Bát Tiên truyền kỳ (P.8): Tú Nữ được Chân nhân tiếp độ; Bát Tiên say rượu vượt Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đãi tiệc xong rồi, Bát Tiên từ tạ Vương Mẫu Nương Nương trở về. Khi bay qua biển Đông, Bát Tiên trông thấy sóng biển cao lắm. Lã Động Tân bèn nói: 'Xưa nay nghe đồn Đông Hải đẹp mà chưa xem qua phong cảnh như thế nào. Sẵn dịp này, Bát Tiên ta không đằng vân nữa, hãy cùng giáng xuống biển cưỡi sóng Đông du một chuyến xem sao'...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1) (Phần 5 - Kỳ 2), (Phần 6), (Phần 7 - Kỳ 1), (Phần 7 - Kỳ 2)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

8. Hà Tiên Cô

Những câu chuyện trong dân gian kể về cuộc đời thực của vị Tiên nữ duy nhất trong số Bát Tiên này vốn thực sự ít ỏi... Theo truyền thuyết kể lại, Hà Tiên Cô tên thật là Hà Tú Cô, khi cô giáng sinh đã có mây tía kéo đến bao phủ quanh nhà. Tú Cô sinh vào ngày mồng 7 tháng 3 (không rõ niên hiệu) nhưng nhằm vào thời nữ vương Võ Tắc Thiên, triều đại nhà Đường. Gia đình cô vốn là người huyện Tăng Thành - Quảng Châu, tư gia cư trú tại khe Vân Mẫu. Phụ thân là Hà Thái, gia cảnh thuộc vào hàng cự phú, kẻ hầu người hạ có đến cả trăm người, nhưng Tú Cô rất mực đoan trang, nết na hiếu thảo…

Năm 13 tuổi khi ra ngoài dạo chơi, Hà Tú Cô gặp được L‎ý Thiết Quải, Lã Động Tân, Trương Quả Lão nơi vườn đào, nhìn thấy Tú Cô thân thế tiên thiên vốn không phải người phàm, cô đã sắp sửa thành Tiên nên các tiên nhân muốn độ, bèn cho Hà Tú Cô ăn đào tiên, táo tiên, lại chỉ cho cô cách dùng bột vân mẫu thay cơm… từ đó Tú Cô vốn đã hồn nhiên thanh nhã lại càng trở nên xinh đẹp lạ thường. Tương truyền lúc đương thời Vương nữ Võ Tắc Thiên vô cùng ngưỡng mộ sắc đẹp của Hà Tú Cô, bà đã rất nhiều lần cho mời Tú Cô vào cung những mong được tham vấn bí quyết về sắc đẹp và thuật trường sinh nhưng Tú Cô nhất mực không gặp… Sau này ba Tiên nhân trong số Bát Tiên (tương truyền là: L‎ý Thiết Quải, Lã Động Tân, Trương Quả Lão) đã đăng đàn triển phép, độ Hà Tú Cô trở thành Tiên, từ đó cô càng trở nên tuyệt sắc thần dị, bản sự phi phàm có thể dự đoán được tương lai, biết được hoạ phúc của con người, cứu thế độ nhân từ bi độ lượng... Sau này, Hà Tú Cô trở thành Hà Tiên cô, rời khe Vân Mẫu tới ngụ tại một trong tám động trên đảo Bồng Lai - vốn là miền thánh địa tiên cảnh của Bát Tiên…

Hà tiên cô
Sau này, Hà Tú Cô trở thành Hà Tiên Cô, rời khe Vân Mẫu tới ngụ tại một trong tám động trên đảo Bồng Lai. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Nói về Bát Tiên nay đã đủ tám, ở tại Bồng Lai, trong tám động đá, tiêu diêu nhàn lạc vô cùng… Một ngày kia Hà Tiên Cô nói với bảy Tiên nhân còn lại rằng:

- Lẽ thường Tiên ông mới thành đạo thì ra mắt Mộc Công - Đông Vương Công, còn Tiên nữ mới thành thì ra mắt Kim Mẫu - Tây Vương Mẫu. Kỳ trước Đông Vương Công mở tiệc mừng sinh nhật, Bát Tiên ta cũng đi chúc thọ. Nay Tây Vương Mẫu cũng gần tới ngày sinh nhật, chẳng hay các vị có tính đi chúc thọ hay không?...

