Cận vệ trung thành của Tào Tháo, nhân vật được yêu thích nhất và gây tiếc nuối nhất thời Tam Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong doanh trại của Tào Ngụy nơi quy tụ hàng loạt hổ tướng, có lưu truyền một bài ca dao: “Dưới trướng tráng sĩ có Điển quân, nhấc đôi kích nặng 80 cân!”. Người mà các tướng sĩ ca tụng chính là thủ lĩnh cận vệ Điển Vi tướng mạo cao lớn, uy vũ, luôn sát cánh không rời bên chủ. Nếu nói Ngụy Vũ Đại Đế Tào Tháo là Thần bảo hộ của nhà Đông Hán những năm cuối, thì Điển tướng quân chính là chiến thần bảo vệ Tào Tháo bằng cả tính mạng của mình.

Trong màn kịch lịch sử lớn đầy oanh liệt, phần vai diễn của Điển Vi không nhiều, nhưng lại giống như sao băng chói lọi nhất, xuyên qua bầu trời sáng chói của thời Tam Quốc. Nhân vật này có tất cả các yếu tố cần có của một người anh hùng hào kiệt: một tính khí trung dũng, không sợ hãi, kung fu đứng đầu quân đội, và những sự tích truyền kỳ đặc sắc. Trong cảnh cuối hạ màn, Điển Vi đã để lại một hình ảnh hy sinh bi tráng, đau đớn, và cuối cùng trở thành nhân vật khiến người ta tiếc nuối nhất thời Tam Quốc và là một trong những vị đại tướng được yêu thích nhất thời Tam Quốc.

Điển Vi là người thuộc quận Trần Lưu, trong sử sách không lưu lại danh hiệu khác của anh. Một người như vậy hoặc là có xuất thân tầm thường và không lưu danh; hoặc là thân gánh vác việc quan trọng cần mai danh ẩn tính. Điển Vi bí ẩn lần đầu xuất hiện trong "Tam Quốc" dưới hình ảnh là một thích khách. Trong tác phẩm mô tả anh: “Tướng mạo khôi ngô, sức khỏe hơn người, có chí hướng, thích làm điều nghĩa hiệp”. Anh là một hiệp sĩ vừa có võ nghệ cao cường vừa có tấm lòng nồng hậu truyền thống. Tiếp theo đó, anh tiến hành một kế hoạch ám sát bản lĩnh, quyết đoán và tỉ mỉ.

Tấm lòng hiệp nghĩa

Quận Trần Lưu thuộc tỉnh Hà Nam và là nơi Tào Tháo khởi xướng nghĩa binh đầu tiên, triệu tập anh hùng để cùng đánh bại Đổng Trác. Vào khoảng thời gian này, một vụ án mạng lớn đã xảy ra ở Hà Nam. Kẻ gây án Điển Vi, chỉ qua một đêm đã danh chấn giang hồ, mọi người khắp ngoài đường ngõ hẻm đều bán tán sôi nổi về sự tích của anh ta.

Nguyên nhân của sự việc là: gia đình họ Lưu ở Tương Ấp và Lý Vĩnh ở Tuy Dương không biết tại sao lại có mối thù với nhau, cũng không biết Điển Vi ở Trần Lưu và họ Lưu có mối quan hệ thâm tình thế nào mà Điển Vi quyết tâm đứng ra báo thù cho gia đình họ Lưu. Lý Vĩnh từng làm Huyện trưởng huyện Phú Xuân, và là một gia đình giàu có ở địa phương. Dường như, ông ta đã thực sự làm điều gì đó sai trái, luôn đề phòng có kẻ giết mình và nuôi hàng trăm thị vệ tại nhà. Người bình thường không thể đến gần ông ta, huống chi nói tới ám sát.

Vào một hôm, một người đàn ông đánh xe ngựa chở rượu thịt qua chợ, anh ta tự xưng là khách phương xa tới chỉ để gặp Lý Vĩnh, và dừng xe lại trước đại viện của phủ nhà họ Lý. Người đàn ông này là Điển Vi. Sau khi khảo sát xung quanh phủ nhà họ Lý, Điển Vi không mặc đồ dạ hành, phi lên mái hiên, băng qua bức tường, lẻn vào phòng trong ông Lý, cũng không dùng vũ lực như múa võ, vung kiếm 10 bước giết một người mà tiến vào đại viện. Dựa vào khả năng cải trang và kỹ năng diễn xuất tuyệt vời, anh đường hoàng bước vào từ cửa chính, vượt qua cửa ải đầu tiên một cách thuận lợi.

