Bí ẩn lăng mộ Thành Cát Tư Hãn: Lăng mộ 'tàng hình', và kho báu 'biến mất' [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lăng mộ được thiết kế vô cùng tinh xảo, và cực kỳ bí mật, kỹ thuật bảo vệ an toàn rất cao, đến mức không để người đời sau tìm ra. Ngay cả có kẻ đào trộm mộ phát hiện ra nơi này thì cũng phải trở thành vong hồn chết ở trong cạm bẫy nơi này, có vào mà không có ra.

Vào năm 1966, một nhóm thanh niên tay đeo băng đỏ, mang theo rìu sắc và gậy thép xông vào một tòa nhà ở khu vực Ejin Horo, thành phố Ordos, thuộc khu tự trị Nội Mông. Họ ngay lập tức hung hăng đập phá một quan tài bằng bạc. Những người bên trong tòa nhà không ai dám ngăn cản, bởi vì những kẻ kia là tiểu Hồng vệ binh do Mao Chủ tịch phái tới để phá ‘Tứ cựu’. Ai dám chặn, những chiếc rìu sẽ ‘tới hỏi thăm’ người đó liền. Sau khi đập phá, quan tài bạc bị cạy mở ra, nhóm thiếu niên vỗ tay hoan hô và vội vàng cùng chúi đầu vào xem, nhưng bên trong quan tài chẳng có kho báu nào, thậm chí tới cả xương cốt cũng không có, chỉ có một bức tranh Thành Cát Tư Hãn và một thứ giống như cái gối. Bên trong cái gối có gì? Chúng ta sẽ nói ở phần sau.

Những gì nhìn thấy khiến nhóm thiếu niên vô cùng thất vọng, nhiệm vụ phá ‘tứ cựu’ chưa được hoàn thành, và bọn họ tức giận bỏ đi. Quan tài bạc mà nhóm người đó đập phá là kho báu được người bộ tộc Darkhad canh giữ hơn 800 năm bởi vì những đồ vật đặt trong quan tài là những gì mà một trong những vị chiến binh vĩ đại nhất trong lịch sử - Thành Cát Tư Hãn, đã để lại.

Tòa nhà ở khu Ejin Horo chính là mộ chôn quần áo và di vật của Thành Cát Tư Hãn, bên trong mộ không có di hài của chính ông, chỉ có một số đồ vật ông đã từng dùng khi còn sống. Vài trăm năm qua, người bộ tộc Darkhad là những người bảo vệ trung thành bên quan tài của Thành Cát Tư Hãn. Chiếc quan tài bạc này được lưu truyền qua các thời đại của tộc người Darkhad. Trong quan tài bạc không có di cốt của Thành Cát Tư Hãn, vậy thì lăng mộ thực sự của ông ở đâu?

Đại Hãn vinh quang

Thành Cát Tư Hãn vốn tên là Bột Nhĩ Chích Cân Thiết Mộc Chân. Ông sinh năm 1162 tại Đạt Đạt Nhĩ nơi thảo nguyên Mông Cổ. Truyền thuyết kể rằng, khi mới sinh ra, lòng bàn tay phải của ông đã nắm ngọn giáo của chiến Thần, kỳ thực đó là cục máu có hình dạng sắc bén. Cha ông là Dã Tốc Cai, cũng là thủ lĩnh của bộ lạc, khi thấy con trai sinh ra tay nắm cục máu như thế, đã cười lớn và nói: “Con trai ta sẽ là chiến binh chinh phục thảo nguyên”.

Trùng hợp thời điểm đó, Dã Tốc Cai cũng vừa tiêu diệt được chiến binh tên Thiết Mộc Chân của một bộ lạc khác. Vậy là ông lập tức quyết định lấy tên của kẻ thù đặt cho con trai, cũng gọi là Thiết Mộc Chân. Bởi vì thời đó người Mông Cổ thường tín phụng Shaman giáo, tín ngưỡng Trời Tengri, có chỗ khác với quan niệm của Nho giáo và Phật giáo. Shaman giáo cho rằng vạn vật có linh, quan niệm của họ về luân hồi cũng khác với Phật giáo nên người Mông Cổ không kỵ húy việc lấy tên của kẻ thù đặt cho con, cũng không quá lo lắng sợ bị trả thù.

