Báu vật bất ly thân để phòng ngừa dịch bệnh của người xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa cho rằng: bệnh là do nhiễm tà khí, xâm nhập qua mũi miệng, nếu dùng vị của dược liệu hít vào qua đường mũi miệng sẽ khiến kinh mạch thông, khu tà phù chính, đạt được công hiệu trừ bệnh khỏe người…

Liệu pháp hương liệu phòng dịch bệnh

Thời cổ đại đã xuất hiện nhiều lần dịch bệnh, do đó một số phương thuốc thần kỳ phòng chống dịch bệnh đã được lưu lại trong lịch sử.

Thời kỳ Hán Vũ Đế tại vị, sách "Sơn hải kinh " có ghi chép rằng: “Phía Bắc núi Côn Luân có một con sông, vì không thể đi thuyền, sức nâng của nước quá yếu, do đó gọi là Nhược Thủy (nước yếu). Phía Tây có một quốc gia gọi là Đại Nguyệt Thị đã từng sai người chèo một loại thuyền đặc biệt gọi là Mao Xa (Xe lông) để đi qua sông Nhược Thủy, tiến cống cho triều đình Tây Hán 3 miếng hương liệu. Loại hương liệu này có ngoại hình giống táo, to bằng quả trứng chim loan. Vì đương thời ở thành Trường An đang xảy ra dịch bệnh, trong cung có rất nhiều người nhiễm bệnh. Thế là sứ giả thỉnh cầu đốt hương liệu cống tiến để trừ dịch khí. Sau khi đốt một miếng hương liệu, số người nhiễm bệnh trong cung lần lượt chuyển nguy thành an, không lâu sau đã khỏi bệnh một cách thần kỳ. Hơn nữa, mùi thơm của của hương liệu lan ra xa ngoài trăm dặm, rất nhiều ngày vẫn không tản đi hết.”

Theo ghi chép trong "Bác vật chí" của Trương Hoa: người chết vì dịch bệnh chưa quá 3 ngày, ngửi được hương khí này thì có thể hoàn hồn sống lại.

Trong sách "Hải nội thập châu ký", Đông Phương Sóc cũng đã từng miêu tả rằng: "Hương khí thơm mấy trăm dặm, người chết nằm đó, ngửi thấy hương khí thì sống lại." Điều này hoàn toàn trùng khớp với ghi chép trong sử sách "Hán Vũ Đế nội truyện", hơn nữa sách sử này còn ghi chép rằng: hương liệu này là do nước ở Tây vực là Nguyệt Chi tiến cống cho triều Hán, được lấy từ cây "Phản hồn thụ", vì có công hiệu hoàn hồn nên được đặt tên là "Phản hồn hương".

Trong các sách "Hoàng Đế nội kinh", "Ôn dịch điều biện", "Thiên kim yếu phương" và "Thương hàn luận" đều có ghi chép về việc xông hương phòng dịch bệnh. Triều đình nhà Tống còn lập ra Thái y cục và Tễ cục, đồng thời tổ chức các chuyên gia biên soạn sách y dược "Thái Bình Thánh huệ phương""Thái Bình huệ dân hòa Tễ cục phương". Sách "Thái Bình Thánh huệ phương" có ghi chép rất nhiều phương pháp, liệu pháp dùng hương liệu để phòng dịch bệnh. Người xưa cho rằng: bệnh là do nhiễm tà khí, xâm nhập qua mũi miệng, nếu dùng vị của dược liệu hít vào qua đường mũi miệng sẽ khiến kinh mạch thông, khu tà phù chính, đạt được công hiệu trừ bệnh khỏe người.

Sau khi đốt một miếng hương liệu, số người nhiễm bệnh trong cung lần lượt chuyển nguy thành an, không lâu sau đã khỏi bệnh một cách thần kỳ.
Sau khi đốt một miếng hương liệu, số người nhiễm bệnh trong cung lần lượt chuyển nguy thành an, không lâu sau đã khỏi bệnh một cách thần kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Túi hương liệu

Ngoài xông hương ra còn có một báu vật bất ly thân phòng dịch bệnh của người xưa, đó là túi hương liệu.

Túi hương liệu là một loại túi đeo, vì trong túi có chứa hương liệu nên có tên như vậy. Trong những ghi chép xưa cũng gọi là gói hương liệu, bọc hương liệu, túi đeo, túi hương... Túi hương liệu thường được buộc ở phần eo hoặc trên thắt lưng chỗ dưới khuỷu tay. Cũng có người buộc ở rèm giường ngủ hoặc trên xe ngựa.

Sách "Bão phác tử" phần "Đăng thiệp" có ghi chép: "Hoàng Đế muốn leo núi Viên Khâu, đất này có nhiều rắn lớn, thế nên Quảng Thành Tử bảo ông đeo hùng hoàng, rắn ở đó đều đi hết." Ghi chép này được học giả người Mỹ là Wolfram Eberhard dẫn dùng trong sách "Từ điển tượng trưng văn hóa Trung Quốc" do ông biên soạn rằng: "Bộ tộc của Hoàng Đế đã xảy ra một đại dịch, nghe nói Quảng Thành Tử y đạo cao minh, Hoàng Đế liền đến xin chỉ dạy phương pháp chữa trị dịch bệnh. Quảng Thành Tử cho hùng hoàng vào các gói và bảo Hoàng Đế đeo bên người, kết quả đã chữa trị khỏi." Do đó, vào thời thượng cổ, con người đã biết dùng hương liệu đem bên mình và đã đạt được tác dụng khu tà phòng dịch.