Sau khi gặp Lý Vĩnh, anh ngay lập tức thay đổi sắc mặt, rút ​​thanh đoản kiếm trong ngực, vung tay kết liễu tính mạng Lý Vĩnh. Ngay sau đó, nhanh như chớp Điển Vi đã ra tay giết Lý phu nhân. Mới một giây trước còn là khách quý với nụ cười ấm áp, giây sau đã trở thành sát thủ thay Trời hành đạo. Lính canh của Lý phủ không biết là sợ mất mật, hay là trong lòng không muốn hy sinh mạng sống vì chủ, không ai tiến tới để ngăn cản, chỉ trân trân nhìn Điển Vi ra khỏi Lý phủ.

Sau đó Điển Vi lấy cây đao kích thường dùng trong xe ra, không thèm để ý tới vết máu dính trên quần áo, đầu không ngoái lại và sải bước về phía chợ. Hàng trăm lính canh của Lý phủ lúc này mới hoàn hồn, mới dốc toàn bộ quân tiến ra. Tất cả đều cầm theo binh khí, đi theo Điền Vĩ, không gần không xa, không kẻ nào dám mạo muội xông tới.

Trên con phố dài, người dân thi nhau nhường đường cho Điển Vi, người trong chợ đều sửng sốt, dù sao cảnh một chọi trăm cũng không phải thường mà thấy được. Điển Vi cứ một mạch đi 4-5 dặm một cách an toàn, lúc đó mới tập hợp cùng các bạn. Nhóm người này vừa đánh vừa chạy, và nhanh chóng thoát khỏi sự truy kích.

Kể từ đó, thế gian đã bớt đi một kẻ ác và thêm một hiệp sĩ nghĩa khí. Sau đó, vào những năm Sơ Bình (190-193), Thái thú Trương Mạc của quận Trần Lưu đã giương cao cờ khởi nghĩa và gia nhập quân đội đánh Đổng Trác. Thế là người hiệp sĩ này gia nhập dưới trướng của ông và trở thành một tướng sĩ kiêu dũng thiện chiến.

Quả đúng là câu chuyện về sự xuất hiện của Điển Vi, gần như là phiên bản của "Du hiệp liệt truyện" hay “Thích khách liệt truyện”. Nhìn lịch sử ở một góc độ khác, thiên hạ thời Tam Quốc vốn chiến tranh loạn lạc, phân phân hợp hợp, hàng loạt những bậc võ nghệ cao cường, nghĩa bạc vân thiên lớp lớp xuất hiện, rất giống như một thế giới võ hiệp thực sự. Người hào hiệp, đối xử với nhau hết mực chân thành, sống chết tương giao. Trong thế giới của Tam Quốc, có một nhóm anh hùng lòng mang chính nghĩa, nhiệt tình hành tẩu thế gian, sống một cách chính trực và thản đãng. Điển Vi là một trong những nhân vật kiệt xuất đó.

Cứu giá Bộc Dương

Vị chủ đầu tiên Điển Vi dốc lòng phục vụ là Trương Mạc. Ông là một chư hầu chiến đấu chống lại quân Đổng Trác vào cuối thời nhà Hán. Tuy nhiên, “Tam quốc diễn nghĩa” không ghi lại những chiến tích liên quan của Điển Vi mà vẫn tiếp tục chuyên tâm bút mực thể hiện võ nghệ và tài năng của nhân vật này. Chỉ một sự kiện “giương nha kỳ” một lần nữa chứng tỏ khí chất táo bạo của Điển Vi, một tính cách không có hạn chế khuôn mẫu.

