Từ tấm gương của ca sĩ Thủy Tiên nghĩ về những thử thách và bài học đạo lý trên hành trình thiện nguyện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhưng bất chấp những điều ấy, Thủy Tiên vẫn miệt mài đi làm từ thiện giữa vùng lũ. Cô cũng dành chút thời gian ít ỏi để trả lời người hâm mộ, qua đó chúng ta cũng thấy được một tâm hồn đẹp, một triết lý nhân sinh rất gần với văn hóa truyền thống.

Tình người nồng ấm giữa vùng nước mênh mông giá lạnh

Miền Trung Việt Nam hầu như năm nào cũng có lũ lụt, nhưng mùa lũ năm nay là khắc nghiệt hơn cả. Lũ lụt miền Trung năm 2020 còn được gọi là “Lũ chồng lũ”, “Lũ lịch sử”, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam. (Wikipedia)

Cơn Đại Hồng Thủy che phủ mảnh đất miền Trung tang thương, nhưng lại làm lộ rõ một phẩm chất tốt đẹp của người Việt mà trong cuộc sống thường ngày, người ta không phải luôn luôn dễ nhận thấy: Lòng trắc ẩn.

Từ khắp mọi nơi trên đất nước, người dân Việt hướng tình cảm đến Miền Trung. Trên khắp các diễn đàn mạng, người ta sôi nổi bàn bạc các kế hoạch hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Người ủng hộ bằng tiền bạc; Người lại ủng hộ quần áo, gói mì, thuốc men, áo phao, xuồng cứu trợ…; Người Bắc gói bánh trưng, người Nam gửi bánh tét; Lại có những người hỗ trợ bằng những chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường sau khi cơn lũ qua đi… Những chuyến xe chở nặng hàng cứu trợ kìn kìn nối đuôi nhau đi vào vùng lũ lạnh giá và nguy hiểm, mong san sẻ chút tình người ấm nóng với đồng bào miền Trung vốn đã có quá nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Và trong những tấm lòng nhân ái ấy, nổi bật lên một khuôn mặt điển hình, có thể đại diện cho tình cảm dân tộc trong thời điểm khó khăn này: ca sĩ Thủy Tiên và chuyến hành trình gian khó đến với bà con vùng lũ.

Cho đến lúc này (22/10), Thủy Tiên đã nhận được chừng hơn 110 tỷ đồng của các nhà hảo tâm để chuyển đến cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Thủy Tiên và đoàn của cô trực tiếp mang tài sản vật chất đến cho những nạn nhân của lũ lụt mà không qua bất cứ một tổ chức trung gian nào.

Nước đã ngập mái nhà dân, mặt đường giờ đã chìm sâu dưới mực nước đến hàng mét, những cơn lũ quét, lũ ống nguy hiểm, những đợt xả nước ở các đập lớn… khiến cho hành trình từ thiện trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhưng ngoài thiên nhiên dữ dội, những người làm từ thiện như Thủy Tiên còn gặp những khó khăn khác nữa: Luật pháp và lòng người.

Thuỷ tiên Tình người nồng ấm giữa vùng nước mênh mông giá lạnh
Thủy Tiên và đoàn của cô trực tiếp mang tài sản vật chất đến cho những nạn nhân của lũ lụt mà không qua bất cứ một tổ chức trung gian nào. (Ảnh Facebook nhân vật)

Những quy định mâu thuẫn trong luật pháp

Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

  1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
  2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
  3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
  4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ."

Thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về “Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.”

Những quy định này đã đặt những nhà hảo tâm như Thủy Tiên hay các cá nhân, tổ chức khác có tâm từ thiện và có hành động cứu trợ nhưng không thuộc những thành phần nêu trên trở thành không đúng pháp luật.

