Bị đố kỵ hãm hại tàn độc, Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn đã hóa giải thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn bị tật đố  và bị bức hiếp tới cận kề cái chết, nhưng họ đã sử dụng trí huệ như thế nào để thoát khỏi hãm hại tàn độc và bảo toàn được mạng sống?

Tâm đố kỵ mạnh mẽ có thể biến con người trở nên cực kỳ hung ác, và tật đố cố chấp có thể khiến con người trở nên độc ác. Dưới sự xui khiến của tâm tật đố, người ta mất đi lý trí và thường sẽ nổi giận và chuyển biến thành ác độc, thậm chí là tàn bạo. Trong lịch sử Trung Quốc có một số "nhân vật" nổi tiếng về đố kỵ. Nói đến điển cố đố kỵ nổi tiếng nhất không thể không nhắc tới câu chuyện Gia Cát Lượng ‘tam khí Chu Du’, và câu chuyện Tôn Tẫn và Bàng Quyên. Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn bị tật đố và bị bức hiếp tới cận kề cái chết, nhưng họ đã sử dụng trí huệ như thế nào để thoát khỏi hãm hại tàn độc và bảo toàn được mạng sống?

Gia Cát Lượng "tam khí Chu Du"

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, câu chuyện Gia Cát Lượng “tam khí Chu Du” (ba lần chọc tức Chu Du) có lẽ là câu chuyện quen thuộc nhất đối với mọi người. Chu Du là một tài năng trẻ với nhiều hoài bão, là một anh hùng tài năng văn võ song toàn, ông được phong là Kiến Thành Trung Lang Tướng Quân ở tuổi 24. Năm 34 tuổi ông đã lãnh đạo quân đội đánh bại đại quân của Tào Tháo, lấy ít thắng nhiều, và đạt được thắng lợi huy hoàng tại trận chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử. Tuy nhiên, ông có một nhược điểm chết người, đó là tính tình nóng nảy, tâm háo thắng quá mạnh mẽ, tâm địa hẹp hòi, kiêu ngạo, hay ghen tị với người đức hạnh tài năng, tâm tình dễ bị kích động. Đối với một Khổng Minh tài năng vượt trội, Chu Du luôn canh cánh trong lòng, không phải là khiêm tốn muốn thỉnh giáo, mà là tìm thời cơ thích hợp để hãm hại.

Sau trận đại chiến Xích Bích, hai nhà Tôn và Lưu tranh giành Kinh Châu, vùng đất có vị trí chiến lược. Khi đó, Chu Du cho rằng việc đoạt được Kinh Châu dễ như trở bàn tay, nên hứa với Lưu Bị rằng, nếu Chu Du không chiếm được Kinh Châu thì sẽ để Lưu Bị chiếm. Không ngờ, Chu Du trúng tên bị thương khi giao chiến với kẻ địch hùng mạnh, sau nhiều trận chiến ác liệt, ông ta đã đánh bại Tào Nhân, tuy nhiên Kinh Châu lại bị Khổng Minh giả dùng binh phù của quân Tào, phái Trương Phi tới đánh chiếm. Chu Du tức giận hét lên một tiếng, vết thương do mũi tên đó vỡ ra, đây là lần chọc tức thứ nhất.

Lần thứ hai, Chu Du lập kế mang danh nghĩa là kén rể, để Lưu Bị đến Giang Đông để thành thân với em gái của Tôn Quyền, sau đó sẽ sát hại. Không ngờ, Khổng Minh lại dùng kế “lộng giả thành chân” (làm giả hóa thật) khiến em gái của Tôn Quyền được gả cho Lưu Bị. Khi Chu Du đuổi theo Lưu Bị trên đường quay về Thục thì bị tướng Thục đánh bại. Nhìn thuyền của Lưu Bị rời đi xa, Chu Du rất tức giận. Lúc này, Khổng Minh lại hạ lệnh cho binh sĩ đồng thanh hô to: “Chu Lang diệu kế an thiên hạ, vừa mất phu nhân lại thiệt quân”. Chu Du càng thêm chua xót, hét lên một tiếng rồi ngã xuống thuyền. Đây là "nhị khí Chu Du" (lần chọc tức thứ 2).

Lần thứ ba, Chu Du dưới danh nghĩa thu phục Tây Thục muốn chiếm Kinh Châu, nhưng đã bị Khổng Minh nhìn thấu, vạch trần vở kịch của Chu Du, còn sỉ nhục Chu Du một trận. Lần này, Chu Du tức giận hét lên tiếng lớn, sau đó không lâu thì qua đời. Trước khi chết, ông ta vẫn còn ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng!”. Điều này cho thấy rõ tâm hư vinh quá mức của Chu Du chỉ muốn là đệ nhất thiên hạ, không muốn là người thứ hai; và cũng bộc lộ rõ sự đố kỵ của ông đối với Khổng Minh.