Bức chân dung màu của Ngụy Thái Tổ Tào Tháo, do nhà Minh vẽ. (Phạm vi công cộng)
Bức chân dung màu của Ngụy Thái Tổ Tào Tháo, do nhà Minh vẽ. (Phạm vi công cộng)

Chủ soái xuất chinh, giương cao cờ nha môn là nghi thức chiến tranh tất yếu, tượng trưng cho uy lực quân đội hùng mạnh và nâng cao tinh thần sĩ khí. Cờ nha môn vốn rất nặng, và thường phải có một vài quân sĩ hợp lực cùng nâng lên mới có thể bước đi được. Nhưng khi Điển Vi vào doanh trại, tình hình đã rất khác, một mình anh có thể dễ dàng giương cờ nha môn, hộ tống xe ngựa Trương Mạc. Võ nghệ và sức mạnh siêu phàm của Điển Vi nhanh chóng lan truyền trong quân đội, và cũng nhanh chóng lan đến doanh trại của Tào Tháo, vốn cũng đang đánh quân Đổng Trác lúc bấy giờ.

Từ nhỏ, Trương Mạc và Tào Tháo có thể nói là một đôi bạn thân sống chết có nhau. Khi liên quân thảo phạt Đổng Trác còn do dự không tiến lên, đội quân đơn độc của Tào Tháo đã tiến sâu và quyết chiến với kẻ địch, Trương Mạc đã phái đại tướng tới hiệp trợ Tào Tháo. Người đứng đầu liên quân Viên Thiệu bất hòa với Trương Mạc, ra lệnh Tào Tháo giết Mạc. Tào Tháo xuất phát từ quan hệ cá nhân và đại nghĩa, cố hết sức thuyết phục: “Mạnh Trác (tự của Trương Mạc) là bạn thân của chúng ta, có mâu thuẫn gì cũng nên khoan dung với hắn. Hôm nay thiên hạ còn chưa định, chúng ta đừng chém giết lẫn nhau".

Trước khi tấn công Đào Khiêm, Tào Tháo chỉ yên tâm giao phó người nhà cho Trương Mạc. Sau này, Tào Tháo an toàn trở về và nhìn thấy Trương Mạc, cả hai cùng khóc vì xúc động. Giữa họ tình thâm nghĩa nặng đến vậy. Sau đó, Trương Mạc cũng dẫn quân của mình quy phục dưới trướng của Tào Tháo.

Không ngờ, vào năm Hưng Bình thứ nhất (194), Trương Mạc và Trần Cung cùng những người khác cấu kết với Lữ Bố, âm mưu phản nghịch, đôi bạn chia đôi ngả đường, Trương Mạc sa vào con đường binh bại thân vong. Tuy nhiên, Điển Vi không theo chủ đi vào mạt lộ, mà một nửa đã là tướng sĩ của doanh trại Tào và chính thức gia nhập quân Tào vào thời điểm quan trọng này. Với vô số chiến công, Điển Vi được phong làm Tư Mã và dần trở thành một mãnh tướng dưới trướng của Tào Tháo.

Trên thực tế, Điển Vi đến với Tào Tháo cũng là một lựa chọn hiệp nghĩa. Khi đó, Tào Tháo tấn công Từ Châu, Lữ Bố nhân cơ hội tấn công căn cứ Duyện Châu của ông và chiếm Bộc Dương. Trong một thời gian, các quận Duyện Châu liên tục phản bội, chỉ còn ba thành trì đang chiến đấu hết mình vì Tào Tháo. Khi biết tin, Tào Tháo nhanh chóng dẫn quân chủ lực trở về Duyện Châu và quyết chiến với Lữ Bố, tình thế cực kỳ nguy cấp đối với quân Tào, chỉ cần bất cẩn một chút sẽ khiến toàn bộ quân đội bị tiêu diệt.

Không xác định được thời điểm nào và tình cảnh nào mà Điển Vi đến với Tào Tháo, có lẽ là vào lúc Trương Mạc bí mật lên kế hoạch, hoặc vào lúc Duyện Châu loạn lạc. Nói tóm lại, một Điển Vi hiệp nghĩa đã không do dự bái làm thuộc hạ của vị vua kiệt xuất, tận lực phò trợ Tào Tháo đảo ngược tình thế nguy hiểm. Kể từ đó, cuộc sống của Điển thực sự trở nên sống động.

