Cận vệ của Từ Hi Thái Hậu có võ công lợi hại thế nào? Hoắc Nguyên Giáp đá 2 cước thì chủ động nhận thua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi xác định Hoắc Nguyên Giáp thực sự muốn tìm mình tỉ thí, hai người đi ra sân, mở thế trận. Lý Thụy Đông nói rằng, chỉ cần trong vòng 3 chiêu, nếu có thể khiến ông xê dịch vị trí, thì cuộc tỉ thí này coi như ông thua...

"Ngưỡng thủ tiếp phi nhu,
Phủ thân tán mã đề.
Giảo tiệp quá hầu viên,
Dũng phiếu nhược báo ly".

Tạm dịch:

"Ngửa người cũng bắn trúng,
Cúi thân chẳng chệch đường.
Nhanh nhẹn hơn khỉ vượn,
Khỏe như báo thuồng luồng".

Đây là những dòng thơ miêu tả một du hiệp võ nghệ cao cường trong "Bạch mã thiên" của Tào Thực. Cho dù là tiểu thuyết võ hiệp hay là truyền thuyết cổ đại, đều sẽ xuất hiện một số cao thủ có võ công cái thế, dũng mãnh phi thường. Họ có thể một mình đánh thắng hàng trăm quân địch, hoặc là vượt nóc băng tường, khiến người đọc tấm tắc mãi không thôi.

Bên cạnh Từ Hi Thái Hậu đã từng có một võ sĩ như vậy, tương truyền ông đã từng so tài với võ sư nổi tiếng Hoắc Nguyên Giáp, tài nghệ khiến ai nấy đều thán phục.

Trung Quốc cổ đại vô cùng sùng võ, khoa bảng của triều đình ngoài văn khoa trạng nguyên thì còn có võ khoa trạng nguyên. Những văn võ bá quan được lựa chọn ra này sẽ trở thành lương đống của triều đình, trụ cột của quốc gia. Vì vậy, trong lịch sử có rất nhiều người học võ, từ đó cũng có nhiều màn tỉ võ so tài với nhau.

Đến những năm cuối thời nhà Thanh, phong trào học võ vẫn còn rộng khắp. Thời đó, từng xảy ra một trận giao lưu tỉ võ giữa Hoắc Nguyên Giáp – võ sư nổi tiếng ở Thiên Tân, và Lý Thụy Đông – cận vệ của Từ Hi Thái Hậu. Cuộc tỉ thí này đã được người đời lưu truyền cho đến nay.

Thoạt đầu mọi người đều nghĩ rằng Hoắc Nguyên Giáp nhất định sẽ thắng, nào ngờ sau khi Hoắc võ sư xông tới đá hai cước về phía đối phương, Lý Thụy Đông chỉ nói vẻn vẹn một câu đã khiến Hoắc Nguyên Giáp không dám đá cước thứ ba, bèn tâm phục khẩu phục nhận thua.

Vậy cuộc tỉ thí này đã diễn ra cụ thể như thế nào?

Võ sư Lý Thụy Đông. (Ảnh: Sound Of Hope)
Võ sư Lý Thụy Đông. (Ảnh: Sound Of Hope)

Lý Thụy Đông sinh năm 1851, bàn về tuổi tác thì lớn hơn Hoắc Nguyên Giáp 17 tuổi. Mặc dù cha của Lý Thụy Đông chỉ là một quan chức nhỏ, nhưng lại có được hơn 40 khoảnh ruộng tốt, cho nên cũng được xem là địa chủ một vùng. Vì gia cảnh sung túc nên ông cũng thoát khỏi cuộc sống vây khốn. Lý Thụy Đông từ thuở thiếu thời đã yêu thích võ thuật, cha ông cũng chiều theo ý nguyện của con trai nên đã cho ông đi học võ từ bé.

Năm 7 tuổi, Lý Thụy Đông theo học võ sư nổi tiếng thời bấy giờ là “Đại Đao Tôn” và bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình, chỉ một thời gian ngắn ông đã có tiến bộ thần tốc. Năm 12 tuổi, ông đến Đạo quán Quan Đế ở Vũ Thanh bái Hàn Đạo trưởng làm thầy, học võ thuật Thiếu Lâm. Khi lớn hơn một chút, Hàn đạo trưởng lại dẫn Lý Thụy Đông tìm đến võ hiệp Lý Lão Toại ở Hà Bắc để học công phu "trạc cước".

Trạc cước là một môn võ nghệ truyền thống ở Trung Quốc, lấy công phu chân làm chủ. Công phu chân vốn cần luyện tập dài lâu, nguồn gốc lịch sử có rất từ lâu đời, tương truyền bắt đầu từ thời nhà Tống (triều Bắc Tống) truyền đến danh tướng Nhạc Phi thời nhà Nam Tống, thịnh hành thời nhà Minh và nhà Thanh. Đây cũng là môn võ môn được danh tướng Nhạc Phi rất ưa thích.

