Bảy lần bắt bảy lần thả: Gia Cát Lượng lấy đức phục nhân, bình định Nam Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gia Cát Lượng bảy lần bắt bảy lần thả Mạnh Hoạch, trong lần thứ tư, Mạnh Hoạch cưỡi trên một con trâu đỏ thẫm, thống lĩnh Man binh hò hét xông về hướng doanh trại quân Thục, kết quả đã trúng kế của Gia Cát Lượng, toàn quân sập bẫy tan tác.

Trong Long Trung đối sách, Gia Cát Lượng đã vì Lưu Bị mà lập kế hoạch Bắc phạt Trung Nguyên, phục hưng nhà Hán. Sau khi Lưu Bị thác cô, Gia Cát Lượng tiếp tục phò tá hậu chúa Lưu Thiện lúc này mới 17 tuổi, ông đảm nhận chức Thừa tướng gánh vác trọng trách trong triều đình.

Trong Tiền xuất sư biểu, Gia Cát Lượng viết: “Nay Bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác, phục hưng triều Hán, về lại cố đô.”

Điều này cho thấy Gia Cát Lượng nhất mực “cúc cung tận tụy” báo đáp tiên đế Lưu Bị và trung thành tuyệt đối với Hậu chúa Lưu Thiện.

Tuy nhiên, Nam Trung ở hậu phương Thục quốc vẫn chưa bình định, chưa thần phục. Nam Trung trong thời Tam Quốc chủ yếu đề cập đến miền nam Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và một số nơi khác. Có các dân tộc thiểu số sinh sống ở đây, vào thời nhà Hán, họ được gọi chung là Tây Nam Di.

Năm Chương Vũ thứ nhất (năm 212), Lưu Bị phong Lý Khôi làm Lai Hàng đô đốc, Sử trì tiết lãnh Giao Châu Thứ sử, đặt trụ sở tại huyện Bình Di (nay là thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu), cai quản sự vụ tại Nam Trung. “Lai Hàng” có nghĩa là chiêu mời và hàng phục.

Năm Kiến An thứ 19 (năm 214), khi Lưu Bị bình Thục, lập ra Lai Hàng đô đốc cai quản các quận ở Nam Trung, bổ nhiệm tướng quân An Viễn và Đặng Phương (người quận Nam) làm Thái thú quận Chu Đề và đô đốc Chu Hàng.

Đô đốc Lai Hàng cai trị huyện Nam Xương (nay là huyện Trấn Hùng, tỉnh Vân Nam), sau khi Thục Hán thành lập thì cải cách chính sách cai quản huyện Bình Di (nay là thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu).

Bảy lần bắt bảy lần thả: Gia Cát Lượng lấy đức phục nhân, bình định Nam Trung
Trong Tiền xuất sư biểu, Gia Cát Lượng viết: “Nay Bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác, phục hưng triều Hán, về lại cố đô.” (Ảnh: Wikipedia)

Các bộ tộc Di bạo loạn Nam Trung

Sau khi Lưu Bị qua đời, lãnh tụ tộc Tẩu là Cao Định dẫn đầu các bộ tộc lại lộng hành, đánh phá thành trì, và xưng vương ở Việt Tây. Quận thừa Tương Ca là Chu Bao chiếm quận làm phản. Cường hào ở Ích Châu là Ung Khải (hậu duệ Hợp hương hầu Ung Xỉ) cũng dấy binh nổi dậy ở Kiến Ninh, giết chết Thái thú, chiếm quận Ích Châu, và mưu đồ chiếm đoạt quận Vĩnh Xương. Ích Châu và Vĩnh Xương là hai quận quan trọng về kinh tế của nước Thục, và là nơi giao lưu văn hóa kinh tế mật thiết giữa người địa phương với người Hán. Một cường hào nữa ở Nam Trung là Mạnh Hoạch cũng làm phản.

Gia Cát Lượng phái Trương Duệ thay chức Thái thú, nhưng cũng bị Ung Khải bắt và đem nộp sang Đông Ngô. Tôn Quyền sai Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp phong Ung Khải làm Thái thú Vĩnh Xương.

Gia Cát Lượng đã cử Đặng Chi đi sứ Đông Ngô, cắt đứt ngoại viện của Ung Khải, lại cử Thường Phòng đi khôi phục quyền cai trị Nam Trung. Thường Phòng tra khảo rồi giết quan chủ bạ quận Tang Ca, nói Chu Bao, khi ấy là Thái thú ở Tang Ca, có ý hưởng ứng Ung Khải. Thế là Chu Bao đã giết Thường Phòng, rồi vu cáo Thường Phòng mưu phản.