Lúc đó, Lữ Bố phái quân đóng tại phía tây Bộc Dương 40-50 dặm, và Tào Tháo chuẩn bị đột kích Bộc Dương. Trong trận đánh lớn đầu tiên trong đời, Điển Vi vì cứu Tào Tháo đã phản kích đến cùng và trở nên nổi tiếng từ đó. Đêm hôm đó, Tào Tháo ban đêm tấn công thành lũy Bộc Dương, hai bên giao tranh ác liệt từ đêm khuya đến rạng sáng, cuối cùng cũng chọc thủng được trại địch.

Tuy nhiên, trước khi Tào Tháo điều binh trở lại, Lữ Bố bất ngờ dẫn viện binh đến, hai bên lại lâm vào giao tranh ác liệt, giao chiến từ rạng sáng đến tối mịt. Lữ Bố được xem là có mãnh tướng bậc nhất Tam Quốc, lúc đó càng đánh càng dũng cảm, mà quân đội của Tào Tháo lại thuộc nhóm tập kích ngoài xa, suốt đêm chiến đấu lại phải chống đối 3 mặt, giằng co tiếp nữa thì tình hình sẽ chỉ trở nên nguy hiểm hơn.

Tào Tháo quyết định nhanh chóng, nhất định chiến đấu đến cùng, tạm thời chiêu mộ quân tiên phong để phá phòng tuyến, chuẩn bị bất ngờ phá vòng vây, dốc toàn sức đánh để đại quân tìm cơ hội rút lui. Chính Điển Vi là người đầu tiên đứng lên dẫn đầu hàng chục chiến binh hưởng ứng chiêu mộ. Điển Vi để mọi người mặc hai lớp áo giáp, không dùng khiên, một tay cầm giáo, tay kia cầm kích, dốc sức đột kích phía tây nơi trận chiến khốc liệt nhất.

Cung nỏ phía địch nhất tề phóng ra, tên như mưa rơi, Điển Vi chỉ xông lên không nhìn, làm gương cho binh sĩ, vừa đẩy lùi tản binh, vừa dặn binh sĩ: "Khi địch còn cách mười bước, hãy nói cho ta biết!" Ngay sau đó, binh sĩ hét lên: “10 bước!”. Điển Vi vẫn bình tĩnh và tiếp tục đếm ngược: “Còn năm bước nữa, nói cho ta biết!”. Ngay sau đó binh sĩ hoảng sợ hét lên: “Kẻ địch đã đến!” Điển Vi hô lớn và vùng lên, âm thanh nghe như sấm, giương vũ khí chính thức khai chiến.

Một lần nữa anh chứng tỏ ưu điểm của thế đánh sát thủ, vũ khí như sống động, một nhát móc một nhát rạch, một nhát khêu, một nhát đâm, chiêu nào cũng chí mạng, quân địch lần lượt ngã xuống đất. Những dũng sĩ mặc giáp cùng anh chiến đấu dũng cảm, và cuối cùng đã phá vỡ vòng vây của kẻ thù. Kiêu dũng như Lữ Bố cũng không còn cách nào nữa, đành nhìn quân đội của Tào Tháo rút lui một cách an toàn.

Tận trung với trách nhiệm bảo vệ

Vào năm Hưng Bình thứ hai (195), Tào Tháo phất cờ tấn công, giành lại vùng đất đã mất, đánh đuổi Lữ Bố, thực sự trở thành người cai trị Duyện Châu. Vào năm Kiến An thứ nhất (196), Tào Tháo đánh chiếm Dự Châu, phụng Thiên tử để lệnh cho các quan chức không phục tùng triều đình, trồng trọt, làm quân đội hùng mạnh, lương thực dồi dào, thực lực ngày càng mở rộng. Trong hai, ba năm này cũng là khoảng thời gian huy hoàng nhất của Điển Vi.

Vì có công lớn cứu giá Bộc Dương, Điển Vi được phong làm Đô úy, sau này được phong làm Hiệu úy, có quyền thống lĩnh quân của riêng mình và trở thành một trong những thân tín bảo vệ an nguy cho Tào Tháo. Đội quân riêng mà Điển Vi lựa chọn đều là những võ sĩ đã kinh qua trăm trận chiến và tạo thành một lực lượng tinh nhuệ ở doanh trại Tào. Vào ngày thường, Điển Vi dẫn họ đi tuần quanh trại lớn; trong chiến tranh, họ trở thành đội tiên phong phụ trách, đảm bảo an toàn cho Tào Tháo mọi lúc.

