Bí mật đằng sau hình vẽ trên ‘Quần áo Giang Nam’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên quần áo của một đứa trẻ, các bậc cha mẹ vô cùng kinh hoàng khi phát hiện có một đứa trẻ bị hàng nghìn mũi tên trên họa tiết đâm xuyên qua người, cậu bé hét lên với vẻ mặt đau đớn: “Bố ơi, mẹ ơi, con đã bị bắn nát vụn rồi, giúp con với, con sắp chết rồi”.

Cách đây một thời gian, một thương hiệu quần áo nổi tiếng của Trung Quốc “Quần áo Giang Nam- Jiangnan Buyi” (viết tắt là JNBY) đã bị đẩy lên đỉnh điểm của dư luận vì thiết kế trang phục trẻ em hắc ám.

Người ta tìm thấy những họa tiết đáng sợ trên quần áo trẻ em mà vốn dĩ nên thể hiện sự “ngây thơ và trong sáng”. Ví dụ, trên áo được in dòng chữ tiếng Anh “Welcome to Hell”; một người giống như ma quỷ nắm lấy một cái chân, trong khi chuẩn bị dùng búa đập xuống, hắn ta nói “Ta chỉ cần một bộ phận” và “Đó là bàn chân này”. Mọi người cũng có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự như người bị bánh xe đè lên.

Một người giống như ma quỷ nắm lấy một cái chân, trong khi chuẩn bị dùng búa đập xuống, hắn ta nói “Ta chỉ cần một bộ phận” và “Đó là bàn chân này”. (Ảnh chụp màn hình)

Trên quần áo của một đứa trẻ khác, các bậc cha mẹ vô cùng kinh hoàng khi phát hiện có một đứa trẻ bị hàng nghìn mũi tên trên họa tiết đâm xuyên qua người, cậu bé hét lên với vẻ mặt đau đớn: “Bố ơi, mẹ ơi, con đã bị bắn nát vụn rồi, giúp con với, con sắp chết rồi”. Những bức ảnh công bố chính thức của “Quần áo Giang Nam” cũng cho thấy những màu sắc quái lạ.

Các bậc phụ huynh không thể ngồi yên. Mọi người đều biết rằng trẻ em rất tinh ý đến từng chi tiết, nếu người lớn phớt lờ những họa tiết bất hảo trên quần áo, có thể chúng sẽ trở thành đối tượng để trẻ nghiên cứu kỹ lưỡng. Những nội dung kinh dị đầy bạo lực và đẫm máu này, thực sự không biết sẽ mang lại tác hại đến ngần nào cho trái tim trong sáng của trẻ?! Cuối cùng, trước sức ép của dư luận, “Quần áo Giang Nam” đã loại bỏ toàn bộ sản phẩm liên quan ra khỏi kệ hàng.

Kỳ thực trong mắt người hiện đại chỉ là hoa văn, thư pháp, tranh vẽ trên quần áo, nhưng thực chất không đơn giản như chúng ta nghĩ, bởi chúng còn là một dạng sinh mệnh tồn tại sự sống ở không gian khác.

Con rồng trắng bay đi

Trương Ngạn Viễn, ông tổ sử học về hội họa truyền thống Trung Hoa triều đại nhà Đường, đã viết trong Lịch đại danh họa ký, quyển thứ bảy: “Vũ Đế sùng kính và trang trí Phật tự, nên lệnh cho Tăng Diêu vẽ bốn con rồng trắng của chùa An Lạc ở Kim Lăng;. Tăng Diêu vẽ nhưng không điểm mắt. Ông nói: ‘Điểm mắt xong liền bay đi’. Mọi người cho rằng vẽ vậy không đúng, nên thỉnh ông điểm mắt vào. Trong chớp mắt; sét đánh vỡ bức tường; hai con rồng cưỡi mây bay lên trời, hai con rồng chưa vẽ mắt thì vẫn còn lại”.

Người ta kể rằng dưới thời trị vì của Lương Vũ Đế là thời Phật Pháp hưng thịnh, hoàng đế thích xây dựng hoặc sửa chữa các ngôi chùa, ông thường lệnh cho họa sĩ nổi tiếng Trương Tăng Diêu vẽ tranh trang trí lên tường ở các ngôi chùa. Một năm nọ, Lương Vũ Đế lệnh cho Trương Tăng Diêu vẽ 4 con rồng trắng trong chùa An Lạc ở Kim Lăng. Sau khi bức tranh hoàn thành, mọi người đều đến xem và trầm trồ bức tranh thật tuyệt! Bốn con rồng này rất sống động như thực, sinh khí bừng bừng, dường như sắp bay lên trời bất cứ lúc nào. Nhìn lại, tại sao 4 con rồng không có mắt nhỉ?

