Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (Phần 2): 'Người quân tử chẳng phải là một công cụ hay đồ vật'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công cụ chỉ có tác dụng ở một vài khía cạnh lĩnh vực nào đó, còn người quân tử thì phải học tập tu dưỡng đạo đức thành người có phẩm đức cao thượng, tài đức song toàn; phát huy khả năng mọi mặt; khởi tác dụng tốt đem lại lợi ích cho người khác, cho cộng đồng, cho người dân. 

Luận Ngữ ngôn ngữ bình dị nhưng nội hàm thâm sâu, có cái cao xa ẩn chứa trong thế tục, có sự vĩ đại dưới dáng vẻ đơn sơ. Đọc Luận Ngữ, cảm ngộ trí tuệ Khổng Tử khiến chúng ta hiểu được việc coi trọng những giá trị truyền thống như nhân sinh quan, gia đình và xã hội.

Xuyên suốt Luận Ngữ là chữ Nhân, cũng là tư tưởng trung tâm, tối cao của Nho gia. Nhắm tới mục đích cuối cùng là chữ Nhân, Khổng Tử đề ra con đường do chính ông đã đi qua, tự mình làm mẫu để mọi người học tập, mà bước khởi đầu là Tu thân. Ông còn chỉ ra làm thế nào để Tu thân. Tu thân cũng là một hành trình sinh mệnh, mà bước đi đầu tiên là Cách vật, tức là hiểu được sự việc, sự vật xung quanh. Làm thế nào để hiểu đúng vạn sự, vạn vật? Khổng Tử lại chỉ ra con đường đến với Cách vật là học tập.

Học tập và phương pháp học tập

Khổng Tử được hậu thế tôn là “Vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời) bởi ông trí tuệ uyên bác lại khéo giáo dục. Nhan Hồi đã từng nhận xét về người thầy của mình rằng:

"Đạo của Thầy ta trông lên càng thấy cao, dùi vào càng thấy vững chắc, mới nhìn trước mặt bỗng hiện ra sau lưng. Thầy ta tuần tự dẫn dụ người một cách khéo léo. Ngài mở rộng trí tuệ ta bằng học vấn, và dùng lễ nghĩa ước thúc hành vi ta. Dầu ta muốn thôi cũng không thôi được"

Khổng Tử khéo dẫn dắt đưa người học tuần tự từ nông cạn đến thâm sâu, ví dụ ông nói:

Học mà không suy nghĩ thì mê hoặc, vô ích; suy nghĩ mà không học thì mệt mỏi, nguy hiểm.

Nguyên văn: Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi - Luận Ngữ

Học mà không suy nghĩ thì mê hoặc, vô ích; suy nghĩ mà không học thì mệt mỏi, nguy hiểm.
Học mà không suy nghĩ thì mê hoặc, vô ích; suy nghĩ mà không học thì mệt mỏi, nguy hiểm. (Ảnh: Shutterstock).

Khổng Tử cho chúng ta biết một phương pháp học tập đúng thì học phải kết hợp với suy nghĩ. Tại sao học phải kết hợp suy nghĩ? Bởi vì cùng một sự việc, cùng một đạo lý, nhưng mỗi một người có đánh giá, suy nghĩ khác nhau vì họ ở những địa vị, bối cảnh, tuổi tác, kinh nghiệm khác nhau. Thế nên trước mỗi sự việc, mỗi đạo lý thì không thể cố định nhận thức như ban đầu được. Khi chúng ta ở hoàn cảnh, bối cảnh và cảnh giới khác, thì chúng ta lại có nhận thức khác. Nếu chúng ta đứng ở góc độ người khác mà nhìn nhận vấn đề thì chúng ta lại có cách đánh giá khác. Thế nên, trước một đạo lý học được thì cần đứng trên các góc độ khác nhau, ở vai trò khác nhau suy nghĩ thì mới có cách nhìn toàn diện hơn.

Nhưng Khổng Tử cũng cảnh báo: không nên suy nghĩ lung tung, vọng tưởng. Suy nghĩ cần dựa trên những đạo lý học được. Còn nếu không dựa trên đạo lý học được, để rồi chìm đắm trong vẩn vơ, suy diễn vô căn cứ thì rất mệt mỏi vô ích, chỉ tự rước lo lắng, bất an vào thân. Để minh họa, có câu chuyện "Người nước Kỷ lo trời sập" như sau:

Thời Xuân Thu, ở nước Kỷ có một người rất hay lo nghĩ. Một hôm, khi ăn cơm tối xong, anh ta cầm quạt đang ngồi hóng mát trước sân nhà, thấy trời đầy mây âm u, vòm trời rất thấp, liền nghĩ: “Nếu một ngày nào đó ông trời bỗng dưng sụp xuống đè mình chết tươi thì làm thế nào?”.

Từ đó, anh ta ngày nào cũng nghĩ ngợi về việc này, nhưng càng nghĩ càng lo, càng nghĩ lại càng cảm thấy thật là nguy hiểm. Thời gian cứ thế trôi đi, anh ta ăn không ngon, ngủ không yên, khuôn mặt ngày một vàng võ, mình gầy như xác ve. Bạn bè thân thích thấy anh ta suốt ngày nghĩ ngợi, tinh thần hoảng hốt như vậy đều lo thay cho anh và khuyên rằng: “Ông anh ơi, phiền não mà làm gì, từ xưa đến nay đâu có chuyện ông trời sụp xuống. Dù có sụp xuống thì anh lo nghĩ cũng chẳng được cái tích sự gì, tội gì mà chuốc vạ vào thân?”.

