Ca khúc Mama - quà tặng mẹ của Andrea Bocelli: thông điệp của lòng biết ơn và truyền thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, người hâm mộ được thưởng thức ca khúc "Mama", trình diễn bởi danh ca người Ý Andrea Bocelli. Ông hát để tỏ lòng biết ơn mẹ đã giữ lại một thai nhi từ hơn 60 năm trước trong một tình huống nan giải. Chẳng là mẹ ông đã bị viêm ruột thừa khi mang thai ông, bác sĩ khuyên bà bỏ thai nhi vì có nguy cơ cao bị tàn tật khi chào đời. Bà đã từ chối đề nghị này, nhờ đó nhân loại và thế giới âm nhạc đã may mắn có được một danh ca lừng lẫy.

Điều gì đã thành tựu nên "giọng ca đẹp nhất thế giới"?

Andrea Bocelli hát "Mama", khiến tôi bồi hồi như cùng một lúc được gặp lại hai cố nhân.

Đối với tôi, người chưa từng vinh hạnh được gặp mặt Andrea Bocelli, nhưng đã gặp ông cả nghìn lần trên thiết bị nghe nhìn, thì giọng ca của ông giống như một cố nhân. 21 năm trước, tôi bắt đầu biết đến ông qua album Sogno, rồi sau đó là Romanza, Verdi, Sentimento, Amore v.v. một khi đã nghe Andrea Bocelli hát, khó mà không tiếp tục nghe thêm nữa.

Vậy có điều gì đặc biệt ở giọng ca mà nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng David Foster đánh giá là “giọng ca đẹp nhất thế giới” này.

Andrea Bocelli bị mù, bởi ông bẩm sinh thị lực đã kém, đến năm 12 tuổi thì mù hẳn do một tai nạn khi đá bóng cùng chúng bạn. Nhưng khi đôi mắt buộc phải “khép lại”, thì đôi tai phải “mở to” hơn. Vì vậy, người mù thường có thính lực tốt hơn người sáng mắt, và đối với người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, đó là một sự bù đắp.

Người ta cũng nói: “đau khổ làm nên nghệ thuật”. Khi con người gặp phải nghịch cảnh, họ thấm thía hơn nỗi đau cuộc đời, đồng cảm với những số phận bất hạnh, và trân trọng hơn những giá trị cuộc sống. Từ vực sâu của nỗi đau, người ta mơ ước bay tới Thiên đàng của giải thoát, tiến gần đến Chúa, đến Phật, và khi ấy nghệ thuật chân chính là đôi cánh giúp tâm hồn thăng hoa. Giống như lúc sinh thời Mozart đã từng sống nghèo túng, đau ốm, cô độc; Beethoven bị điếc nên mặc cảm, sống không gia đình; Chopin tha hương ôm lòng đau thương nhớ về cố quốc Ba Lan đang bị xâm lược v.v. vì vậy mà hun đúc nên những tác phẩm bất hủ.

Tranh “Chopin lúc lâm chung” vẽ bởi Chiakovsky vào năm 1849. (Nguồn ảnh: Wikipedia).
Tranh “Chopin lúc lâm chung” vẽ bởi Chiakovsky vào năm 1849. (Nguồn ảnh: Wikipedia).

Có câu: “thiên tài là 99% lao động, 1% năng khiếu bẩm sinh”. Từ một cậu bé mù ở vùng quê nghèo khó như Tuscany, mà có thể trở thành danh ca opera vĩ đại nhất đương đại, đấy là nỗ lực vượt khó, là công phu luyện tập của Andrea Bocelli mà ít người làm được. Andrea thường thích trích dẫn câu nói của thi hào Dante: “Ở đâu có ý chí, ở đó có sức mạnh để làm”.

Với Bocelli, giọng hát hay mới là điều kiện cần, để làm một nghệ sĩ thực thụ, ca sĩ cần có trí thông minh, ý chí, tinh thần hy sinh, quyết tâm và đam mê mãnh liệt. Andrea từng trả lời phỏng vấn rằng: “Bạn phải đam mê sống. Nếu bạn muốn người nghe rung động, bạn cần phải có điều gì đáng nói, đó là những giá trị để chan hòa và chia sẻ”.(trích: phunuonline.com, tác giả Lan Anh)

Nhưng cuộc đời cũng biệt đãi Andrea Bocelli. Sinh ra ở một đất nước xinh đẹp có nền văn minh rực rỡ như Italia, xưa kia là La Mã cổ đại, là một điều may mắn với người làm văn nghệ. Ở bên kia Địa Cầu, người Trung Hoa cổ có quan niệm “Thiên nhân hợp nhất”, nơi nào sơn kỳ thủy tú, non nước hữu tình thì con người tương ứng là thân mang tú khí, thông minh mẫn tiệp, xinh đẹp tuấn nhã. Và nếu theo đuổi sự nghiệp hát opera, thì hẳn là không có nơi nào trên trái đất này phù hợp hơn nước Ý.