Hán Chung Ly và Lam Thể Hòa nói:

- Tuy Tây Vương Mẫu không quản chúng ta, song Bà đứng đầu các tiên nữ, các Thần tiên đều đi phó hội, lẽ nào chúng ta lại không đi? Ngặt nỗi không biết nên chọn vật báu gì khác lạ để dâng lễ mừng thọ...

Trương Quả Lão nói:

- Tây Vương Mẫu ở cung Diêu Trì thiếu gì vật báu. Chúng ta đặt văn chúc thọ mà khánh hạ thì hay hơn.

Lý Thiết Quải khen phải. Lã Động Tân nói:

- Văn chúng ta xem ra vẫn còn hạn cuộc, ước được văn của Thái Thượng Lão Quân - Lão Tử mới xứng đáng.

Hà Tiên Cô nói:

- Thái Thượng Lão Quân hậu đãi Lý tiên trưởng - Lý Thiết Quải lắm, nếu ông mà đến đó cầu thì chắc được.

Lý Thiết Quải nói:

- Phải, nhưng đây vốn là việc của đông người, mà đi một mình ta thì thất lễ, phải chăng Bát Tiên ta cùng đi đến đó mà cầu?

Nói rồi cả tám Tiên cùng đằng vân bay về hướng cung Đâu Suất [cung Thái Vi].

thần tiên, bát tiên, tu luyện
Cả tám Tiên cùng đằng vân bay về hướng cung Đâu Suất. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Nói về Lão Tử, nghe tiên đồng bẩm báo liền nghênh tiếp Bát Tiên vào cung. Lão Tử cười mà rằng:

- Thuở nay nhà Nho hay đọc sách của ta như là: “Đạo Đức Kinh”, “Cảm Ứng Kinh”, song hiềm một nỗi nhân thế kia chỉ dùng cho thông ý tứ mà rao giảng, chứ chẳng hề làm theo lời khuyên bảo của ta. Lại còn có kẻ kiêu ngạo, chê Nho, Phật, Đạo nữa. Nên ta chẳng hề đặt sách chú thêm mà dạy đời. Nói đoạn Lão Tử thở dài ngao ngán...

Bát Tiên nghe nói đều ý vị nhìn nhau, lại thấy Lão Quân đang buồn vì lòng người không hướng Đạo, nên chẳng dám thưa việc xin văn chúc thọ.

Lão Tử hỏi:

- Chẳng hay Bát tiên đến tìm ta vì chuyện gì? Xin cứ nói ra đừng ngại.

- Lý Thiết Quả thưa lại đầu đuôi câu chuyện và mục đích Bát Tiên đến cung Thái Vi...

Lão Tử cười, đáp rằng:

- Ta vốn dĩ ít ưa việc ấy. Nhưng bởi tám vị đã có lòng tìm đến đây, nếu ta từ chối cũng không nên, thôi để ta làm một bài từ cũng đủ.

Nói rồi Lão Tử bèn múa bút, viết một bài từ trao cho Bát Tiên xem thử, đọc xong ai nấy khen ngợi vô cùng. Đoạn Bát Tiên cùng cảm tạ Lão Tử rồi lui về; họ lại tìm đến cung Chức Nữ nhờ nàng làm cho một bức trướng bằng gấm, gắn chữ sáng như sao. Rồi đem đi chúc thọ...

Lại nói về Tây Vương Mẫu, hiệu: Quy Sơn Kim Mẫu [hay Quy Đài Kim Mẫu Nguyên Quân]. Cung Khuyết của Vương Mẫu ngự trên núi Quy Sơn có thành dài ngàn dặm, lầu ngọc mười hai tòa. Bên trái có Dao Trì, bên phải có Hoàn Thúy Thủy. Dưới chân núi có Nhược Thủy, bao quanh có sóng cao nghìn trượng không có cách nào lên đến được. Vương Mẫu có một vườn đào, cây cho trái sớm nhất thì cũng phải ba nghìn năm mới kết quả, thường có mở tiệc đào tiên mời hết thảy các chư tiên về dự.

