Bí ẩn của màu sắc truyền thống (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới này là một thế giới muôn màu muôn vẻ, các quốc gia, dân tộc khác nhau đều có những màu sắc truyền thống đặc sắc của riêng mình. Những gam màu này không chỉ mang đến cho người nhìn những trải nghiệm thị giác bên ngoài mà còn mang những hàm nghĩa lịch sử, truyền thống của một dân tộc, quốc gia. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhân văn hiện đại hóa ngày nay, mặc dù những truyền thống chân chính đã quen thuộc với đại chúng, nhưng vẫn có chỗ khác biệt, không ít trong đó thậm chí còn là khác biệt một trời một vực. Vì màu sắc truyền thống ở nhiều nơi rất phong phú và đa dạng, chủng loại rất lớn nên khó có thể diễn tả hết trong một bài viết, bài viết này chỉ đưa ra một số ví dụ về các loại màu mà bạn đọc quen thuộc hơn, chúng ta hãy cùng khám phá bí ẩn của những màu sắc này.

Ngũ đức và ngũ sắc

Trong quan niệm của người Trung Quốc hiện đại, khi nói về màu sắc truyền thống, nhiều người có thể nghĩ ngay đến màu đỏ. Nhiều người nghĩ rằng màu đỏ là màu lễ hội: Khi họ kết hôn, người ta trang trí rất nhiều màu đỏ trong nhà của họ, tân lang tân nương mặc áo cưới màu đỏ; trong Tết Nguyên đán, người ta viết những câu đối xuân trên giấy đỏ; tất cả các loại lễ kỷ niệm cũng đã quen dùng màu này ... và bỏ qua những tuyên truyền của chế độ đỏ về cái gọi là "Trung Quốc Đỏ" vì lý do chính trị. Trong suy nghĩ của nhiều người, màu đỏ dường như có nội hàm rất tích cực, họ xác thực cho rằng màu đỏ là tượng trưng truyền thống của đại cát đại lợi.

Khi người Trung Quốc kết hôn, người ta trang trí rất nhiều màu đỏ trong nhà của họ, tân lang tân nương mặc áo cưới màu đỏ. (Ảnh: Miền công cộng)

Tuy nhiên, nếu bạn nghiên cứu văn hóa Trung Quốc cổ đại, bạn có thể nhận thấy rằng trong số ba tôn giáo truyền thống của Trung Quốc, cho dù là Nho giáo công chính bình thản, Đạo giáo vô vi thanh tĩnh, hay Phật giáo tứ đại giai không; tất cả đều không dung hợp với màu đỏ vốn kích thích thị giác của thời hiện đại. Từ thời cổ đại, sắc màu của các thời đại ở Trung Quốc hoặc là trang nghiêm, hoặc là bình hoà, hoặc là cổ phác, hoặc là cao nhã... chứ không quá chói lói. So với tính cách hướng nội của người Trung Quốc, thì màu đỏ chói mắt có thế nói là là khác nhau một trời một vực.

Vậy, rốt cuộc màu sắc truyền thống của Trung Quốc là màu gì?

Ở đây trước hết chúng ta cần liễu giải một học thuyết rất nổi tiếng do Trâu Diễn, một nhà âm dương học thời Chiến Quốc đưa ra, dựa trên thuyết ngũ hành, gọi là "Ngũ đức chung thuỷ thuyết". Tuy nhiên, mặc dù trong lịch sử trước đây nó có sức ảnh hưởng rất lớn, nhưng ngày nay có thể nhiều người chưa từng nghe nói qua, bởi vì phần lớn văn hóa truyền thống tại Trung Quốc trong mấy chục năm qua đã bị gán cho là "tàn dư phong kiến", bị coi là "cặn bã", dẫn đến nhiều điều căn bản bị vứt bỏ như chiếc giày cũ.

“Ngũ đức” trong “Ngũ đức chung thuỷ thuyết” dùng để chỉ 5 đức tính do Ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đại diện là kim đức, mộc đức, thủy đức, hỏa đức và thổ đức. Còn “thủy chung" biểu thị ý tứ rằng "ngũ đức" tuần hoàn lặp đi lặp lại. Điều nổi tiếng nhất của học thuyết này là nó đã giải thích sự thay đổi của các triều đại từ quan điểm của Ngũ hành sinh khắc, và có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ sau này.

