Bát Tiên truyền kỳ (P.4 - Kỳ 2): Tương Tử cứu chú trên Tần Lĩnh; Hàn Dũ đi đày lại gặp Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Dũ bị đi đày đến nơi hoang vắng, rong ruổi dặm trường mấy tháng trời, ngày đêm chẳng quản, thật đúng là cơ cực không kể đâu cho hết... cứ đi mãi cho tới một ngày thui thủi nhìn quanh không một bóng nhà, mây giăng đỉnh núi mịt mù, tuyết phủ cả vùng trắng xóa, ngựa đi không được, người tiến chẳng xong, đang lúc thở dài ngao ngán thì chợt thấy phía trước có một đạo sĩ cặm cụi quét tuyết dọn đường…

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

  1. Hàn Tương Tử [tiếp...]

Lại nói về vua Đường Hiến Tông, đương thời vị hoàng đế này rất sùng kính đạo Phật. Vào khoảng năm Nguyên Hòa thứ 14 [tức năm 819] có một vị cao tăng bên Tây Vực sang xin triều kiến và dâng lên vua một bức tượng ngọc Phật, vua muốn rước tượng Phật vào cung mà thờ. Bá quan ai ai cũng đồng tình, không dám can gián. Riêng Hàn Dũ vốn tính tình cương trực lại nhất thời bất minh đem tâm phàm mà nghĩ chuyện Thần Phật, bèn dâng sớ tâu rằng:

- “Đạo Phật vốn nơi ngoại quốc truyền vào. Từ Tam Hoàng, Ngũ Đế đến vua Võ, vua Thang, vua Văn Vương, Võ Vương chưa có đạo Phật thì thiên hạ thái bình. Đến đời Hán, vua Minh Đế tiếp nhận đạo Phật vào Trung Nguyên thì nước nhà chẳng lâu dài. Sau đến đời vua Lương Võ Đế thờ Phật hết lòng, nhưng vua lại bị Hầu Cảnh vây khốn, phải chết đói tại Đài Thành, hà cớ sao Phật không cứu? Vậy cúi xin Bệ hạ biệt đãi nhà sư Tây Vực, ban cho Ngự thưởng rồi từ chối tiếp nhận tượng ngọc. Cúi xin Bệ hạ y tấu, nếu Phật có linh hiển thì xin giáng họa cho thần”...

Hàn Dũ vốn tính tình cương trực lại nhất thời bất minh đem tâm phàm mà nghĩ chuyện Thần Phật, bèn dâng sớ can gián. (Ảnh: Baidu.com)
Hàn Dũ vốn tính tình cương trực lại nhất thời bất minh đem tâm phàm mà nghĩ chuyện Thần Phật, bèn dâng sớ can gián. (Ảnh: Baidu.com)

Vua Hiến Tông vừa xem sớ xong tức thì đùng đùng nổi giận, truyền giáng chức Hàn Dũ, đày ra Triều Châu bắt tuân ý chỉ nội trong một ngày.

Hàn Dũ bị đi đày đến nơi hoang vắng, rong ruổi dặm trường mấy tháng trời, ngày đêm chẳng quản, thật đúng là cơ cực không kể đâu cho hết... cứ đi mãi cho tới một ngày thui thủi nhìn quanh không một bóng nhà, mây giăng đỉnh núi mịt mù, tuyết phủ cả vùng trắng xóa, ngựa đi không được, người tiến chẳng xong, đang lúc thở dài ngao ngán thì chợt thấy phía trước có một đạo sĩ cặm cụi quét tuyết dọn đường, Hàn Dũ bèn bước tới hỏi thăm, nhìn kỹ lại đạo sĩ kia hóa ra lại chính là Hàn Tương Tử. Hàn Dũ mừng vui khôn xiết đến độ không thốt lên lời.