Ung Khải liên minh với Cao Định, tấn công Vĩnh Xương. Lã Khải đóng cửa thành chống cự. Ung Khải không đánh được, thấy thế yếu dần, bèn liên hệ với Đầu mục ở quận Ích Châu là Mạnh Hoạch.

Mạnh Hoạch là nhân vật có tiếng tăm và uy tín trong khu vực các dân tộc thiểu số thời ấy. Để triển khai thực hiện mưu đồ của Ung Khải, Mạnh Hoạch đã tung tin trong dân tộc thiểu số rằng nhà Thục Hán sẽ bắt họ cống nạp những thứ quý hiếm khó tìm. Do Mạnh Hoạch kích động người Di nên phong trào chống đối ngày càng mạnh mẽ, quân nổi dậy ngày càng đông và lan truyền khắp vùng Nam Trung.

Trước tình hình bạo loạn liên tiếp diễn ra ở Nam Trung như vậy, Gia Cát Lượng không thể không tiến hành Nam chinh, thanh trừ hậu hoạn, chuẩn bị ráo riết cho chiến dịch Bắc phạt, đồng thời khai thông nguồn tài nguyên quân sự.

Các bộ tộc Di bạo loạn Nam Trung
Gia Cát Lượng không thể không tiến hành Nam chinh, thanh trừ hậu hoạn. (Ảnh: Epoch Times)

Gia Cát Lượng lấy đức phục nhân, công tâm vi thượng

Trưởng sử Vương Liên đã khuyên can rằng: “Vùng đất ấy khô cằn, dịch bệnh lan tràn, tiêu điều xơ xác, đi là chuyện mạo hiểm.” Gia Cát Lượng xét thấy Nam Trung là việc trọng đại, người khác khó đảm nhiệm nổi, nên ông vẫn quyết định tự mình xuất chinh.

Vào tháng Ba năm Kiến Hưng thứ 3 (năm 225), khi Gia Cát Lượng xuất quân thì Tham quân Mã Tốc đến đưa tiễn. Gia Cát Lượng hỏi ông về kế sách thì Mã Tốc thưa rằng: “Địa thế vùng Nam Trung rất hiểm yếu, cách trở, từ lâu đã không phục tùng triều đình, cho dù bây giờ ta dùng vũ lực đánh bại họ thì khi đại quân rút đi, họ lại tiếp tục làm phản, cho nên đạo lý dùng binh nên là đánh vào lòng người mới là thượng sách còn đánh vào thành lũy là hạ sách, chiến tranh tâm lý là thượng sách, chiến tranh binh đao là hạ sách, mong rằng thừa tướng chớ dựa vào vũ lực quá nhiều, hãy nghĩ cách chinh phục lòng người là chính.” (Theo Tam Quốc Chí-Mã Tốc truyện ghi chép).

Điều này hoàn toàn trùng hợp với chính sách an ủi vỗ về, không thảo phạt, giải quyết bằng phương thức hòa bình của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng chia quân làm ba đường. Mã Trung đi về phía Đông theo đường mòn Tứ Xuyên dẫn quân đánh Chu Bao ở Tang Ca. Lý Khôi đánh Ích Châu. Cánh quân chủ lực phía Tây dưới sự chỉ huy của Gia Cát Lượng xuất phát từ An Thượng đi theo đường thủy tiến vào vùng nổi loạn Việt Tây.

Khi quân Hán vẫn còn trên đường thì Ung Khải đã bị thuộc hạ là Cao Định giết. Bên cạnh đó, Cao Định đã cho quân đào hào đắp lũy phòng thủ tại Hán Nguyên, Diêm Nguyên, Chiêu Giác và các nơi khác. Gia Cát Lượng cố ý chần chừ không tiến quân. Khi Cao Định tập trung quân từ các nơi về một chỗ, Gia Cát Lượng mới đánh một trận quyết định, tiêu diệt hết quân nổi loạn, giết chết Cao Định.