“Ngũ đức” trong “Ngũ đức thủy chung thuyết” dùng để chỉ 5 đức tính do Ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đại diện là kim đức, mộc đức, thuỷ đức, hoả đức và thổ đức. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 4.0)

Theo học thuyết này, lý do tại sao một triều đại có thể thống trị thiên hạ là bởi vì nó có một trong ngũ đức do trời ban, người thống trị vì đức này mà được trời ban cho sứ mệnh, mới có thể trở thành Thiên tử. Khi đức của người đó dần suy yếu, vương triều sẽ không thể duy trì được sự cai trị của mình, lúc này sẽ có vương triều tiếp theo, nắm giữ đức kế tiếp trong thứ tự ngũ đức, thay thế vương triều cũ mà đức hạnh đã suy yếu kia.

Đơn cử một thí dụ cụ thể, Trâu Diễn cho rằng: "Ngũ đức theo lý tương khắc, Ngu Thổ, Hạ Mộc, Ân Kim, Chu Hoả" (“Chiêu minh văn tuyển” Lý Thiện Tú dẫn). Theo Ngũ hành sinh khắc mà nói: Mộc khắc Thổ, Kim khắc Mộc, Hoả khắc Kim, cho nên, mỗi triều đại đều thay thế triều trước đó. Đến sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất các nước chư hầu, liền lấy Thuỷ đức mà trị vì thiên hạ. Theo lý luận của Trâu Diễn, Chu là Hoả đức, vì vậy đến triều đại nhà Tần, chính là Thuỷ khắc Hoả.

Theo dòng chảy của lịch sử, về sau lại xuất hiện thuyết ngũ hành tương sinh để kế thừa triều đại trước, sau đó là các thuyết biến thể khác dựa trên cơ sở lý luận sinh khắc... Vì không liên quan đến trọng tâm của bài viết này nên không nói thêm.

“Ngũ đức thủy chung thuyết" được thừa nhận rộng khắp từ triều đại nhà Tần, đến nhà Hán và cho đến thời đại Tống Liêu Kim, các quan lại của các triều đại sẽ chính thức thảo luận và xác định đức vận của triều đại đó và bố cáo thiên hạ. Sở dĩ như vậy là bởi vì dù có thế lực nào đó có thể dùng vũ lực mạnh mẽ để lật đổ triều đại trước, nhưng nếu không chứng minh được mình có đủ đức tính cần thiết, tức là truyền thống nhận thiên mệnh, thì cũng khó để quy phục quần chúng, không cách nào lâu bền, cho nên nó cũng là căn cứ lý luận giải thích sự thống trị hợp pháp của các triều đại đó. Bá quan tam triều Nguyên, Minh, Thanh tuy không chính thức tuyên cáo đức vận của triều đại, nhưng các hoàng đế từ triều Minh đều xưng là "Hoàng đế phụng thiên thừa vận", cũng bắt nguồn từ tư tưởng này.

Các triều đại khác nhau tương ứng với các đức tính khác nhau trong ngũ đức, mà Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong văn hóa truyền thống tương ứng với năm màu trắng, xanh, đen, đỏ và vàng. Bởi vậy màu sắc tôn sùng của các triều đại khác nhau cũng khác nhau. Như đã đề cập trước đó, Tần diệt nhà Chu, cho rằng là thuận theo thiên đạo, lấy Thủy khắc Hỏa, mà màu sắc tương ứng với nước là màu đen, nên triều Tần tôn sùng màu đen, như thế trang phục hoàng đế triều Tần mặc là màu đen. “Sử ký - Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ" cũng xác nhận điểm này: “Thuỷ Hoàng truyền bá thuyết chung thủy ngũ đức, cho rằng nhà Chu là Hỏa đức, Triều Tần thay thế đức của triều Chu,... nay Thuỷ đức bắt đầu hưng khởi, đổi lại tháng khởi đầu của năm, vào triều chúc mừng đầu năm đều là ngày 1 tháng 10. Y phục cờ hiệu thảy đều màu đen.”

Cũng cùng đạo lý đó, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ trong “Phong Thái Sơn ngọc điệp văn" có viết: “Thiên khải Lý Thị, vận hưng Thổ đức.” Từ đó có thể thấy, triều Đường là Thổ đức, bởi vậy triều Đường mới tôn sùng màu vàng. Nhưng, tôn sùng màu vàng không có nghĩa là nhà nào cũng có thể mặc y phục màu vàng. Ngược lại, là màu chuyên dụng của hoàng tộc, dân gian không được phép mặc, nếu không sẽ trở thành "khoác hoàng bào" làm loạn.