Sau này, dự đoán của Dã Tốc Cai quả không sai, khi con trai ông trưởng thành đã trở thành nhân vật anh hùng có một không hai trong sử sách, được mệnh danh là chim ưng hùng dũng nơi thảo nguyên.

Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (nguồn: Epoch Times)

Sau khi chấm dứt chiến tranh nội bộ giữa các bộ lạc trên thảo nguyên, thống nhất Mông Cổ, Thiết Mộc Chân được các thủ lĩnh phong làm Thành Cát Tư Hãn. Cái tên này trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là tù trưởng của biển cả bốn phương. Sau khi tiêu diệt nước Kim và Tây Hạ, tấn công cường quốc Hoa Lạt Tử Mô của Trung Á, ông tiếp tục chinh phạt và càn quét thảo nguyên nước Nga và vùng Balkan, kiến lập một đế quốc vô cùng to lớn trải khắp khu vực Âu- Á. Đế quốc đại lục này to lớn chưa từng có từ cổ chí kim. Thành Cát Tư Hãn cũng trở thành cái tên khiến người ta chỉ cần nghe thấy cũng đủ gây khiếp sợ trên khắp đại lục Châu Âu. Từ đó, ông được vinh danh đứng đầu danh sách chiến binh hùng mạnh nhất.

Dù sao, cả cuộc đời vinh quang như vậy, nhưng rồi cũng sẽ tới một ngày kết thúc. Cái chết của Thành Cát Tư Hãn tới rất đột ngột.

Tang lễ bí ẩn

Trong “Bí sử Mông Cổ” có ghi lại rằng: Trên đường xuất chinh Tây Hạ, ông cưỡi một con ngựa đỏ có đốm đen. Lúc đó, có một đàn ngựa hoang phi nước đại tới, làm con xích mã của Thành Cát Tư Hãn sợ hãi, lồng lên và hất tung ông xuống đất. Từ đó, ông bắt đầu bị bệnh. Có người khuyên can ông nên đợi khỏi bệnh mới tấn công Tây Hạ cũng không muộn. Thành Cát Tư Hãn nổi giận bừng bừng, bởi với ông chiến tranh làm sao có thể trì hoãn được, cần phải tấn công tức khắc. Cuối cùng, cuộc chinh phạt đã giành được chiến thắng, nhưng ông cũng đã ra đi.

Vậy người kế nhiệm đế quốc Mông Cổ an táng Đại Hãn tôn kính nhất của họ như thế nào?

vị truyền giáo tên Plano Gabini được triều đình La Mã cử tới Mông Cổ
Vị truyền giáo tên Plano Gabini được triều đình La Mã cử tới Mông Cổ và tác phẩm “Ghi chép khi đi sứ Mông Cổ”. (Ảnh chụp clip)

Vào năm 1245, một vị truyền giáo tên Plano Gabini được triều đình La Mã cử tới Mông Cổ để tìm hiểu về dân tộc đã khiến các nước nghe danh phải khiếp sợ này. Sau này, những báo cáo của ông với triều đình La Mã được ghi lại trong “Ghi chép khi đi sứ Mông Cổ”. Trong đó viết rằng ông đã gặp mặt Đại Hãn kế nhiệm thứ 3 của Đế quốc Mông Cổ là Quý Do, chính là cháu trai của Thành Cát Tư Hãn. Đại Hãn Quý Do tiếp kiến Plano trong một chiếc lều, bên trong là nhung đỏ rủ xuống, phủ toàn thổ cẩm tuyệt đẹp. Vàng bạc châu báu khắp lều, không đếm hết, còn có ngai vua được chạm khắc bằng ngà voi, trên đó treo đầy vàng, đá quý và trân châu. Trong báo cáo của Plano mô tả Đại Hãn Quý Do khoảng 40-45 tuổi, vóc dáng tầm trung, cực kỳ thông minh, phong thái cử chỉ rất trang nghiêm.

