Bữa cơm tất niên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã có mấy lần gia đình họ định ra ngày ăn tất niên nhưng cuối cùng đều vì Thanh mà phải chuyển sang ngày khác. Lúc thì nó trùng với buổi tất niên của hội tennis, lúc lại trùng với lịch tất niên của hội doanh nhân, lúc lại trùng với lịch ăn uống của hội đồng nghiệp cũ của Thanh...

(Kính tặng các gia đình Việt)

Đã 9h30 tối 28 Tết, bà Hà - mẹ của Thanh, cứ sốt ruột đi ra đi vào. Bên mâm cơm tất niên nguội tanh chỉ còn mấy người lớn ngồi lại chờ Thanh về, còn lũ trẻ con không đợi nổi đã ăn trước và đang nô nghịch. Bố Thanh - ông Dần im lặng chẳng nói gì, mắt cắm vào màn hình TV trước mặt mà hồn đang để ở đâu đâu. Hai vợ chồng cô em gái Thanh thì đang chuyện trò với nhau về việc đến mùng 3 Tết sẽ xuất ngoại du lịch. Còn vợ Thanh thì liên tục nhắn tin và gọi điện cho anh, vẻ bực tức lộ ra mặt.

Đã nửa tháng nay Thanh hoàn toàn không ăn cơm ở nhà. Thực ra, trong năm Thanh cũng ít khi ăn cơm ở nhà. Anh làm kinh doanh, là người quảng giao, có nhiều mối quan hệ nên anh hay dùng bữa tối với các đối tượng khác nhau. Có lúc là ăn tối với đối tác kinh doanh. Có khi là bạn bè đồng nghiệp rủ nhau đi nhậu. Có khi thì nhậu với hội nọ nhóm kia. Lại có lúc sếp giữ anh lại nhậu để tiện thể bàn công việc... điệp khúc “nhậu, nhậu nữa, nhậu mãi” cứ liên miên không dứt.

Nhưng đến gần Tết thì cả ngày nghỉ cũng chẳng thấy Thanh ăn cơm ở nhà, anh đi ăn tất niên. Bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp đã có những buổi tất niên đầu tiên. Những hội đông người mà các thành viên ít có mối liên hệ thì thường hay tổ chức sớm như e sợ đến “chính vụ” sẽ bị cạnh tranh mất người.

Bữa cơm Tất niên đầu tiên là ở khu chung cư họ cư trú. Thôi thì cả năm đi vắng, chả có lúc nào ngồi trò chuyện giao lưu với hàng xóm, các cụ mình dạy “bán anh em xa mua láng giềng gần”, phải biết ai ở cạnh mình để lúc “tối lửa tắt đèn” còn có nhau chứ. Do vậy, cả ông Dần, bà Hà và vợ chồng Thanh đều cùng góp mặt trong bữa cơm tất niên được tổ chức ngay tại sảnh của khu chung cư của họ. May là bữa ấy làm vào trưa Chủ Nhật.

“Bữa ăn tất niên là để tăng cường giao lưu, chia sẻ tình cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong cùng khu nhà. Với lại, cả năm mới có một ngày”. Họ nói thế thì sao mà không đi được chứ. Được cái, việc nấu nướng dọn dẹp thì không phải lo, đã có dịch vụ nấu cỗ và thu dọn. Chỉ cần đóng tiền, đến ăn, xong thì về. Nhưng đấy là với các ông bà già; còn với người đang tuổi cống hiến và quảng giao như Thanh thì nào có được về ngay. Bữa trưa tất niên thường là thông đến bữa chiều. Rồi Thanh lảo đảo, khật khưỡng chia tay hàng xóm về căn hộ của mình để đợi đến các dịp lễ tết quan trọng khác anh lại tiếp tục lảo đảo khật khưỡng sau những bữa ăn giao lưu chia sẻ tình cảm.

Sau hôm đó thì mật độ các bữa Tất niên bắt đầu dày lên.