Gia Cát Lượng lấy đức phục nhân, công tâm vi thượng
Gia Cát Lượng mới đánh một trận quyết định, tiêu diệt hết quân nổi loạn, giết chết Cao Định. (Ảnh: Pngtree.com)

Mạnh Hoạch thay thế Ung Khải trở thành thủ lĩnh quân nổi dậy, dẫn tàn dư của Ung Khải chạy về Ích Châu, kết hợp với các bộ lạc phía Nam vốn thù hận người Hán.

Trong lúc đó cánh quân phía Đông cũng đã đánh bại Chu Bao, giải quyết cơ bản cuộc bạo loạn ở hai phía Đông và Tây. Gia Cát Lượng chỉ huy cả ba cánh quân thừa thắng truy kích thẳng vào căn cứ của Mạnh Hoạch ở Ích Châu.

Vào tháng Năm, đạo quân của Gia Cát Lượng hành quân vượt qua vùng rừng núi hiểm trở không một dấu chân người, vượt qua sông Kim Sa hiểm trở đến gần được Ích Châu.

Gia Cát Lượng nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung, cũng vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán nên ông quyết định đánh vào lòng người, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Gia Cát Lượng hạ lệnh cho quân Thục khi đánh nhau với Mạnh Hoạch, chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm bị thương.

Lần này, Gia Cát Lượng không thực thi nghiêm khắc như trước, trái lại vận dụng một chính sách khoan dung “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử chiến tranh.

Gia Cát Lượng “Thất cầm Mạnh Hoạch”

Trong chiến dịch Nam chinh của Gia Cát Lượng, thì câu chuyện Thất cầm Mạnh Hoạch được truyền bá rộng rãi nhất trong các đời sau.

Thất cầm Mạnh Hoạch, còn được gọi là Bảy lần bắt bảy lần thả, thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong Nam Trung Chí, Tập 4 của Hoa Dương Quốc Chí, ngoài ra còn được trích dẫn ngắn gọn trong Tam Quốc Chí-Gia Cát Lượng truyện Hán Tấn Xuân Thu.

Tuy nhiên trong ba sách sử là: Tam Quốc Chí-Gia Cát Lượng truyện, Xuất Sư Biểu và Tam Quốc Chí lại không có ghi chép trực tiếp trong tiểu sử của các thủ lĩnh quân đội như Lý Khôi và Lã Khải.

Căn cứ theo Hán Tấn Xuân Thu ghi chép, khi Gia Cát Lượng ở Nam Trung, đánh trận nào cũng thắng, lại nghe nói về danh tiếng lẫy lừng của Mạnh Hoạch, người Di và người Hán đều quy thuận ông ta nên Gia Cát Lượng căn dặn chúng tướng chỉ được phép bắt sống mà thôi.

Trong trận đầu giao tranh, Mạnh Hoạch bị quân Thục bắt sống, Gia Cát Lượng không giết, mà còn bày tiệc khoản đãi, muốn Mạnh Hoạch hàng phục. Sau đó Gia Cát Lượng bày binh bố trận rồi dẫn Mạnh Hoạch tham quan và hỏi rằng: “Ông thấy quân đội nhà Thục thế nào?”

Mạnh Hoạch đáp: “Trước đây tôi chưa biết thực hư về quân đội của Ngài, nên mới bại trận; nay Ngài cho tôi thấy được trận thế, biết rõ sự tình, bất quá cũng chỉ có vậy thôi, thì chiến thắng cũng là chuyện dễ dàng. Nếu Ngài dám thả tôi về, đánh lại thì chắc tôi sẽ thắng.”

Gia Cát Lượng nghe xong mỉm cười tha cho Mạnh Hoạch về. Mạnh Hoạch tập hợp lại lực lượng giao tranh lần nữa nhưng vẫn thua và bị quân Thục bắt sống. Lần này Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu phục. Gia Cát Lượng lại thả ông ta ra, cứ như vậy lặp đi lặp lại 7 lần. Đến lần thứ 7, khi Gia Cát Lượng định thả Mạnh Hoạch thì Mạnh Hoạch không chịu về, vì ông nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là một người phi phàm và trong tâm không có ý thù địch với mình. Vậy nên Mạnh Hoạch thành tâm nói với Gia Cát Lượng rằng: “Thiên uy của Thừa tướng như vậy thì người miền Nam chúng tôi không bao giờ làm phản nữa”.