Nhà truyền giáo Plano kể rằng: “Những giáo đồ Cơ đốc bên cạnh Đại Hãn nói với tôi rằng, trước nay chưa từng thấy Đại Hãn cười trước những chuyện nhỏ tầm thường, cũng chưa từng thấy Ngài có cử chỉ nông nổi. Trên một ngọn núi nhỏ cách túp lều khá xa, có 500 chiếc xe ngựa ở đó, trong xe chứa đầy vàng bạc châu báu, quần áo lụa là. Trong nước của họ có hai nơi chôn cất. Một nơi để an táng các Hoàng đế, lãnh chúa và tất cả các nhân vật quan trọng. Dù họ chết ở đâu, nếu có thể đưa về được thì đều được chôn cất ở đây. Khi họ được chôn cất, rất nhiều vàng bạc cũng được chôn cùng theo. Còn nơi chôn cất còn lại dành cho những người Mông Cổ bị chết trong chiến tranh.

Khi họ chôn cất những nhân vật quan trọng, sẽ bí mật tìm một mảnh đất trống, dọn dẹp và bỏ hết cỏ, rễ cỏ và mọi thứ ở trên đất, rồi đào xuống một hố lớn. Hầm mộ ở rìa của cái lỗ này. Khi đưa thi thể vào hầm mộ, họ sẽ đặt dưới thi thể người nô lệ mà chủ nhân ngôi mộ khi còn sống rất sủng ái. Người nô lệ này sẽ nằm bên dưới thi thể, cho tới khi anh ta nghẹt thở sắp chết thì sẽ kéo ra để cho anh ta thở, rồi sau đó lại đặt lại dưới thi thể. Cứ như thế lặp lại 3 lần. Nếu như người nô lệ may mắn không chết, thì từ đó trở đi anh ta sẽ thoát kiếp nô lệ, trở thành người tự do, hơn nữa sẽ được người thân và mọi người nơi lều trướng của chủ nhân xem trọng, coi anh ta như một người tài giỏi.

Khi đưa người đã khuất vào hầm mộ, thì vàng bạc châu báu và những thứ như xe ngựa của người này cũng được đưa vào chôn cùng. Sau đó hố lớn trước hầm sẽ được lấp đất san bằng, lấy cỏ che bên trên, khôi phục lại trạng thái lúc ban đầu. Từ đó, sẽ không có ai có thể tìm ra nơi này".

Từ báo cáo của nhà truyền giáo Plano Gabini, chúng ta có thể rút ra 3 thông tin:

  1. Đế quốc Mông Cổ quả thực là siêu cường, cực kỳ giàu có;
  2. Các triều đại, Đại Hãn đều được chôn cất tại lăng Hoàng đế, trong đó có vô số vàng bạc châu báu;
  3. Lăng mộ Hoàng gia Mông Cổ không có bất kỳ kiến trúc xây dựng trên mặt đất nào.

Tìm kiếm và khai quật lăng mộ Hoàng gia

Vậy lăng mộ của Hoàng gia đó ở đâu? Trong “Nguyên Sử” có ghi chép lại rằng, lăng mộ vua nằm ở nơi gọi là Khởi Liễn Cốc. Theo nghiên cứu của nhà sử học nổi tiếng người Mông Cổ - ông Diệc Lân Chân, ‘Khởi Liễn Cốc’ là cách gọi thanh tao của ‘Cổ Liên Lạc Cổ’. Và bên cạnh núi Khentii của nước Mông Cổ ngày nay, có một sơn mạch tên là ‘Cổ Liên Lạc Cổ’ (Burkhan Khaldun). Vì thế, hiện nay rất nhiều các học giả trên thế giới đều công nhận Burkhan Khaldun bên núi Khentii ở phía Đông của thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ chính là ‘Khởi Liễn Cốc’ được nhắc tới trong “Nguyên Sử”, cũng chính là vị trí của lăng mộ vua Thành Cát Tư Hãn.

Khu vực núi Khentii vẫn luôn được nước Mông Cổ xem là cấm địa, không cho mọi người tới gần, và chỉ mới mở cửa cho công chúng cách đây hơn 20 năm. Sau khi được mở cửa, nó đã thu hút rất nhiều nhóm thăm dò tới đây để tìm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Nhóm các nhà khảo cổ Nhật Bản và Mông Cổ đã cùng hợp tác và tìm tòi kỹ nơi này, nhưng không thu được manh mối nào.

