Bát Tiên truyền kỳ (P.7 - Kỳ 2): Lã Động Tân tìm ra đồ đệ; Tào Quốc Cữu đắc Đạo thành Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế mới thấy Đạo gia khi xưa tuyển chọn đồ đệ nghiêm khắc biết chừng nào, giống như đãi cát tìm vàng vậy. Phải chăng tâm tính và đức độ cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người tu Đạo - Thánh nhân và phàm nhân, và phải chăng đây cũng chính là tiêu chuẩn để xác định vị trí, tầng thứ của người tu luyện?

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1) (Phần 5 - Kỳ 2), (Phần 6), (Phần 7 - Kỳ 1)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

7. Tào Quốc Cữu [tiếp...]

Ngay tức khắc Tào Quốc Cữu dốc hết sức lực, chạy thoát khỏi đám quân lính đang cố đưa ông lên kiệu. Thoát ra rồi, ông nhìn kỹ lần nữa, thì lạ thay, không còn thấy bóng dáng của viên thái giám và đám người khiêng kiệu lớn kia đâu, chỉ thấy từ không trung có một tấm thiếp màu vàng rơi xuống, trên đó viết rằng:

“Văn hỏa công lai vũ hỏa luyện
Bất kinh cửu chuyển bất thành đan
Vị tằng ma đắc trần duyên tịnh
Nan thượng Chung Nam đệ nhất sơn”...

Tạm dịch:

“Lửa nhỏ nung rèn đến lửa to
Chưa trải chín vòng, đan chẳng ra
Duyên trần nếu vẫn còn chưa sạch
Khó đến Chung Nam đệ nhất sơn”...

Sau khi đọc xong tấm thiếp, Tào Quốc Cữu lập tức hiểu ra tình huống vừa rồi chính là tổ sư Thuần Dương dùng thần thông huyễn hóa để khảo nghiệm bản thân mình rồi. May mà nhất thời còn có thể tỉnh táo nhận ra, nếu như khi nãy một chân bước vào kiệu lớn, chẳng phải bao nhiêu công sức buông bỏ tâm phàm, tầm sư học Đạo của ông đều đã đổ xuống sông xuống biển rồi sao?

Lã Động Tân tìm ra đồ đệ; Tào Quốc Cữu đắc Đạo thành Tiên
May mà nhất thời còn có thể tỉnh táo nhận ra, nếu như khi nãy một chân bước vào kiệu lớn, chẳng phải bao nhiêu công sức của ông đều đã đổ xuống sông xuống biển rồi sao? (Ảnh: baike.baidu.com)

Tào Quốc Cữu mau chóng cất tấm thiếp đó vào trong ngực áo. Và kỳ lạ thay, ngay lúc đó ông bỗng cảm thấy hai mắt sáng lên, trong miệng có vị thơm ngọt, không đói không khát, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Tào Quốc Cữu vừa cất bước đi thì cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, giống như đang đi trong mây trong gió vậy, một ngày có thể đi được lộ trình bằng ba ngày trước đây...

Một ngày nọ, Tào Quốc Cữu đi đến ngoại thành huyện Đan Phượng, nhìn thấy có một con sông trong suốt. Hỏi thăm cụ già bên đường, cụ già nói rằng đây gọi là sông Đan, thuận theo đây mà đi thì có thể nhìn thấy núi Chung Nam. Quốc Cữu rất đỗi vui mừng, bèn men theo bờ sông mà đi. Bỗng nhiên nhìn thấy có một người đang ôm lấy một khúc gỗ từ thượng nguồn trôi đến, lớn tiếng kêu cứu mạng, âm thanh nghe rất rõ ràng. Vậy là ông không màng đến bản thân mình có biết bơi hay không, cũng không kịp cởi bỏ y phục, “ùm” một tiếng nhảy vội xuống sông cứu người. Vừa hay có một cơn sóng lớn ập đến, đẩy người kia đến gần bờ. Ông dốc hết sức lực, cuối cùng cũng dìu được người đó lên bờ.