Nên cũng nói, Gia Cát Lượng Bảy lần bắt bảy lần thả Mạnh Hoạch đã khiến Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục, và thật tâm quy thuận, lại còn hứa rằng người dân Nam sẽ không bao giờ tạo phản nữa. Thật sự vậy, sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân Đông, Tây và Trung hội quân ở Điền Trì (Vân Nam) mừng thắng lợi của cuộc Nam chinh và giai thoại Bảy lần bắt bảy lần thả được truyền trụng mãi mãi.

Sau chiến dịch Nam chinh, Gia Cát Lượng cho phép tất cả các bộ tộc ở Nam Trung tự trị mà không làm thay đổi cấu trúc xã hội ban đầu của từng dân tộc, điều này cũng dẫn đến sự hợp tác của các đại gia đình hào tộc ở địa phương, mang đến sự ổn định lâu dài cho Nam Trung.

Gia Cát Lượng “Thất cầm Mạnh Hoạch”
Gia Cát Lượng cho phép tất cả các bộ tộc ở Nam Trung tự trị mà không làm thay đổi cấu trúc xã hội ban đầu của từng dân tộc. (Ảnh internet)

Thất cầm Mạnh Hoạch trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bên cạnh đó, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung cũng có ghi chép và miêu tả một cách sinh động về giai thoại Bảy lần bắt bảy lần thả. Chép rằng:

Trong cuộc đọ sức đầu tiên giữa Gia Cát Lượng và Mạnh Hoạch, Triệu Vân dẫn một toán quân đánh thẳng vào lực lượng của Mạnh Hoạch, khí thế ào ào như một cơn gió lốc, sau đó Triệu Vân dụ Mạnh Hoạch đuổi theo mình và gài bẫy phục kích, kết cục, Mạnh Hoạch đã bị bắt bởi Ngụy Diên. Mạnh Hoạch không phục, sau đó Gia Cát Lượng đã thả Mạnh Hoạch.

Trong lần thứ hai, Mạnh Hoạch đã thận trọng hơn, không ỷ y chủ quan như trước, ông tạo ra công sự dọc theo một con sông cho trận chiến thứ hai. Mặc dù vậy, quân Thục vẫn vượt qua được. Mã Đại cắt đứt các đường tiếp tế và giết chết Kim Hoàn Tam Kết, một vị tướng Nam Man bảo vệ các công sự trên bờ sông.

Tướng An Hội Nan và Đổng Trà Na thấy Thục Hán mạnh hơn nhiều so với lực lượng của Mạnh Hoạch, lại vốn mang tâm bất bình, nên hai vị này đã phản bội Mạnh Hoạch, đang đêm lén bắt giữ Mạnh Hoạch giao cho quân Thục. Gia Cát Lượng vẫn không giết Mạnh Hoạch, như là một phần của kế sách phục nhân, Gia Cát Lượng còn dẫn Mạnh Hoạch đi tham quan quân đội trong doanh trại của mình trước khi thả về lần thứ hai.

Mạnh Hoạch sau khi xem trại của quân Thục thì trở nên quá tự tin, xem nhẹ những cách bố phòng của trại địch, ông ta cử em trai của mình là Mạnh Ưu tiếp tục đi thám thính, nhưng Mạnh Ưu đã bị bắt. Lần này, Mạnh Hoạch tập hợp một lực lượng lớn tấn công trại quân Thục, Gia Cát Lượng đã sơ tán toàn bộ lực lượng của mình. Tất nhiên, đây là một phần của kế hoạch của Gia Cát Lượng, tức khắc quân đội của Mạnh Hoạch rơi vào nhiều cái bẫy hố đã được đào sẵn trong trại. Mạnh Hoạch đã bị bắt một lần nữa.

Thất cầm Mạnh Hoạch trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Quân đội của Mạnh Hoạch rơi vào nhiều cái bẫy hố đã được đào sẵn trong trại. ((Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Thận trọng, và học hỏi từ những thất bại trước đây của mình, Mạnh Hoạch chọn chiến thuật phòng thủ, chờ đợi cho một cuộc tấn công của quân Thục. Kế hoạch để dụ quân Thục vào vùng đầm lầy độc xung quanh các hang động của Đóa Tư Đại vương. Nhưng Gia Cát Lượng đã được báo trước về sự nguy hiểm bởi anh trai Mạnh Hoạch là Mạnh Tiết và tiếp tục vượt qua được đầm lầy này. Một lần nữa, Mạnh Hoạch đã bị đánh bại và bị bắt, còn Đóa Tư thì bị giết chết. Trong văn hóa dân gian, Gia Cát Lượng bị bệnh từ khi vượt qua đầm lầy nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục.