Hàn Tương Tử chắp tay thi lễ, ân cần mà hỏi thúc phụ rằng:

Chẳng hay thúc phụ còn nhớ hai câu thơ trong hoa mẫu đơn ngày trước chăng?

Hàn Dũ hỏi:

- Chốn này là xứ nào?

Hàn Tương Tử thưa rằng:

- Đây là ải Lam Quan, núi này tên Tần Lĩnh.

Hàn Dũ chợt nhớ lại hai câu thơ hiện lên từ trong đóa hoa mẫu đơn trước kia, ông ta ngẩng mặt nhìn lên chốn cao xanh, vỗ ngực than rằng: "Như vậy thì số trời đã định rồi, chạy đâu cũng không khỏi."
Hàn Dũ nhớ lại hai câu thơ hiện lên từ trong đóa hoa mẫu đơn trước kia, ông ta ngẩng mặt nhìn lên chốn cao xanh, vỗ ngực than rằng: "Như vậy số trời đã định rồi, chạy đâu cũng không khỏi." (Ảnh: Wikipedia)

Hàn Dũ khi này mới chợt nhớ lại hai câu thơ hiện lên từ trong đóa hoa mẫu đơn trước kia, ông ta ngẩng mặt nhìn lên chốn cao xanh, vỗ ngực than rằng:

- Như vậy thì số trời đã định rồi, chạy đâu cũng không khỏi. Để ta nối thêm vài câu thơ nữa cho đủ bài. Nói rồi ngâm rằng:

"Nhất phong triều tấu cửu trùng thiên
Tịch biến Triều Dương lộ bác thiên
Bổn vị thánh minh trừ tệ chính
Cảm thương suy hữu tích tàn niên
Vân hoành Tần Lãnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
Tri như viễn lại ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt táng giang sơn"...

- Tạm dịch:

"Sáng vừa dâng sớ lên Hoàng Thượng
Chiều đà đày mãi tận Triều Dương
Chỉ mong chiều chính không tệ nạn
Nào quản thân già lúc quá niên

Mây giăng Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết bủa Lam Quan ngựa bước chồn
Biết rằng tiểu điệt tâm hữu ý
Nhặt nắm xương ta gửi cội nguồn"...

‎Hàn Dũ ngâm thơ xong rồi, lại đi với Hàn Tương Tử đến Lam Quan mà nghỉ. Cũng kể từ khi đó ông mới càng thêm tín Thần trọng Đạo.

Đêm ấy hai người đốt lửa, uống trà, cùng nhau tham thiền đàm Đạo đến mãi tận canh khuya. Rạng ngày hôm sau, Hàn Tương Tử đưa cho Hàn Dũ một viên linh đan, đoạn nói rằng:

- Thúc phụ hãy uống hoàn thuốc tiên này sẽ không lo sinh các bệnh, rồi ráng lấy khổ làm vui, không bao lâu sẽ được về triều.

Nói rồi từ giã. Hàn Dũ ngậm ngùi hỏi rằng:

- Ngày sau ta còn được gặp lại hiền điệt không?

Hàn Tương Tử thưa rằng:

- Không bao lâu sau, ở Triều Châu sẽ có con cá sấu thành tinh tới phá hại dân lành, khi ấy thúc phụ hãy soạn văn tế mà đuổi nó đi, nó ắt phải đi. Kế đó thúc phụ sẽ được triều đình tin dùng mà phục chức. Sau này Tương Tử sẽ về độ thúc phụ, truyền cho phép tu luyện.

Nói rồi Hàn Tương Tử từ biệt Hàn Dũ, cưỡi hạc trở về chốn non Tiên.

Quả thật về sau y như lời Hàn Tương Tử từng tiên đoán, Hàn Dũ nhờ có công dẹp cá sấu tại vùng Triều Châu mà được vua Đường Hiến Tông ban chiếu cho phục chức quan. Sau này lại nhờ Hàn Tương Tử tới hóa độ, trợ giúp ông lập chí tu Đạo thành Tiên.

