Bốn cách nuôi dạy con và cách mà các nhà nghiên cứu cho là thành công nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trẻ em phát triển như thế nào là phụ thuộc vào định hướng của cha mẹ từ khi con nhỏ. Vì vậy mà các bậc cha mẹ thật sự rất trăn trở trong việc lựa chọn cách giáo dục phù hợp để con cái trở thành những đứa trẻ có tinh thần vững vàng, nhân cách toàn diện và thành công. Một số cha mẹ nghiêm khắc, một số thì lại khoan dung. Một số thì rất quan tâm con cái, số khác thì lại thờ ơ.

Bạn đã từng nghĩ rằng “Mình muốn trở thành kiểu cha mẹ nào hay không?”

Bốn phong cách nuôi dạy con cái

Theo thống kê dựa trên công trình nghiên cứu tâm lý học trẻ em của Nhà tâm lý học và phát triển Diana Baumrind cùng các nhà nghiên cứu Eleanor Maccoby và John Martin của Stanford, hiện có bốn kiểu nuôi dạy con chính là: nuông chiều, quyết đoán, phó mặc và độc đoán.

Mỗi phong cách nuôi dạy đều có những sự ảnh hưởng khác nhau đến hành vi của trẻ và có thể hình thành đặc điểm nhất định nào đó cũng như là mức độ đáp ứng (mức độ mà cha mẹ nhiệt tình và nhạy cảm với những nhu cầu của con) và những đòi hỏi (mức độ cha mẹ kiểm soát trẻ).

1. Cha mẹ dễ dãi, nuông chiều

Đặc điểm thường thấy ở các bậc cha mẹ này là: khả năng đáp ứng cao; yêu cầu thấp, giao tiếp cởi mở và thường để cho con cái tự quyết định hơn là đưa ra định hướng cho trẻ; không đặt ra hoặc là rất ít các quy tắc và mong đợi; bao bọc con cái được hạnh phúc bằng chi phí của họ.

Kiểu cha mẹ nuông chiều thường đóng vai trò là những người bạn hơn là nuôi dạy con. Họ có xu hướng né tránh xung đột và thường chấp nhận ngay những nhu cầu của con cái khi chúng mới vừa tỏ vẻ cau có khó chịu. Đa phần kiểu cha mẹ này cho phép con làm bất cứ những gì chúng muốn mà không đưa ra lời khuyên hay hướng dẫn gì cho chúng.

Những đứa trẻ trưởng thành trong các gia đình này thường có xu hướng ích kỷ, nóng nảy, kiểm soát hành vi kém, ứng xử bộc phát và không nghe lời...

2. Kiểu cha mẹ có uy và quyết đoán

Thật không khó để hình dung các bậc cha mẹ có uy và quyết đoán là như thế nào: đáp ứng cao, đòi hỏi cao; đặt ra các quy tắc và kỳ vọng rõ ràng cho con đồng thời rèn luyện tính linh hoạt và thấu hiểu; giao tiếp thường xuyên, lắng nghe và quan tâm những suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến của con; cho phép những hậu quả tự nhiên xảy đến, ví dụ: bài kiểm tra của trẻ không đạt do trẻ không học tốt, cha mẹ sẽ tận dụng cơ hội này để trẻ suy ngẫm và rút ra bài học.

Kiểu ba mẹ có uy và quyết đoán sẽ luôn nuôi dưỡng tốt, khuyến khích, hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu của con. Họ hướng dẫn con qua những cuộc thảo luận cởi mở và chân thành để dạy cho con những giá trị sống. Qua nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng những đứa trẻ được nuôi nấng trong các gia đình cha mẹ theo phong cách này sẽ có xu hướng tự kỷ luật tốt, tự kiểm soát và có thể tự suy nghĩ, đánh giá rủi ro một cách an toàn...

Dù không gần gũi với con như mẹ nhưng trên thực tế vai trò, trách nhiệm của cha cũng không kém phần quan trọng, con trẻ không thể thiếu sự dạy dỗ, chỉ bảo của cha. (Ảnh: Piqsels)
Kiểu ba mẹ có uy và quyết đoán sẽ luôn nuôi dưỡng tốt, khuyến khích, hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu của con.. (Ảnh: Piqsels)

3. Kiểu cha mẹ thờ ơ, phó mặc

Các bậc cha mẹ này thường: đáp ứng thấp, đòi hỏi thấp; hầu hết để cho con tự xoay sở, có lẽ họ không quan tâm đến nhu cầu của con, hoặc có thể họ đang quá tải với thứ khác; dành cho con ít sự quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn; thường tranh phải trái cho các vấn đề lòng tự trọng cá nhân và cũng khó xây dựng các mối quan hệ thân thiết.