Một ngày nọ, Tào Quốc Cữu đi đến ngoại thành huyện Đan Phượng, nhìn thấy có một con sông trong suốt.
Một ngày nọ, Tào Quốc Cữu đi đến ngoại thành huyện Đan Phượng, nhìn thấy có một con sông trong suốt. (Ảnh: Angell Williams Flickr - CC BY 2.0)

Người rơi xuống nước là một cậu thiếu niên buôn bán gần chợ, Tào Quốc Cữu hỏi:

- Cậu tại sao lại bị rơi xuống sông?

Cậu thiếu niên còn chưa mở miệng, hai hàng nước mắt đã trào ra, nói:

- Cha cháu là một thương nhân buôn bán đồ cổ, quanh năm bôn ba bên ngoài. Ngày trước có nhờ người gửi một lá thư về nhà kể rằng: vì ông đã mua một cái đai ngọc nên bị quan sai bắt nhốt, nói là vật của hoàng gia, sao lại có thể rơi vào tay ông được? Vậy là cha cháu bị tình nghi là trộm, hiện giờ đang bị quan sai bắt nhốt trong nhà lao huyện Phú Thủy. Cháu từ biệt mẹ đến đây thăm cha, bởi lòng như lửa đốt, khi bước lên cây cầu bắc qua sông, chẳng may sẩy chân rơi xuống. May mà cháu ôm được một khúc gỗ từ thượng nguồn trôi đến… Nói xong lại khóc nức nở không thôi.

Tào Quốc Cữu nghe xong thì giật mình, không ngờ việc bản thân mình bán đai ngọc lại liên lụy tới người vô tội, bèn nói với cậu bé rằng:

- Cậu bé này, cái đai đó chính là tôi bán cho cha cậu. Cậu hãy cùng tôi đến huyện nha biện minh, để cho cha cậu sớm ngày được thả. Cậu thiếu niên này vốn rất hiểu chuyện, nói:

- Ân nhân, thế không phải sẽ làm làm lỡ chuyện lớn của ông sao?

- Không hề gì, không hề gì cả! Tôi là người nhàn hạ, không có chuyện gì lớn, cứu giúp cha cậu quan trọng hơn, Quốc Cữu đáp.

Lã Động Tân tìm ra đồ đệ; Tào Quốc Cữu đắc Đạo thành Tiên
Tôi là người nhàn hạ, không có chuyện gì lớn, cứu giúp cha cậu quan trọng hơn, Quốc Cữu đáp. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

- Cậu thiếu niên liền lấy từ trong ngực áo lấy ra một miếng ngọc bích, hai tay dâng lên nói:

- Ân huệ của ân nhân thật không biết lấy gì báo đáp, mong ân nhân nhận lấy vật này!

Tào Quốc cữu xoa tay liên hồi, nói:

- Cha cậu bị đai ngọc của tôi làm liên lụy, lẽ ra nên đi giải oan cho ông, nào dám mong cầu báo đáp, vật này tuyệt đối không dám nhận!

Bỗng nhiên cậu thiếu niên đó liền mỉm cười, ném miếng ngọc trong tay xuống đất, không ngờ lại hiện ra hai con hạc tiên, đang vỗ đôi cánh. Tào Quốc Cữu không khỏi kinh ngạc, định thần nhìn thử, trước mặt không còn thấy cậu bé kia đâu nữa, chỉ thấy Thuần Dương Chân Nhân, tay cầm cây phất trần đang mỉm cười.

Thuần Dương Chân Nhân phẩy cây phất trần, trong nháy mắt Tào Quốc Cữu đã thấy mình đang ngồi trên lưng một chú hạc tiên, cả hai người họ cùng bay lên núi Chung Nam.