Tây vương mẫu, bát tiên, tu luyện
Vương Mẫu có một vườn đào, cây cho trái sớm nhất thì cũng phải ba nghìn năm mới kết quả. (Ảnh: Wikipedia)

Tương truyền vào Đời nhà Chu, khi văn hóa truyền thống còn hưng thịnh, đạo đức thế gian chưa bại hoại, việc Thần Phật triển hiện tại nhân gian cũng không hề là chuyện lạ... vào thuở đó, Lệ Vương cưỡi ngựa đi tuần thú khi qua hướng tây này cũng từng lập đàn xuất nguyện xin được đến diện kiến Tây Vương Mẫu và được chấp thuận. Gặp Lệ Vương, Tây Vương Mẫu có đọc một bài thơ chúc cho nhà vua như sau:

“Trời cao mấy thước mây
Muôn dặm khác đông tây
Cầu khẩn người không thác
Ngày sau đến chốn này”...

Đến đời nhà Hán, vua Võ Đế - niên hiệu Nguyên Phong, trong dân gian còn tương truyền câu chuyện rằng: Tây vương Mẫu từng giáng hạ tại đền thờ do Hán Võ Đế lập và có ban cho vua bảy trái đào tiên. Võ Đế ăn xong đến trái thứ hai rồi nhặt lấy hạt, cho truyền nội giám đem trồng. Tây Vương Mẫu bật cười mà rằng:

- Ấy là Bàn Đào, không phải như đào của thế gian, vì đúng ba nghìn năm mới có trái một kỳ, đất này của nhân gian quá mỏng trồng sao cho được.

Nói rồi quay sang thấy Đông Phương Sóc đang nhìn trộm, Vương Mẫu chỉ tay về phía Đông Phương Sóc, cười mà rằng:

- Chín nghìn năm trước, vườn đào của ta chín ba kỳ, đều bị thằng nhỏ này hái trộm ba lượt...

Lại nói về Bát Tiên đến hội Bàn Đào, thấy thần tiên đến dự rất đông... thiên nhạc vang ca, mây lành bừng sáng, Bát Tiên dâng bức trướng chúc thọ lên. Tây Vương Mẫu khen văn đặt lời rất hay. Đãi tiệc rồi, truyền mở cửa vườn Lãnh Uyển cho chúng Thần tiên đi dạo. Xem thấy vườn đào chín đỏ, vạn hoa đua nở, chim kêu như tiếng nhạc, gió ru như sáo... Có bài thơ khen rằng:

“Thiên thượng Thần tiên phủ
Nhân gian tể tướng gia
Hữu điền giai chưởng ngọc
Vô địa bất tài hoa”...

Tương truyền, vườn đào tiên được chính Vương Mẫu nương nương tự tay vun trồng, có hết thảy 3.600 cây. Phía trước là 1.200 cây với hoa nhỏ trái nhỏ, 3.000 năm mới chín, người ăn đào này thì thân thể nhẹ nhàng, thanh xuân mãi mãi. Ở giữa là 1.200 cây, hoa nở thành tầng, trái thơm quả ngọt, 6.000 năm mới chín, ăn vào có thể cưỡi mây lướt gió, bay bổng lên chín tầng thiên. Phía sau là 1.200 cây, trái tím hạt vàng, 9.000 năm mới chín, người ăn vào sẽ phúc lộc cùng trời đất, thọ ngang cùng nhật nguyệt, mãi mãi bất lão trường sinh. Cho nên nói, Bàn Đào là vật báu của thiên địa mà chốn phàm trần không thể có...

Đi dạo xong, các Thần tiên từ giã về hết. Chỉ còn Bát Tiên ở lại, Tây Vương Mẫu truyền đem tiên tửu ra thết đãi nữa, lại còn gọi thêm bốn tiên nữ tới mà nói rằng:

- Nay Bát Tiên đủ mặt, có lòng đem văn chúc thọ. Vậy các ngươi hãy hầu rượu mà tạ ơn.

Bốn nàng vâng lệnh dâng lên tám trái đào 9000 năm tuổi cho Bát Tiên, rồi rót huỳnh tương mời uống. Tây Vương Mẫu gọi bốn nàng thị nữ bảo rằng:

- Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh... bốn ngươi từ khi ca múa tại đền Võ Đế đến nay cách đã lâu. Bây giờ hãy đàn ca múa hát cho Bát Tiên vui.

