Các nhà sư thời Tống có thần thông, giỏi y thuật, dùng đất chắn sóng gió [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm Thiệu Hưng thứ ba (năm 1192), một con tàu Nhật Bản đi thuyền vượt đại dương đến vùng biển gần Hoa Đình. Lúc bấy giờ,  trên biển sóng gió nổi lên, chỉ thấy một nhà sư nhặt cục đất trên mặt đất rồi ném xuống biển, ngay lập tức sóng yên biển lặng, tàu Nhật Bản cập bến thuận lợi.

Thời Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều nhà sư tu luyện xuất hiện rất nhiều thần thông, sức mạnh siêu phàm mà người thường không thể sở hữu được. Họ biết bói toán, dự đoán tương lai, tinh thông y thuật, hoặc làm ra rất nhiều chuyện thần kỳ. Một số người trong chùa đóng kín cửa tĩnh tu, và một số đi vân du khắp nơi.

Sau khi say rượu xuất thần thông, nhà sư Vũ đã có một cách chữa bệnh tuyệt vời

Vào cuối triều đại Bắc Tống, một nhà sư thông thạo y học sống tại chùa Quốc Thanh ở Thái Châu, Chiết Giang. Ông họ Vũ, người ta gọi ông là Vũ hoà thượng. Mỗi lần trị bệnh cho người khác, ông đều phải uống say túy lúy rồi mới chữa, nhưng tất cả các bệnh nan y thế nào đi nữa, nếu được ông chữa trị thì sẽ khỏi ngay.

Một năm nọ, ông đi vân du, đến một quận thuộc Cù Châu, Chiết Giang thì gặp một phú ông ở địa phương. Vợ của phú ông đã mang thai được 24 tháng nhưng vẫn chưa sinh con. Một ngày nọ, Vũ hòa thượng đến nhà phú ông uống rượu, nhân lúc say rượu, ông đề nghị chữa bệnh cho người vợ của phú ông.

Phú ông khuyên: “Hôm nay ông uống nhiều quá, đợi sáng mai tỉnh lại rồi tính!”

Nhưng Vũ hòa thượng nhất quyết: “Tôi uống say chứ không phải bệnh nhân say”

Nói rồi, ông bước vào trong phòng, còn sai người đi lấy mấy thăng rượu nữa đem đến. Ông uống chỗ rượu này, sau đó liền có kết quả chẩn đoán. Ông nói với phú ông: "Vợ ông không có thai, có lẽ cô ấy cảm thấy trong bụng có gì đó lạ lạ. May mà thứ đó chưa sinh ra, nếu đợi thêm nửa tháng, vợ anh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng."

Nhà sư còn suy đoán: "Vợ ông có phải thường thích ăn thịt gà không? Trước khi ăn bao giờ cũng sai người giúp việc bắt con gà sống, buộc bên cạnh, nhìn nó chết dần chết mòn. Đợi đến sáng hôm sau, cô ấy mới chịu ăn no một bữa, rồi bỏ ăn cả ngày phải không?"

Phú ông lấy làm ngạc nhiên đáp: "Đúng là như vậy"

Một năm nọ, ông đi du ngoạn, đến một quận thuộc Cù Châu, Chiết Giang, gặp một phú ông ở địa phương. Hình minh họa là một phần bức "Sơn thuỷ lâu các đồ" được vẽ bởi Viên Diệu thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Nhà sư Vũ đã để lại một thang thuốc yêu cầu người hầu phú ông chuẩn bị một cái bát lớn và một con dao sắc. Ông căn dặn: "Mau cho phu nhân nhà các anh uống thuốc đi, nửa đêm cô ấy đau bụng hãy đến gọi tôi".

Nửa đêm, cô vợ phú ông bắt đầu đau bụng, người hầu chạy ngay đi gọi nhà sư đến. Vừa vào cửa, phu nhân liền sinh ra một thứ hình thù quái dị. Ông thấy vậy liền giơ con dao bén lên, chặt đôi rồi bỏ vào bát.

Cho đến sáng hôm sau, mọi người mở bát ra thì thấy đó là một con ba ba. Bàn tay và bàn chân của nó đã được hình thành, và đôi mắt của nó đang mở. May mắn thay, nó vẫn được bao phủ bởi một lớp màng và không thể di chuyển, nếu không nó sẽ làm hại người.

Phú ông muốn bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tặng cho nhà sư một lò rượu của riêng mình, nhưng nhà sư chỉ mỉm cười từ chối.

Sau đó, nhà sư Vũ sống đến hơn 80 tuổi và mất ở chùa Quốc Thanh vào những năm Kiến Viêm.

Dùng đất chắn sóng gió, nhà sư Minh Điên có thần thông phi thường

Vào thời Nam Tống, có một nhà sư tên là Huệ Minh ở chùa Phổ Chiếu huyện Hoa Đình (nay là huyện Tùng Giang, Thượng Hải). Ông bình thường thần chí không thanh tỉnh, nói năng không mạch lạc, nhưng chỉ cần một vài câu nói cũng có thể nói ra được những điều xui xẻo và phúc lành của người khác, và rất ứng nghiệm. Người dân địa phương đặt biệt hiệu cho ông là "Minh Điên".