Thuần Dương Chân Nhân phẩy cây phất trần, trong nháy mắt Tào Quốc Cữu đã thấy mình đang ngồi trên lưng một chú hạc tiên, cả hai người họ cùng bay lên núi Chung Nam. 
Thuần Dương Chân Nhân phẩy cây phất trần, trong nháy mắt Tào Quốc Cữu đã thấy mình đang ngồi trên lưng một chú hạc tiên, cả hai người họ cùng bay lên núi Chung Nam. (Ảnh: baike.baidu.com)

Tương truyền, miếng ngọc mà Quốc Cữu được Thuần Dương Chân Nhân tặng đó, sau này đã trở thành: pháp bảo trong tay Tào Quốc Cữu. Vị thân vương vốn có tâm tính thuần hậu này cuối cùng đã tu đạo thành Tiên, còn bốn câu thơ viết trên tấm thiếp vàng kia chính là bí quyết chỉ đạo quá trình tu luyện của ông.

Đôi chút luận bàn...

Tào Quốc Cữu dám buông bỏ danh phận thân vương, chia hết gia sản cho dân nghèo, quyết chí một phen vân du cầu Đạo, điều này đã đủ thấy chí hướng và tấm lòng của ông rộng lớn và cao xa biết chừng nào…

Ấy vậy mà khi gặp được Thần Dương Chân Nhân, Tào Quốc Cữu vẫn phải kinh qua vài phen khảo nghiệm mới được vị Tiên nhân này thâu là đồ đệ:

Khảo nghiệm thứ nhất: Vứt bỏ lệnh bài vua ban xuống sông, cắt đứt duyên phàm, một lòng cầu Đạo.

Khảo nghiệm thứ hai: Đang trong cơn đói khổ, cùng đường bế tắc lại có kiệu vàng tới đón hồi cung, để xem ông có hồi tâm chuyển ý hay không, có kiên định với con đường tu Đạo hay không?

Khảo nghiệm thứ ba - Vượt quan sinh tử, tu xuất từ bi: Tào Quốc Cữu không màng sống chết, xả thân nhảy xuống sông cứu người bị nạn, lại không vì tư lợi, sẵn sàng quay ngược trở lại Phú Thủy - cách núi Chung Nam, nơi ông đang tới cầu Đạo rất xa - để cứu vị thương nhân vì trước đó đã từng mua chiếc đai ngọc của ông mà bị hàm oan, hơn nữa Tào Quốc Cữu cứu người bất kể điều kiện, không cầu báo đáp, đó chính là biểu hiện của tâm thái từ bi và đại Thiện vậy.

Đương nhiên sau mấy lần thử thách, vị Tiên nhân Lã Động Tân [tên hiệu: Thuần Dương] rất lấy làm hài lòng về vị đệ tử mang dòng dõi thân vương này... Thế mới thấy Đạo gia khi xưa tuyển chọn đồ đệ nghiêm khắc biết chừng nào, giống như đãi cát tìm vàng vậy. Phải chăng tâm tính và đức độ cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người tu Đạo - Thánh nhân và phàm nhân, và phải chăng đây cũng chính là tiêu chuẩn để xác định vị trí, tầng thứ của người tu luyện?

"Bát Tiên" tới đây đã hội đủ bảy người, huyền sử về vị tiên thứ tám - Hà Tiên Cô cùng với giai thoại "Bát Tiên qúa hải" vẫn luôn được dân gian muôn đời tán thán, thực hư câu chuyện ra sao, kính mời quý độc giả đón xem tiếp phần sau.

Đường Tân

Còn tiếp… [Phần tiếp theo: Tiên nhân Hà Tiên Cô]

- Tài liệu tham khảo: “Nhân vật Tào Quốc Cữu/Uyên Giám Loại Hàm” - Dịch giả: Tiểu Thiện/epochtimes.com; "Đông Du Bát Tiên" và một số nguồn tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.7 - Kỳ 2): Lã Động Tân tìm ra đồ đệ; Tào Quốc Cữu đắc Đạo thành Tiên