Đam mê cùng với khắc khổ tập luyện, chỉ trong vài năm, Lý Thụy Đông cũng đã có chút thành tựu trong võ thuật, dành chiến thắng trong nhiều trận tỉ thí ở địa phương.

Tuy nhiên, con đường võ học của Lý Thụy Đông không chỉ dừng lại ở đây. Và có lẽ, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Lý Thụy Đông chính là Vương Lan Đình – người đã khiến ông bại trận. Sư phụ của Vương Lan Đình là đại sư Thái Cực nổi tiếng Dương Lộ Thiền. Trong một lần tỉ thí so tài với Lý Thụy Đông, Vương Lan Đình đã dễ dàng giành được chiến thắng.

Sau đó, Lý Thụy Đông muốn bái người này làm sư phụ, nhưng Vương Lan Đình thấy rằng hai người vai vế ngang nhau, nên đành phải thay sư phụ tuyển đồ đệ, cùng Lý Thụy Đông trở thành huynh đệ. Sau khi bái sư thành công, Lý Thụy Đông học được các kỹ nghệ Thái Cực Quyền tinh thâm từ Vương Lan Đình. Về sau, Lý Thụy Đông còn tự sáng tạo ra môn Lý thị Thái cực quyền.

Vương lan Đình nhận thấy Lý Thụy Đông có "cốt cách thanh kỳ", có thể làm nên đại sự, thế là dẫn ông đi học hỏi các cao thủ võ thuật như Nhạc Thanh Sơn, Đổng Hải Xuyên, cao tăng Hải Xuyên, Cam Đạm Nhiên... Đến đây, Lý Thụy Đông đã hội tụ tinh hoa của nhiều môn võ từ nam thiên địa bắc, võ nghệ của ông cũng đã đạt đến mức biến hóa khôn lường.

Sau đó, Lý Thụy Đông dần dần trở nên nổi tiếng, ông cũng bắt đầu thu nhận đồ đệ để truyền nghề, và ngay cả Đoan Quận vương Ái Tân Giác La Tái Y khi đó cũng là đệ tử của ông.

Lý Thụy Đông đã học được kỹ nghệ Thái Cực quyền tinh thâm từ Vương Lan Đình. (Ảnh: Sound of Hope)
Lý Thụy Đông đã học được kỹ nghệ Thái Cực quyền tinh thâm từ Vương Lan Đình. (Ảnh: Sound of Hope)

Năm 1894, vào ngày sinh nhật lần thứ 60 của Từ Hi Thái Hậu, một lễ kỷ niệm vô cùng long trọng đã được tổ chức trong cung. Lý Thụy Đông được Đoan Thân Vương mời vào cung, vừa là hộ vệ, đồng thời biểu diễn võ thuật góp vui. Tại bữa tiệc, Lý Thụy Đông biểu diễn một bộ quyền pháp, sau đó lại thi triển khinh công phi thân nhảy lên đỉnh xà của đại điện Di Hoà Viên, thậm chí có thể bay qua đỉnh xà nhẹ như chim én.

Từ Hi Thái hậu vô cùng kinh ngạc và cao hứng trước màn biểu diễn của ông, liên tục tán thưởng: "Đúng là Thần ưng". Sau đó, Lý Thụy Đông lại biểu diễn võ thuật Thiếu Lâm, đạp một cước khiến những viên gạch xanh vỡ tung khiến ai nấy đều sửng sốt. Vì vậy, từ đó Lý Thụy Đông nổi tiếng với biệt danh "Lý Thần Ưng" và "Lý Thiết Cước", cũng được tuyển vào cung trở thành tứ phẩm đới đao thị vệ, chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của Từ Hi.

Cho đến năm 1900, Liên quân tám nước công chiếm Bắc Kinh. Năm 1901, triều đình nhà Thanh ký “Hiệp ước Tân Sửu”, Từ Hi Thái Hậu cũng chịu rất nhiều sức ép. Một trong những điều khoản chính của hiệp ước là triều đình sẽ cấm các tổ chức chống lại người phương Tây. Lý Thụy Đông buộc phải rời Tử Cấm Thành.

Từ đó, Lý Thụy Đông trở về nhà, ngày đêm dốc lòng nghiên cứu võ thuật, tiếp tục chuyên chú nghiên cứu quyền pháp và kỹ thuật trạc cước.

Từ Hi Thái Hậu. (Ảnh: WIkipedia)
Từ Hi Thái Hậu. (Ảnh: WIkipedia)

Khi đó, Hoắc Nguyên Giáp đang làm kiệu phu ở bến tàu Hải Hà tại Thiên Tân, được mệnh danh là "Hoắc đại lực sĩ". Ông từng so tài với một "đại lực sĩ" khác có tên là Kim Đạt Quan, và dễ dàng chiến thắng đối phương.