Nếu như thiên nhiên trầm buồn của mùa đông nước Nga dường như góp phần tạo nên những giọng opera nam trầm (bass) vốn phổ biến nơi đây, thì mùa hè rực rỡ nước Ý lại cần đến những giọng tenor - nam cao diễn cảm nhất để diễn tả nó. Trên khắp thế giới này, không có nơi đâu lại sở hữu nhiều giọng tenor tuyệt đẹp, nhiều huyền thoại opera hơn nước Ý, từ Franco Corelli, Enrico Caruso thuở trước… đến Luciano Pavarotti thời hiện đại và nay là Andrea Bocelli.

Andrea Bocelli có chất giọng tuyệt đẹp, sang trọng và một kỹ thuật ít người sánh kịp. Ông có thể hát một nốt Si-giáng cao vút với một âm lượng rất lớn, nhưng nhanh chóng giảm cao độ và âm lượng một cách tinh tế xuống một nốt thấp và giữ trong vòng 20 giây. Đây là một kỹ thuật mà những người hát chuyên nghiệp gọi là “diminuendo”, thậm chí đến những danh ca opera tài năng nhất cũng không hoàn toàn tự tin thể hiện. Giọng ca của ông rền vang, dày dặn, khi lên cao thì bay bổng sáng bừng như tiếng chuông nhà thờ ngân vang; lúc xuống thấp lại ấm áp ngọt ngào như lời gió xuân thủ thỉ. Dù là đơn ca với những nhạc phẩm như “Melodrama”, “Sogno”, “O sole mio”... hay song ca siêu phẩm “Conte Partiro” (Time to say Goodbye) với Sarah Brightman; “The prayer” với Celine Dion; hay “Vivo Per Lei” với Laura Pausini... thì giọng ca của Andrea Bocelli vẫn là không thể lẫn vào đâu được.

Giọng hát của ông mang thính giả mộ điệu đắm mình vào âm hưởng cổ xưa của những cung điện, quảng trường, đền đài thời La Mã, thời Phục Hưng; lầm rầm thành kính như trước điện thờ Thiên Chúa linh thiêng; phóng khoáng mênh mông như bầu trời màu thanh thiên của Ý Đại Lợi; bừng lên rạng rỡ như ánh nắng vàng óng của vùng Địa Trung Hải; hay thơm phức mùi lúa mì, xanh rợp màu oliu của xứ Tuscany quê ông.

Vương cung thánh đường St Mark tại Venice, Ý. (Ảnh của Marco Sabadin / AFP qua Getty Images)
Giọng hát của ông mang thính giả mộ điệu đắm mình vào âm hưởng cổ xưa của những cung điện, quảng trường, đền đài thời La Mã, thời Phục Hưng. (Ảnh của Marco Sabadin / AFP qua Getty Images)

Tất cả những điều ấy hợp nhất lại, mới tạo ra một giọng ca vĩ đại của thế giới opera. Tuy vậy, hình như để tạo nên một Andrea Bocelli ngày nay, chừng ấy vẫn là chưa đủ.

Nếu nói nét vẽ mang trải nghiệm cuộc đời của họa sĩ, thì giọng hát cũng là lịch duyệt của tâm hồn người ca. Điều khiến cho giọng hát Bocelli vốn đã thiên phú, trở nên càng truyền cảm hơn là bởi vì tâm hồn ông thấm đẫm truyền thống. Trong Andrea Bocelli, người ta tìm thấy một con chiên ngoan đạo, một người hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, vào Đấng Sáng Tạo. Ông đã từng trả lời khi được phỏng vấn về đức tin vào Đấng Sáng Tạo như sau:

“Với tôi, tôi xem đó là lẽ sống của tôi, bởi vì cuộc sống, ngay cả khi nó kéo dài 100 năm, chỉ là một phân đoạn không đáng kể so với vĩnh cửu. Nếu cuộc sống không tồn tại... một cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống này sang cuộc sống khác, thì khi đó mọi thứ sẽ mất hết ý nghĩa. Mà vì đức tin của tôi đến từ một lý luận cực kỳ đơn giản: tôi không nghĩ có đồng hồ mà không có thợ làm đồng hồ. Tôi không nghĩ người ta có thể tạo ra một cái gì đó mà không có người thiết kế. Vì thế, tôi có đức tin, tôi tin vào Đấng đã tạo ra thế giới.”