Kiểu cha mẹ phó mặc này có thể mô tả ngắn gọn là kiểu cha mẹ hờ hững, thờ ơ. Họ tương tác giới hạn với con và cũng ít khi đặt ra các nguyên tắc sống trong sinh hoạt cho trẻ. Trong một số trường hợp thì kiểu cha mẹ này có thể từ chối và không đoái hoài gì đến cuộc sống của con.

Trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình có phong cách phó mặc sẽ thể hiện lòng tự trọng thấp kém, có xu hướng học tập kém ở trường, vô cảm với mọi thứ xung quanh. Có nhiều bốc đồng, không thể thể hiện được cảm xúc tích cực. Trẻ có xu hướng phạm pháp và dính vào các chất kích thích, ma túy. Có nhiều vấn đề tâm thần hơn, ví như hành vi tự sát ở thanh thiếu niên.

4. Kiểu cha mẹ độc đoán

Kiểu nuôi dạy cứng rắn này thường áp dụng các kỷ luật nghiêm khắc và biện minh rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ luôn muốn kiểm soát tất cả hoạt động của con, nói chuyện với con như kiểu ra mệnh lệnh, không muốn nghe giải thích và quan tâm đến cảm xúc của con.

Cha mẹ độc đoán thường đòi hỏi cao nhưng đáp ứng thấp; thực thi các nguyên tắc một cách nghiêm khắc mà không quan tâm đến cảm xúc hay nhu cầu hành vi và cảm xúc tự nhiên của trẻ; thường xuyên trả lời “bởi vì bố mẹ đã nói vậy” khi trẻ hỏi lý do của nguyên tắc hay hậu quả nào đó; có khuynh hướng giao tiếp một chiều từ cha mẹ truyền đến con cái.

Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình có cha mẹ độc đoán này thường sẽ bị khuyết về tinh thần như hay nổi giận, chống phá, nhút nhát, tự ti hoặc sẽ là những đứa trẻ không nghe lời, thích gây gỗ và hay nói dối để không bị phạt.

Đọc đến đây thì bạn thấy mình phù hợp với phong cách dạy con nào?

Các nhà nghiên cứu cho rằng kiểu cha mẹ có uy và quyết đoán, nhiều khả năng nuôi dạy con cái trở thành những đứa trẻ độc lập, tự chủ và đầy đủ năng lực xã hội. Khi trẻ trưởng thành sẽ không bị các vấn đề sức khỏe tinh thần, không gặp khó khăn trong các mối quan hệ, cũng không lạm dụng chất kích thích hay lòng tự tôn thấp. Thì đây lại là vấn đề dễ thấy ở những trẻ lớn lên trong sự độc đoán, thờ ơ và nuông chiều của cha mẹ.

Các cha mẹ thành công biết khi nào cần thay đổi phương pháp dạy con, điều này phụ thuộc vào điều kiện và tính cách trẻ. Cha mẹ nghiêm khắc cũng có thể nuông chiều con, ví dụ khi trẻ bị ốm, cha mẹ vẫn thể hiện tình yêu thương ấm áp và bỏ qua một số kiểm soát, ví dụ: con có thể ăn chút kem sau bữa trưa hoặc tối.

Cha mẹ nuông chiều cũng có thể nghiêm khắc nhắc nhở khi trẻ băng qua đường đầy xe cộ nguy hiểm nhưng lại không muốn nắm tay cha mẹ.

Dĩ nhiên, khi nói đến việc nuôi dạy con thì không có phương pháp nào là phù hợp cho tất cả. Bạn không nhất thiết chỉ sử dụng một cách mà có thể kết hợp nhiều phong cách sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và tính cách trẻ, bởi điều mong muốn sau cùng của tất cả các bậc cha mẹ vẫn là một đứa trẻ ngoan, khỏe mạnh và tràn đầy yêu thương, phải không?

Du Du
Theo CNBC

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Bốn cách nuôi dạy con và cách mà các nhà nghiên cứu cho là thành công nhất