Đã có mấy lần gia đình họ định ra ngày ăn tất niên nhưng cuối cùng đều vì Thanh mà phải chuyển sang ngày khác.
Đã có mấy lần gia đình họ định ra ngày ăn tất niên nhưng cuối cùng đều vì Thanh mà phải chuyển sang ngày khác.

Hội bạn cấp 3 của Thanh rủ nhau ăn Tất niên vào tối 12 tháng Chạp. Hội bạn đại học thì ăn tất niên vào tối hôm sau. Rồi trong hội bạn lớn, lại có hội mấy người bạn chơi thân với nhau cũng “ăn mảnh”, tức là tổ chức ăn tất niên riêng. Ngoài ra còn có hội tennis, hội chạy bộ, hội doanh nhân, hội đồng nghiệp cũ... thậm chí mấy ông bạn thích chơi cây cảnh với Thanh sau khi rủ nhau đi mua đào Thất Thốn về cũng phải rủ nhau “làm bữa tất niên”.

“Cả năm chỉ có một lần. Bác (chú) mà về thì coi anh em chẳng ra gì”. Nghe mà phát ngại.

Đấy là chưa kể những ngày này, hôm nào Thanh cũng phải đi biếu quà Tết cho khách hàng. Thời gian này được ngồi với họ quý lắm. Cả năm mới có một thời điểm thuận tiện nhất để ngồi tâm sự với khách hàng xem họ có hài lòng với mình không. Thường là Thanh phải chủ động mời họ đi nhậu, đi giao lưu để thắt chặt thêm quan hệ với bạn hàng, đối tác. Với những khách hàng thân thiết thì bữa tất niên có thể kéo dài từ trưa đến tối là thường.

“Anh ạ, cả năm mới có một dịp anh em mình ngồi với nhau thế này. Em thật, bác là khách hàng ruột của bên em đấy. Được ngồi với bác nghe bác tâm sự là quý lắm đấy”. Đấy là giọng điệu thường thấy của Thanh.

Nhưng không phải ai Thanh cũng mời đi ăn tất niên được. Không phải vì họ coi thường anh mà vì họ cũng còn những mối quan hệ khác, những bữa tất niên khác cần phải tham gia. Cái đó, Thanh hiểu. Cả Thanh và họ đều cân nhắc lợi hại trong từng mối quan hệ mà phân chia thời gian sao cho hợp lý.

“Giàu vì bạn, sang vì vợ”, Thanh nghĩ thế. Cứ quan hệ cho tốt biết đâu có lúc còn nhờ vả. Vì vậy, Thanh không muốn làm mất lòng một ai, từ chối một ai... nên cứ miễn còn sức đi là Thanh tham gia hết. Có lần Thanh phải ăn tất niên hai đám trong một buổi trưa; ngồi chưa nóng chỗ đám này, anh lại phải chạy đám khác. Tất nhiên, Thanh không thể nói toẹt ra lý do rời tiệc được, anh phải chuẩn bị sẵn trong đầu nhiều phương án, nhiều lý do cho việc về sớm, như là:

“Các bạn thông cảm, cháu ở nhà đang sốt mà mẹ nó lại đi vắng”.

Thanh không muốn làm mất lòng một ai, từ chối một ai... nên cứ miễn còn sức đi là Thanh tham gia hết.
Thanh không muốn làm mất lòng một ai, từ chối một ai... nên cứ miễn còn sức đi là Thanh tham gia hết.

“Các anh thông cảm, trưa nay nhà em có cái giỗ, khách đang ngồi đợi ở nhà, em lại là trưởng nam”.

“Các anh thông cảm, em dạo này gan kém, đang uống thuốc bắc, không uống rượu được”

“Các anh thông cảm...”

Có lúc Thanh cũng dứt ra được sau rất nhiều chèo kéo, có lúc đành ngồi lại chịu trận và nhắn tin với đám kia để xin đến muộn. Có lúc “các anh” cũng “thông cảm” cho Thanh đi, vì người ta nói “lòng vả cũng như lòng sung”. Có những người cũng biết tỏng là Thanh đang phải “chạy xô”. Thì họ cũng vậy mà. Nhưng cái cơ thể này thì không “thông cảm” cho Thanh được. Sau nhiều trận ăn uống, Thanh cứ nhìn thấy thịt là buồn nôn, thấy rượu là chóng mặt. Và thường để có thể tiếp tục ăn, tiếp tục uống ở “tăng 2”, anh phải vào nhà vệ sinh móc họng cho rượu thịt trôi ra bớt.