Và rằng:

“...bất cứ ai đặt cuộc sống của mình trong tay của Đấng tạo dựng ra mình, Đấng đã muốn có chúng ta, Đấng mong muốn và yêu thương mình, thì mình đã đặt đời sống vào bàn tay tốt lành.” (trích: Marta An Nguyễn dịch từ cuộc phỏng vấn Andrea Bocelli của nhà báo Colm Flynn).

Andrea Bocelli cũng trải nghiệm một số dòng nhạc khác nhau, nhưng ông luôn khẳng định rằng: "nhạc cổ điển là không gì có thể thay thế, và đó mới là nguồn cội của con người ông, là truyền thống âm nhạc mà ông đeo đuổi".

Một người trân trọng truyền thống ắt phải là người trân trọng gia đình. Andrea nói rằng: “gia đình là điểm tham chiếu quan trọng nhất” cuộc đời tôi.

Và đó là một phần lý do ông hát tặng mẹ mình ca khúc Mama, một ca khúc nổi tiếng từ những năm 40 của thế kỷ trước.

"Mama" - nhạc phẩm bất hủ về lòng mẹ

Ở Việt Nam, những người có độ tuổi từ ngoài 40 trở lên chắc hẳn vẫn còn nhớ kỷ niệm những năm 80 thế kỷ trước, thời mà du học sinh Đông Âu, nhiều nhất từ Liên Xô, thường mang về những chiếc đĩa nhạc bằng nhựa, trong đó rất được ưa chuộng là những ca khúc của thần đồng nước Ý Robertino Loretti. Trong đó, "Mama" luôn được nhắc đến như nhạc phẩm có thể làm tan chảy cả những tâm hồn khô cằn nhất.

“Mama” hay “Mamma son tanto felice”, được sáng tác bởi Cesare Andrea Bixio và Bixio Cherubini vào năm 1940, là một trong những ca khúc hay nhất về mẹ.

Làm sao có thể dửng dưng trước giọng hát thánh thiện, cao vút, trong vắt và ngọt ngào; và lời ca xao xuyến của tình yêu con thổ lộ với mẹ.

“Tim con rung lên khi nghe tiếng mẹ
Ôi thân yêu như tiếng ca ban chiều
Vang bên tai con bao lời ân tình
Nghe sao bao âu yếm sưởi ấm tâm hồn
Mẹ mừng vì giờ đây con đã trở về
Mẹ nhìn con mỉm cười âu yếm
Ôi mẹ!
Cả cuộc đời con chỉ ôm ấp hình bóng mẹ
Ôi mẹ!
Thật đẹp tuyệt vời bao hạnh phúc sống bên mẹ
Con ca lên khúc ca ân tình
Nay bao xa cách đã qua rồi
Con nâng niu ôm lấy cánh tay mẹ yêu
In trong tim con mẹ mến yêu
Ôi mẹ!
Dịu dàng âu yếm như con ngày ấu thơ
Qua rồi, năm tháng mong chờ
Từ nay con sẽ sống bên mẹ mến yêu trọn đời.”
(Bản dịch tiếng Việt)

Ở Việt Nam, có nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này, thành công nhất là ca sĩ Hải Vân vào những năm 80-81 thế kỷ trước. Nhưng cũng như Robertino Loretti khi lớn lên bị mất giọng và không theo nghiệp ca hát nữa, ca sĩ nhí Hải Vân sau này cũng không đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Hình như có một định mệnh kỳ lạ nào đó khiến cho "Mama" chỉ được ca lên một lần vào thời kỳ đỉnh cao nhất về giọng ca, cảm xúc và tình cảm trong sáng tha thiết của những nghệ sĩ này, gửi tới tình mẹ vĩ đại.