Tuy nhiên, Kim Đạt Quan vẫn cảm thấy không phục, lớn tiếng nói: "Có bản lĩnh thì đi tìm Lý Thần Ưng mà tỉ võ, không chừng ông ta sẽ khiến cho ngươi răng rơi đầy đất!”.

Lúc đó, Hoắc Nguyên Giáp trẻ tuổi nhiệt huyết, nên đã tìm đến Lý Thụy Đông để so tài, vừa hay lúc ấy Lý Thụy Đông đang dạy đệ tử luyện trạc cước trong sân nhà mình. Sau khi Hoắc Nguyên Giáp nói rõ ý đồ của mình, Lý Thụy Đông trước tiên khách khí mời Hoắc Nguyên Giáp vào nhà, sau đó hỏi cậu thanh niên trẻ tuổi những câu như: “Cậu học võ từ ai?", “Sở trường của cậu là quyền pháp nào?”, “Cậu đã luyện võ được bao nhiêu năm?”. Hoắc Nguyên Giáp đều trả lời thành thật.

Võ sư Hoắc Nguyên Giáp (Ảnh: Wikipedia)
Võ sư Hoắc Nguyên Giáp (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi xác định Hoắc Nguyên Giáp thực sự muốn tìm mình tỉ thí, hai người đi ra sân, mở thế trận. Lý Thụy Đông nói rằng, chỉ cần trong vòng 3 chiêu, nếu có thể khiến ông xê dịch vị trí, thì cuộc tỉ thí này coi như ông thua.

Chiêu đầu tiên, Hoắc Nguyên Giáp dùng Oa Tâm cước hướng về phía Lý Thụy Đông. Lý Thụy Đông không chút hoang mang, cúi cong người thành hình con tôm, đón lấy cú Oa Tâm cước này.

Khi Hoắc Nguyên Giáp nhìn thấy phần thân trên của Lý Thụy Đông vững như núi, bèn dồn hết sức mạnh đá một cước vào phía chân của Lý Thụy Đông. Sau khi đá trúng, Hoắc Nguyên Giáp chấn động, chỉ cảm thấy như mình vừa đá vào một khối thép, khiến chân mình đau nhức.

Đúng lúc Hoắc Nguyên Giáp chuẩn bị tung cú đá thứ ba, Lý Thụy Đông đột nhiên nói: “Hậu bối, một cước này cậu coi như không thể thu về được rồi”.

Câu nói này là để báo trước cho Hoắc Nguyên Giáp biết rằng: Hai cước kia đều là Lý Thụy Đông để lại chân cho mình, nếu như mình vẫn muốn tiếp tục tỉ thí thì cú đá này chỉ có đi mà không có về.

Sau khi hiểu ý, Hoắc Nguyên Giáp chủ động nhận thua rồi rời đi, còn Lý Thụy Đông cũng nổi danh là người biết lễ nhường nhịn hậu bối.

Hai vị đều là cao thủ võ học, chỉ là con đường khác biệt, hơn nữa khi giao lưu tỉ thí chạm đến điểm dừng thì cũng sẵn sàng chấp nhận "thôi thì cũng thôi". Hoắc Nguyên Giáp sau khi trở về càng thêm dụng công nghiên cứu võ học. Còn Lý Thụy Đông, vào năm 1910, ông thành lập "Hiệp hội Võ đức", sau đó lại đổi tên là "Hiệp hội võ sĩ Trung Hoa", lấy đoàn kết gắn bó và phấn chấn dân tâm làm tôn chỉ, với mục đích phổ cập võ thuật Trung Hoa, nâng cao thể chất cho người dân, tăng cường sự gắn kết và tự tin cống hiến cho dân tộc.

Mặc dù luyện võ không phải dùng cho việc tranh cao thấp hơn thua và đấu tranh tàn nhẫn, nhưng trong lịch sử võ học cũng không thiếu những kẻ có tâm lý tranh cường háo thắng. Thực ra, nếu chỉ ôm giữ mục đích giao lưu so tài thì hai bên đương nhiên sẽ không làm tổn thương hòa khí của nhau. Ngược lại, đôi bên còn có thể cùng nhau giao lưu và học tập, từ đó ngày càng tiến bộ, nâng cao kỹ năng và tu dưỡng trong võ học của bản thân mình.

Lý Tuệ
Theo Sound of Hope

 



BÀI CHỌN LỌC

Cận vệ của Từ Hi Thái Hậu có võ công lợi hại thế nào? Hoắc Nguyên Giáp đá 2 cước thì chủ động nhận thua