Tào Tháo tin tưởng tuyệt đối người mới đến là Điển Vi và để anh làm cận vệ riêng, điều đó có nghĩa là phó thác toàn bộ tính mạng bản thân và gia đình cho anh. Điển Vi cũng đáp lại sự tin tưởng này với lòng trung thành lớn nhất. Anh vốn cao lớn hùng tráng, với vũ khí như song kích và trường kiếm luôn trong tay, và thần thái toát lên sự uy nghiêm, bất cứ ai nhìn thấy đều kính sợ. Hơn nữa, ông là người rất thận trọng và vững vàng, ban ngày bảo vệ Tào Tháo, đứng cả ngày, buổi tối hầu như không nghỉ ngơi tại tư gia, trực tiếp nghỉ bên cạnh trại lớn của Tào Tháo. Một Điển quân như vậy chắc chắn là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí bảo vệ và là chiếc ô bảo hộ đắc lực nhất của doanh trại Tào.

Tính khí hào phóng hiệp nghĩa của Điển Vi cũng khiến Tào Tháo yêu mến. Đặc điểm lớn nhất của ông là sức ăn bằng hai người, và bất kể ăn uống trước mặt ai, ông đều không làm điệu bộ, có thể ăn ngốn ngấu một cách vui vẻ. Ngay cả khi được Tào Tháo thưởng rượu và thức ăn đặt trước mặt, Điển Vi có thể không chút do dự ăn uống thả cửa, tốc độ nhanh đến mức người phục vụ xung quanh phải liên tục thêm rượu và thức ăn cũng không kịp. Tào Tháo càng đánh giá cao khi thấy ông thẳng thắn như vậy. Trong quân đội, các tượng sĩ kính trọng công lao của Điển Vi, thích tính cách của ông và đặc biệt làm một bài ca dao hát về ông.

Vốn dĩ Điển Vi theo Tào Tháo, có thể vừa ăn uống vừa hưởng thụ cuộc sống, vừa cầm đao kiến công lập nghiệp, đây có lẽ là lối sống lý tưởng nhất của mỗi bậc hào hiệp. Tuy nhiên, tất cả điều này đột ngột kết thúc vào tháng đầu tiên của năm Kiến An thứ hai (197).

Vào thời điểm đó, Tào Tháo đã nam chinh Uyển Thành, và đóng quân ở Dục Thủy, quân phiệt cát cứ Trương Tú tới xin hàng. Tào Tháo rất vui mừng, bày tiệc rượu ở Uyển Thành để chiêu đãi mọi người. Trong bữa tiệc, Tào Tháo đích thân cùng các tướng sĩ mời rượu, Điển Vi trừng mắt, tay cầm một chiếc rìu lớn, rộng một thước, đứng sau lưng Tào Tháo. Một khi có người đến gần Tào Tháo, anh ta lập tức giơ rìu lên và nhìn thẳng vào kẻ đó.

Đôi mắt sáng của Điển Vi dường như sắc hơn cả lưỡi rìu, trong bữa tiệc linh đình, Trương Tú và binh lính của ông ta sợ hãi, không ai dám ngẩng đầu nhìn lên một lúc, như thể họ sẽ bị cái nhìn đó chém cho thương tích toàn thân vậy. Mặc dù vậy, 10 ngày sau Trương Tú đã nổi dậy chống lại Tào Tháo và đánh lén doanh trại Tào. Tào Tháo vội vàng phải dẫn kỵ binh nhanh chóng di tản.

Chủ lâm nạn, và với tư cách là cận vệ, Điển Vi có nghĩa vụ tận sức bảo vệ sự an toàn của Tào Tháo. Để cho Tào Tháo rút lui an toàn, Điển Vi đã tử thủ ở cửa chính của doanh trại Tào, ngăn chặn quân phản loạn truy kích.