Chân dung Lương Vũ Đế. (Ảnh: wikimedia)

Trương Tăng Diêu nói rằng không thể vẽ mắt, nếu vẽ mắt thì rồng sẽ bay đi. Mọi người cảm thấy ông nói quả là hoang đường, hoàn toàn không tin, cứ một mực yêu cầu ông điểm thêm mắt cho rồng. Ông từ chối không được, cuối cùng ông đành vẽ thêm mắt cho 2 con rồng. Ông vừa vẽ xong không lâu sau thì trời bỗng tối sầm, sấm vang chớp giật, mưa gió mịt mù. Đúng lúc ấy, có hai con rồng lớn phá vách tường vọt lên không trung, cưỡi mây bay lên trời. Dân chúng đứng xem đều ngây người đờ đẫn nhìn theo. Sau đó quay đầu nhìn lại, 2 con rồng không vẽ mắt kia thì vẫn còn nguyên đó trên bức tường. Đây cũng là điển cố của câu thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt”.

Hình phạt của Họa Thánh Ngô Đạo Tử

Ngô Đạo Tử, họa sĩ đầu tiên ở thời nhà Đường, người đời sau gọi ông là “Họa Thánh”. Ngô Đạo Tử giỏi nhiều loại tranh, cho dù đó là Thần Phật, nhân vật, phong cảnh, hay hoa, chim, cá và côn trùng thì đều mang sắc thái độc đáo duy nhất. Đường Huyền Tông ban cho ông tên là “Đạo Huyền”.

Chân dung Ngô Đạo Tử. (Ảnh: wikimedia)

Trong Lô Thị Tạp Thuyết của Lô Ngôn đời Đường ghi chép rằng, một hôm, Ngô Đạo Tử đi ngang qua một ngôi chùa và cảm thấy khát nước, ông nhìn thấy một vị sư già trong chùa, bèn đến xin một tách trà. Nhưng vị sư già rất thất lễ và chẳng màng đến Ngô Đạo Tử. Ngô Đạo Tử cũng không tức giận, trước khi đi còn vẽ một con lừa lên tường nhà của lão sư, sau đó thì rời đi.

Không ngờ đến tối, chuyện kỳ ​​lạ đã xảy ra. Một con lừa ngoan cố đến trong sân nhà sư già, húc tung bừa bãi khắp phòng của vị sư già, nó đá xung quanh phòng, khiến đồ vật trong phòng lộn xộn cả lên. Sự việc cứ diễn ra như vậy trong mấy đêm. Vị sư già rất ngạc nhiên, con lừa từ đâu đến nhỉ? Vì sao chỉ chuyên đến chỗ mình gây rối?

Một đêm, ông trốn trong phòng để xem sự tình ra sao, thì thấy con lừa mà Ngô Đạo Tử vẽ trên tường còn sống và nhảy khỏi bức tranh, xông vào phòng của ông giẫm đạp phá phách lung tung. Vị sư già rất ngạc nhiên. Ông vội tìm gặp Ngô Đạo Tử để nhận lỗi và xin lỗi, đồng thời cầu xin ông ấy xóa con lừa lên tường. Ngô Đạo Tử thấy vị sư già thực sự nhận ra lỗi lầm của mình và mục đích trừng phạt cũng xong rồi nên đã xóa bức vẽ trên tường. Kể từ đó chẳng còn con lừa nào xuất hiện trong sân chùa của vị sư già nữa.

Cảnh tượng mà người tu luyện nhìn thấy

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một người đàn ông đã mua hai bức tranh trên đường phố. Một bức là hình một con hổ, và bức còn lại là ảnh sân khấu của Lý Ngọc Hòa trong vở kịch kiểu mẫu thời Cách mạng Văn hóa “Hồng Đăng Kí” (The Legend of the Red Lantern). Trong tranh, Lý Ngọc Hòa bị còng tay và sắp bị xử tử. Sau khi về nhà, người đàn ông tìm một chỗ trên tường và treo cả hai bức tranh lên.

