Bí mật phong thủy toán mệnh: Ăn ở phúc đức, con cháu người trồng dưa có 4 vị được làm hoàng đế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm đó các vị Tư mệnh Thần bảo với Tôn Chung là trong vòng 100 bước nhất định không được quay đầu, nhưng Tôn Chung đã không nhẫn được, mới đi 60 bước đã quay đầu lại nhìn. Phải chăng chính vì thế mà lộc nước Ngô không thể nào kéo dài được quá 60 năm? Quả thực khiến người đời sau suy nghĩ...

Ở Trung Hoa xưa có sự kiện nhà họ Tôn có bốn người lần lượt giữ ngôi đế vương Thiên tử xảy ra, đối chiếu với ghi chép lịch sử, và ghi chép trong "Phú Xuân Tôn thị tông phổ" rằng: "Tôn Chung là cha của Ô Trình Hầu Tôn Kiên, tổ phụ của Đông Ngô Đại Đế Tôn Quyền". Con cháu đời sau của Tôn Chung có 4 người làm hoàng đế. Theo ghi chép của Lưu Nghĩa Khánh trong "U minh lục", thì nó có liên quan đến sự kiện dưới đây:

Tôn Chung là người Phú Xuân, quận Ngô thời cuối Đông Hán (Hàng Châu, Chiết Giang ngày nay). Thời niên thiếu, gia nghiệp đã rất sa sút, Tôn Chung phụng sự mẫu thân, dốc lòng chí hiếu, người làng đều biết tiếng. Thời cuối nhà Đông Hán, thiên hạ sắp đại loạn, Tôn Chung ẩn cư ở núi Dương Bình bên bờ sông Phú Xuân, sống bằng nghề trồng dưa. Người người qua đường xin dưa, ông đều khẳng khái đem tặng.

Một năm, đến mùa dưa trong ruộng chín thì có 3 thiếu niên dung mạo và trang phục đều vô cùng đẹp đẽ và tôn quý đi ngang qua, họ hỏi Tôn Chung xin dưa ăn. Tôn Chung lập tức dẫn 3 thiếu niên đến lều cỏ của mình ở ruộng dưa, không những mời họ ăn, mà còn giúp họ sửa soạn cơm, lễ kính rất ân cần.

3 thiếu niên rất vui vẻ thưởng thức dưa, cơm, và rất cảm kích, họ nói với Tôn Chung rằng: "Thọ đại ân của ông, không có gì báo đáp, xin ông hãy đi cùng chúng tôi đến một nơi bảo địa phong thủy, có thể tạo phúc ấm cho cháu con".

Nói rồi, họ dẫn Tôn Chung đi lên núi, vừa đi vừa hỏi: "Ông muốn con cháu đời đời phong hầu hay là làm thiên tử mấy đời?"

Tôn Chung quỳ xuống trả lời: "Mấy đời làm thiên tử, đương nhiên là tôi vui thích hơn rồi".

3 thiếu niên liền chỉ vào một nơi rồi nói: "Thế thì có thể táng ở chỗ này". Sau đó lại nói với Tôn Chung rằng: "Chúng tôi là Tư mệnh Thần cai quản vận mệnh phúc lộc tại nhân gian. Khi ông xuống núi, trong vòng 100 bước thì nhất định không được quay đầu lại".

Tôn Chung sau khi chia tay với 3 người đó, mới đi được 60 bước thì đã không nhẫn chịu được nữa bèn quay đầu lại, đúng lúc trông thấy 3 thiếu niên hóa thành 3 con hạc trắng bay vọt lên trời.

Sau khi mẫu thân qua đời, Tôn Chung liền chiểu theo lời căn dặn của Tư mệnh Thần, an táng mẫu thân ở mảnh đất đó. Trên ngôi mộ thường có khí lành màu tím bốc thẳng lên trời. Các cụ phụ lão trong làng trông thấy đều nói: "Nhà họ Tôn sắp hưng thịnh rồi". Sau này quả nhiên lời tiên báo của các vị Thần đã được ứng nghiệm.

Hình: Thời Tam Quốc, thiên hạ chia 3, nước Ngô nắm chính quyền Giang Nam. Bức tranh "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của Kim Hiệp Trung.
Hình: Thời Tam Quốc, thiên hạ chia 3, nước Ngô nắm chính quyền Giang Nam. Bức tranh "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của Kim Hiệp Trung. (Ảnh: miền công cộng)

Tôn Chung sinh con trai là Tôn Kiên, làm quan trong triều Hán Linh Đế, rồi lên đến chức Phá Lỗ Tướng quân, Dự Châu Thứ sử, thụy hiệu Ô Trình Hầu. Cháu nội Tôn Chung là Tôn Quyền, tức con trai thứ 2 của Tôn Kiên, thời cuối Đông Hán, Tôn Quyền cát cứ vùng Giang Đông. Năm 229, Tôn Quyền đăng cơ ở Vũ Xương (Thành phố Ngạc Châu, Hà Bắc ngày nay, xưa gọi là Ngạc Thành), lập nên nước Ngô, làm hoàng đế, thụy hiệu là Đại Hoàng Đế.