Ngay sau đó vào năm 2002, một thương nhân Mỹ giàu có tên là Maury Kravitz tổ chức một nhóm thám hiểm tới khu vực này. Họ mang theo những máy móc và thiết bị rất tiên tiến để tiến hành công cuộc tìm kiếm trải thảm. Cuối cùng họ tìm được một đoạn 3-4km đụn đá. Máy móc dò kiếm thông báo ở dưới lòng đất có công trình kiến trúc. Kravitz vô cùng mừng rỡ và xác định nơi này chính là lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Khi nhóm tìm kiếm của ông bắt đầu tiến hành khai quật, một sự việc kỳ quái đã xảy ra. Trong miệng hố đào trườn ra vô số rắn độc, chúng cắn bị thương một số nhân viên trong đội thám hiểm. Ngoài ra xe của đoàn đang dừng ở bên sườn núi không hiểu sao trượt rơi xuống.

Lúc này chính phủ Mông Cổ lên tiếng rằng công cuộc khai quật này đã quấy rầy tới tổ tiên và lăng mạ nơi an nghỉ của tổ tiên họ. Hơn nữa, cuộc tìm kiếm này cũng không diễn ra suôn sẻ, không tìm được điều gì giá trị, việc khai quật của nhóm Kravitz cũng dừng lại.

Tới nay, việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng gia có thể nói là thất bại. Liệu có manh mối nào khác có thể giúp chúng ta tìm ra lăng mộ Thành Cát Tư Hãn không?

Tòa nhà ở khu Ejin Horo chính là mộ chôn quần áo và di vật của Thành Cát Tư Hãn
Tòa nhà ở khu Ejin Horo chính là mộ chôn quần áo và di vật của Thành Cát Tư Hãn (Ảnh chụp clip)

Quay trở lại đầu câu chuyện, chúng ta đã đề cập tới việc khi các thiếu niên Hồng vệ binh đập phá quan tài bạc, bên trong quan tài có một cái gối. Bên trong nó có gì? Sau này, theo lời kể của nhân chứng trong đó chỉ có một khối dạng sợi bị mủn, và một túi đựng vật dạng bột trắng. Khối dạng sợi màu trắng là lông trên đầu lạc đà đực trắng. Theo ghi chép, khi Đại Hãn sắp ra đi, người ta đặt nhúm sợi này dưới mũi ông, nếu như ông không còn thở thì các sợi lông cũng sẽ không rung lên và linh hồn của người chết sẽ gắn lên lông lạc đà. Tới lúc đó có thể bỏ thi thể đi.

Còn cái túi đựng thứ bột trắng ở trong quan tài bạc đó là gì? Chúng ta hãy xem xét nơi Thành Cát Tư Hãn ra đi. Ông mất tại núi Lục Bàn, ngày nay thuộc Ninh Hạ. Nó cách núi Khentii của nước Mông Cổ khoảng 700 km. Lúc đó đúng vào giữa hè, không thể nào giữ thi thể lâu được và việc di chuyển thi thể vạn dặm xa về núi Khentii là việc làm không thực tế.

Theo ghi chép của ‘Tuy Mông Tập yếu’, tập tục chôn cất của người Mông Cổ thường là ‘dã táng’ hoặc ‘thiên táng’, tức là để xác ở trên núi hay rừng hoang để chim thú mổ ăn. Họ cũng có hỏa táng và ‘thổ táng’ (chôn xuống đất). ‘Tuy Mông Tập Yếu’ viết rằng để hỏa táng, ngoài Lạt Ma ra phải là người cực kỳ phú quý mới được. Nghĩa là chỉ có cao tăng Lạt Ma hoặc người có địa vị rất cao mới được hỏa táng.

Ba kịch bản giải bí ẩn lăng mộ Thành Cát Tư Hãn

Về lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, từ các dữ liệu lịch sử, người ta đưa ra 3 giả thuyết sau.

Kịch bản thứ nhất

Khi ông mất, thi thể ông ngay lập tức đã được hỏa táng. Tro cốt của ông và lông lạc đà cùng được cho vào trong quan tài bằng bạc và được các thế hệ người Darkhad canh giữ. Ý nghĩa của Darkhad là người gánh vác sứ mệnh thần thánh. Sau khi Thành Cát Tư Hãn ra đi, tộc người Darkhad sinh ra một nhóm người đặc biệt, họ được nước Mông Cổ trao đặc quyền: các thế hệ của họ không cần thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phải đóng thuế. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ quan tài bạc, truyền từ đời này qua đời khác. Tới triều đại nhà Thanh, Hoàng đế Thuận Trị cũng ban đặc quyền cho tộc Darkhad không phải đóng thuế và đi nghĩa vụ quân sự.