Tình mẫu tử là tình cảm vĩ đại nhất của con người (Ảnh: Được phép của Mihaela Noroc)

Đó là ca khúc đã đi cùng năm tháng tuổi trẻ của tôi và nhiều người ở thế hệ trước. Và giờ chúng ta quay trở lại với Andrea Bocelli để nghe lời yêu thương gửi đến mẹ của một người con trưởng thành.

"Mama" - thông điệp của lòng biết ơn gửi tới mẹ và quan điểm chống phá thai của Andrea Bocelli

Ở phương Tây ngày nay, truyền thống cũng dần dần mai một. Nhiều người đang ủng hộ, cổ xúy những thứ văn hóa xa lạ biến dị như là hôn nhân đồng tính; tự do chuyển giới và lựa chọn giới tính; giải phóng tình dục; và cả phá thai.

Đối với văn hóa truyền thống bất kể ở phương Đông hay phương Tây, thì phá thai cũng là một tội ác không thể dung thứ. Những người Thiên Chúa Giáo ngoan đạo đều hiểu rằng: chỉ có Thiên Chúa mới quyết định sự sống chết của một sinh mệnh. Nên với Nhà thờ trước đây, phá thai là một tội ác và luôn luôn bị lên án.

Văn hóa Thần truyền phương Đông coi phá thai là sát sinh. Bởi vì khi thai nhi bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, thì đã có sinh mệnh được rót vào. Hơn nữa, con cái là duyên nợ kiếp trước của cha mẹ. Con cái có thể đến để trả nợ hay để đòi nợ. Nếu con cái lành lặn, xinh đẹp, ngoan ngoãn giỏi giang và báo hiếu cha mẹ, thì đó là vì cha mẹ đã tích được nhân lành kiếp trước với con. Ngược lại, nếu con cái tàn tật, hư hỏng, phá phách, gây vạ hay làm khổ cha mẹ, thì đó là đến để đòi nợ kiếp trước. Đa số là vay trả lẫn lộn, mà đã có vay thì phải có trả, đó là quy luật của vũ trụ.

Bởi thế, phá thai dù với bất cứ lý do gì nghe có vẻ hợp lý đến đâu, từ quan điểm truyền thống, đó cũng là sự chối bỏ trách nhiệm, phủ nhận Nhân - Quả.

Cũng không ai có thể đoan chắc về tương lai của thai nhi, khoa học cũng vậy. Nếu người bác sĩ khuyên mẹ của Andrea Bocelli bỏ thai mà biết rằng thai nhi này về sau có thể trở thành một người tốt, một danh ca lừng danh thế giới, thì chắc hẳn ông không dám mạo muội đưa ra lời khuyên ấy.

Bởi vậy Andrea Bocelli biết ơn mẹ đã quyết định sinh ra ông, biết ơn Đấng Sáng Tạo đã tạo cho ông sự sống và chỗ dựa của đức tin trong cả những thời điểm khó khăn nhất, biết ơn truyền thống âm nhạc nước Ý đã hun đúc nên tài năng của ông. Và qua ca khúc "Mama" này, ông cũng thể hiện quan điểm chống phá thai của mình.

Ông trả lời phỏng vấn của tờ The Telegraph như sau: “Tôi ủng hộ quyền được sống. Đương nhiên là đối với cá nhân tôi thì tôi không đồng ý với suy nghĩ có thể tùy tiện kết thúc một sinh mệnh nào đó… Tôi đã cố gắng hết khả năng để cho họ thấy một ví dụ và làm gương, vì tôi tin rằng đây là cách duy nhất.” (theo trithucvn.org)

Cuộc sống của loài người chúng ta, nếu thiếu tình mẫu tử vĩ đại; tình cảm gia đình; đức tin vào Đấng Sáng Tạo; những giá trị truyền thống và tín ngưỡng; những lời ca tiếng nhạc đẹp đẽ cao thượng tô điểm cho đời sống và tâm hồn - điều phân biệt chúng ta với máy móc, động thực vật và người ngoài hành tinh - thì nó còn ý nghĩa gì nữa?

Và nếu không có những điều ấy, làm sao thành tựu được Andrea Bocelli và các ca khúc là tuyệt phẩm để đời của ông.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả Nguyên Phong, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Ca khúc Mama - quà tặng mẹ của Andrea Bocelli: thông điệp của lòng biết ơn và truyền thống