Nhà sư Minh Điên không bao giờ ngủ, ngày này đứng dưới mái hiên của hành lang suốt đêm. Ông luôn dựa vào một cây cột, đọc kinh thành tiếng. Dù trời gió, mưa, lạnh hay nắng nóng, ông đều làm như thế này.

Ông luôn khoác chiếc áo choàng của mình ra chợ, đi chân đất và đi vòng quanh không mục đích. Đến một quán nào đó, hễ ông mà ngồi xuống một chút thì công việc kinh doanh của quán đó bỗng phát đạt hẳn lên, số tiền kiếm được ngày hôm đó nhiều gấp mấy lần ngày thường, thế nên chủ quán rất thích ông đến.

Nếu có đi hóa duyên hoặc nhận bố thí từ người khác, ông sẽ mang về và phân phát cho con cái của mỗi gia đình. Đôi khi, gặp phải những người trêu chọc và bị ném gạch đá, ông cũng không để ý đến, và cũng không bị thương.

明 仇英《清明上河图》描绘的当铺等店家。(公有领域)
Đến một quán nào đó, hễ ông mà ngồi xuống một chút thì công việc kinh doanh của quán đó bỗng phát đạt hẳn lên. Hình minh họa là một phần bức tranh "Thanh Minh thượng hà đồ" của Cửu Anh thời nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Vào năm Thiệu Hưng thứ ba (năm 1192), một con tàu Nhật Bản đi thuyền vượt đại dương đến vùng biển gần Hoa Đình. Lúc bấy giờ, trên biển sóng gió nổi lên, chỉ thấy một nhà sư nhặt cục đất trên mặt đất rồi ném xuống biển, ngay lập tức sóng yên biển lặng, tàu Nhật Bản cập bến thuận lợi.

Sau này, khi biết được vị sư có thể ngăn sóng gió là nhà sư Minh Điên, những người Nhật lập tức quỳ xuống lạy ông, cùng ông đến chùa Phổ Chiếu. Họ dâng hậu lễ để tỏ lòng cảm tạ, nhưng sư Minh Điên hoàn toàn không có ý nhận. Vì vậy, họ đã cúng dường một số thứ cho ngôi chùa.

Nhà sư Minh Điện nói với những người trên tàu rằng: “Các anh đợi một ngày, rồi ngày mai hãy ra khơi”.

Ngày hôm sau, quả nhiên thuyền của họ xuôi theo chiều gió.

Một nhà sư vô danh dự đoán tương lai chuẩn xác

Vào những năm Chính Hoà triều đại Bắc Tống, học viện ở Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô) rất thịnh vượng, rất nhiều nhân tài đều quy tụ về đây. Một ngày nọ, một nhà sư đi đến cổng Dưỡng Chính Trai của học viện, rồi cứ đứng đó nhìn vào trong mà không chịu rời đi.

Lúc này, hai tú tài họ Tiền và Phạm phát hiện có một nhà sư đang theo dõi họ, nên họ bước tới và hỏi: “Ngài đến đây là có chuyện gì vậy?” Nhà sư lẩm bẩm nói: “Kỳ lạ, kỳ lạ, thượng thư, tể tướng tương lai sao lại đều ở trong căn nhà này. Hơn nữa, trung thư và hàn lâm lại nhiều như thế này. Thậm chí người kém cỏi nhất cũng làm thị tòng của hoàng đế".

Trong số những tú tài có người họ Tần, mọi người gọi ông là “Tần Chân Dài”. Phạm tú tài xưa nay vốn coi thường ông ta, bèn chỉ vào ông ta và hỏi: “Người chân dài này có thể làm trung thư và hàn lâm được không?"

Nhà sư trả lời: “Anh chớ nói lung tung. Trong tương lai, sự sống chết của các anh đều nằm trong tay anh ta"

Các tú tài nghe vậy thì cười phá lên. Nhà sư nói: "Các vị đừng cười, tương lai không ai có thể sánh được với anh ta đâu"

Ngay khi ông vừa dứt lời thì một tú tài họ Hình từ bên ngoài bước vào. Ông là tú tài năng và được kính trọng nhất ở Dưỡng Chính Trai. Mọi người yêu cầu nhà sư nói về quan lộ tương lai của ông ấy. Nhưng hòa thượng không nói một câu tán thưởng nào, chỉ nói một câu rằng, anh ta cũng là một người làm quan, liền vội vàng rời đi.

Bốn mươi năm sau, mọi điều nhà sư nói đều được ứng nghiệm. Tần tú tài lúc này chính là tể tướng Tần Cối, người bị cả thiên hạ mắng chửi vì đã hãm hại Nhạc Phi. Ba trong số những tú tài này đã trở thành quan tham tri chính sự, hai người trong số họ trở thành khu mật sứ, và có hai người trở thành thị tòng của hoàng đế. Chỉ có điều số phận của Hình tú tài là tồi tệ nhất, anh ta chết ngay khi vừa trở thành quan.

Huy Hải
Theo Epochtimes

Tài liệu tham khảo: "Di Kiên Chí"



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà sư thời Tống có thần thông, giỏi y thuật, dùng đất chắn sóng gió [Radio]