Có đúng như vậy không?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Theo chúng tôi thì việc trao tặng tài sản, tiền bạc của ca sĩ Thủy Tiên hay các cá nhân tổ chức khác cho người chịu ảnh hưởng thiệt hại bởi lũ lụt chỉ là một quan hệ dân sự. Trong đó, Thủy Tiên chỉ là người trung gian để chuyển tài sản giữa bên cho: “Những nhà hảo tâm” và bên nhận: “Bà con vùng lũ”. Đã là quan hệ dân sự thì nó cần được điều chỉnh chiểu theo Bộ luật dân sự, mà cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015 thì Thủy Tiên được phép làm những điều mà pháp luật không cấm. Còn các Thông tư, nghị định… chỉ là văn bản dưới luật. Theo quy định của pháp luật, cao nhất là Hiến Pháp, rồi đến các luật, sau đó mới đến các văn bản dưới luật. Khi chúng có mâu thuẫn nhau thì phải áp dụng theo mức độ ưu tiên từ cao đến thấp theo Hiến định. Văn bản dưới luật phải nhường Hiến Pháp và Luật.

Vậy thì chắc hẳn việc làm của Thủy Tiên hoàn toàn đúng pháp luật.

Những quy định mâu thuẫn trong luật pháp nghị định 64
Việc làm của Thủy Tiên hoàn toàn đúng pháp luật. (Ảnh Facebook nhân vật)

Những nhà làm luật nói gì?

Theo báo Pháp luật: “Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ pháp luật phải từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Đề cập đến quy định của pháp luật về vấn đề này, ĐB Lê Thanh Vân nói: “Rất tiếc, Nghị định 64 ban hành từ 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không”.

Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua lũ lụt, ông Vân thấy ai cũng ủng hộ, không ai phản đối, nhất là trong tình hình này. “Khi Nhà nước với nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, đó là việc nên khuyến khích, vì nguồn lực Nhà nước có hạn”, ông Vân bày tỏ”.

Còn “Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì nói: “Nếu dân kêu gọi lập quỹ, hình thành các quỹ tài chính để phục vụ cho lợi ích của cá nhân thì không thể chấp nhận. Nhưng khi họ dùng uy tín, tấm lòng kêu gọi ủng hộ, đó là điều không phải ai cũng làm được”.

Đại biểu Nhưỡng khẳng định ca sĩ Thủy Tiên đang làm chuyện tốt, không thể nói nữ ca sĩ vi phạm pháp luật. Phải coi trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên để xem xét, rà soát, sửa đổi quy định liên quan cho phù hợp thực tiễn. Mà nhìn nhận lại để thấy rằng quy định về việc này đã lỗi thời, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.”

Những khó khăn từ “lời ong tiếng ve” trong dư luận

“Có mấy chục tỷ mà chỉ tặng được thùng mì gói”
“Sao hỗ trợ nhà này tận 20 triệu, nhiều vậy?”
“Làm từ thiện bằng tiền người khác thì ai cũng làm được. Vừa không mất một xu vừa được tiếng”...
“Cho cần câu, đừng cho con cá”
“Bớt khoe mẽ đi”
“Diễn sâu quá…”
“Làm từ thiện với động cơ gì?”

Khó có thể liệt kê cho hết những lời dè bỉu của một số người đối với việc làm của Thủy Tiên. Có lẽ những người nói lời vô trách nhiệm ấy chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của cô gái can đảm và có lòng nhân ái này.

Người ta có thể có những lý do riêng và hợp lý để không tham gia, hoặc không công khai làm thiện nguyện, nhưng thật chẳng ra gì nếu phát ngôn thiếu kiểm soát như thế.

Thuỷ Tiên với Những khó khăn từ “lời ong tiếng ve” trong dư luận
Bàn tay của Thủy Tiên trở nên nhăn nhúm sau nhiều ngày dầm mưa, lội nước. (Ảnh Facebook nhân vật)

Một ca sĩ đã có tiếng tăm, có điều kiện kinh tế vững mạnh, có một gia đình êm ấm hạnh phúc có lẽ không cần phải lao mình vào hiểm nguy vất vả để “khoe mẽ”, bởi vì cái giá phải trả thực sự quá đắt. Ai có lý trí tỉnh táo cũng đều hiểu điều này. Thủy Tiên đã phải hy sinh công việc cá nhân, thu nhập, hy sinh thời gian với gia đình, con nhỏ, hy sinh cả sức khỏe, nhan sắc - vốn rất quan trọng với những người làm nghề biểu diễn, người của công chúng; thậm chí chịu sự đe dọa về tính mạng ở một nơi nguy hiểm như thế, chẳng lẽ chỉ để “khoe mẽ”, để “diễn sâu” thôi ư?