Bốn nàng vâng lời. Lam Thể Hòa khen hay, rót rượu dâng lên Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu nói:

- Ta có nghe tiếng Lam Thể Hòa Tiên nhân ca hát rất hay, vậy hãy biểu diễn tài nghệ góp vui cho buổi tiệc này.

Lam Thể Hòa khiêm nhường nhiều lần không được, liền lấy cặp sanh ra vừa nhịp vừa ca. Ai nấy đồng khen hay. Tây Vương Mẫu thưởng rượu và ban đào. Lam Thể Hòa nói:

- Hàn Tương Tử Tiên nhân thổi sáo hay lắm...

- Tây Vương Mẫu bèn mời Tương Tử biểu diễn. Hàn Tương Tử vâng lời. Tây Vương Mẫu nghe xong khen rằng:

- Bản nhạc ấy rất hay, An Phát Trinh cần ghi nhớ để sau này tập luyện...

Đãi tiệc xong rồi, Bát Tiên từ tạ Vương Mẫu Nương Nương trở về, khi bay về phía Đông, Bát Tiên trông thấy sóng bên biển Đông cao lắm. Lã Động Tân nói:

- Xưa nay nghe đồn Đông Hải mà chưa xem qua phong cảnh như thế nào, sẵn dịp Bát Tiên ta bây giờ không đằng vân (cưỡi mây) nữa mà cùng giáng xuống biển cưỡi sóng Đông du một chuyến xem sao.

sẵn dịp Bát Tiên ta bây giờ không đằng vân (cưỡi mây) nữa mà cùng giáng xuống biển cưỡi sóng Đông du một chuyến xem sao.
Sẵn dịp Bát Tiên ta bây giờ không đằng vân (cưỡi mây) nữa mà cùng giáng xuống biển cưỡi sóng Đông du một chuyến xem sao. (Ảnh: Baike.baidu.com)

- Lý Thiết Quải khen: phải.

Trương Quả Lão can rằng:

- Chúng ta nay đã say cả rồi, để khi khác sẽ đi dạo cũng chẳng muộn. Hán Chung Ly nói:

- Sẵn dịp này chẳng Đông du dạo biển còn đợi cơ hội nào?

Nói chưa dứt lời, Hán Chung Ly ném cây quạt ba tiêu xuống nước, rồi nằm ngửa trên đó để mặc quạt trôi đi.

Lý Thiết Quải tháo bầu hồ lô đeo bên mình rồi thổi hơi vào, chiếc hồ lô biến thành lớn nổi bồng bềnh trên mặt nước giống như một con thuyền vậy, ông ngồi trên hồ lô tươi cười lướt sóng.

Hà Tiên Cô cũng ném lá sen xanh xuống nước, trong phút chốc lá sen hoá lớn, Tiên Cô nhẹ nhàng nhảy lên lướt sóng đuổi theo Lý Thiết Quải.

Lam Thái Hoà ném chiếc giỏ trống, đáy giỏ vừa chạm mặt nước, trong giỏ liền có hoa tươi nở rực rỡ, Lam Thái Hoà tay cầm phách ngọc rẽ sóng mà đi.

Hàn Tương Tử ném ống sáo rồi nhảy lên, ống sáo trôi như một chiếc bè lớn, Hàn Tương Tử miệng thổi sáo, chân đạp sáo rẽ sóng mà bơi sang bờ bên kia.

Lã Động Tân ném cây bảo kiếm xuống, trong vòng một trượng, sóng biển lặng yên, vị Tiên nhân này ngự trên cây bảo kiếm mà lướt tới.

Tào Quốc Cữu tháo chiếc dây lưng ném xuống biển, ông đứng trên chiếc dây lưng khổng lồ, giống như đứng trên lưng con rồng đang lắc đầu quẫy đuôi, rẽ sóng mà tiến.

Trương Quả Lão tay cầm ngư cổ - mõ cá, từ tốn lấy từ trong tay áo ra một con lừa giấy, làm phép biến thành lừa thật rồi cưỡi ngược vượt sóng mà đi... Từ đó mà trong dân gian mới truyền tụng giai thoại: “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” mà người ta thường vẫn hay kể...

Đường Tân

Hết.

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên"; Wikipedia và một số nguồn tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.8): Tú Nữ được Chân nhân tiếp độ; Bát Tiên say rượu vượt Biển Đông