Nhưng dù ai khuyên thế nào, anh ta cũng không thay đổi cách nghĩ của mình.

Cứ thế năm tháng thoi đưa, bầu trời cũng chẳng thấy sụp xuống, còn anh ta vẫn cứ suốt ngày chìm đắm trong suy tư, mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, anh ta vẫn còn rất lo lắng ông trời sụp xuống.

Tại sao nói người quân tử không phải là món đồ

Nho gia dạy mọi người học để trở thành người có phẩm chất cao thượng, theo cách gọi xưa là người quân tử. Luận Ngữ có giảng về tiêu chuẩn làm người quân tử từ những đạo lý tưởng chừng đơn giản nhất:

“Người quân tử không phải là món đồ, công cụ” (nguyên văn: Quân tử bất khí)

Con người không phải là một món đồ, một công cụ, hay một cỗ máy... mà con người có đặc trưng tư tưởng độc lập, rõ ràng, có cá tính riêng. Công cụ chỉ có tác dụng ở một vài khía cạnh lĩnh vực nào đó, còn người quân tử thì phải học tập tu dưỡng đạo đức thành người có phẩm đức cao thượng, tài đức song toàn; phát huy khả năng mọi mặt; khởi tác dụng tốt đem lại lợi ích cho người khác, cho cộng đồng, cho người dân.

Học tập như thế nào và phương pháp học
Người quân tử giấu tài năng bên trong, chờ thời cơ mới hành động. Vạn sự trên đời đều không tách rời khỏi thiên thời, địa lợi, nhân hòa. (Ảnh: Shutterstock).

Người quân tử hiểu đạo lý, hiểu mệnh Trời, nên có thể hành xử hợp với thời cơ. Kinh Dịch viết: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động”, nghĩa là người quân tử giấu tài năng bên trong, chờ thời cơ mới hành động. Vạn sự trên đời đều không tách rời khỏi thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Như vậy người quân tử có thể sống hài hòa với mọi người, hài hòa với vạn vật và hài hòa với trời đất, đó chính là cảnh giới "thuận theo tự nhiên", khi đó sẽ đạt được hiệu quả "vô trị nhi trị".

Mật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử được bổ nhiệm làm huyện lệnh Đơn Phụ. Trong thời gian nhậm chức, Tử Tiện rất ít khi ra khỏi nhà, còn thường xuyên an nhàn chơi đàn vui vẻ, nhưng lại quản lý Đơn Phụ rất tốt, người dân yên vui, xã hội thái bình thịnh trị.

Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện: “Trò quản lý Đơn Phụ, khiến bách tính ở đó rất kính yêu trò. Trò làm như thế nào mà được như vậy?”.

Mật Tử Tiện nói: “Con yêu cầu họ, làm cha mẹ thì yêu thương bảo vệ con cái, làm con cái thì yêu thương bảo vệ những trẻ côi cút không có cha mẹ, đồng thời dạy bảo họ, làm tang lễ thì phải hết mực đau thương”.

Khổng Tử gật đầu nói: “Những cái nhỏ như thế này, trò đều chú ý đến rồi, bách tính bình thường đều có thể thân cận và theo trò. Nhưng nếu chỉ như thế thôi thì cũng không đủ”.

Mật Tử Tiện lại nói: “Ở Đơn Phụ, có 3 người con coi như cha mà phụng sự, có 5 người con coi như anh trai mà phụng sự, có 11 người con coi như bằng hữu mà kết giao qua lại”.

Khổng Tử nói: “Có 3 người coi như cha mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Hiếu; có 5 người coi như anh trai mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Đễ; có 11 người coi như bằng hữu mà kết giao qua lại, có thể cất nhắc lựa chọn nhân tài. Đây là một bước tiến rồi, những người có tri thức cao cũng sẽ thân cận theo trò. Nhưng chỉ như thế này vẫn chưa đủ”.

Mật Tử Tiện nói: “Vùng đất Đơn Phụ, người có năng lực, trí tuệ, đức hạnh hơn con, có 5 người. Con thường cung kính phụng sự họ, việc lớn việc nhỏ trước tiên đều bẩm báo với họ, xin ý kiến của họ”.

Nghe đến đây, Khổng Tử vui vẻ tán thán: “Quan trọng nhất chính là nguyên nhân này đó! Trước kia vua Nghiêu, vua Thuấn quản lý thiên hạ, dùng nhiều công sức nhất chính là tìm kiếm người hiền tài giúp đỡ mình. Vì người hiền tài là nền tảng cho hết thảy những sự việc tốt đẹp. Thật đáng tiếc, trò chỉ quản lý một khu vực Đơn Phụ, thực sự là uổng phí tài năng của trò rồi”.

Những đạo lý và tinh thần trong Luận Ngữ tuy đơn giản, ngắn gọn, bình dị nhưng rất sâu xa và rộng lớn. Chỉ cần chúng ta bỏ thời gian nghiên cứu, thực hành theo thì lợi ích vô cùng to lớn. Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời nhà Tống nói:

"Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết. Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay".

Có lẽ lời nhận xét này cũng đã nói ra hàm nghĩa câu nói trong Luận Ngữ: "Học mà không suy nghĩ thì mê hoặc, vô ích".

(Còn tiếp)

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (Phần 2): 'Người quân tử chẳng phải là một công cụ hay đồ vật'