Triều Đường là Thổ đức, bởi vậy triều Đường mới tôn sùng màu vàng. (Chân dung hoàng đế Đường Thái Tông/ Miền công cộng)

Trong triều đại tôn sùng Hỏa đức, màu trang phục là màu đỏ, nhưng do đặc điểm của công nghệ nhuộm cổ Trung Hoa và việc bài xích các màu chói nên màu đỏ thời xưa hoàn toàn khác với màu đỏ chói ngày nay. Nói một cách chính xác, các màu đỏ thẫm, đỏ thắm, đỏ tươi, đỏ, đỏ hồng, đỏ tro trong các câu cổ ngữ đều là những màu khác nhau, màu đỏ truyền thống có màu đậm hơn và dịu hơn, khiến mắt dễ tiếp nhận hơn. Lấy cung điện của triều đình nhà Minh và nhà Thanh làm ví dụ, màu đỏ chu sa trên tường cung điện thực sự là màu pha giữa cam và đỏ, và màu xám hơn, không phải màu đỏ chót như hiện đại. Đồng thời, nếu tôn trọng màu đỏ của Hoả đức, như vậy cũng không phải ai cũng có thể tùy tiện sử dụng. Thử nghĩ xem, bình dân có thể mặc quần áo cùng màu với hoàng đế sao? Vì vậy so với các triều đại khác, hạn chế đối với màu sắc này càng nhiều hơn.

Ví dụ, mặc dù các bá quan triều Minh chưa từng chính thức bố cáo với thiên hạ về đức vận của triều đại, nhưng nhiều tài liệu chính thức cũng đề cập rằng nhà Minh dựa trên Hỏa đức mà lập triều. Tỉ như, Minh sơ đại thần Lưu Thần trong “Quốc sơ sự tích" cũng có nói: “Thái Tổ lấy Hỏa đức làm chủ, chuộng màu đỏ.” Nhà Minh chủ trương tôn sùng màu đỏ của Hỏa đức, vì thế không được lạm dụng. Hệ màu đỏ được chia thành nhiều loại màu đỏ khác nhau tùy theo sự khác biệt về màu sắc, và có quy định chi tiết về các trường hợp và giai tầng sử dụng. Dân gian cấm sử dụng màu đỏ chính, dân thường muốn dùng màu đỏ chỉ có thể dùng màu hồng tương đối nhạt, chỉ trong một số nghi lễ lớn mới được nới lỏng các hạn chế theo tình hình.

Điều đáng nói là chữ Hồng "红" cổ đại và chữ Hồng "红" trong tiếng Trung Quốc hiện đại không cùng một khái niệm. Sách “Thuyết văn” thời Đông Hán có giải thích: “Hồng, cũng là màu đỏ trắng của lụa.” Nói cách khác, “màu đỏ” trong cổ đại thực chất là một loại màu hồng, không phải màu đỏ mà người ta nghĩ tới ngày nay. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc tìm hiểu của người đọc hiện đại, tác giả vẫn đề cập đến các màu đỏ thẫm, đỏ thắm, đỏ rực, như màu đỏ theo quan niệm của người hiện đại.

Ngoài ra, từ cấp độ cao hơn, mỗi triều đại đã viết nên lịch sử và để lại văn hóa cho các thế hệ sau, các nền văn hóa mà mỗi triều đại mang lại đều có nguồn gốc khác nhau, màu sắc phản chiếu tự nhiên cũng khác nhau, đây cũng là biểu hiện của sự đa dạng về màu sắc truyền thống. Vì vậy, thuyết ngũ sắc và ngũ đức chỉ là một mức độ giải thích ở một phương diện nhất định, không phải là căn bản.

Do các triều đại khác nhau tôn sùng các màu sắc khác nhau, nên cái gọi là "màu đỏ là màu lễ hội truyền thống" không thể chấp nhận được. Thời nhà Thương là một ví dụ điển hình, người dân thời đó tin rằng màu đỏ là màu của máu, tượng trưng cho cái chết, vì vậy màu đỏ trở thành màu được dùng trong tang lễ, ma chay thời bấy giờ.