Trong tác phẩm "Ly tao" của Khuất Nguyên thời kỳ Chiến Quốc có ghi chép: "Tiêu chuyên quyền, xu nịnh, ngạo mạn, Sát lại muốn làm đại phu đeo bội duy." Bội duy tức là túi hương liệu.

"Sử ký - Nội tắc" có viết: "Nam nữ chưa đến tuổi quan kê (lễ gia quan - lễ đội mũ và lễ cài trâm dành cho tuổi trưởng thành - ND), áo đều đeo dung khứu (túi đựng hương), dung khứu cũng là chỉ túi hương liệu."

Quái đắc khinh phong tống dị hương
Phinh đình Tiên tử duệ nghê thường
(Trích "Tặng Vương Phúc Nương" của Thôi Đạm đời Đường)

Tạm dịch:

Lạ lùng gió nhẹ đưa hương
Thướt tha Tiên nữ nghê thường áo bay

Các mỹ nhân đời Đường không ai là không đeo túi hương liệu. Trong bài thơ "Vịnh mỹ nhân tại Thiên Tân kiều", Lạc Tân Vương viết:

Mỹ nữ xuất đông lân
Dung dữ thướng Thiên Tân
Chỉnh y hương mãn lộ
Di bộ miệt sinh trần

Dịch thơ (Hoàng Giáp Tôn):

Người đẹp hàng xóm bên đông
Cầu Thiên Tân nhẹ bóng hồng bước lên
Chỉnh khăn áo hương thoảng bên
Đường qua, bụi vớ theo liền bước chân

Mỹ nhân đi qua, con đường còn lưu lại hương thơm.

Đến thời Minh thịnh hành phong tục Tết Đoan Ngọ đeo túi hương liệu, rất đa dạng rực rỡ. Trong bài thơ "Biện trung Nguyên tịch", Lý Mộng Dương viết:

Ngọc quán chu thành liễu mạch tà
Tống kinh đăng nguyệt tán yên hoa
Môn ngoại hương xa nhược lưu thủy
Bất tri thanh điểu hướng thùy gia...

Tạm dịch:

Quán ngọc thành son đường liễu rủ
Kinh thành trăng đuốc tỏa khói hoa
Trước cửa xe thơm như nước chảy
Chẳng biết chim xanh đến mấy nhà...

Những chiếc xe thơm đi qua trước cửa như nước chảy, trên xe toàn là mỹ nữ hương thơm ngát. Có thể thấy phong tục đeo túi hương liệu của những mỹ nữ phủ Khai Phong thời đó rất thịnh hành.

Túi hương liệu được chế tạo với hình dáng đa dạng, có hình tròn, hình vuông, hình ô van, hình bầu dục, hình phương thắng (hai hình vuông liền góc)...
Túi hương liệu được chế tạo với hình dáng đa dạng, có hình tròn, hình vuông, hình ô van, hình bầu dục, hình phương thắng (hai hình vuông liền góc)... (Ảnh miền công cộng)

Túi hương liệu được chế tạo với hình dáng đa dạng, có hình tròn, hình vuông, hình ô van, hình bầu dục, hình phương thắng (hai hình vuông liền góc)... đa phần là hai miếng hợp lại, ở giữa là các hoa văn rỗng, cũng có cái để trống và thắt nhỏ miệng. Dù thế nào thì cũng đều phải có lỗ thông khí, dùng để phát tán hương vị. Trên đỉnh có treo sợi tơ lụa, phía dưới buộc dây màu bện tết hoặc châu ngọc. Chất liệu túi hương liệu cũng rất phong phú, có cái dùng ngọc điêu khắc, có cái là dây vàng, dây bạc, điểm xuyết ngọc phỉ thúy và sợi lụa màu.

Sách "Cựu Đường thư" - quyển 5 có chép: “An Lộc Sơn phản loạn, Huyền Tông chạy trốn khỏi Trường An, khi đi đến dốc Mã Ngôi, ban chết cho Dương Quý Phi, và an táng ở đó. Sau này Huyền Tông từ đất Thục trở về kinh đô, nhớ lại tình xưa, mật lệnh cải táng. Khi đào mộ cũ lên, phát hiện chiếc đệm màu tím ban đầu khi mai táng dùng để cuốn thi thể và thi thể đều đã mục nát, duy chỉ còn túi hương liệu là vẫn còn tốt.”

Xua ác khí, trừ tà uế

Tuy túi hương liệu các triều đại có hình dạng chế tạo khác nhau, phương thức đeo và hương liệu bên trong cũng khác nhau, nhưng ý nghĩa thì không gì khác ngoài việc xua ác khí, trừ tà uế.

