Cảm ngộ từ câu chuyện trí tuệ Ả Rập [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một ông lão nọ qua đời đã để lại 17 con lạc đà và một tờ di chúc cho ba người con trai của mình. Theo cách phân chia trong di chúc, người con cả được một nửa số lạc đà, con thứ hai được một phần ba, và người con út được một phần chín.

Câu chuyện trí tuệ Ả Rập

Bây giờ vấn đề là, liệu 17 con lạc đà không thể chia chẵn thành 2, 3 hay 9 không, thế tất phải giết thịt 2 con lạc đà chia nhau mới được. Nhưng lạc đà chết thì không còn giá trị, ba anh em vì vấn đề này mà hao tổn tâm trí, thậm chí bất hòa đánh nhau, cuối cùng không còn cách nào, đành phải đến nhờ tộc trưởng phân xử.

Sau khi tộc trưởng hiểu tình hình, ông mỉm cười nói, vì không muốn anh em bất hòa, nên quyết định tặng thêm cho họ một con lạc đà, vậy là có tổng cộng 18 con.

Bằng cách này, người con cả nhận được 9 con lạc đà, người con thứ hai nhận được 6 con, và người con thứ ba nhận được 2 con. Điều thú vị là, tổng số lạc đà của ba anh em vẫn là 17 con, còn một con vẫn thuộc về tộc trưởng.

Cho đi lại là nhận được: Trí tuệ của việc muốn được thì trước tiên phải mất

Rất nhiều sách tham khảo toán học hay những cuốn sách tư duy tính toán nhanh kiểm tra sự nhạy bén của trí não đều có kể về câu chuyện này, thật ra nó không chỉ là một bài toán mà nó còn thể hiện trí tuệ trong cách giải quyết vấn đề.

Và trong cuộc sống thực tế cũng có không ít những câu chuyện tương tự. Ví như có một câu chuyện thú vị về ông Hà Tiến Tài, người từng là Vụ trưởng Vụ Xã hội, Bộ Giáo dục ở Đài Loan. Chuyện rằng: Quê của ông Hà ở Tân Cảng, huyện Gia Nghĩa, nếu ông ấy đi tàu từ Đài Bắc đến Gia Nghĩa, thì phải tốn thêm 200 Đài tệ tiền taxi để về đến nhà.

Có lần ông Hà đi tàu về quê, đến khi chuẩn bị gọi taxi thì chợt nghĩ một người đi xe giá 200 Đài tệ, nếu ba người cùng đi cũng bằng giá, sao không tìm hai người đồng hương nữa để họ có thể đi xe miễn phí? Quả nhiên trong phút chốc đã tìm được hai người đồng hương cùng đi xe về Tân Cảng.

Trên đường về quê, ba người không tránh khỏi chào hỏi lẫn nhau, sau một hồi trò chuyện, họ phát hiện ra ông Hà làm việc trong Bộ Giáo dục và luôn được dân làng kính trọng. Lúc này, hai người được mời đi xe miễn phí đồng thanh nói: “Anh Hà này, ban nãy chưa quen biết nên mới để anh trả tiền hộ, giờ biết nhau rồi thì để tôi trả nhé!” Ông Hà vội khiêm tốn xua tay, thế là cả ba người đều giành nhau trả tiền xe.

Lúc này người tài xế taxi mới lên tiếng: “Các vị đồng hương ơi, tôi cũng là người Tân Cảng, vầy nhé, các anh trả mỗi người 100, cũng là tiết kiệm hơn 100 so với đi xe một mình, nhưng tôi lại được thêm 100, vậy mỗi người các anh đều tiết kiệm được 100 nhé!”

Nghe xong, ba vị khách trên xe không khỏi bật cười, lúc này trong xe đầy ắp tiếng cười sảng khoái, dĩ nhiên mọi người đều đồng ý.

Trên thực tế có nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhưng trong một xã hội hiện đại đầy áp lực cạnh tranh, chúng ta đã quá quen với việc sử dụng tư duy “phép trừ”, mục đích tìm kiếm một kết quả rõ ràng và dĩ nhiên cũng muốn bản thân được lợi hơn một chút, tuy nhiên cuối cùng thường kết thúc bằng sự mất mát cho cả hai bên.

Có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về tư duy “phép cộng”, thay vì theo đuổi mục tiêu thắng thua trong trò chơi có tổng bằng 0, vậy mỗi bên phó xuất thêm một chút, tạo hoàn cảnh đôi bên cùng có lợi, chẳng phải mọi người sẽ vui vẻ hơn sao?!

Cao Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Cảm ngộ từ câu chuyện trí tuệ Ả Rập [Radio]