Đối với trang phục người xưa mặc khi kết hôn cũng vậy. Trong các thời đại khác nhau, người ta sử dụng các màu sắc khác nhau màu đen, trắng, đậm, nhạt, xanh, đỏ và nhiều màu khác, mà ở Trung Quốc cổ đại, hiếm khi nghe nói cô dâu và chú rể đều được trang trí toàn bằng màu đỏ như bây giờ. Hầu hết, dù mặc đồ đỏ thì cũng chỉ là một bên thôi, bởi vì sự khác biệt giữa nam và nữ nên người xưa đặc biệt coi trọng chuyện đó hơn.

Một ví dụ khác là câu đối xuân, có nhiều ý kiến ​​khác nhau về nguồn gốc của chúng, trải quá trình lịch sử lâu dài, chúng đã dần phát triển để giống ngày nay, nhưng ban đầu chúng không được viết trên giấy đỏ. Một số quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Quốc nên từ xa xưa đã kế thừa phong tục treo câu đối vào đầu năm mới hoặc đầu xuân, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ví dụ, người Hàn Quốc cũng treo các câu đối xuân và mọi người có thể thấy rằng hầu hết họ đều sử dụng chữ giấy trắng mực đen.

Câu đối xuân trong những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc. (Wikipedia/CC BY-SA 2.0)

Ấn tượng của người Trung Quốc về câu đối xuân màu đỏ bắt đầu từ thời nhà Minh, những người viết chữ viết câu đối trên giấy đỏ nhạt hơn và dán chúng lên tường hoặc cửa. Theo quan điểm màu sắc, màu này chỉ được sử dụng như một màu tô điểm cho môi trường xung quanh.

Nhưng vào thời nhà Thanh, giấy đỏ không được sử dụng để viết các câu đối xuân trong hoàng cung. Theo ghi chép của "Thanh bại loại sao": "câu đối xuân trong đại nội cung điện, dùng lụa trắng, do Hàn Lâm cẩn sách đệ trình." Ngày nay nhiều người đến thăm Tử Cấm Thành thấy ngạc nhiên khi thấy màu trắng bên trong câu đối xuân, bởi vì họ cho rằng câu đối xuân màu đỏ mới là quan niệm truyền thống.

Ngoài ra, các nơi tôn giáo truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như câu đối xuân ở các ngôi đền và chùa cổ, thường sử dụng giấy màu vàng nhạt thay vì màu đỏ.

Màu kiêng kỵ

Từ chính sử ghi chép có thể thấy, người Trung Quốc cổ đại không phải thời đại nào cũng tôn sùng màu đỏ, nhất là đối với màu đỏ chót hiện nay, dùng kỹ thuật nhuộm cổ đại càng khó thấy. Trong số những phong tục được dân gian lưu truyền, màu đỏ có vẻ như được nhiều người coi là biểu tượng của điềm lành nhưng lại có rất nhiều điều kiêng kỵ và ngoại lệ.

Nhiều người am hiểu phong tục dân gian đều biết rằng dân gian lưu truyền rằng túi tiền không được màu đỏ, nếu không sẽ mất tiền. Có nhiều cách giải thích khác nhau cho câu nói này: một số người nói rằng vì màu đỏ là hỏa, theo ngũ hành sinh khắc thì hỏa khắc kim, nên túi màu đỏ khắc tiền tài; cũng có người lại cho rằng màu đỏ là ẩn dụ của “thiếu hụt”, nghĩa là dễ dàng tiêu tiền, hoặc là mất cả vốn lẫn lãi… Có đúng là như thế không thì chúng ta không bàn ở đây, nhưng mọi người sẽ không vô duyên vô cớ mà kiêng kị với một loài màu sắc nào đó. Từ góc độ tâm lý học mà xét, thì chắc hẳn trong tiềm thức của mọi người đã có một chủng tâm thái phòng bị.

Nhiều người am hiểu phong tục dân gian đều biết rằng dân gian lưu truyền rằng túi tiền không được màu đỏ, nếu không sẽ mất tiền. (Ảnh: Pixabay)

Về phương diện nhà ở, hầu hết các thầy phong thủy đều phản đối việc đặt quá nhiều đồ vật, tranh ảnh màu đỏ trong nhà khiến ngũ hành mất cân bằng, phá hỏng thế phong thủy trong nhà, bất lợi cho tài vận của các hộ gia đình. Các nhà tâm lý học cũng cho rằng một lượng lớn màu đỏ dễ khiến con người dễ bị kích động về mặt tinh thần, và không nên để mọi người tiếp xúc với màu này quá nhiều. Ở góc độ y tế, các bác sĩ phản đối việc sử dụng màu đỏ làm màu chủ đạo trong nhà. Ở trong môi trường có màu đỏ lâu dễ gây mỏi thị giác, mắc một số bệnh liên quan, nguy hiểm đến sức khỏe.