“Sau đợt tất niên này, phải đi kiểm tra lại mỡ máu và axit uric mới được. Gan cũng cần kiểm tra”. Thanh nghĩ.

Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, chả biết lúc nào mới làm được.

Và hôm nào Thanh cũng về nhà trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, người sặc sụa mùi rượu. Có lúc anh say quá nằm vật lên giường mặc cho vợ con bịt mũi. Rồi sáng ra cái điệp khúc ấy lại lặp lại.

Từ ngày 15 tháng Chạp, bà Hà đã nói với các con:

“Các con sắp xếp một buổi về đây ăn tất niên. Cả năm các con bận rộn công việc, chẳng mấy khi cả gia đình được ngồi chung với nhau. Tiệc Tất niên ngày trước là bữa ăn cuối năm chỉ dành cho gia đình. Nay các con nhiều công nhiều việc, nhiều bạn nhiều bè, mẹ cũng hiểu thời đại hiện nay có khác, nhưng ít ra cũng phải có chút thời gian dành cho gia đình. Bố mẹ chắc cũng không sống được mãi, bọn trẻ thì chúng lớn nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại là chúng không còn ngồi với các con nữa đâu”.

mẹ cũng hiểu thời đại hiện nay có khác, nhưng ít ra cũng phải có chút thời gian dành cho gia đình. Bố mẹ chắc cũng không sống được mãi, bọn trẻ thì chúng lớn nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại là chúng không còn ngồi với các con nữa đâu
...Mẹ cũng hiểu thời đại hiện nay có khác, nhưng ít ra cũng phải có chút thời gian dành cho gia đình. Bố mẹ chắc cũng không sống được mãi, bọn trẻ thì chúng lớn nhanh lắm...

Nghe bà Hà nói vậy, các con bà nhìn nhau. Ông Dần ít nói, chỉ lặng yên quan sát xem thái độ các con ông thế nào. Cả nhà đều đồng ý với bà Hà, kể cả Thanh.

Nhưng họ chỉ đợi Thanh để lên kế hoạch tất niên mà không được.

Đã có mấy lần gia đình họ định ra ngày ăn tất niên nhưng cuối cùng đều vì Thanh mà phải chuyển sang ngày khác. Lúc thì nó trùng với buổi tất niên của hội tennis, lúc lại trùng với lịch tất niên của hội doanh nhân, lúc lại trùng với lịch ăn uống của hội đồng nghiệp cũ của Thanh... cứ như vậy thay đổi đến 3, 4 lần. Lùi mãi, cuối cùng chốt lại là tối ngày 28 Tết, không thay đổi nữa.

Nhưng đến chiều ngày 28 Tết thì Thanh nhắn tin về cho mẹ và vợ:

“Cả nhà cứ ăn trước đi. Trưa nay công ty con ăn tất niên. Giám đốc hẹn một số anh em thân thiết ở lại sau có việc”.

Bà Hà thở dài, nhắn lại cho con trai:

“Con cố gắng kết thúc sớm. Cơm nước xong xuôi rồi. Cả nhà chỉ chờ con về để bắt đầu thôi”.

Còn vợ Thanh thì nhắn thế này:

“Anh vừa phải thôi, liệu mà về. Nếu không là không có Tết nhất gì đâu”.

Thế nhưng, Thanh về làm sao được. Giám đốc đã lệnh ở lại thì việc gì cũng thành thứ yếu hết. Mấy ai mà được lãnh đạo ưu ái thế. Có dở hơi mới về.

Và thế là gia đình anh cứ chờ mãi.