Theo ghi chép trong "Sưu Thần ký", ban đầu vợ Tôn Kiên là Ngô phu nhân khi có mang mộng thấy mặt trăng bay vào trong bụng, sau đó sinh ra Tôn Sách (anh trai Tôn Quyền). Sau này khi có mang Tôn Quyền, lại mộng thấy mặt trời bay vào bụng, thế là Ngô phu nhân nói với Tôn Kiên rằng: "Trước kia khi có mang Sách thì mộng thấy mặt trăng bay vào bụng, lần này mộng thấy mặt trời bay vào bụng, không biết là duyên cớ gì?"

Tôn Kiên nói: "Mặt trời, mặt trăng đều là thần âm dương, là biểu tượng vô cùng tôn quý, xem ra con cháu nhà chúng ta sắp hưng vượng rồi".

Con trai thứ 7 của Tôn Quyền là Tôn Lượng kế thừa ông làm hoàng đế thứ 2 của nước Ngô, sau bị quyền thần cùng tôn thất là Tôn Lâm phế truất, giáng làm Cối Kê Vương. Con trai thứ 6 của Tôn Quyền là Tôn Hưu được lập làm hoàng đế thứ 3 của nước Ngô, thụy hiệu là Cảnh Hoàng Đế. Hoàng đế thứ 4 của nước Ngô - cũng chính là hoàng đế cuối cùng của triều đại là Tôn Hạo, con trai của phế thái tử Tôn Hòa. Tôn Hạo là một hôn quân bạo ngược nổi tiếng trong lịch sử, sau này bị nước Tấn thảo phạt đã đầu hàng triều Tấn, được ban hiệu là Quy Mệnh Hầu.

Tôn Hạo tại vị 17 năm (từ năm 264 đến năm 280). Thời kỳ đầu tại vị, ông ta có những chính sách sáng suốt và làm nhiều việc thiện, phát lương thực cứu tế người nghèo, và ban hành một loạt chính sách có lợi cho người dân để tranh thủ lòng dân. Trận Tây Lăng, ông ta đã vãn hồi ách vận của nước Ngô. Nhưng sau khi đắc chí mãn ý, ông ta buông thả phóng túng tính bạo ngược, dốc sức lực vào binh lực chinh chiến, tàn bạo áp bức người dân, dùng hình phạt thảm khốc để xử tử những trung thần khuyên can, lại sát hại tông thất, khiến nguy cơ mất nước từng bước tiến đến gần, cuối cùng nước Ngô đã bị nhà Tấn chinh phục vào năm 280.

Khi Tôn Hạo quyết định đầu hàng, vì để quân Tấn thuận lợi tiếp nhận các nơi, ông ta đã phát thư khuyên hàng cho quần thần, quan lại nước Ngô, trong đó có đoạn viết:

"Ta vô đức, không đáng kế nghiệp tiên vương, ở trên ngôi cao nhiều năm, chính sách hung bạo trái với nhân tâm, khiến bách tính chịu cảnh lầm than bấy lâu, khiến triều đình quy mệnh người hữu Đạo, xã tắc sụp đổ, tông miếu vô chủ, hổ thẹn tích cao như núi, chết cũng không hết tội".

Tôn Hạo viết thư này tự trách mình vô đức, thi hành chính sách và bản thân giáo hóa đều trái với đạo nhân, trái với nền chính trị nhân đức, khiến quốc gia sụp đổ, bách tính lầm than, chết cũng không hết tội. Lại nói sau này, Đại Tấn bình trị bốn biển, dụng tâm dốc sức tuyển chọn nhân tài, đây là cơ hội để những người kiệt xuất triển hiện tài hoa, hy vọng mọi người không vì thay triều đổi đại mà mất đi chí hướng, hy vọng quần thần bá quan quy thuận chính quyền Tây Tấn. Từ đó, nước Ngô đã đặt dấu chấm hết trong lịch sử, kết thúc thời kỳ Tam Quốc.

Nhìn lại các hoàng đế các đời của nước Ngô, đều là con cháu của Tôn Chung. Cháu nội của ông là Tôn Quyền lên ngôi Ngô Đại Đế, lập ra chính quyền Đông Ngô. Tiếp đến là chắt nội Tôn Lượng, Tôn Hưu và huyền tôn Tôn Hạo lần lượt kế vị, tổng cộng 51 năm, tổng cộng 3 đời 4 người lần lượt làm hoàng đế nước Ngô, đã ứng nghiệm với tâm nguyện của Tôn Chung muốn con cháu được mấy đời làm hoàng đế, và được các Tư mệnh Thần chấp nhận. Năm đó các vị Tư mệnh Thần bảo với Tôn Chung là trong vòng 100 bước nhất định không được quay đầu, nhưng Tôn Chung đã không nhẫn được, mới đi 60 bước đã quay đầu lại nhìn. Phải chăng chính vì thế mà lộc nước Ngô không thể nào kéo dài được quá 60 năm? Quả thực khiến người đời sau suy nghĩ.

Tường Hòa

Tác giả: Thái Nguyên - epochtimes.com

Nguồn tài liệu

- U minh lục

- Tam Quốc Chí



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Bí mật phong thủy toán mệnh: Ăn ở phúc đức, con cháu người trồng dưa có 4 vị được làm hoàng đế