Tính cách của Khổng Minh tốt hơn Chu Du rất nhiều. Ông là người khoan hồng độ lượng, khiêm tốn cẩn trọng, chăm chỉ, hiếu học và có tầm nhìn xa. Vì lấy đại cục làm trọng, ông đã giúp Chu Du giành chiến thắng trong trận Xích Bích, nhưng Chu Du đã bức bách Khổng Minh quá đáng, hết lần này tới lần khác lên kế hoạch giết Khổng Minh, thế nên Khổng Minh mới tương kế tựu kế, khiến cho các độc kế của Chu Du lần lượt thất bại.

Gia Cát Lượng (Ảnh tổng hợp)

Tôn Tẫn từ trong cái chết tìm được đường sống

So với Chu Du, sự đố kỵ của Bàng Quyên có thể nói còn hơn một bậc. Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên từng là môn đồ cùng bái một vị sư phụ, và mỗi người đều có sở trường riêng. Nhưng Bàng Quyên sau khi xuất đạo đã là tướng của nước Ngụy. Ông ta vẫn ghen tị với Tôn Tẫn, và sợ rằng tài năng của Tôn Tẫn sẽ vượt trội hơn mình. Vì vậy, ông ta có dã tâm độc ác, lừa Tôn Tẫn đến nơi hẹn, vu tội cho Tôn Tẫn khiến ông bị khoét xương bánh chè, thích mực lên mặt và bị giam trong tù. Kể từ đó, Tôn Tẫn "điên điên khùng khùng", không còn đứng dậy được nữa và tướng mạo bị hủy hoại. Sau này có người giúp đỡ, Tôn Tẫn đã bí mật gặp sứ giả nước Tề đến thăm và kể ra tình cảnh khốn cùng của mình. Sứ giả nước Tề kinh ngạc trước sự tình và đã giải cứu Tôn Tẫn, rồi đưa ông cùng trở về nước Tề.

Chuyến đi này đã dẫn đến chiến thắng cuối cùng của Tôn Tẫn. Sau khi về nước Tề, Tôn Tẫn đã đem trí huệ và tài thao lược của mình giúp vua Tề, cuối cùng ông được vua Tề tin tưởng phong làm quân sư, bày mưu cho tướng quân Điền Kỵ. Lúc này, Tôn Tẫn ngồi trong chiến xa với rèm che bao quanh, không lộ chân dung thật mà đang từng bước tiếp cận mục tiêu của mình.

Trong cuộc chiến Mã Lăng, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đã có một trận chiến quyết đấu. Nước Ngụy và nước Triệu liên minh cùng nhau tấn công nước Hàn. Nước Hàn khẩn cầu nước Tề. Vì vậy, vua Tề phong Điền Kỵ làm đại tướng và đi cứu nước Hàn. Để cứu Hàn, Điền Kỵ dẫn quân đến thẳng nước Ngụy và đánh thẳng vào hang ổ nước Ngụy. Khi nghe tin, Bàng Quyên phải rút khỏi nước Hàn và tức tốc trở về Ngụy quốc. Lúc này quân Tề đã đi về phía tây, Bàng Quyên đuổi theo đã ba ngày, thấy bếp lửa dọc đường giảm dần, Bàng Quyên vui mừng khôn xiết, cho rằng quân Tề hèn nhát đã trốn gần hết, mà không biết rằng đã trúng kế của Tôn Tẫn.

Trên một thân cây lớn cạo mất một nửa lớp vỏ có khắc dòng chữ: “Bàng Quyên chết dưới cây này!”. Sau đó, Tôn Tẫn chờ đợi và chờ đợi giây phút này đến… Bàng Quyên đuổi theo, đuổi vào khe núi hẹp, tối mịt mới nhìn thấy cây lớn này. Vì vậy, ông ta thắp lên ngọn đuốc, để ánh sáng chiếu rọi, khi đọc những dòng chữ khắc trên cây, ông ta đã hiểu rằng ngày tàn của mình đã đến. Quả thật, đó là dấu chấm hết cho Bàng Quyên, vạn mũi tên được phóng ra theo lệnh của Tôn Tẫn, khi ngọn lửa bùng cháy chính là tín hiệu báo cho binh sĩ đang mai phục khắp nơi: Đã đến lúc, hãy bắn tên!

Bàng Quyên ngã xuống giữa hàng vạn mũi tên, ông ta đã tự sát. Nhưng trước khi tự sát, ông ta để một câu nói là: “Trận chiến này đã làm nên danh tiếng của tên tiểu tử này”. Tất nhiên, tiểu tử này đang ám chỉ Tôn Tẫn. Như vậy là sự hẹp hòi và ghen tuông của Bàng Quyên đến chết vẫn không thay đổi.

Từ đó có thể thấy, tâm đố kỵ giống như một con dao độc hai lưỡi, vừa uy hiếp người khác và lại hại độc chính mình. Một khi bị nhiễm nó, người ta không thể tự thoát ra được. Sự ghen tị, kiêu ngạo, hẹp hòi quá mức của Chu Du và Bàng Quyên đến chết đều không thay đổi.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Bị đố kỵ hãm hại tàn độc, Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn đã hóa giải thế nào?