Đã quá 12h đêm, Thanh mới về đến nhà, người anh lại sặc sụa mùi rượu. Người lái xe ôm chở Thanh về tới cửa nhà, Thanh rút ví lấy đại một tờ bạc 500 nghìn đưa cho anh ta. Rồi chả cần để ý đến tiền thừa, anh quay lưng đi vào nhà. Nhưng Thanh đứng không vững, anh ngã vật ra hè, miệng nôn thốc nôn tháo.

Ở nhà, mọi người đã đi ngủ. Nghe thấy tiếng động, bà Hà bật đèn, gọi vợ và các em Thanh dìu anh vào trong. Được lau mặt lau mình, Thanh hơi tỉnh ra một tí. Anh lần về phòng ngủ nhưng vợ anh nhất quyết không để anh vào.

Sáng hôm sau, vợ Thanh lẳng lặng đưa con về nhà ngoại khi Thanh còn đang say ngủ. Cô cũng không quên nói lý do và xin phép bà Hà, ông Dần. Đã biết tính cương quyết của con dâu, Bà Hà, ông Dần cũng không thể giữ lại được.

Thanh tỉnh dậy khi đã gần trưa. Anh nhìn sang bên, chiếc giường trống không. Anh ra phòng khách. Bà Hà đang ngồi ở đó nhìn anh trách móc.

Rồi chả cần để ý đến tiền thừa, anh quay lưng đi vào nhà. Nhưng Thanh đứng không vững, anh ngã vật ra hè, miệng nôn thốc nôn tháo.
Thanh rút ví lấy đại một tờ bạc 500 nghìn đưa cho anh ta. Rồi chả cần để ý đến tiền thừa, anh quay lưng đi vào nhà. Nhưng Thanh đứng không vững, anh ngã vật ra hè, miệng nôn thốc nôn tháo.

Thanh hỏi mẹ:

“Nhà con với các cháu đâu hả mẹ?”

Bà Hà thở dài nhìn ra chỗ khác:

“Gia đình con ở đâu, sao con lại hỏi mẹ?”

Thanh ngạc nhiên:

“Có chuyện gì không mẹ? Con chỉ không về ăn một bữa cơm. Có gì là quan trọng?”

Bà Hà giọng rầu rầu:

“Con ạ. Đâu chỉ có một bữa cơm. Cả năm trời con tính xem ăn được bao nhiêu bữa cơm với gia đình?”

Thanh hơi bực mình, anh gắt nhẹ:

“Mẹ và cả nhà cứ làm như con sướng lắm đấy. Con phải cố gắng như vậy để gia đình được sung sướng, đầy đủ, để vợ con và các cháu không phải khổ”.

Mẹ anh dịu dàng:

“Thanh ơi. Nhưng con đã trở thành nỗi khổ của họ rồi đấy”.

Bà ngừng lời một lát rồi nói:

“Con nghĩ xem, ngoài việc kiếm tiền về cho gia đình con, con đã mang lại điều gì cho họ? Cả năm cha con con có mấy khi được nhìn thấy mặt nhau? Lúc con về thì các cháu đã ngủ, lúc con đi làm thì chúng nó chưa dậy. Đến cả cuối tuần, ngày vợ chồng con cái tập trung đông đủ thì con lại ra ngoài vui bạn vui bè. Con đã bao giờ ngồi nói chuyện với các con con chưa? Hỏi xem chúng nó đi học thế nào, học được cái gì, đang nghĩ gì... để còn uốn nắn dạy bảo. Lúc chúng đang hình thành nhân cách rất cần vai trò giáo dục của một người cha mà con thì cứ biền biệt. Nào có phải con công tác xa nhà cho cam.

Còn vợ con nữa. Con nghĩ thế nào khi quanh năm nó phải chờ con về ăn cơm tối? Còn bao nhiêu việc vợ chồng phải tâm sự bàn bạc, con làm được đến đâu? Hay chỉ nghĩ rằng vứt một cục tiền cho vợ muốn xoay xở thế nào cũng được là xong trách nhiệm? Lúc nào con cũng về muộn, người sặc sụa mùi rượu. “Bệnh từ miệng vào”. Con ăn nhậu tàn phá thân thể con như thế, một ngày bệnh tật đổ ụp xuống thì khổ ai?”