Uyển Thành nhuốm máu

Binh lính của Trương Tú mắt nhìn gầm ghè như hổ, chúng tập trung ngày càng đông, cung tên, thương kích chĩa vào cửa trại do Điển Vi trấn thủ. Quân phản loạn sợ hãi trước uy thế của Điền Vi và không dám tấn công trực diện, vì vậy chúng phân tán, đột nhập từ các lối vào khác của trại, và bao vây Điển Vi. Nếu chỉ có một mình, trong thiên quân vạn mã đột kích mà có thể nhanh chóng rút lui thì không khó, cái khó là làm sao để ngăn chặn bọn phản loạn này để Tào Tháo có được nhiều thời gian rút lui nhất.

Hình ảnh Tào Tháo,  được trích từ "Nguyệt Bách Tư". (Phạm vi công cộng)
Hình ảnh Tào Tháo, được trích từ "Nguyệt Bách Tư". (Phạm vi công cộng)

Điển Vi nhìn xung quanh, có hơn chục huynh đệ trang nghiêm, ánh mắt của anh sắc bén hơn cả thanh kiếm và rìu, lướt qua quân phản loạn, nhìn về hướng Tào Tháo đi xa, ánh mắt dường như mang theo một chút thâm tình. Khi phiến quân liên tục đến gần, Điển Vi một lần nữa nhìn lại đội quân thân cận xung quanh mình, mọi người đều gửi một thông điệp không lời bằng mắt với nhau: đại trượng phu ăn lộc của vua, chết trên chiến trường, dành cả tính mạng hi sinh nơi chiến trường cũng là may mắn rồi!

Khi phiến quân còn cách vài bước, Điển Vi vung cây kích dài tả hữu xông lên giết quân địch, mỗi khi tấn công, đều va chạm với hàng chục vũ khí của đối thủ, và những vũ khí đó ngay lập tức bị gãy. Đội quân của Điển Vi lấy một đối đầu với 10, có một trận quyết tử với kẻ thù. Phiến quân như sóng thủy triều, liên tiếp tấn công con thuyền đơn độc Điển Vi. Mặc dù sóng cũng liên tục bị đánh tan, nhưng con thuyền đơn độc ngày càng bị tàn phá.

Thời gian trôi theo cùng với âm thanh nhịp tim nặng trĩu của Điền Vi, dường như đang chậm lại. Trong trận chiến vứt bỏ sinh tử, Điển Vi đột nhiên nghĩ đến cuộc sống ngắn ngủi của mình, nghĩ tới niềm vui trả thù cho bạn, nghĩ tới việc kiên định tuyệt nghĩa Trương Mạc, lại nghĩ tới kiếp sống cận vệ những năm qua cho Tào Tháo. Hiệp khách, há sao ham sống sợ chết, không thể là đứa trẻ mang tình cảm yếu mềm, chỉ là Điền Vi của ngày hôm nay phải từ biệt chủ. Thời khắc này, nó đến quá đột ngột!

Tuy nhiên, dù sao thì ông đã quyết sẽ chiến đấu đến cùng tại đây. Càng cầm chân quân phản loạn thêm được bao lâu, Tào Tháo sẽ tăng thêm được an an toàn bấy nhiêu. Chẳng mấy chốc, quân phản loạn bị giết và bị thương nằm la liệt, quân thân cận của Điển Vi cũng lần lượt từng người ngã xuống, cuối cùng chỉ còn lại một mình Điển Vi với hơn chục vết trọng thương trên người, nhưng lại cảm thấy không đau và còn tử chiến. Phiến quân ngày càng đến gần và cây kích dài đã không còn dùng được nữa, Điển Vi chuyển sang dùng binh khí ngắn, giết từng tên địch.

Hai tên phiến loạn không biết sống chết là gì, táo bạo lao đến trước mặt Điển Vi, muốn bắt sống ông. Điển Vi dùng tay kẹp hai tên lại, cố gắng kẹp chúng lại, biến chúng thành hai cái xác và dùng chúng như vũ khí và ném nó về phía quân địch. Nhìn thấy Điển Vi bị trọng thương mà vẫn dũng mãnh như vậy, bọn phản loạn dũng mãnh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi, không kẻ nào dám tiếp tục xông lên thí mạng, tất cả đều giữ cự ly không xa không gần, âm thầm đối đầu với ông.