Và ai dám nói là không mất một xu?

Vậy còn động cơ nào khác ngoài câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Hoặc là: “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”.

Giữa cảnh trời nước mênh mông, sóng to gió lớn, mà thân gái dặm trường ngược xuôi xuôi ngược, chẳng có thời gian ăn, thời gian nghỉ vì nóng lòng đến với bao nhiêu người mắc nạn đang chờ đợi được giúp đỡ… mà còn có người hoạnh họe rằng: “sao cho người này nhiều, người kia ít?” “sao không ghi chép thu chi để minh bạch tài chính?” “sao cho con cá mà không cho cần câu?”... có lẽ những người ấy nên tự mình thực hiện việc cứu trợ, làm như Thủy Tiên và làm hơn thế nữa sao cho được như lời họ nói… để rồi nhận ra rằng những đòi hỏi ấy thiếu thực tế và ích kỷ đến nhường nào.

Những cảnh báo về việc vi phạm pháp luật

Lại có những lời khuyên rằng Thủy Tiên không nên tự mình phân phát cả hơn 100 tỷ đồng như vậy bởi khó khăn về việc quản lý. Họ nói đúng. Nhưng vì sao mà bao nhiêu “Mạnh Thường Quân” trong xã hội lại chọn nơi Thủy Tiên để trao gửi niềm tin? Chẳng phải là vì họ tin tưởng vào uy tín cá nhân cô, họ tin tưởng vào cách cô làm từ thiện từ nhiều năm qua? Và chẳng phải là có những khe hở trong quản lý quỹ từ thiện khiến những cá nhân nắm trọng trách có thể nhân cơ hội đục khoét? để “đục nước béo cò”?

Báo chí đã nêu ra rất nhiều trường hợp các lãnh đạo của các tổ chức từ thiện ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt. Hoặc sau khi người dân vùng lũ được trao tiền trao quà, thì phải nộp lại một phần tiền phần quà đó cho địa phương nơi họ cư trú.

Báo Pháp luật ngày 15/06/2015 đưa tin: Chủ tịch hội chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc bị tố ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt. Rồi trên báo Dân sinh ngày 16/09/2015 có bài: Nữ kế toán Mặt trận Tổ quốc “nuốt” hơn 6,1 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ lụt. Rồi trên báo Tuổi trẻ ngày 25/10/2016 có bài: “Nhận cứu trợ lũ lụt 500 ngàn, bị thôn thu lại 400 ngàn”...

Thậm chí thời gian vừa rồi, có những trang Facebook mới mọc lên giả dạng Facebook cá nhân của ca sĩ Thủy Tiên để đánh lừa những nhà hảo tâm chuyển tiền ủng hộ lũ lụt vào đó, đến mức ca sĩ này đã phải thiết tha kêu gọi những kẻ chủ mưu hãy từ bỏ việc làm thất đức đó đi. Có một người khác còn quá đáng hơn, chủ động liên lạc, khóc lóc với Thủy Tiên về một hoàn cảnh đáng thương của một cặp vợ chồng già trong vùng lũ. Nhưng sau khi đoàn cứu trợ của Thủy Tiên tặng hai cụ 8 triệu đồng và ra đi thì cô gái này yêu cầu hai nạn nhân đưa lại cho cô ta 3 triệu đồng. Thủy Tiên lại mất công đi đòi lại tiền cho nạn nhân từ kẻ bất chính ấy.

Lại có những người cảnh báo, thậm chí đe dọa Thủy Tiên về việc có thể vi phạm pháp luật vì những việc cô đang làm.

Chẳng nhẽ lòng nhân ái, sự từ tâm cũng cần phải được pháp luật cho phép?

Có lẽ chính xã hội chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ về những hiện tượng và tâm lý kỳ lạ này.

