo lý mà nói, một người dũng cảm như vậy, không thể sợ hãi những người nhỏ bé như Cái Niếp và Lỗ Câu tiễn, nhưng tại sao đối mặt với sự phẫn nộ của họ lại sợ hãi, bỏ chạy?

Dũng cảm chân chính không phải là không sợ hãi, mà là có chỗ sợ, có chỗ không sợ. Đằng sau nó có đạo nghĩa và lương tri làm tiêu chuẩn. Những kẻ hét lên "Ta đây không sợ trời, không sợ đất" thường là những kẻ vô tri, cuồng vọng. Vì vô tri cực độ mà dẫn tới không biết sợ, những kẻ như thế thường đều là lưu manh, vô lại, tuyệt đối không thể thành đại sự. Khi gặp việc đại nghĩa mà yêu cầu anh ta cống hiến, người như vậy thường sẽ tuột xích vào thời khắc quan trọng, khiến việc sắp thành lại hỏng. Người dũng cảm thực sự không phải là không sợ hãi, khi gặp người hoặc vật không đáng hy sinh thì họ sẽ tránh đi, rút ​​lui, thậm chí tỏ ra yếu đuối, bất tài. Khi thực sự gặp chuyện đại nghĩa đáng hy sinh, anh ta sẽ làm việc nghĩa không chùn bước, không gì có thể cản, và làm ra những việc kinh Thiên động địa.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giới cao nhất của dũng cảm: Thần dũng