Thanh nín lặng. Không thể nói thêm được điều gì.

Hay chỉ nghĩ rằng vứt một cục tiền cho vợ muốn xoay xở thế nào cũng được là xong trách nhiệm? Lúc nào con cũng về muộn, người sặc sụa mùi rượu. “Bệnh từ miệng vào”. Con ăn nhậu tàn phá thân thể con như thế, một ngày bệnh tật đổ ụp xuống thì khổ ai?”
...Hay chỉ nghĩ rằng vứt một cục tiền cho vợ muốn xoay xở thế nào cũng được là xong trách nhiệm? Con ăn nhậu tàn phá thân thể con như thế, một ngày bệnh tật đổ ụp xuống thì khổ ai?”

Bà Hà chốt thêm một câu:

“Một bữa cơm tất niên không chỉ là một bữa cơm. Nó là dịp sum họp gia đình. Đối với riêng con, nó là cơ hội mà con còn rất ít để không đẩy vợ con con ra xa thêm nữa. Nhưng con đã vượt quá giới hạn rồi”.

Bà Hà đứng dậy, đi vào nhà trong. Thanh ngồi đó và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc, thói quen mà bao lâu nay anh đã đánh mất khi trôi nổi trong các cuộc nhậu.

Tết năm đó, vợ con Thanh ở miết bên đằng ngoại, không về. Thanh có sang thuyết phục thế nào, vợ anh cũng không về. Tính chị xưa nay hay nhẫn nhịn. Nhưng cũng như người ít ốm, đã ốm là hay ốm thật nặng. Vợ anh ít khi làm mình làm mẩy nhưng đã giận là giận thật lâu.

Thanh cũng chẳng còn lòng dạ nào mà đi đâu nữa, cả ngày anh chỉ luẩn quẩn trong nhà và suy nghĩ. Tết nhất thật buồn. Bạn bè đến rủ anh đi chơi, anh cũng cáo lỗi ở nhà.

Nhưng ở nhà mãi cũng chán. Mùng 3 Tết, Thanh quyết định đi ra ngoài cho khuây khỏa. Đến đầu phố, anh gặp ba bố con người hàng xóm bán vé số đang đi chơi Tết. Họ ăn vận thật xoàng xĩnh, nhưng hai đứa trẻ cứ quấn lấy bố ríu rít kể hết chuyện ở trường lớp, bạn bè, thầy cô... đến bất cứ chuyện gì lọt vào đôi mắt trẻ thơ của chúng, điều mà Thanh chưa bao giờ có được với các con mình. Hai đứa trẻ nhìn thấy bộ tranh truyện mà chúng ưa thích và rụt rè hỏi bố chúng mua. Người cha hơi lúng túng sờ tay vào túi. Bọn nhỏ biết ý nói lảng sang chuyện khác, thế là cả ba cha con họ lại vui vẻ. Người cha hứa với chúng sẽ mua cho chúng bộ tranh truyện khi ông có tiền.

Thanh bước lại tươi cười chúc Tết, hỏi thăm họ và anh rút tiền mừng tuổi hai đứa nhỏ. Chúng đã có thể có bộ truyện tranh mà chúng ưa thích. Họ hết sức cảm kích và cảm ơn anh, rồi ba bố con họ lên đường đi chúc Tết.

Thanh hơi tần ngần nhìn theo hai đứa trẻ, vẫn đang lí lắc cười nói với người cha dịu dàng của chúng. Trong lòng anh như dậy lên một điều gì thật lạ, nhưng cũng thật sáng sủa và ấm áp. Phải rồi, anh sẽ nghiêm chỉnh nhận lỗi với vợ con mình. Anh sẽ làm tốt hơn vai trò của một người cha. Bạn bè vẫn phải có nhưng không thể bỏ rơi gia đình được. Đồng tiền cũng quan trọng, nhưng chỉ có thể mua được một ngôi nhà và các tiện nghi, chẳng thể đem lại một mái ấm.

Lòng Thanh rạo rực, anh đã quyết định. Năm mới thực sự đã đến với anh rồi.

Thanh Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Bữa cơm tất niên