Tuy nhiên, tráng sĩ Điển Vi cũng đã đi tới thời khắc của ngọn đèn cạn dầu. Ông biết mình bị thương nặng và sắp chết. Sống là bậc nhân kiệt, chết cũng oanh liệt, anh giơ tay vung đao, chém chết mấy tên phản nghịch, vắt kiệt chút sức lực cuối cùng. Ông đổi sang trợn mắt mắng nhiếc, mắng chửi những kẻ vong ân bội nghĩa trong thiên hạ, mắng nhiếc mọi hành vi bội bạc.

Không biết phải mất bao lâu trước khi quân địch nhận ra rằng lời chửi mắng của Điển Vi đã dừng lại, là tử trận rồi sao? Tuy nhiên, dáng người sừng sững đứng không ngã, đôi mắt uy nghi trừng lên, dường như lập tức hồi sinh, lại không màng tính mạng của mình xông lên đánh rất lâu. Khi đã xác thực Điển Vi đã chết, kẻ địch mới dám bước tới để kiểm tra thi thể ông.

Họ muốn nhìn rõ tráng sĩ số một của Tào doanh trông như thế nào, người đã khiến cho quân địch thương vọng thảm bại, đến cả chủ soái Trương Tú cũng không dám nhìn thẳng. Trong bản chất con người đều có mặt thiện lương, trung nghĩa, ngay cả khi tất cả đều vì chủ của mình, quân địch càng thêm cảm phục và thương xót cho Điển Vi.

Bên kia, Tào Tháo đã đến Vũ Âm, gặp được quân chủ lực và đang lo lắng chờ tin tức của Điển Vi. Tuy nhiên, những gì ông nhận được là một loạt tin dữ: con trai cả Tào Ngang đã chết, cháu trai Tào An Dân đã chết, và tráng sĩ Điển Vi người bảo vệ phía sau, người thích rượu và thức ăn, cũng rời bỏ ông mãi mãi. Một thất bại bất ngờ khiến Tào Tháo mất đi những người thân cận và những tướng lĩnh yêu quý. Lúc này, Tào Tháo đau lòng mà không khỏi trào nước mắt. Giọt nước mắt phải là sự thể hiện của tình sâu. Điển Vi đã chủ động đi theo Tào Tháo từ những ngày đầu của Tào Ngụy, hai người đã đồng cam cộng khổ, quan trọng hơn là mỗi khi Tào Tháo bị phản bội và hãm hại, ông đều ‘nghĩa vô phản cố’ đứng về phía Tào Tháo cho tới cả hy sinh tính mạng bản thân.

Sau đó, Tào Tháo sai người đến lấy xác của Điển Vi, khi nhìn thấy Điền quân tử trận thảm thương, ông lại không kìm được nước mắt. Cuộc đời của Điển Vi quả là bi tráng và cũng là may mắn, Tào Tháo đã dành cho anh những giọt nước mắt đau đớn nhất và hoài niệm lâu nhất.

Những ngày sau này, Tào Tháo hành quân và chiến đấu, mỗi khi đi ngang qua mộ của Điển Vi, ông đều nhất định dừng lại và dùng nghi lễ long trọng tự mình tế bái. Điển Vi có một người con trai, và Tào Tháo đã mang cậu theo bên mình và chăm sóc, như một sự tưởng nhớ Điển Vi; sau này Văn Đế Tào Phi cũng rất kính yêu con trai của Điển Vi, và phong quan phong tước, vô cùng sùng bái.

Đây chính là hiệp sĩ của Tam Quốc. Ông có thể nghĩa khí đơn thân mạo hiểm vì tình bạn mà máu chảy năm bước; ông thậm chí có thể vì đại nghĩa quân thần mà hy sinh tính mệnh, trung dũng không hối tiếc. Đối với tri kỷ, họ là huynh đệ sẵn sàng hy sinh cho nhau; đối với chủ, họ là trung sĩ bất chấp nguy nan. Tinh thần coi cái chết là trở về và biết không thể vẫn làm, đã truyền thêm tinh thần hào hiệp, nghĩa khí, hào đãng, khẳng khái vào giai đoạn lịch sử này.

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cận vệ trung thành của Tào Tháo, nhân vật được yêu thích nhất và gây tiếc nuối nhất thời Tam Quốc