Sau thất bại thứ năm, Mạnh Hoạch được sự hỗ trợ của vợ ông, là Chúc Dung Phu nhân, bây giờ đã đến chiến trường, phàn nàn rằng chồng mình không đủ năng lực nên đã trổ tài nữ tướng oanh tạc một phen. Trong một trận giao phong, Chúc Dung đã đánh thắng và bắt được hai tướng Mã Trung và Trương Ngực.

Thấy vậy, Gia Cát Lượng đã phái Triệu Vân, Ngụy Diên, Mã Đại phản công Chúc Dung. Cuối cùng Mã Đại xuống ngựa và bắt được Chúc Dung.

Gia Cát Lượng quay lại doanh trại của mình để Mạnh Hoạch trao đổi với các tướng Thục bị bắt. Lần này, Mạnh Hoạch cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ và tập hợp những con thú hoang dã như voi và hổ từ lực lượng của Mộc Lộc Đại vương để chống lại quân Thục. Ban đầu, những con thú hoang này đã gây ra sự khiếp đảm cho quân Thục, nhưng sau đó chúng đã bị đuổi đi bởi súng phun lửa của Gia Cát Lượng, rất nhanh sau đó, Mộc Lộc đã bị giết chết trong trận, và Mạnh Hoạch đã bị bắt một lần nữa.

Trong trận cuối cùng, Mạnh Hoạch đã tranh thủ được sự trợ giúp của Ngột Đột Cốt, một vị vua hùng mạnh của nước Ô Qua, quân đội được trang bị áo giáp làm bằng mây để làm chệch hướng của đao kiếm và các mũi tên.

Tuy nhiên, Gia Cát Lượng đã bố trí một cái bẫy trong đó Ngụy Diên dẫn dụ Ngột Đột Cốt tiến vào thung lũng với các chất gây cháy đặt bên dưới mặt đất. Quân Ngột Đột Cốt trúng kế và ra sức đuổi theo Ngụy Diên vào thung lũng.

Bên trong thung lũng, Triệu Vân chặn các tuyến đường thoát ra và kích hoạt phát nổ, áo giáp mây bốc cháy đỏ rực thiêu trụi Ngột Đột Cốt cùng binh lính của ông.

Mặc dù thắng một trận lớn, nhưng Gia Cát Lượng vốn có lòng thương xót bá tánh, ông đã khóc khi xem diễn biến trận chiến, và cho rằng mình mang nghiệp sát quá nặng. Lúc này, Mạnh Hoạch bị bắt lần thứ bảy và cũng là lần cuối cùng.

Với nghệ thuật dụng kế và dụng binh như Thần của Gia Cát Lượng, thì Mạnh Hoạch đã phải phục sát đất và chấp nhận thất bại, ông tuyên bố đầu hàng, ngoài ra Mạnh Hoạch còn đem toàn bộ gia quyến, tướng tá, binh lính đầu phục theo mình. Các mối đe dọa miền Nam đã được dẹp bỏ và quân đội Thục Hán khải hoàn trở về Thành Đô.

Thất cầm Mạnh Hoạch trong Tam Quốc Diễn Nghĩa 3
Với nghệ thuật dụng kế và dụng binh như Thần của Gia Cát Lượng, thì Mạnh Hoạch đã phải phục sát đất và chấp nhận thất bại, ông tuyên bố đầu hàng. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Nam Trung trở thành hậu phương to lớn và vững chắc của nhà Thục Hán

Sau khi Gia Cát Lượng bình phục Nam Trung thì không lưu quan cũng không lưu binh tại địa phương này.

Một số người biết chuyện này đã khuyên Gia Cát Lượng. Thế nhưng Gia Cát Lượng lại nói rằng:

“Nếu lưu người ngoài, tất phải lưu binh, binh lưu lại thì phải có lương thảo, nhưng địa phương này rất khó giải quyết vấn đề quân nhu lương thảo - đây là khó khăn thứ nhất.

Lại thêm Nam Di vừa mới hứng chịu chiến tranh, hầu hết các gia đình mất đi người trụ cột, thương vong không kể xiết, nếu lưu lại quan binh e rằng sẽ gặp phải tai họa báo thù - đây là khó khăn thứ hai.