Thuỷ tiên bị Những cảnh báo về việc vi phạm pháp luật
Chẳng nhẽ lòng nhân ái, sự từ tâm cũng cần phải được pháp luật cho phép? (Ảnh chụp màn hình clip)

Và những bài học đạo lý từ việc làm của Thủy Tiên

Nhưng bất chấp những điều ấy, Thủy Tiên vẫn miệt mài đi làm từ thiện giữa vùng lũ. Cô cũng dành chút thời gian ít ỏi để trả lời người hâm mộ, qua đó chúng ta cũng thấy được một tâm hồn đẹp, một triết lý nhân sinh rất gần với văn hóa truyền thống.

“Trong thiên tai, giàu nghèo như nhau”

Theo báo Zing, khi được hỏi về cảm xúc khi chứng kiến cuộc sống của người dân vùng lũ, Thủy Tiên bày tỏ sự thương cảm và trả lời: “Ngay tâm điểm lũ lụt thì ai cũng khổ, nhà giàu cũng như nhà nghèo bởi không ai đi làm được, đối diện với nguy hiểm…”

Chẳng phải thiên tai cũng có phần bắt nguồn từ nhân họa? Có những người phá rừng, phá núi, làm ô nhiễm dòng sông, phá hoại môi trường… chung quy cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân, muốn trở nên giàu có, “vinh thân phì gia”. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta đều chung một Mẹ Đất? khi thiên nhiên bị phá hoại, môi trường ô nhiễm, thiên tai giáng xuống thì dù là bậc “phú gia địch quốc” hay hạng “áo miếng quần manh”, “thần thế ngang Trời” hay “dân đen con đỏ”, hết thảy đều chịu chung số phận.

“Người đang làm, Trời đang nhìn”

Khi được hỏi về việc đã có những trường hợp nghệ sĩ kêu gọi được số tiền lớn nhưng bị nghi ngờ thiếu minh bạch, vậy Thủy Tiên có lo lắng việc này không. Cô đã trả lời đại ý rằng: “Khi cô làm đúng thì không có gì phải hổ thẹn với lương tâm, làm từ thiện nghĩa là làm theo tâm của mình, nếu sợ thị phi chỉ trích thì không giúp được nhiều người. Người đang làm và Trời đang nhìn, ai tin cô thì mới gửi tiền cho cô. Trong đời, cô chỉ sợ luật Nhân - Quả.”

Thật vậy, nếu đã tin rằng có Nhân quả, có việc “trên đầu ba thước có Thần linh” và rằng “người đang làm và Trời đang nhìn”... thì không có gì ước thúc con người ta mạnh mẽ hơn nội tâm của chính họ.

Việc gì cũng có hai mặt, nên nhìn theo hướng tích cực

Khi được hỏi rằng suy nghĩ của Thủy Tiên ra sao sau khi chăm chỉ làm từ thiện, cô trả lời đại ý rằng: “ngày xưa cô háo thắng, giờ cô nhận thấy ở đâu cũng có người tốt người xấu, vấn đề gì cũng có hai mặt, quan trọng là cần nhìn theo hướng tích cực.”

Các cụ xưa có câu: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Hàm nghĩa của câu nói ấy không đơn giản nhưng nó có một ý rằng: suy nghĩ tích cực của con người có thể góp phần cải biến hoàn cảnh. “Tướng” chẳng phải chỉ là tướng diện, tướng người mà còn có tướng vật. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du viết: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cũng có mang một phần hàm ý đó.

Danh lợi vô thường, yêu thương vô hạn

Thủy Tiên cũng chia sẻ đại ý rằng: “người ta chết đi chẳng thể mang theo tiền bạc được, chỉ còn lại tình yêu thương, và đó là phúc báu sẽ đi theo mình.”

Đúng là sau tất cả những gì con người đã nhọc nhằn kiếm được và rồi tan biến khi con người đi vào cõi chết, chỉ có phúc đức và tình yêu thương với con người, với cuộc sống là còn mãi. Chẳng vậy mà ông bà ta hay dạy rằng: “Có đức mặc sức mà ăn” hoặc “Có phúc có phần”. Đó mới là tài sản có giá trị trường tồn.