Trong mộ thời Hán ở Mã Vương Đôi, khai quật mộ số 1 có 4 túi hương liệu còn khá hoàn chỉnh (Một túi hương liệu "tín kỳ tú" bằng lụa ở khoang phía bắc, còn 3 túi kia để trong một chiếc rương tre ở khoang phía đông). Bốn túi hương liệu này khi khai quật, bên trong đều có hương dược "trừ uế phòng bệnh": một chiếc chứa rễ cỏ mao hương, một chiếc chứa hoa tiêu, hai chiếc chứa mao hương và tân di. Trong vật tùy táng còn có rương tre đựng cỏ thơm.

Mao hương là một loài thực vật có hương thơm thuộc loài mao hương, họ lúa, sau khi phơi khô thì có hương khí, có thể dùng để chống mối cho quần áo. Hoa tiêu dùng làm thuốc bắc, có tác dụng làm ấm và hoạt khí, trừ hàn, giảm đau, sát trùng. Tân di thì được miêu tả trong "Bản thảo cương mục" rằng: "Phổi khai khiếu ở mũi, mà mạch dạ dày dương minh đi quanh mũi đi lên, não là phủ của nguyên thần, mũi là khiếu của mệnh môn. Trung khí của con người không đủ, khí thanh dương không đi lên được thì đầu nghiêng, 9 khiếu bất lợi. Tân di cay ấm, hoạt khí đi vào phổi, có thể trợ giúp khí thanh dương trong dạ dày đi lên, thông với trời, do đó có thể làm ấm bên trong, trị các bệnh về đầu, mặt, mắt, mũi."

Trong sách "Lý thược biền văn" đời Thanh cũng có viết về chế tác "phương thuốc túi hương liệu trừ dịch bệnh", tức là dùng khương hoạt, đại hoàng, sài hồ, thương truật, tế tân, ngô thù du, mỗi loại bằng nhau rồi nghiền thành mạt nhỏ, cho vào túi hương liệu đeo ở trước ngực. Đeo trường kỳ có thể phòng ngừa cảm mạo bốn mùa, có thể tránh dịch bệnh.

Trong tác phẩm "Hoàng Đế nội kinh" - thủy tổ của Đông y, có đề cập đến: "Chính khí ở trong (thân thể) thì tà không thể xâm phạm. Tà tiếp cận thì ắt là khí hư." Điều đó có nghĩa là: Trong tình trạng chính khí thân thể người cường thịnh thì tà khí không dễ xâm nhập vào cơ thể, cũng sẽ không bị bệnh tật. Sở dĩ tà khí có thể xâm nhập và cơ thể người, thì nhất định là chính khí đã bị hư nhược rồi. Do đó gia cố bảo vệ chính khí, không bị tà khí bên ngoài xâm phạm, đồng thời nâng cao khả năng kháng bệnh... là việc mà người xưa nghiên cứu về sinh mệnh.

Có một loại thuốc giúp phòng trừ dịch bệnh ghi chép trong sách cổ, được gọi là "gói hương liệu", bao gồm: khương hoạt, đại hoàng, sài hồ, thương truật, tế tân, ngô thù du, mỗi loại bằng nhau rồi nghiền thành mạt nhỏ, cho vào túi hương liệu đeo ở trước ngực.
Có một loại thuốc giúp phòng trừ dịch bệnh ghi chép trong sách cổ, được gọi là "gói hương liệu", bao gồm: khương hoạt, đại hoàng, sài hồ, thương truật, tế tân, ngô thù du, mỗi loại bằng nhau rồi nghiền thành mạt nhỏ, cho vào túi hương liệu đeo ở trước ngực. (Ảnh: Epoch Times)

Chính khí từ đâu đến?

Văn Thiên Tường, thi nhân và là thừa tướng triều Nam Tống bị quân Nguyên bắt làm tù binh, ở trong ngục ông đã viết bài "Chính khí ca", trong đó có viết rằng: "Khí của ngươi có bảy, khí của ta có một, lấy một địch bảy, ta có gì lo đâu! Huống hồ khí hạo nhiên, đó là chính khí của trời đất". Mặc dù nó có 7 loại uế khí, dùng một loại chính khí này có thể địch lại với 7 loại khí kia, còn lo ngại gì đâu! Hơn nữa khí cương trực to lớn chính là chính khí lẫm liệt trong trời đất:

Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạc
Thượng tắc vi nhật tinh
Ư nhân viết hạo nhiên
Bái hồ tắc sương minh

Tạm dịch:

Trời đất có chính khí
Tồn tại trong muôn hình
Dưới là ở sông núi
Trên tinh tú mặt trời
Với người là hạo khí
Tràn ngập cả đất trời

Chỉ với việc đeo túi hương liệu đã có thể dùng hương thơm trị khí, khiến khí cơ của cơ thể người điều hòa lưu thông, ngăn chặn sự xâm hại của khí bệnh; vậy nên nếu con người lúc nào cũng giữ được thiện lương bình hòa, một thân chính khí, thì bất kỳ khí tà ác nào cũng khó mà tiếp cận được.

Trung Hòa
Theo Epoch Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Báu vật bất ly thân để phòng ngừa dịch bệnh của người xưa