Mọi người dường như có một bản năng cảnh giác và đề phòng màu đỏ và áp dụng nó vào đời sống xã hội, ví dụ, hầu hết các biển báo màu đỏ trên đường đều cho biết nguy hiểm hoặc cấm. Một số nghiên cứu tin rằng điều này có thể liên quan đến kinh nghiệm con người tích lũy trong tự nhiên. Trong tự nhiên, dù là động vật, thực vật hay côn trùng, tuy không phải là tất cả, nhưng rất nhiều sinh vật màu đỏ tươi đều có độc. Vì vậy, mọi người luôn cảm thấy nguy hiểm khi nhìn thấy những sinh vật có ngoại hình màu đỏ tươi, điều này làm nảy sinh bản năng cảnh giác với màu sắc này.

Trong lĩnh vực văn hóa cũng có một tình huống tương tự. Người Trung Quốc có một câu nói rằng "đan thư bất tường", có nghĩa là nhận được thư viết bằng màu đỏ là điều không may mắn. Vì vậy, ngày nay một số người nói rằng bạn viết một lá thư thì không thể dùng bút đỏ, bởi vì các chữ trong một lá thư tuyệt giao thường có màu đỏ.

Cách lập luận này cũng là có nguyên nhân trong lịch sử. Thời xưa, nha môn dùng bút đỏ để ghi tên những người bị xử tử. Mặt khác, trong dân gian còn truyền tụng rằng Diêm Vương quen dùng bút chu sa để vẽ sổ sinh tử. Điều này cũng khiến nhiều người nghĩ rằng viết tên ai đó bằng mực đỏ có nghĩa là nguyền rủa người đó chết.

Thời xưa, nha môn ngày xưa dùng bút đỏ để ghi tên những người bị xử tử. (Ảnh: Miền công cộng)

Người ta còn đồn rằng màu đỏ dễ thu hút ma quỷ nên một số người cao tuổi không cho người nhà mặc quần áo màu đỏ vào ban đêm. Tin đồn có đúng hay không thì không cần nói ra, nhưng nó liên quan đến một nền văn hóa cổ xưa mà nhiều người không biết nhiều về nó, đó là trong các cuốn sách cổ của Trung Quốc thời kỳ đầu có mô tả quỷ quái rất nhiều đều là màu đỏ.

Ví dụ, trong kinh điển Phật giáo thời nhà Đường "Pháp Uyển Châu Lâm" quyển 6 mô tả một con quỷ "có màu da đỏ và thân rất dài"; trong "Linh quỷ chí" của Đông Tấn cũng nói về "một con quỷ màu đỏ, thân dài hơn một trượng" ; "Luận Hoành" của Đông Hán có ghi chép "người nhìn thấy ma, nói rằng nó màu đỏ".

Không chỉ vậy, nhiều quỷ còn thích mặc quần áo màu đỏ. Cuốn 319 của "Thái bình quảng ký" kể rằng một người bị bốn đến năm trăm con quỷ vây quanh, chúng "toàn màu đỏ và dài hai thước", về sau bởi vì người bị vậy một lòng mặc niệm Bắc Đẩu, nên mấy trăm con quỷ mặc áo đỏ kia cho rằng người này “chính tâm tại Thần", liền buông tha cho anh ta.

Không những cơ thể có màu đỏ, các phương thức tấn công của quỷ cũng có màu đỏ. “Luận Hoành" quyển 22 trong chương về ma, có một câu nói rằng "quỷ và độc cùng một màu", vì vậy những đòn tấn công của ma cũng có màu đỏ; bên trong mô tả "cung tên tất cả đều màu đỏ", ý nói rằng tất cả vũ khí của chúng đều màu đỏ.

Tất cả những ví dụ trên đủ cho thấy rằng màu đỏ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc không phải là điềm lành như người hiện đại tưởng tượng. Tất nhiên, màu đỏ không nên bị kỳ thị, bởi vì màu sắc có cấp độ khác nhau, và nội hàm của chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Vì những gì tôi đang nói ở đây chỉ là biểu hiện ở phương diện văn hóa dân gian, cho nên nó hoàn toàn khác với màu đỏ ở các cấp độ cao hơn.

Xem tiếp: Phần 2

Lam Sơn
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn của màu sắc truyền thống (Phần 1)