Phúc đức tại mẫu

Thủy Tiên còn nói: “Một phần, tôi học từ mẹ tình yêu thương, chia sẻ. Nhưng để hiểu rõ chân lý ấy trong cuộc sống, tôi phải đọc nhiều sách, kinh Phật. Càng hiểu chân lý đó, mình càng bớt sân si, biết kiên nhẫn, dằn xuống khi nóng nảy.

Do đó, khi dạy con, tôi chỉ dạy Bánh Gạo bài học yêu thương. Tôi không mong Gạo học giỏi, giàu có, chỉ cần con là người hướng thiện.”

Các cụ ta khi xưa vẫn dạy rằng: “Phúc đức tại mẫu” hoặc là “mẹ hiền sinh con tiến sĩ”. Nhờ có tấm gương trong sáng và công lao dưỡng dục của người mẹ hiền mới có những người con giỏi giang, hiếu thảo, sống đẹp. Và họ lại tiếp tục giáo dục những người con của họ như vậy. Cứ như thế mà truyền thống tốt đẹp của dân tộc được tiếp nối qua thế hệ này đến thế hệ khác. Bởi vậy, giáo dục gia đình hết sức quan trọng, trong đó vai trò của người mẹ là vô cùng to lớn.

Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn

Nhưng Thủy Tiên cũng không thể yên tâm xông pha, đương đầu với vất vả khó nhọc nếu cô không có một sự ủng hộ từ chồng con và đại gia đình.

Khi được hỏi rằng Công Vinh nói gì khi vợ kêu gọi được số tiền ủng hộ lớn, cô tâm sự: “Tôi và anh ấy đều cảm thấy vui lắm. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người được giúp đỡ, làm được nhiều việc ý nghĩa. Anh Vinh ủng hộ tôi làm việc thiện nguyện… Tôi có thể làm được những điều mình muốn là bởi cuộc sống gia đình khá ổn định, có thể sắp xếp được công việc. Vợ chồng tôi còn sức lao động, vừa làm chuyên môn và kinh doanh.”

Và rằng: “Chồng thương tôi lắm. Tôi muốn làm gì cũng được. Anh Vinh vẫn gọi tôi là bà nội trong nhà. Như thế không phải mọi việc tôi đều quyết được, những gì liên quan đến chính sự phải nghe anh ấy. Ở Huế mấy ngày, tôi ít nghe điện thoại của chồng. Tôi cũng không dám than mệt, vất vả vì sợ anh la, cằn nhằn…”

Người Việt vẫn có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Những việc to lớn đến đâu, nếu vợ chồng đồng thuận thì đều có thể thu xếp được… nữa là đây là việc tình nghĩa, việc chính đáng, một hành động đẹp.

Lời cầu chúc tốt đẹp đến bà con vùng lũ, ca sĩ Thủy Tiên và các nhà hảo tâm

Hiện vùng tâm lũ là Đồng Hới - Quảng Bình đang có hửng nắng, nhưng theo những người có kinh nghiệm thì trước bão trời cũng thường quang như thế. Theo thông tin dự báo thời tiết, rất có thể sẽ tiếp tục có bão ở miền Trung. Mong rằng Thủy Tiên và đoàn từ thiện của cô cùng rất đông các nhà hảo tâm khác đang trên đường di chuyển vào miền Trung để cứu trợ hãy lưu ý để trước hết giữ an toàn cho bản thân rồi sau đó mới có thể thực hiện việc cứu trợ cho bà con vùng lũ.

Cầu mong bà con miền Trung hãy gắng gỏi chịu đựng và theo dõi cập nhật thông tin dự báo thời tiết để kịp thời đối phó.

Và mong rằng xã hội sẽ tạo điều kiện hết mức để những tấm lòng nhân ái được chia sẻ và hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Xin cảm ơn Thủy Tiên và những tấm lòng nhân ái trong xã hội không chỉ tiếp thêm vật chất cho nhân dân vùng lũ mà còn tiếp thêm niềm tin cho cuộc đời.

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Từ tấm gương của ca sĩ Thủy Tiên nghĩ về những thử thách và bài học đạo lý trên hành trình thiện nguyện