Quan lại người Di lo lắng phạm tội giết người bị cách chức, lo sợ bản thân mắc trọng tội, dẫu có lưu lại quan chức ngoại tộc thì cuối cùng cũng không được tín nhiệm - đây là khó khăn thứ ba.

Nay ta không muốn lưu quan binh, vậy cũng miễn được gánh nặng vận chuyển lương thảo, kỷ cương coi như ổn định, mối quan hệ giữa Hán Di cũng coi như bình yên vô sự.”

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không lưu lại bất kỳ một quan binh nào. Lai Hàng đô đốc và Thái thú các quận vẫn do nhà Thục Hán chỉ định và điều động từ Thành Đô, còn các chức vụ khác do thủ lĩnh địa phương đảm nhiệm, như quan ấp và quan huyện (đều do các chủ soái dân tộc nắm giữ), được gọi là Ấp hầu (Tri huyện) hoặc Ấp quân.

Sau cùng, Gia Cát Lượng bổ nhiệm Lý Khôi làm Thái thú ở Kiến Ninh, Lã Khải làm Thái thú ở Vân Nam, ông còn thu nhận Thoán Tập và nhiều tướng quy hàng khác, đồng thời phong chức vụ chính thức cho Mạnh Hoạch, nhằm thu phục người miền nam. Chỉ có Mã Trung là người ngoại tộc duy nhất được phong làm Thái thú ở Tang Ca, và ông cũng được người Di kính trọng.

Nam Trung trở thành hậu phương to lớn và vững chắc của nhà Thục Hán
Gia Cát Lượng đã thu nạp tuấn kiệt Mạnh Hoạch cùng những quan tướng khác của ông ta, người miền Nam còn dâng cống phẩm và cung cấp cho quân đội Thục Hán không thiếu thứ gì. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Trong Tư trị thông giám có ghi chép: “Gia Cát Lượng đã thu nạp tuấn kiệt Mạnh Hoạch cùng những quan tướng khác của ông ta, người miền Nam còn dâng cống phẩm và cung cấp cho quân đội Thục Hán không thiếu thứ gì, chẳng hạn như: vàng, bạc, đá quý, sơn dầu, gia súc, ngựa chiến... Kể từ đó cho đến khi Gia Cát Lượng qua đời, người Di cũng không bao giờ tạo phản nữa.”

Gia Cát Lượng bình định Nam Trung, đạt được mục đích tăng binh lính, tăng của cải “quân tư sở xuất, quốc dĩ phú nhiêu”, tạo tiền đề vững chắc cho chiến dịch Bắc phạt sau này.

Đồng thời, trong Hoa Dương Quốc Chí-Nam Trung Chí cũng có ghi chép về công trạng to lớn của Gia Cát Lượng, Lý Khôi và Trương Nghi trong chiến dịch Nam chinh lịch sử này.

Hậu thế ngưỡng mộ tài năng của Gia Cát Lượng

Đối với việc Gia Cát Lượng bình định Nam Trung, trong Tam Quốc Chí chỉ ghi chép vỏn vẹn 12 chữ: “Tam niên xuân, Lượng suất chúng Nam chinh, kỳ thu tất bình.”

Sự cai trị của Gia Cát Lượng đối với nhà Thục và cuộc Nam chinh của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến các bộ tộc phía Tây Nam. Ngoài ra, ở phía Tây Vân Nam còn lưu lại rất nhiều những di tích lịch sử và truyền thuyết dân gian về chiến dịch Nam chinh của Gia Cát Lượng.

Đồng thời, sau khi Gia Cát Lượng ổn định Nam Trung, ông cũng tôn trọng cuộc sống và văn hóa địa phương, đồng thời cũng mang văn hóa Trung Hóa đến với những dân tộc tương đối lạc hậu này, khiến cho các tộc duệ địa phương nhận được lợi ích sâu sắc, cuộc sống ấm no phồn thịnh và phát triển vượt bậc kể từ đó. Mặc dù tính chân thật của “Thất cầm Mạnh Hoạch” của Gia Cát Lượng luôn bị nghi ngờ và gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật, tuy nhiên câu chuyện này đã khắc sâu vào lòng mỗi người dân chúng ta, trở thành một giai thoại bất hủ mà dân gian mãi mãi truyền tụng.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bảy lần bắt bảy lần thả: Gia Cát Lượng lấy đức phục nhân, bình định Nam Trung