Điều kỳ lạ là không lâu sau, ông cụ trong nhà đang khỏe mạnh bỗng đổ bệnh, đi bệnh viện nhiều lần nhưng lần nào cũng như lần nấy, không biết căn nguyên của bệnh này là gì. Vì vậy, anh ấy đã nghĩ đến một cách dân gian, ấy là tìm người xem bói.

Thầy bói hỏi anh: “Trong nhà anh cúng gì?”

Anh ấy nói: “Tôi không cúng gì cả”.

Thầy bói nói: “Không đúng, có thứ gì đó rất lớn trên tường nhà anh, ngoài ra còn có một thảm họa đẫm máu trên đó, những thứ này đang đè lên ông lão, cứ tháo xuống sẽ ổn”.

Người này về nhà, thoáng nhìn và nhận ra đó là tranh của hổ và Lí Ngọc Hòa đang tác quái nên đã xé bỏ hai bức tranh. Thật kỳ diệu, chẳng lâu sau thì ông lão khỏi bệnh.

Có một người tu hành lâu năm khai mở thiên mục, cô ấy có thể nhìn thấy đằng sau các bức ảnh ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của con người, đều có tồn tại đủ mọi sinh mệnh khác nhau. Cô đã viết những gì cô nhìn thấy qua bài “Những gì nhìn thấy qua thiên mục: sinh mệnh đằng sau hình ảnh” để cảnh báo mọi người, đặc biệt là những người tu hành, đừng bị thu hút bởi những bộ quần áo kỳ lạ, đừng chạy theo xu hướng hiện đại mà mặc lên người những hình ảnh bất hảo.

Cô ấy viết trong bài rằng, một lần, khi cô gặp người bạn, cô đột nhiên nhìn thấy hai con rắn bên cạnh bạn mình, tất nhiên không phải trong không gian của chúng ta, mà là ở một không gian khác. Cô hỏi bạn mình chuyện gì đang xảy ra. Bạn của cô cũng là người có chút công năng, bèn nói, tôi đã nhìn thấy bốn con rắn ở một không gian khác cách đây hai năm, chúng xoắn vào nhau, nhưng tôi mãi không hiểu tại sao.

Đột nhiên, người tu luyện ấy nhìn thấy quần áo trên người của bạn mình có điều gì đó không ổn, nhìn kỹ các chữ cái O, G, L, v.v. trên quần áo, nó được tạo hình từ những con rắn. Cô liền nói với bạn mình, cô bạn nghe xong cũng rất sốc, trước đây cô không để ý, cô nhanh chóng bỏ chiếc áo ấy ra và dùng kéo cắt họa tiết thành nhiều mảnh. Trong quá trình đó, người tu luyện nhìn thấy con rắn ở không gian khác cũng bị tiêu diệt.

Trong một lần khác, cô đến chơi nhà một người bạn khác, thiên mục cô nhìn thấy có hai con cáo lớn dẫn một đàn cáo nhỏ đang chơi ở một không gian khác. Cô nghĩ, nhà bạn mình không có thờ cúng cáo chồn, vậy mấy con cáo chồn này ở đâu ra nhỉ, lại còn cả bầy?!

Cô nhìn xung quanh, không thấy có họa tiết như vậy trên quần áo. Đột nhiên, bạn cô chợt nhận ra và nói: “Mình mua đồ ở cửa hàng Firefox, trên túi nhựa có hình con cáo”. Hóa ra gần nhà người bạn có một cửa hàng tên là “Firefox”, và những chiếc túi nhựa trong cửa hàng có in hình con cáo, mỗi khi bạn cô mua đồ thì thấy tiếc túi ni lông nên đã để dành, kết quả là cả nhà tích góp được một bầy cáo nhỏ.

Cô bạn chợt nhận ra và nói: “Mình mua đồ ở cửa hàng Firefox, trên túi nhựa có hình con cáo”, thấy tiếc túi ni lông nên đã để dành, kết quả là cả nhà tích góp được một bầy cáo nhỏ. (Ảnh minh họa chụp từ màn hình)

Vậy bạn có liên tưởng gì về những hình ảnh bạo lực đẫm máu trên quần áo trẻ em của công ty “Quần áo Giang Nam”. Nếu những gì người tu luyện ấy nói là sự thật, mọi người hãy nghĩ xem, thật khủng khiếp biết bao khi mặc những họa tiết đáng sợ đó lên người trẻ nhỏ, phải không?!

Cao Nguyên
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật đằng sau hình vẽ trên ‘Quần áo Giang Nam’