Đến thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, họ đã canh giữ quan tài bạc hơn 800 năm nhưng cuối cùng đã bị hủy hoại. Đương nhiên kịch bản này khiến mọi người thất vọng và quả thực cũng không xứng với thân phận cao quý của một Thành Cát Tư Hãn lừng lẫy từng thống trị bốn phương.

Kịch bản thứ hai

Để tránh những kẻ đào mộ sau này trộm cắp lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn, thân tín của ông đã chọn một nơi bí mật để xây dựng lăng mộ. Họ xử lý thi thể của ông để không bị hư hoại, hoặc sau khi đốt xác đã ngay lập tức mang tro cốt tới nơi bí mật để chôn. Tương truyền, có hơn ngàn kỵ binh cưỡi ngựa đi lại giẫm đạp, và san bằng phía trên mộ cho tới khi không còn thấy dấu tích nào.

Một truyền thuyết khác kể rằng, để cho hậu thế tìm ra nơi tế bái Đại Hãn, sau khi hoàn thành lăng mộ, sẽ dắt một cặp mẹ con lạc đà tới và giết con lạc đà con trước mặt lạc đà mẹ, rồi lấy máu rắc lên trên lăng mộ. Vì tình mẫu tử, như thế năm sau cứ đi theo lạc đà mẹ là có thể tìm được lăng mộ và tế bái. Nhưng điều này có nghĩa là sau vài năm lại phải tái diễn cảnh tượng tàn nhẫn này, bởi nếu không lạc đà mẹ chết thì sẽ không tìm ra được địa điểm lăng mộ.

Kịch bản thứ ba

Xác thực có tồn tại lăng mộ Thành Cát Tư Hãn với kho báu khổng lồ chôn cất bên trong. Lăng mộ được thiết kế vô cùng tinh xảo, và cực kỳ bí mật, kỹ thuật bảo vệ an toàn rất cao, đến mức không để người đời sau tìm ra. Ngay cả có kẻ đào trộm mộ phát hiện ra nơi này thì cũng phải trở thành vong hồn chết ở trong cạm bẫy nơi này, có vào mà không có ra. Giả thiết này nghe có thể khiến mọi người hào hứng, và kỳ thực nó phù hợp với mô tả trong báo cáo của nhà truyền giáo Gabini kể trên về Đại Hãn Mông Cổ tôn quý và vô song đến như thế.

Các hoàng đế Trung Quốc cổ đại, vì đảm bảo an toàn cho lăng mộ, có thể nói không cách nào không làm.

Sở Bình Vương ở thời kỳ cuối thời Xuân Thu đã xây một ‘ngôi mộ nước’. Trước tiên, ông đã xây đập để chặn nước hồ, rồi vét cạn sạch nước một chỗ dưới đáy hồ và cho xây lăng mộ ở đó. Sau khi hoàn thành xong công trình, ông ta giết hết những người thợ tham gia làm và phá hủy con đập, và lăng mô trở thành Long cung dưới nước. Hồ trở thành một bình phong thiên nhiên che giấu lăng mộ.

Kẻ thù của nước Sở - Ngũ Tử Tư thông qua người thợ tham gia công trình may mắn thoát chết sống sót, đã tìm ra được lăng mộ thật của kẻ thù Sở Bình Vương. Từ đó mới có câu chuyện quất roi thi thể 300 cái. Sở Quốc có nhiều sông, rạch, nước là một tấm bình phong che giấu các lăng mộ.

Còn có truyền thuyết kể rằng, lăng mộ thực sự của Tào Tháo ở dưới đáy sông Trạch, trên bờ toàn là mộ trống. Ông cũng dùng cách giống Sở Bình Vương, lợi dụng nước sông chảy để ẩn giấu vị trí của lăng mộ.

Liên quan tới lăng mộ của các bậc đế vương Trung Quốc cổ đại, có vô vàn cách để ngăn ngừa những kẻ đào trộm mộ, với vô số kỹ thuật cổ đại bí ẩn và vẫn là ẩn đố với con người hiện đại và khoa học ngày nay.

Minh An
Theo Wenzhao Studio



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn lăng mộ Thành Cát Tư Hãn: Lăng mộ 'tàng hình', và kho báu 'biến mất' [Radio]