Quả thật về sau y như lời Hàn Tương Tử từng tiên đoán, Hàn Dũ nhờ có công dẹp cá sấu tại vùng Triều Châu mà được vua Đường Hiến Tông ban chiếu cho phục chức quan.
Quả thật về sau y như lời Hàn Tương Tử từng tiên đoán, Hàn Dũ nhờ có công dẹp cá sấu tại vùng Triều Châu mà được vua Đường Hiến Tông ban chiếu cho phục chức quan. (Ảnh: Baidu.com)

Đôi chút luận bàn

Hàn Dũ vốn xuất thân chốn quan trường, trước nay chỉ ưa công danh phú quý, không mấy tin vào những câu chuyện Thần Tiên, tu luyện... Bởi thế, dù được Hàn Tương Tử điểm hóa, thậm chí là triển hiện phép thuật cứu giúp nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu ngộ ra, chỉ đến khi họa giáng nhãn tiền: công danh lợi lộc gần như tiêu tán cả, phải chịu lao khổ đi đày, ngựa không có lối đi, người không còn bước tiến, lâm vào cảnh đường cùng tuyệt vọng... may lại được Hàn Tương Tử một lần nữa phá mê tương trợ mới choàng tỉnh "giấc mộng huỳnh lương", buông bỏ danh-lợi-tình nhân thế mà bước theo con đường tu Đạo, cũng may vẫn còn chưa quá muộn.

Thế mới hay chấp vào công danh, lợi lộc, tình cảm, vật chất v.v. cũng giống như dùng dây mà tự trói buộc mình, lấy tay mà tự bịt mắt vô minh, khiến cho con người ta chấp mê bất ngộ, đã không tin vào chuyện nhân quả hữu báo, lại bất tín bất kính với Thần Phật... cuối cùng tự thân lại chuốc họa vào thân vậy. Nếu không có Hàn Tương Tử nhiều lần từ bi cứu độ, thử hỏi số phận của Hàn Dũ sẽ đi về đâu?

Hàn Tương Tử đắc Đạo thành Tiên xem ra cũng không phải dễ, trước đó vị Tiên nhân này đã phải vượt qua những thử thách về danh - lợi - tình: buông bỏ công danh phú quý; mặc cho thúc phụ khuyên can, kỳ vọng, thậm chí là nổi giận oán trách, Hàn Tương Tử vẫn quyết tâm từ giã Hàn gia, tìm đường tu Đạo. Về sau gặp được sư phụ Hán Chung Ly và vị sư huynh đồng môn - Lã Động Tân, Hàn Tương Tử phải vượt qua khảo nghiệm cuối cùng về quan sinh tử: Trèo ngược vách đá cao trăm thước hái đào tiên dâng sư phụ, cuối cùng ngã chết, thoát bỏ xác phàm, đắc Đạo thành Tiên.

Việc Hàn Tương Tử nhiều lần tiên đoán đúng về tương lai và số phận của Hàn Dũ đồng thời luôn xuất hiện tương trợ kịp thời phải chăng đã phần nào minh chứng cho quy luật: "Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên" của đấng tạo hóa mà ở đó số mệnh, họa phúc của mỗi cá nhân dường như đã được Trời cao an bài từ trước cả rồi? Nếu như không có sự an bài này, thử hỏi làm sao người ta có thể biết trước số phận, họa phúc của một người?

Truyền kỳ về các vị Tiên nhân trong Bát Tiên sẽ tiếp tục giải khai cho chúng ta những sự tích và thông điệp gì? kính mời quý vị đón xem phần tiếp theo...

Đường Tân

(Còn tiếp… )
[Phần tiếp theo: Tiên nhân Trương Quả Lão]



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.4 - Kỳ 2): Tương Tử cứu chú trên Tần Lĩnh; Hàn Dũ đi đày lại gặp Tiên